Đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chúng tôi ào về quê để hưởng thụ chút hương đồng gió nội, cũng coi như một dịp đi “nghỉ dưỡng” vì được ăn ít thực phẩm sạch mà ở thành phố thực sự rất hiếm hoi.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, đôi hồi ríu ran dăm ba câu chuyện hàn huyên, rồi tất cả xà xuống mâm cơm nóng sốt vừa hôi hổi bưng lên từ bếp. Nhìn quanh quẩn thấy thiếu cô cháu gái 13 tuổi, hỏi cháu đâu, chị dâu bảo, đang buồn, ngồi mãi ở dưới bếp chẳng chịu lên nhà. Sao mà buồn hả chị? Chị vừa mắng nó đấy, người quê mà còn bị lừa ở giữa chợ quê, rõ là cái đồ con gái vô duyên đểnh đoảng.
Hỏi ra mới biết, nhà hết trứng gà, chị sai gái lớn ra chợ mua. Con bé cầm tiền đi, hí hửng mang về 8 quả trứng, đập ra mới thấy lòng đỏ bé tí teo, vàng nhờ nhờ, lòng trắng thì lễnh loãng. Nó mua phải trứng Tàu rồi, nhục thế cơ chứ.
Tôi xuống bếp hỏi chuyện cháu, cháu ầng ậng nước mắt bảo mẹ mắng cháu vô duyên đoảng vị, nhưng mà cháu ra chợ, mua trứng của mấy bà ăn bận quần áo nhà quê, mặt cũng nhang nhác người quê mình, trong rổ lại còn cả rơm nữa, bà ấy bảo trứng nhà bà ấy mới đẻ, còn chưa đủ chục. Thế là sao hả cô?
Tôi động viên mãi cháu mới chịu vào ăn cơm. Vào bữa chuyện vui rôm rả, cả nhà mới mang ra để “rút kinh nghiệm” chuyện gái Hoa mua phải trứng gà Tàu. Đúng lúc ông chú sang chơi mới bảo: “Thôi đúng rồi, tôi chưa kịp phổ biến cho nhà bác. Này nhé, ở chợ làng mình ấy mà, có một bà lái trứng, mua cả xe tải con trứng gà Tàu, đậu vào góc khuất, rồi thuê mấy bà nhà quê, mỗi bà cầm một cái rá cũ, trong có phủ rơm, bỏ vào từng chục, có khi không đủ chục, rồi cứ đi vào chợ, gạ gẫm người ta.
Các bà ấy bảo đây này, gà nhà tôi vừa đẻ được chục trứng, bác mua giúp cho đi, gà nhà nuôi ăn thóc thả vườn trứng ngon lắm, tôi để rẻ cho, người ta bán 3.000 đồng tôi chỉ lấy bác 2.800 đồng. Nói khéo thế, nhìn cái rá cũ thâm đen, lại có cả rơm lót lòng, ai mà chẳng mắc mưu, gái Hoa bị lừa cũng phải, đừng mắng nó tội nghiệp”.
Cả nhà già trẻ lớn bé ngồi ớ ra, khiếp thật đấy, lại còn lừa nhau tinh vi đến thế cơ à? Cứ tưởng chuyện lừa lọc chỉ có ở thành phố, ai ngờ đến chợ quê mà cũng còn thế thì còn tin ai được nữa bây giờ. Mẹ tôi và chị dâu tôi ngồi ngơ ngẩn, mặt mũi cứ dại hết cả ra.
Chú em họ tôi, làm doanh nghiệp tư nhân trên thành phố nghe xong chuyện của ông chú bèn cười, chú bảo thế đã ăn thua gì chú ơi, vài cái trứng gà tẹp nhẹp. Công ty cháu đây này, cần UBND Quận Đ. đóng cho một con dấu vào giấy tờ hồ sơ, lên nộp rồi chờ năm lần bảy lượt đến hẹn mà các ông các bà ấy cứ bảo, sếp đi công tác, có nhà đâu mà ký.
Cháu bực quá rút về, rình rình đúng hôm ông sếp đang chơi tennis ngoài sân gần cơ quan, mang đến cho lão ấy ký xoẹt phát kèm cái phòng bì 500.000 đồng, hôm sau mang lên đóng dấu thế là xong. Cứ để bọn nhân viên của ông ấy ngâm tôm chắc phải mất gấp đôi, gấp ba lần số ấy. Cháu hỏi chú đấy chả phải lừa nhau là gì? Nếu cứ mang giấy tờ lên cơ quan nhà nước mà được ký với đóng dấu ngay thì bọn nó húp cháo à, rồi mình lại tính kế lừa lại thằng khác thôi.
Cha tôi nghe xong hai câu chuyện bây giờ mới thốt lên: “Xã hội bây giờ phải chăng là một chuỗi lừa đảo hoàn hảo? Ở phố thì lừa kiểu phố, ở quê thì lừa kiểu quê, thế này thì người thiện lương làm sao sống nổi, nhìn đâu cũng thấy nghi kỵ, lọc lừa. Rồi làm sao mà dám gặp ai, nói chuyện làm ăn với ai được nữa hả các con?”.
Mâm cơm đang vui cuối cùng lại trở nên trầm lắng hẳn, mỗi người đuổi theo một ý nghĩa riêng. Chỉ có cô cháu gái thì tươi tỉnh hơn vì được “minh oan”, làng này khối người bị lừa, không phải chỉ có mình cháu đâu nhé.
Cuối bữa, tôi bưng mâm ra sân rửa ráy bát đũa, mâm món gì cũng hết, chỉ có đĩa trứng tráng gà Tàu đội lốt trứng gà quê là vẫn hầu như còn nguyên, chẳng ai thèm động đũa. Nó nằm trơ lại trên mâm, cái màu vàng nhợt nhạt giả dối, cái mép trứng mỏng quẹt, quăn queo cứ vênh váo như là thách thức.
Mi An