VRNs (03.12.2013) – Ninh Bình – 167 linh mục và tu sĩ DCCT VN đã tham dự hai tuần tĩnh tâm năm tại Đan viện Châu Sơn, thuộc Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm do Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt hướng dẫn, nhóm thứ nhất từ 18 – 21.11, nhóm thứ hai từ 26 – 29.11.
Do điều kiện về phòng ốc và nơi tổ chức tĩnh tâm, nên từ ba năm nay, DCCT VN đã tổ chức hàng năm hai đợt tĩnh tâm cho mọi tu sĩ. Đợt một vào dịp các tháng hè sẽ tổ chức tĩnh tâm tại ba miền Bắc, Trung, Nam, mỗi nơi một đợt. Mỗi đợt kéo dài 4 ngày. Đợt thứ hai tổ chức vào dịp tháng kỷ niệm thành lập DCCT (thế giới: 09.11, và Việt Nam: 30.11). Đợt hai thường chia thành 4 nhóm, hai nhóm chính dành cho các cha các thầy đang thi hành sứ mạng, thường tổ chức ở cùng một nơi, cùng một người hoặc cùng một nhóm người hướng dẫn. Hai nhóm kia là nhóm quý cha quý thầy đã nghỉ hưu hoặc đang trong tình trạng bệnh tật, và nhóm các thầy Học viện.
Năm nay, đợt thứ hai đã thực hiện được cho ba nhóm, đang chuẩn bị cho nhóm thứ tư.
Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình là nơi được chọn để hai nhóm chính tĩnh tâm. Nhóm đầu có 92 thành viên tham dự, nhóm sau có 75 thành viên. Cả hai nhóm đều được ĐTGM Giuse hướng dẫn với cùng một đề tài đáp ứng nhu cầu mục vụ của năm nay là Tân phúc âm hóa.
Trong bốn ngày, ĐTGM Giuse đã chỉ cho các tu sĩ DCCT VN thấy thế giới ngày nay, thách đố của Giáo hội, nhất là tại Việt Nam, rồi dựa trên giáo huấn cũng như đời sống Chúa Yêsu Kitô, soi sáng những chọn lựa, hành động và giáo huấn của Đức Phanxicô, đương kim Giáo hoàng, từ đó rút ra những đề nghị và chỉ dẫn mục vụ cụ thể, rõ ràng.
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt đang hướng dẫn tĩnh tâm cho các tu sĩ DCCT VN
Điều ĐTGM Giuse lập đi lập lại là phải “đi ra / đi đến vùng ngoại biên”.
Về dấu chỉ thời đại, ĐTGM Giuse mời các tu sĩ DCCT VN suy niệm lại bài gợi ý của Đức Hồng Y Prosper Grech, người Malta, đọc ngày 12.03.2013, tức ngay trước giờ cuộc bầu Đức Giáo Hoàng Mới bắt đầu. Bài này đã được chính thức công bố trên Acta Apostolica Saedis số ngày 05.04 đến 03.05.2013. Bài suy niệm tập trung vào chín điểm: Tin mừng không khoan nhượng, vấp phạm của Thánh Giá, Giáo Hội của Tử Đạo, khi lời tố cáo nói sự thật, khói Satan trong Giáo hội, các ly giáo đang ló dạng, tự do tính dục và tiến bộ, số còn lại ít ỏi, và đức tin của người đơn sơ.
Liền sau đó, ĐTGM Giuse đề nghị các tu sĩ DCCT duyệt lại phát biểu của Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, trước khi được bầu làm Giáo hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Jorge Bergoglio nêu lên sáu điểm cần lưu ý: Từ dưới đi lên, garage thay vì nhà thờ, tiên tri Giôna, thánh lễ tại quảng trường, ai đứng nhất, và Giáo Hội là mẹ tôi. ĐTGM Giuse nhấn mạnh, Đức Bergoglio nói: “Một con người, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô… sẽ giúp Giáo Hội đi ra khỏi chính mình hướng về những vùng ngoại biên hiện sinh”.
