Quyền tự do của Công dân
Hầu như hàng năm, sau mỗi kỳ có báo cáo nhân quyền của Mỹ hoăc Châu Âu, Việt Nam đều có bài học thuộc lòng và người phát ngôn lên đọc câu này:“Trước hết cần khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Mọi người dân được thực thi các quyền của mình trong khuôn khổ luật pháp”.
Cũng có khi, nhà nước Việt Nam cho gắn những câu khẩu hiệu rằng thì là “Quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc”. Thế nhưng, mỗi khi bị chỉ trích nhân quyền Việt Nam sẽ biện bạch rằng: “Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau”. Và cách “tiếp cận” như thế nào thì chắc chỉ có chính quyền Việt Nam mới hiểu và chấp nhận cách “tiếp cận” độc đáo khác với thế giới văn minh đó.
Với tôi, cứ mỗi lần có sự kiện nào đó như vụ xử các giáo dân Thái Hà năm 2009, Xử án Đoàn Văn Vươn, Thánh lễ Thụ Phong Giám mục, Đại lễ ở các Giáo phận, các bạn trẻ học tập Quyền Con người tại công viên… lập tức tôi được chăm sóc kỹ càng. Nếu không bằng Giấy Triệu tập về bài viết, thì cũng một lý do ất ơ nào đó và hôm đó lên ngồi chơi ở Sở Công an hoặc cơ quan Công an nào đó suốt thời gian sự kiện kia chấm dứt. Thậm chí không còn lý do nào hay hơn, thì được Trưởng Công an Phường có lời mời đi uống bia…
Lực lượng thường trực chắn trước ngõ nhà mỗi khi có sự kiện nào đó như biểu tình yêu nước
Riêng về biểu tình yêu nước, đã nhiều lần các đoàn thể mặt trận, cựu chiến binh, phụ nữ, phường và công an đến nhà “vận động” không đi biểu tình vì “đã có Đảng và nhà nước lo”. Thậm chí có vị còn “đã có ai xâm lược ai đâu”… nhiều đến mức phát bực và nói thẳng: Lần sau tôi không tiếp bất cứ ai về vấn đề này.
Lần này, trên mạng có thông tin Biểu tình yêu nước vào Chúa Nhật 2/6/2013, sáng thứ 7 đã nghe điện thoại của Trưởng CA Phường gọi vàomáy: Ông ở đâu đấy?
- Đang đi có việc, có gì đấy?
– Gặp nhau uống bia chút.
– Đi vắng rồi, chưa về.
– Khi nào về đấy?
– Xong việc thì về, chưa biết khi nào.
Sáng sớm Chúa Nhật:
- Này, ông đang ở đâu?
- Ở đâu thì ở chứ ông làm cái gì mà cứ như truy nã tôi thế? Tôi đã bảo đi vắng chưa về.
- Lát nữa có lên Bờ Hồ không? Có đi biểu tình không?
- Chưa rõ, nếu về kịp thì đi
Ở một đất nước mà quyền con người được tiếp cận bằng hình thức như Việt Nam, thì người dân được tự do là vậy đấy.
Cuộc biểu thị lòng yêu nước quật cường
Một lúc sau, Trưởng CA Phường vào bấm chuông, vợ tôi xuống mở cửa:
- Anh hỏi gì đấy?
- Vinh có nhà không em?
- Anh ấy đi vắng
Trưởng CA Phường xô cửa đẩy ra, vợ tôi giữ lại:
- Anh làm gì đấy? Mở cửa nhà tôi làm gì?
- Anh vào nhà tí
- Chồng tôi đi vắng, anh vào làm gì?
- Thì vào tí không được sao?
- Không được, tôi mới ngủ dậy không mời anh vào nhà được.
Thế là Trưởng CA Phường ra về và mấy chiến sĩ mặc thường phục cứ đứng phục sẵn ở ngõ nhà tôi mà không biết để làm gì. Kể ra cũng tốn tiền dân, tiền bạc cứ chi cho những việc vô bổ thế này, hèn chi cứ kêu nền kinh tế nguy ngập là chuyện không lạ.
Tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm, khi tôi về đến nơi, xung quanh dày đặc các loại công an, dân phòng, xe cảnh sát, xe bus đợi sẵn… cứ như chuẩn bị chiến tranh. Phía đầu Hàm Cá mập, một số người có mặt và dày đặc công an, chìm, nổi… đủ cả.
Khi tôi đến, đoàn người đã tập trung và bắt đầu cuộc diễu hành. Tôi đứng chụp mấy kiểu ảnh. Chiếc xe cảnh sát bắt đầu phát loa chói tai, đại loại là: “Chúng tôi ghi nhận tấm lòng của đồng bào với Tổ Quốc và dân tộc… theo quy định của pháp luật”. Thế rồi sự ghi nhận đó được thể hiện ngay lập tức bằng hành động. Hàng loạt thanh niên không sắc phục được tung ra, giật tất cả băng rôn của những người yêu nước trên tay với nội dung “Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc” “Phản đối đường 9 đoạn của Trung Quốc”…
Những cụ già cầm mảnh giấy trên tay liền có năm, bảy thanh niên trai tráng xông vào bẻ tay, giật lấy các mảnh giấy ghi lên đó tấm lòng của họ đối với Tổ Quốc. Hàng loạt người bị bắt lên xe bus, hàng loạt cảnh sát, an ninh, dày đặc bu xung quanh những em nhỏ, những người đàn bà và các cụ già, hằm hằm nhìn họ như chực nuốt sống từng người. Những phóng viên nước ngoài thấy lạ chụp ảnh, ghi hình liền bị các nữ quái chặn lại, giơ tay che máy ảnh, đuổi đi.
Tưởng như cuộc biểu tình thế là tan rã.
Nhưng không, nhóm người còn lại lại tiếp tục bước tới, và giơ cao các khẩu hiệu bằng giấy phản đối Trung Quốc xâm lược. Lần này số người còn lại tiếp tục tiến bước bên cạnh chiếc xe cảnh sát lại phát loa “Chúng tôi ghi nhận tấm lòng của đồng bào với Tổ Quốc và dân tộc…” nhưng không ai biết cái “chúng tôi” đó là ai.
Thế rồi, cuộc đàn áp lần thứ hai lại bắt đầu. Hàng loạt thanh niên lại xông vào giằng, cướp, xé và bắt đi một số người lên xe bus. Những người còn lại bị xé lẻ ra từng nhóm, mỗi nhóm, từng đàn thanh niên vây quanh và gầm gừ nhìn họ.
Rồi cuộc hành trình biểu tình yêu nước lại tiếp tục lần thứ 3. Có lẽ quá choáng trước lòng yêu nước của người dân, lần này những người biểu tình đi được một quãng khá xa. Họ không hô khẩu hiệu, họ câm lặng cầm các biểu ngữ còn lại trên tay và tiếp tục bước đi. Cả đoàn người thành một cuộc biểu tình câm. Họ không nói, nhưng tiếng thét căm hờn của họ được diễn tả qua từng ánh mắt, từng bước chân can đảm và từng con người sắt đá.
Dòng người đang đi trên đường Hà Nội nhìn họ mà thảng thốt, giật mình và tò mò. Sự câm lặng của người dân ngay dưới trời Thủ đô Việt Nam luôn lấy “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” để quảng cáo, giữa Thành phố Hà Nội vì hòa bình như một bầu không khí ngột ngạt, oi bức trước cơn bão. Tiếng loa phát thanh từ xe công an trở nên lạc lõng và vô vị. Càng phát thanh, người dân đi đường càng thấy rõ bản chất của nhà cầm quyền. Bởi ngay đằng sau lời nói là hành động ngược lại của họ.
Cuộc biểu tình yêu nước trong câm lặng giữa Thủ đô Hà Nội
Không ai được biết có cái “chúng tôi” nào mà vừa mới leo lẻo “ghi nhận tấm lòng của nhân dân với Tổ Quốc” xong, lập tức bắt, cướp, xé nát các khẩu hiệu chống Trung Cộng. Cái “chúng tôi” đó là ai, mà vừa rời khỏi miệng câu “theo quy định của pháp luật” lập tức cho hàng đàn người không sắc phục, xông vào bắt người dân lên xe bus.
