Trong đôi mắt nhuốm màu trần gian của tôi, thầy Tuệ Tâm là một nhà sư
khác thường. Thay vì an lạc giữa cõi im lặng của thiền, nhà sư theo hệ phái Phật
giáo Nam tông ở chùa Huyền Không lại nợ nần việc đời ba sinh cứu giúp bao nhiêu
con bệnh!
Thầy Tuệ Tâm và nhóm
tình nguyện gồm các sư nữ và các soeur.
Nếu
ngày xưa Đức Phật nhìn thấy 84.000 vi trùng trong một bát nước thì hôm nay người
đệ tử của Ngài, thầy Tuệ Tâm khổ nhọc với một loài virus đang hoành hành chúng
sinh với căn bệnh AIDS!
Vì
lòng bi mẫn, thầy không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội nắng mưa tìm đến với
những kẻ cùng đường.
Còn
tôi, chỉ vì tò mò mà theo chân thầy một lần về thăm nhà một bệnh nhân HIV/AIDS ở
xóm Bãi Dâu.
Tôi
không ngờ đó là chuyến đi cho tôi thêm một lần nhìn thấy sự lạ thường trong đời
sống hành đạo của thầy Tuệ Tâm.
Dưới
mưa, cúi mặt, bấm chân trên con đường nhàu nát bùn đất xóm nghèo Bãi Dâu, tôi
chẳng để ý đến nhóm tình nguyện viên của thầy Tuệ Tâm, trong đó có một nữ y tá.
Phải thôi! Chăm sóc bệnh nhân HIV phải có người của tây y là lẽ đương
nhiên.
Tôi
vừa thầm khen cung cách làm việc khoa học của thầy Tuệ Tâm thì bỗng nhiên tâm
thế rúng động! Dưới mái nhà tan hoang mưa nắng, người đàn ông gầy gò nhiễm
HIV/AIDS được giới thiệu là T. ấy chắp tay chào mọi
người.
- Dạ, con xin chào thầy! Dạ, con xin chào
soeur!
Có lẽ vì quá đớn đau nên người bệnh thành kẻ hoang tưởng, nhầm lẫn sư
với soeur chăng?! Nhưng một lần nữa tôi lại ngỡ ngàng và lần này thì không thể
có sự nhầm lẫn nào cả bởi nó vang lên từ khuôn mặt hiền hòa của thầy Tuệ
Tâm.
- A
di đà Phật! Hôm nay, thầy và soeur cùng các anh chị đây về thăm và có ít quà, ít
đồ đạc giúp anh lợp lại cái nhà!
Thiện
tai! Thiện tai! Ngần vài con người thôi trong căn nhà chật hẹp này ai là người
của nước Chúa đây? Chỉ có bộ y phục trắng của người y tá đứng sau lưng thầy Tuệ
Tâm thắp sáng căn phòng mờ tối. Soeur là bà? Thôi đúng rồi, chỉ có nữ tu mới
khăn trắng choàng đầu! Ánh mắt tôi rơi trên tấm bảng tên đính trên ngực áo người
đàn bà. Quả nhiên, trên đó không phải là danh tính một y tá mà chính là tên họ
của một soeur!
Tôi
bàng hoàng! Không bàng hoàng sao được khi trên nhiều miền đất, nhân loại đó đây
đang lâm vào cảnh máu lửa phân chia sắc tộc, tôn giáo thì đây là lần đầu tiên
trong đời, trên mảnh đất mà từng ngọn cỏ lá cây đều thấm đẫm muôn màu tâm linh,
tôi nhìn thấy những đệ tử của hai tôn giáo lớn nhất thế giới cùng đứng chung
dưới một mái nhà để mang phước lành đến với chúng sinh!
Lần
đầu với tôi nhưng hóa ra với hàng chục bệnh nhân HIV/AIDS ở Huế, đây là chuyện
thường ngày bởi mấy năm qua nhờ sự tận tâm chăm sóc của các sư và các soeur
trong ban quản lý dự án nhóm từ thiện tôn giáo do thầy Tuệ Tâm sáng lập, nhiều
bệnh nhân HIV/AIDS đã được cứu rỗi cả phần hồn lẫn phần xác!
Sau chuyến
thăm T., cũng theo thầy Tuệ Tâm, tôi lại gặp N., trái với lẽ u sầu của người
cùng đường, N.- người đàn bà vốn lấm thân vào chốn giang hồ từ năm lên 10 ấy -
lại tươi xanh từng câu chữ: “Ban đầu em không dám nghĩ đến chuyện sống, may nhờ
có sư Tuệ Tâm và các soeur chăm sóc, lo từng li từng tí nên em đã vui sống với
từng ngày trôi qua!”.
Trong
căn phòng điều trị nội ngoại trú bệnh nhân HIV/AIDS, nhìn N. hạnh phúc đón nhận
từng thìa cháo từ tay soeur Ly, tin yêu uống từng viên thuốc của thầy Tuệ Tâm,
tôi biết N. đã nói với tôi bằng cả tấm lòng thanh thản!