Các linh mục DCCT đồng tế trên ca đài của Đan viện
Đồng tế lễ
Cũng theo ĐTGM Giuse, ý hướng của Đức Phanxicô về Tân phúc âm hóa, khi ngài chưa làm Giáo hoàng như sau:
1. Phúc âm hóa bao hàm lòng nhiệt thành tông đồ. Phúc âm hóa bao hàm một ước muốn trong Giáo Hội đi ra khỏi chính mình. …
2. Khi Giáo Hội không ra khỏi chính mình để phúc âm hóa, Giáo Hội trở nên “qui ngã” và sau đó bị nhuốm bệnh …
3. Khi Giáo hội qui ngã nhưng không ý thức điều đó, Giáo Hội tin rằng mình có ánh sáng của riêng mình. Giáo Hội hết là mầu nhiệm mặt trăng (the mysterium lunae) và mở đường cho sự dữ lớn lao là sự thế tục hóa tinh thần (spiritual worldliness) …
4. Nghĩ về vị Giáo Hoàng tương lai, ngài phải là một con người, nhờ việc chiêm ngưỡng và tôn thờ Đức Giêsu Kitô, giúp Giáo Hội ra đi, đến những vùng biên hiện sinh, giúp Giáo Hội trở nên người mẹ sinh hoa trái, sống niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc phúc âm hóa.
Lời kinh làm ngây ngất lòng
Cứ từ từ với những chứng từ rất thế giá như thế đến những bằng chứng cụ thể đang diễn ra tại xã hội và Giáo hội Việt Nam, ĐTGM Giuse chỉ cho các tu sĩ DCCT VN thấy phải đi ra ngoài biên, ngoại vi. Theo ĐTGM Giuse, điều này không mới lạ, mà ngay trong Thánh Vịnh thời xưa cũng đã dùng đến hình ảnh Áo chầu Aharon. Trên áo chầu Aharon có ghi tên 12 chi tộc Israel. Dầu quý, dầu thánh hiến được đổ trên đầu, chảy xuống râu, xuống áo chầu và tràn xuống gấu áo chầu. ĐTGM Giuse cho biết, Nhóm phiên dịch các Giờ kinh phụng vụ thì dịch là “xuống cổ” áo, nhưng cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn thì dịch là “xuống gấu” áo. Dầu chạy xuống “gấu” áo rõ nghĩa và đúng hơn. Tức là dầu thánh hiến không chỉ đổ trên tư tế cho dân Chúa, mà còn cho dân ở ngoại biên, ngoại vi của dân Chúa.
Từ dấu chỉ và qua đó là lời mời gọi, ĐTGM Giuse khơi lên nhiệt huyết thừa sai nơi các tu sĩ DCCT VN qua việc nhận ra tình trạng tội nhân của chính mình, khám phá lại ơn gọi, tìm kiếm một phương pháp mới, xây dựng những nhịp cầu, ra khỏi chính mình và Phúc âm của lòng thương xót.
Từ trái sang: Cha Giám tỉnh DCCT VN, ĐTGM Giuse và Cha Phó bề trên Đan viện
Về xây dựng những nhịp cầu, ĐTGM Giuse cho biết: “Trong tiếng Latin từ pontifex, hay Giáo Hoàng có nghĩa là ‘người xây dựng những nhịp cầu’”. Sau khi nói về các nhịp cầu của Chúa Yêsu đã làm với người nghèo, người tội lỗi và dân ngoại, ĐTGM Giuse chỉ ra 11 nhịp cầu do Đức giáo hoàng Phanxicô đã gây dựng hoặc tiếp tục gây dựng: Với người vô thần, Với Do thái giáo, Với Anh giáo, Với Hồi giáo, Với Chính thống giáo, Với tù nhân, Với người tị nạn, Với người nghèo, Với người thất nghiệp, Với bệnh nhân, Với miền ngoại biên.
Kỳ tĩnh tâm tuy ngắn, nhưng hầu hết các tham dự viên đều cảm nhận được lời mời gọi mạnh mẽ của Thiên Chúa với cá nhân mỗi tu sĩ và với cả Tỉnh Dòng là phải ra đi đến với “miền ngoại biên”.
Các tu sĩ, linh mục DCCT tĩnh tâm đợt II
PV. VRNs