Báo cáo mới đây của nhóm bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) cho biết, quần áo trẻ em được sản xuất tại 2 cơ sở may mặc lớn nhất tại Trung Quốc có chứa các chất độc hại nguy hiểm, trong đó có cả NPE- một loại hợp chất hữu cơ có khả năng gây vô sinh.
Quần áo trẻ em tại 2 cơ sở sản xuất may mặc lớn nhất tại Trung Quốc chứa chất độc nguy hiểm
Tờ USA Today hôm 17/12 đưa tin, kết quả thử nghiệm của tổ chức Hòa bình xanh đối với 85 mẫu quần áo trẻ em, trong đó có nhiều mẫu xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, tại 2 trung tâm sản xuất hàng may mặc ở Trực Lệ (Chiết Giang) và Thạch Sư (Phúc Kiến) cho thấy một số mẫu quần áo có chứa NPE và antimon . Đây đều là 2 loại hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng vì có khả năng ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Trong đó, NPE là một hợp chất hữu cơ được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như sản xuất sơn, sản xuất nhựa, hóa chất bảo vệ thực vật, công nghiệp điện tử, công nghiệp giấy, công nghiệp dệt…có khả năng phá vỡ các hormone chức năng trong cơ thể sống và phá hủy tuyến nội tiết, làm mất hoặc giảm khả năng sinh sản. Còn antimon cũng một nguyên tố hóa học được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất đạn chì.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Lý Chính An, một thành viên của tổ chức Hòa bình xanh khu vực Đông Á tại Bắc Kinh nhấn mạnh: Bất chấp những mối nguy hại tiềm tàng tới người sử dụng, giới chức lãnh đạo địa phương vẫn án binh bất động, không đưa ra được một phương án giải quyết hiệu quả nào. Vì vậy, cuộc khảo sát này nhằm gây áp lực hơn nữa tới chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế, ngay chính các cơ quan giám sát chất lượng của Trung Quốc cũng phải thừa nhận quần áo trẻ em của nước này có chứa các chất độc hại. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh thực hiện hồi tháng 6/2013 cho thấy, 38% mẫu quần áo trẻ em không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, thay vì thắt chặt các biện pháp quản lý, Tổng Cục Giám sát Chất lượng của Trung Quốc chỉ dừng lại ở việc đưa ra những lời khuyên cho người tiêu dùng và các bậc phụ huynh nên mua những loại quần áo sáng màu và giặt sạch nhiều lần trước khi mặc.
Trung Quốc hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Trong đó, quần áo trẻ em đang là mặt hàng có tốc độ phát triển chóng mặt tại quốc gia này. Theo dữ liệu của Hòa bình xanh, 2 trung tâm may mặc ở Trực Lệ và Thạch Sư chiếm tới 40% tổng sản lượng quần áo trẻ em của Trung Quốc. Riêng các cơ sở may mặc Thạch Sư xuất khẩu tới 80% sản lượng hàng may mặc tới các thị trường chính như Trung Đông, châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á.
Thực tế, ngay tại Việt Nam, các mặt hàng may mặc, đặc biệt là quần áo trẻ em “made in China” cũng đang làm mưa làm gió trên thị trường, nhất là vào thời điểm thời tiết chuyển mùa. Điều đáng nói là sau những cảnh báo về những chất độc hại chứa trong các mẫu quần áo của Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã cẩn trọng tìm mua sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Bằng chứng là thời gian gần đây, các cửa hàng Việt Nam xuất khẩu hay hàng “made in Việt Nam” đang trở thành xu hướng mua sắm, thu hút đông đảo người tiêu dùng. Đặc biệt là trong những ngày đông rét buốt, nhu cầu mua sắm quần áo của người tiêu dùng ngày càng bùng nổ. Tuy nhiên, với bài toán lợi nhuận, nhiều cửa hàng “made in Việt Nam” thực chất vẫn là hàng Trung Quốc được “mông má” lại bằng cách gắn mác Việt Nam cho các mẫu quần áo nhập từ Trung Quốc để dễ bề “hét giá”. Bên cạnh đó, nhiều khi các cửa hàng quần áo treo biển hàng Việt Nam nhưng thực chất cũng chẳng có gì đảm bảo đó không phải là đồ Tàu khi chúng ta vẫn đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc nhập khẩu nguyên liệu của Trung Quốc từ sợi chỉ cho đến cái cúc, mảnh vải…Do đó, nguy cơ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ nhiễm độc do mặc phải quần áo có chứa chất độc hại vẫn là khó tránh.
Để giảm thiểu độc hại từ các loại quần áo không được sản xuất an toàn, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên tránh các loại quần áo có mùi khó ngửi. Với những loại quần áo nhuộm, nên giặt cho đến khi ra hết màu mới sử dụng. Ngoài ra, quần áo mới mua về không nên mặc ngay, mà phải giặt nhiều lần để loại bỏ bớt chất độc bám trên đó và đem phơi nắng. Có vẻ con người càng sống trong xã hội phát triển bao nhiêu càng phải đối mặt với hiểm nguy cận kề nhiều bấy nhiêu. Qua đó mới thấy các nhà làm phim Hollywood hình như đã dự đoán trước được cả điều này khi cho ra đời những bộ phim miêu tả thế giới ngày càng vắng bóng trẻ thơ, do loài người mắc bệnh vô sinh, phải chăng lý do chính đến từ việc mặc quần áo của Trung Quốc?.
Vân Du