Người
sống như N. được cứu rỗi, người chết cũng thoát khỏi cảnh cô đơn trên đường về
cõi an lạc. Chị L. ở Điền Hương, Phong Điền sẽ trở thành xác khô trên đồi cát
nếu không có bàn tay lo liệu của những bàn tay nhân ái.
“Chúng
tôi lo liệu khâm liệm tất cả cho đến khi đóng quan tài, cái nắp quan nặng quá
nên gọi bà con ruột thịt và người làng chị L. đến giúp họ cũng lắc đầu chối từ!
- chị Hòa, nữ tình nguyện viên có mặt hôm ấy, kể với tôi - Vất vả rứa nhưng cũng
nhờ rứa mà mọi người đã hiểu ra là những bệnh nhân HIV/AIDS không đáng sợ như
mọi người nhầm nghĩ.
Bởi
họ thấy chúng tôi vẫn bình thường, không hề bị lây nhiễm chi cả. Đến lúc chôn
cất, cả làng cùng đến giúp sức rồi còn làm mâm rượu trầu cau ơn nghĩa nữa!”. Có
lẽ không nơi nào trên thế giới lại có những đám tang huyền diệu như chị L. và
nhiều bệnh nhân khác bởi trong giờ phút tạ từ dương thế, cùng một lúc linh hồn
họ chan hòa lời kinh từ hai phía, bên này các soeur cầu nguyện bên kia các sư
tụng niệm!
Bằng
tấm lòng của mình, thầy Tuệ Tâm và các soeur Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Tu viện
thánh Phao Lô không chỉ mang đến niềm an lạc cho người bệnh mà còn cảm hóa nhận
thức của nhiều người về căn bệnh thế kỷ. Noi gương thầy Tuệ Tâm và các soeur, từ
chỗ e sợ xa lánh và dù hoàn cảnh sống, tín ngưỡng, niềm tin, nghề nghiệp khác
nhau, nhiều người đã chung sức chung lòng làm tình nguyện viên, trở thành người
cha, người mẹ, người anh, người chị, người em, người bạn luôn có mặt chia sẻ với
các bệnh nhân HIV/AIDS.
Dành
dụm chắt chiu từng đồng tiền bát gạo, dưới sự điều phối của thầy Tuệ Tâm, hơn 40
tình nguyện viên tạo nên một mạng lưới chăm sóc thường xuyên cho 45 trường hợp
HIV/AIDS bằng những việc làm cụ thể. Ngoài việc thuốc thang, điều dưỡng hằng
ngày, các tình nguyện viên còn tổ chức “nấu nồi cháo tình thương” vào thứ bảy
hằng tuần, tìm hiểu từng gia cảnh khó khăn có thiếu thốn gì thì giúp đỡ từ nơi
ăn chốn ở cho đến lo việc học hành cho con cái của người
bệnh.
Biết
rằng còn nhiều kẻ khổ không ai cưu mang nên thầy Tuệ Tâm có một tâm nguyện là
làm sao để có cơ sở nuôi dưỡng bệnh nhân ở giai đoạn cuối, nhất là những đứa bé
cô đơn thiếu cha vắng mẹ. Ở Huế chưa có điều kiện, thầy lặn lội ra tận Hải Phòng
để biến ước nguyện của mình trở thành hiện thực!
Thầy
Tuệ Tâm nhiệt nồng hi vọng: “Không có niềm tin mà để cho con người sống trong cô
đơn, mọi tôn giáo đều không có giá trị! Bên Phật có tâm từ bi thì bên Chúa cũng
phép lạ cứu người như cứu mình. Chúng tôi vốn có chung một con đường đến với
nhân loại này!”.
Phật
dạy, trong việc làm người, được nghe giáo pháp là khó, vâng làm theo được càng
khó. Khó đến nỗi nhà vua và hoàng hậu Na Uy, vương quốc có phần tài trợ cho nhóm
từ thiện tôn giáo, vẫn không thể nào tin rằng có ngày hai tổ chức tôn giáo lớn
này lại có thể ngồi “chung chiếu”! Mãi đến khi sang Việt Nam, đến Huế thăm Tuệ
Tĩnh Đường, tai nghe mắt thấy soeur Điền - đại diện cho phía Thiên Chúa giáo
giải thích, rằng lý trí bảo chúng tôi phải tránh xa nhưng trái tim đã mách bảo
chúng tôi phải ngồi lại với nhau, Ngài mới ngộ ra đó là một sự thật tuyệt diệu
nằm ngoài những gì Ngài có từ trước đến nay.
Trái
tim mách bảo, tình yêu thương cao hơn lý trí, vì vậy đức Cồ Đàm và Jesus hiện
hữu không phải ở sự thống trị mà sức mạnh các Ngài chính là tình yêu thương! Cái
nồi cháo tình thương, những việc làm giản dị bụi trần nhưng sáng trong lòng nhân
ái mà sư thầy Tuệ Tâm và các soeur đỏ lửa đêm ngày ấy chính là nơi nước Chúa và
Niết bàn cùng hòa hợp trong hành động giúp chúng sinh đạt đến cõi tịnh không và
vâng lời theo Phúc âm!
Tác giả : Văn
Cầm Hải