Nếu không có chuyện kẻ trộm chó xem con chó hơn tính mạng của một con người, thì không có chuyện dân đánh chết những kẻ trộm chó, và ngược lại. Câu chuyện không dừng ở trộm cắp bình thường mà, đã đi đến mức độ nguy nan cho cả một hệ thống từ văn hóa giáo dục đến kinh tế chính trị và nội an xã hội Việt đượng đại. Trách nhiệm này thuộc về của rất nhiều ban ngành trong xã hội.
Trách nhiệm đầu tiên là giáo dục đã đẻ ra những con người không còn nhân tính. Cướp tiệm vàng như Lê Văn Luyện là một cái tham lớn dẫn đến giết người cướp của là đã quá sai, nhưng cướp một lượng lớn tài sản dẫn đến giết người, thì còn có thể lý giải được do lòng tham và thiếu giáo dục. Nhưng vì một con chó mà kẻ trộm chó giết một con người để được con chó bán được vài trăm ngàn thì là một hành vi rất khó giải thích, nếu không nói là thú tính.
Trách nhiệm từ nền kinh tế đang sụp đổ do nguyên nhân từ chính trị lạc hậu là một nguyên nhân dẫn đến trộm cướp tràn lan, thì không ai chối cải được. Vì bần cùng sinh đạo tặc, dù nội an có tốt, giáo dục có tốt, mà bụng đói không còn đường kiếm sống, thì trộm cướp ắt phải có.
Trách nhiệm quan trọng hàng đầu là cơ quan an ninh nội địa - công an, cảnh sát và dân phòng - không hoàn thành trách nhiệm bảo an cho nhân dân. Đây mới là trách nhiệm sai lớn nhất của xã hội hiện tại, nhưng chẳng ai truy cứu và dám lên tiếng, vì hình như những năm gần đây, công an đã được hành động không vì nội an quốc gia, mà vì cái gì đó chưa rõ nguyên nhân.
Dưới góc nhìn xã hội học ớ phạm trù nhân quả, việc có trộm vì có kẻ tiêu thụ hàng gian. Trộm chó lộng hành vì có quán thịt chó chịu mua chó bị bắt trộm.
Cũng dưới góc nhìn nhân quả, thì tại sao có gian, mà thiếu cái chân, thiện và mỹ trong thời này? Đây là một câu hỏi tổng hợp các mối quan hệ biện chứng về văn hóa, giáo dục, kinh tế và cả an ninh nội an của xã hội. Một bài toán không dễ giải quyết trong chỉ ngày một, ngày hai, mà phải tính bằng cả thập kỷ đến thế kỷ.
Có một vấn đề đáng phải quan tâm là cũng ở trên đất nước Việt, nhưng có những phố thị có cuộc sống rất an lành, hầu như rất ít chuyện trộm cướp xảy ra. Tết âm lịch năm 2010, vợ chồng tôi về thăm quê. Quy Nhơn, thành phố biển ngày nào vẫn còn cái trinh nguyên chân chất. Cuộc sống vẫn bình thản chảy như một dòng sông hiền hòa không sóng gió. Con người vẫn thật thà như đất, không hối hả trên từng gương mặt từ già đến trẻ.
Trong đêm giao thừa, có vợ chồng người bạn mời đi uống cà phê và chờ xem pháo bông. Tôi thật ngỡ ngàng khi vào quán cà phê vào lúc ban đêm, nhưng xe thì để ở ngoài chả ai trông. Theo thói quen ở Sài Gòn, tôi không dám vào quán, mà yêu cầu chủ quán cho bàn ghế ra ngoài vỉa hè để vừa uống cà phê, vừa trông xe.
Vợ chồng người bạn hiểu ý bảo, anh chị đừng lo, ở đây chả bị mất cắp xe. Thành phố càn quét sạch những nơi tiêu thụ đồ gian, nên chả có trộm cắp. Vì có trộm đồ, thì cũng chả có ai dám tiêu thụ của gian. Nên hầu như nạn trộm cắp hầu như không đất sống.
Có lẽ, nên xây dựng văn hóa sống xã hội Việt phải bắt đầu từ nguyên nhân nội an bằng cách tìm và phạt thật nặng kể cả đi tù những nơi tiêu thụ đồ gian, và trộm cắp. Vấn đề khôi phục nền kinh tế bằng cánh cửa chính trị động theo kịp tình hình phát triển kinh tế là then chốt, để các tệ nạn xã hội giảm dần. Sau cùng, giáo dục là chuyện thế kỷ của bốn thành tố bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội.
Nguồn Bs. Hồ Hải
Asia Clinic, 11h45' ngày thứ Năm, 13/6/2013
Asia Clinic, 11h45' ngày thứ Năm, 13/6/2013