Tôi được đưa vào phòng có tờ giấy dán ở cửa “Phòng làm việc số 6”. Một sĩ quan công an vào bật điều hòa và bật quạt về phía tôi rồi hỏi: “Như vậy đã mát chưa”. Tôi đáp: “Cảm ơn anh” và anh ta ra đi sau khi để lại một câu: “Ngồi phòng Phó Giám đốc thế này thì mát quá rồi”. Còn lại tôi và cậu công an nghĩa vụ luôn tay bấm điện thọai chơi game, lát sau được bổ sung một cậu mặc thường phục cầm máy quay.
Tôi ngồi chờ và cố gắng tĩnh tâm, nhưng vẫn nghĩ đến tiếng kêu thét của Trương Văn Dũng lúc nãy tôi nghe. Có thể nhiều người sẽ được nếm những trận đòn thù kiểu đó, nhưng nếu càng làm thế, chính họ đã thú nhận họ không có chính nghĩa. Việc họ bắt từng người vào từng phòng riêng nhằm mục đích che giấu điều này.
Lâu lâu lại có một đám khi ba, khi bốn người vào rồi lại ra, họ không mặc quân phục, chừng như vào nhận diện từng người vậy. Một lúc sau, hai người vào phòng, một người nói với tôi:
- Các anh đi biểu tình như vậy, có được ích gì, chuyện biển đảo đã có nhà nước nó lo. Tôi cũng đã đọc bài phát biểu của Thủ tướng hôm qua ở Shangri-La rồi. Đấy anh thấy, ngay Thủ tướng vẫn không gọi thẳng tên thằng Trung Quốc ra. Các nước lớn mạnh trên thế giới đều sợ Trung Quốc.
Nghe buồn cười và không muốn tranh luận, tôi đáp:
- Nếu làm việc với tôi, đề nghị anh xưng danh, chức vụ và làm việc đàng hoàng trước khi làm việc. Yêu cầu anh mặc quân phục đúng quy định. Anh thông cảm, ở đây là Trại chứa toàn con nghiện và đĩ điếm nên tôi không phân biệt được ai với ai. Biết đâu tôi đang phải nói chuyện với con nghiện?
- À không, đây là anh em nói chuyện.
- Vậy thì khi nào làm việc, chúng ta sẽ nói chuyện sau, giờ tôi không có nhu cầu nói chuyện.
Anh ta và người kia ra đi.
Đại úy Hiếu đã lên Thiếu Tá sau những cuộc trấn áp người yêu nước
Một lúc sau, thiếu tá Hoàng Xuân Hiếu bước vào, ngồi xuống ghế:
- Anh thông cảm, chúng tôi cũng chỉ là nhiệm vụ thôi.
- Tôi yêu cầu anh cho biết, tôi bị bắt vào đây vì lý do gì? Còn nhiệm vụ ư? Ai cũng có nhiệm vụ, hôm nay tôi có nhiệm vụ đi chụp ảnh Bờ Hồ và đưa con đi chơi. Tại sao anh chỉ biết nhiệm vụ của anh mà không biết nhiệm vụ của người khác. Việc mình làm, đừng đổ lỗi cho nhiệm vụ. Chúng ta là con người, có trái tim và khối óc để phân biệt được đúng hay sai, nên không thể lấy cái gọi là nhiệm vụ để bao biện cho hành vi tội ác.
- Nhưng chúng tôi được lệnh thì phải mời các anh lên làm việc. (Hình: Đại úy Hiếu đã lên Thiếu Tá sau những cuộc trấn áp người yêu nước)
- Anh mời theo kiểu xã hội đen thế à? Nhà nước có quy định nào mời theo kiểu bắt cóc người khác thế không? Mời thì người được mời có quyền nhận lời mời hoặc không nhận chứ?
- Nhưng chúng tôi mời tức là yêu cầu anh phải làm việc.
- Anh là sĩ quan, vậy anh học đến lớp mấy rồi?
- Đại học An ninh.
- Anh học Đại học mà không phân biệt được khái niệm mời và yêu cầu khác nhau thế nào à? Thật tội nghiệp cho trình độ ngôn ngữ của sỹ quan học trường này ra.
- Nhưng khi mời mà anh không đi thì chúng tôi phải cưỡng chế, chẳng hạn có người báo bị mất cắp thì chúng tôi phải mời anh để điều tra. Ở đây, người ta báo các anh vi phạm.
- Vậy thì trước hết, anh phải có đơn trình báo của người đó, hoặc chính người đó có mặt để báo cho anh biết bị mất cắp thế nào chứ cứ báo là anh cho xã hội đen đi bắt về nhốt à? Tôi chính thức báo anh có đám côn đồ bắt người trái pháp luật đưa về đây đấy, anh bắt chúng về điều tra đi. Tôi có bằng chứng và nếu cần tôi làm đơn.