Có lẽ chưa có luật pháp nước nào cho công dân được phép tự tiện bắt cóc công dân khác mà không có bất cứ một mệnh lệnh nào?
Chừng như không thể chịu nổi sự bức bối của đoàn người biểu tình câm, cuộc đàn áp lần thứ 3 lại bắt đầu và khốc liệt hơn. Những thanh niên to lớn nhận được những cái chỉ tay là xông vào người dân như con thú say mồi, những người dân không tấc sắt trong tay, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, thậm chí những em bé mới có 5 tháng tuổi trên tay mẹ. Họ không thể kháng cự, và họ buộc phải lên xe bus. Nhìn những cảnh này, chợt nghiệm thấy câu thơ của cụ Nguyễn Du ngày xưa đang ứng nghiệm: “Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi”.
Bị bắt
Tôi đang đứng bên này đường, chụp vài hình ảnh cuộc vây bắt những người biểu tình đưa lên xe ở phía bên kia. Chợt thấy một người kéo mấy người lại và chỉ tay vào tôi. Người này tôi nhận ra ngay, đó là người có tên là Khương.
Câu chuyện gặp gỡ người này cũng khá thú vị.
Ngày 1/7/2012, đoàn biểu tình chống Trung Cộng bị chặn lại trên đường Điện Biên Phủ phải tiếp tục trở lại Bờ Hồ. Tôi đang cầm máy ảnh đi trên đường, chợt một giọng nói vang lên bên tai: “Đ.M thằng này, tao đánh mày chết mẹ mày bây giờ”. Tưởng có ai đang nói người khác, tôi quay đầu nhìn lại, một bộ mặt lỳ lợm đang ghé vào tôi. Chưa hiểu hắn ta là ai, tại sao có những lời khiếm nhã kiểu ngoài chợ như vậy, chắc hắn ít tuổi hơn tôi nhiều. Ngay lập tức, bà con giáo dân và những người biểu tình vây lấy bảo vệ cho tôi. Tôi đang ngạc nhiên chưa hiểu chuyện gì, thì bà con giáo dân cho tôi biết: “Thằng này là thằng Khương, nó là an ninh tôn giáo, chúng tôi không lạ gì nó”. Tôi không tin lắm, chẳng lẽ an ninh có loại người như vậy, vì tôi không hề biết anh ta, cũng chẳng có mối liên hệ nào. Tôi cứ kệ và đi tiếp chụp hình. Chợt anh ta đi lại phía tôi khi tôi đang giơ máy ảnh và khuôn mặt anh ta lọt vào ống kính. Anh ta bảo: “Mày chụp cái l… à?”. Tôi bật cười trả lời: “Ơ, tôi tưởng là cái mặt anh chứ”? Bà con quây lại, hắn bỏ đi. Từ đó tôi mới biết người này tên Khương.
Lần đầu gặp gỡ 1/7/2012 anh ta hỏi tôi: “Mày chụp cái l… à? “
Sau sự thầm thì và cái chỉ tay của Khương, một đám người lao lại phía tôi, khi đó tôi đã bước qua đường sang phía bên này, cách đoàn người biểu tình độ mấy chục mét. Đám người vây quanh và xông vào không nói không rằng dùng vũ lực đẩy tôi đi. Tôi nói: “Các anh là ai? Tại sao lại bắt tôi? Tôi làm điều gì sai? Các anh đang vi phạm pháp luật đấy”. Một giọng nói rít qua kẽ răng: “Luật pháp là cái l…, đi ngay”.
Một đám người mặc thường phục đẩy tôi lên xe bus
Tôi bị đẩy lên xe bus chờ gần đó, không thấy bị động hay lúng túng, cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, chẳng nghĩ gì, chỉ thoáng trong đầu một câu hỏi: Sao an ninh và công an lại khoái cái l… đến mức khi nào cũng có thể nói ra mồm như thế?
Chưa kịp tìm ra câu hỏi, thì họ đã đẩy tôi lên xe bus.
(Còn tiếp)
Hà Nội, 3/6/2013, một ngày sau biểu tình yêu nước 2013