Ngồi chờ đón Giao Thừa, đọc lại bài thơ của người xưa, bài thơ “Chúc Tết” của Cụ Trần Tế Xương, ngẫm lại chợt thấy con tạo xoay vần. Những câu thơ xưa nhưng giá trị hiện thực bây giờ dường như càng sáng tỏ.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu…
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước đứa mua quan...
Vua quan sĩ thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
(Trích “Chúc tết” Trần tế Xương)
“Sao được cho ra cái giống người”. Giờ thấy câu thơ như một cái tát của người xưa vào xã hội hiện nay. Không khí náo nhiệt, tấp nập háo hức chờ mong tết đến thường thấy của người Việt dường như trầm lắng hẳn.
Bao nhiêu khẩu hiệu giăng mắc đầy ngoài kia với chiến thắng này chiến thắng nọ đỏ rực cả đường phố không sao che đậy hết những lo lắng trầm tư của người lao động. Những lời hứa của các quan chức cứ dần theo gió bay đi, giá cả cứ ùn ùn đẩy những đồng xu cuối cùng ra khỏi túi áo trước khi những em bé nhận phong bao lì xì.
Những bao biện của chính phủ không còn tác dụng với người dân vì những nguyên nhân làm nghèo đất nước đã hiển hiện rõ ràng, minh bạch trước bàn dân thiên hạ, có điều, nỗi hãi sợ lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu cho những ai dại mồm dại miệng lên tiếng, cho những ai cố lôi cái sự thật mà ai đó muốn ém nhẹm che đậy. Tất cả khiến cho sự câm nín bấy lâu chực chờ nổ tung trong tâm trạng chán nản đến cùng cực.
Con số hàng triệu cho đến hiện nay đối với người dân các nước vẫn còn là một con số tự hào và đáng mơ ước, chỉ có ở Việt nam thì đến kẻ ăn mày cũng chửa coi nó ra gì, bây giờ có khoe mẽ với nhau thì phải nói đến trăm tỷ, ngàn tỷ, Còn cỡ triệu tỷ thì xin nhường cho các bác quả đấm thép của chính phủ tung đòn vào mặt nhân dân bằng khoản nợ kếch sù. Đáng thương thay, người lãnh hậu quả nặng nề nhất chính là hàng triệu những công dân bé nhỏ không được phép chào đời.
Người ta thường đưa lý do nghe qua rất ư là chính đáng là đẻ ra mà không nuôi nổi thì đẻ làm gì? Đói nghèo đã làm cho con số nạo phá thai tăng vùn vụt trong những năm qua, nhiều người đã tự hỏi tại sao tôi nghèo? Tại sao gia đình tôi nghèo? Nhưng mấy ai dám hỏi rằng vì sao đất nước tôi nghèo để người dân phải lầm than khổ sở? Để người dân phải xuống tay giết ngay cả con ruột để sinh tồn. Cái tát chưa thẳng tay để day tận mặt những lãnh đạo phải chịu trách nhiệm làm nghèo đất nước.
Chuyện xưa cụ Trần tế Xương vẫn còn bóng gió, hiện nay thì vẫn còn đó những đồng chí X, còn đó những nhóm Y nhóm Z nào đó xa xôi. Một tiếng nói can đảm của nghệ sĩ Kim Chi lại chìm vào những trang mạng luôn bị bức tường lửa bao vây, dòm ngó. Còn đại đa số mấy ai biết được những tiếng nói can đảm để giác ngộ, tất cả cùng sống trong bưng bít, sống trong những mụ mị dối trá. Ngóc đầu lên thế nào.
Tỷ lệ nạo phá thai tại Việt Nam hôm nay đã nhảy lên hàng đầu, con số đó đúng là một cú tát thẳng tay vào Lương Tâm bị làm cho dị dạng của con người, cú tát của Sự Thật. Nó đã nói lên tất cả về suy đồi lẽ sống trong xã hội mà nếu ai còn có chút tự trọng đều cảm thấy cú tát ấy đớn đau thế nào. Mà có phải chúng ta chỉ có cú tát ấy đâu, những cú tát vào lịch sử, những cú tát vào nhân phẩm, vào nhân quyền… ngày càng nảy lửa giữa quan với dân.
Hãy thôi trao nhau những cú tát chết người, hãy thôi trao nhau những dối trá và trả lại cho nhau quyền sống làm người. để mà “Sao được cho ra cái giống người”. Nhìn vào vua, nhìn vào quan. Vua hãy ra vua, quan hãy ra quan. Nhìn vào dân, dân sống ra dân. Mong sao cái sự chua chat mà cụ Trần Tế Xương nhắn nhủ cho hậu thế không còn tồn tại.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 2.2013
Theo Ephata số 548