Còn anh, anh cho tôi xem bằng chứng, đơn báo hoặc người báo là tôi vi phạm điều gì? Tôi thách anh tìm được điều gì tôi đã vi phạm pháp luật trong ngày hôm nay, từ sáng đến giờ. Ngược lại tôi có thể chứng minh rõ ràng các anh đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
- Nhưng, tôi thi hành mệnh lệnh, khi người lính khi ra trận chỉ biết mệnh lệnh mà không cần biết đúng hay sai.
- Anh cho rằng chống lại nhân dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là ra trận à? Nghĩa là anh đang đứng về phía ngược lại với nhân dân yêu nước trong trận chiến này?
Anh ta không trả lời và ra ngoài. Tôi cũng chẳng buồn nói gì thêm. Một lúc sau, hai người không sắc phục bước vào, người này hỏi người kia: Đã thu thẻ nhớ chưa? và hỏi tôi:
- Đề nghị anh cho kiểm tra điện thoại, máy ảnh và các thứ khác.
Nói xong anh ta vồ lấy cái máy ảnh và mở ra, tôi phản đối:
- Nếu các anh làm việc, phải có biên bản, giấy tờ và theo nguyên tắc pháp luật, tự động lấy tài sản của tôi, xâm phạm đời tư của tôi là vi phạm pháp luật.
Đặt máy ảnh lại lên bàn, anh ta nói:
- Lát nữa chúng tôi sẽ kiểm tra máy ảnh, điện thoại của anh xem có tin nhắn, hình ảnh gì liên quan đến vụ việc hôm nay không thì chúng tôi xóa đi, chứ không ảnh hưởng gì đời tư của anh cả. Đề nghị anh hợp tác.
- Thế nào là không ảnh hưởng đời tư? Những thứ tin nhắn, hình ảnh của tôi mà không là đời tư à? Tại sao liên quan việc có thật hôm nay lại phải xóa? Tôi sẽ chỉ hợp tác trong những điều pháp luật quy định. Hôm nay, công an đã làm hỏng của tôi một chiếc ống kính máy ảnh, một kính mát đeo mắt và làm rơi của tôi một chiếc thẻ nhớ, lát nữa phải lập biên bản đền cho tôi.
Thế là hai người bỏ đi. Bên ngoài, anh ninh và tên Khương vẫn đi đi lại lại, thỉnh thoảng ghé qua cửa nhìn tôi, tôi nhìn lại.
Ngoài trại, tiếng hô khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” “Đả đảo tay sai bán nước” cứ vang lên từng đợt vọng vào, nhức nhối, âm vang và lay động.
Trời đã ngả về chiều vẫn không thấy ai vào “làm việc”. Tôi bồi hồi chợt nghĩ, trừ trường hợp họ dùng vũ lực đánh chết tôi tại đây hoặc họ tự lập hồ sơ và ký với nhau. Còn nếu làm việc theo pháp luật, tôi sẽ yêu cầu đúng thủ tục và quy trình thì chắc hết ngày mai vẫn chưa xong. Đã vào đây thì mấy ngày chẳng được.
Khá lâu sau, một sĩ quan có tuổi mà tôi không kịp nhìn cấp bậc bước vào:
- Anh có phải là anh Vinh không?
- Vâng, anh có việc gì?
- Thôi, mời anh về.
- Tôi đề nghị anh lập biên bản việc bắt giữ người trái pháp luật từ sáng đến giờ đối với tôi và làm mất mát, hư hỏng tài sản của tôi.
- Thôi, suốt một ngày anh em cũng mệt rồi, mời anh về nghỉ ngơi đi.
Tôi chậm rãi đứng dậy, biết rằng có nói thêm cũng chẳng để làm gì. Như vậy là một ngày đủ các thứ mưu mô, đàn áp, bắt bớ, ngăn chặn… để cuối cùng “mời anh về nghỉ ngơi” nhẹ tênh? Người sĩ quan nhìn tôi và đứng dậy giơ tay bắt. Tôi bước ra ngoài.
Ngoài cửa, bà con anh em đã đứng đầy trước cổng, tôi ra đến cổng họ ùa lấy tôi, xúc động và ấm áp. Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong và Hiền, vợ Ls Lê Quốc Quân đã cùng bà con giáo dân, anh em sang chờ tôi từ chiều. Cảm động với tấm chân tình của tất cả, chúng tôi lại hô vang: “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” “Đả đảo tay sai bán nước” ngay trước cổng trại và chờ những người còn lại.
Còn Trương Văn Dũng, người bị đánh ngay từ sáng và đánh khi đưa lên phòng vẫn cứ chưa được ra, mọi người bảo anh bị đánh rất đau. Xung quanh chúng tôi, nào dân phòng công an xã và an ninh dày đặc. Đám an ninh khiêu khích từng người dân, họ cố tình đụng chạm, gầm gừ.
Bỗng nhiên Nguyễn Chí Đức bị một đám lôi vào trong hàng rào dây kẽm gai và đánh tới tấp, tàn bạo. Mọi người xông vào ngăn cản nhưng không thể cản lại một kế hoạch đã rắp tâm thực hiện. Đám công an, dân phòng đứng phía ngoài ngăn chặn bà con tiếp cận. Chí Đức bị đánh đau và lôi xềnh xệch trên bãi đá vào đồn công an gần đó. Bên ngoài Bùi Tiến Hưng vô cớ bị một tên An ninh mặc áo trắng đánh dúi dụi vào hàng rào cùng với mấy thằng hỗ trợ. Nguyễn Văn Phương đến can thiệp liền bị nhóm hội đồng hơn chục người công an và an ninh đánh dã man. Trong đó rất rõ tay công an đã từng canh chúng tôi cả buổi chiều trong trại. Phương bị nhốt vào xe chở tù dựng sẵn ngay trước đồn công an.
Đến lúc đó, cơn giận của người dân đã không thể kiềm chế. Đồng loạt xông vào yêu cầu thả người ngay. Nhưng chiếc xe vẫn nổ máy định quay đầu bỏ chạy. Sự căm phẫn đến mức tột đỉnh. Hàng loạt người đã nằm xuống đuôi xe, nhất định không cho xe chở người bỏ chạy. Tình trạng người dân kể cả đến xem đã đến mức cực kỳ phấn khích, người dân bên ngoài hô to: “Đốt mẹ đồn của chúng nó đi”. Thấy tình hình rất có thể xảy ra quá khích, tôi nói với viên An ninh chỉ huy nhóm đó:
- Giờ thì ông định nhốt người trong đó đến khi nào xảy ra chuyện lớn mới mở, đúng không? Nếu khôn hồn, thì hãy mở thả người ngay.
Anh ta đáp:
- Vâng, sẽ cho thả ngay, anh bảo mọi người đứng dậy để thả.
- Ông nói với họ xem họ đứng dậy không, họ sẽ không bị mắc lừa các ông nữa.
Anh ta gọi người đưa chìa khóa mở xe tù, Nguyễn Văn Phương bước ra. Nhưng Chí Đức vẫn trong đồn. Người dân đòi thả Nguyễn Chí Đức đang bị đánh trong đồn. Không thấy bên công an động tĩnh, tất cả nằm ra đường Quốc lộ 3, giao thông tắc nghẽn. Cảnh sát giao thông phải đến phân luồng đi lối khác và chửi nhau loạn xị ngậu.
Trong khi mọi người đang chú ý vụ bắt Đức và Phương, Trại Lộc Hà đã cho mấy người khiêng Trương Văn Dũng vứt ra đường mới máu me đầy đầu. Kể ra, con bài kéo người về phía kia bằng vụ đánh người để thả Trương Dũng là khá cao tay. Nhưng kết quả ngoài mong đợi và không như kịch bản họ đã soạn ra. Cuối cùng, thì cũng phải thả Chí Đức, tất cả yêu cầu Trưởng Trại có trách nhiệm trong việc bắt và đánh người. Hành động vô nhân đạo bắt người, đánh người rồi vứt ra đường đã làm phẫn nộ không chỉ những người biểu tình mà cả nhân dân ngày càng đông. Bí quá, Trại phải gọi một xe cấp cứu đến nhưng riêng công an thì trốn tiệt.
Khi đó, người dân mới thấy cái uy, cái dũng, cái hùng hổ, cái bạo ngược của những viên công an buổi sáng và buổi trưa biến đâu mất. Chỉ còn lại sự lỳ lợm, bất nhân và đểu giả, hèn nhát.
Người dân đã cùng nhau lập biên bản và đưa Trương Văn Dũng đi cấp cứu cho kịp thời. Cuộc biểu tình đến đó coi như mới chấm dứt.
Từ một cuộc biểu tình chống Trung Quốc, với sự sáng suốt của những người lãnh đạo Hà Nội, họ đã tự biến những người yêu nước trở thành thế lực thù địch của họ. Như vậy, họ đã tự đứng vào hàng ngũ những kẻ chống lại người đi chống xâm lược của ngoại bang.
Một ngày với nhiều sự việc, nhiều kịch tính, nhiều diễn biến cho ta thấy nhiều điều. Nhưng, trên hết, chúng ta thấy sự bất chính, lén lút và sự tàn bạo của nhà cầm quyền Hà Nội với những tấm lòng yêu nước.
Ở đó, cũng chứng minh sự chính nghĩa, tấm lòng trong sáng vì Tổ Quốc, vì nhân dân của những người tham gia biểu tình yêu nước hôm nay. Họ không đông, nhưng có chính nghĩa trong tay.
Họ đã ngẩng cao đầu mà bước tới bất chấp bạo quyền.
Hà Nội, ngày 6/6//2013
· J.B Nguyễn Hữu Vinh