Thực lòng đã nhiều lần tôi muốn “tạm im lặng” quên đi việc lên tiếng vì Hoàng Sa – Trường Sa, muốn “làm ngơ” các vụ việc xâm phạm các giá trị tư do cơ bản của con người để tập trung xây dựng công ty, lo cho ba mẹ, lo cho gia đình nhỏ của tôi vốn đang bấp bênh vì kinh tế chưa ổn định
Nhưng cứ mỗi khi có “sự kiện” gì sắp xảy ra như phiên xử một tù nhân lương tâm nào đó, hoặc có lời kêu gọi biểu tình là nhà tôi lại bị gần chục an ninh thường phục và công an sắc phục canh giữ. Họ ngang nhiên ngăn cản tôi đi lại, giam lỏng tôi trong nhà cho đến hết ngày hôm đó. Trong thời gian vợ tôi đang mang thai, con tôi trong bụng đói họ cũng không cho tôi chở vợ đi ăn. Họ sẵn sàng đánh đập nếu tôi phản ứng lại, với lý do đơn giản là “vì an ninh..”.
Những việc như thế này thường xuyên diễn ra trong cuộc sống của tôi nhưng ít khi tôi chia sẻ những điều này trên facebook vì tôi nghĩ có nhiều người bạn chưa hiểu sẽ xa lánh tôi vì “sự nguy hiểm” đó. Tôi chọn cách im lặng và buộc phải xem những sách nhiễu trên là hệ quả tất yếu được tạo ra từ một cơ chế bất công ở nơi mà tôi đang sống.
Đỉnh điểm của một trong những hành vi hèn mạt đó là vào một sáng tinh mơ, khi tôi còn chưa kịp tỉnh ngủ thì ông anh gọi báo công ty tôi bị phá. Họ tạt sơn đỏ như máu khắp từ dưới lên đầy bảng hiệu. Cả công ty vệ sinh năm ngày liên tục vẫn không thể nào sạch được, nhiều khách hàng đi ngang không dám ghé vào vì nhìn vào bảng hiệu công ty thấy cảm giác ớn lạnh vì những vệt màu đỏ máu khủng bố đó. Sau đó tôi có gửi đơn tố cáo và đoạn quay camera lại hình dáng của hai tên “sơn tặc” gây án, nhưng mọi việc chẳng đi đến đâu rồi chìm vào im lặng… Tôi đành chấp nhận sống chung với tệ nạn “côn đồ” mà chế độ bất công này tạo ra vậy.
Tôi tiếp tục công việc, tiếp tục xoay sở trong bối cảnh kinh tế, kinh doanh mỗi lúc mỗi nặng nề hơn. Có vài đoàn bên phòng kinh tế quận ghé thăm, hỏi về tình hình kinh doanh, chỉ một số lỗi sai nhưng chỉ phạt nhẹ lỗi nhỏ khoảng năm triệu đồng vì thấy công ty cũng khó khăn, tôi cũng hơi cảm kích về một chút cảm thông đó của họ.
Nhưng rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, vài tháng sau, trong ba ngày liên tục đoàn thuế ghé kiểm tra, lục lọi từng hóa đơn từ lúc thành lập công ty cho đến nay khoảng được ba năm. Những thiếu sót nho nhỏ cộng dồn trong ba năm đó tạo thành một quyết định xử phạt hơn một trăm triệu đồng. Nó như một đòn giáng cuối cùng vào một công ty đang trong tình trạng khó khăn, tôi đành tuyên bố phá sản và giải thể công ty, trở về với hai bàn tay trắng.
Tôi và vợ tôi phải đi thuê nhà mới và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống, khi tôi dọn đến một căn nhà thuê ở quận 7 chưa được 24 tiếng thì chủ nhà bắt buộc chúng tôi dọn đi ngay vì sức ép từ phía công an quận. Họ sợ liên lụy và buộc chúng tôi phải đi ngay trong đêm.
Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh đêm đó, tôi phải chở vợ và đứa con sắp sinh trong bụng lang thang khắp nơi.
Một tuần sau đó chúng tôi mới kiếm được nhà thuê mới ở quận 12. Chúng tôi tạm yên ổn ở đây để đón chào đứa con trai đầu lòng của mình, hạnh phúc thiêng liêng đó không thể nào tả được, nhưng một sự bất công khác lại đến, đó là con tôi không thể làm khai sinh ở địa phương, vì theo luật là phải tạm trú trên một năm, trong khi tôi chỉ mới dọn tới. Thế mới thấy cái luật ở đất nước này nó cũng thể hiện bất công chừng nào, nó không đặt nền tảng vì con người mà vì vật chất, và người nghèo là người phải chịu nhiều nhất.
Tôi nhận được công việc mới khá tốt để tôi có điều kiện lo cho gia đình, nhưng công việc đòi hỏi tôi phải đi ra nước ngoài nhiều để nắm bắt sản phẩm phân phối cho thị trường Việt Nam. Đây cũng chính là mục tiêu công việc mà tôi muốn hướng đến khi thị trường Việt Nam suy thoái thì cách hay nhất là có thể chuyển công việc kinh doanh ra bên ngoài.
Nhưng thật không may, dịp gần đây tôi có nhận được lời mời sang Mỹ vận động cho Nhân Quyền Việt Nam từ các tổ chức NGOs thì bị ngăn cản mà không có bất cứ lý do chính đáng nào. Họ ngang nhiên tịch thu hộ chiếu và tước quyền tự do đi lại của một công dân như tôi, mặc cho tôi đã gửi đơn yêu cầu trả lời về lý do ngăn cản họ vẫn im lặng. Tôi phải hủy hết các công việc ở Campuchia, Indonesia và có nguy cơ sẽ mất luôn việc làm vì sự ngăn cấm này.
Có lẽ sống trong một chế độ bất công thì ngay cả việc tôi muốn im lặng cũng là điều không thể và tôi nhận ra rằng trước khi những quyền tự do cơ bản của con người chưa được tôn trọng thì mọi cố gắng xây dựng cuộc sống của tôi cũng giống như việc xây nhà trên cát, sẽ bị sụp đỗ bất cứ lúc nào bởi sự tùy tiện của giới cầm quyền, bởi “lý do an ninh Quốc gia”, bởi nghị định và những điều luật mơ hồ nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của phe nhóm.
Hôm nay họ có thể viện “lý do an ninh” để tước quyền đi lại của tôi và những ai họ lo sợ ảnh hưởng đến chế độ thì ngày mai họ có thể cướp đi bất cứ quyền nào với lý do tương tự. Họ có thể cướp quyền sở hữu của chúng ta vì mục tiêu xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, họ có thể cướp quyền kinh doanh ngoại tệ, vàng và bất cứ ngành nào vì lý do ổn định “kinh tế thị trường”, họ có thể cướp đất của chúng ta vì lý do xây dựng “đô thị văn minh”, và họ có thể đẩy chúng ta ra chiến trường rồi sau đó xóa chúng ta khỏi lịch sử đi như họ đã và đang làm đối với những người lính đã bỏ mạng trong cuộc chiến biên giới 1979 và Trường Sa 1988, họ cướp quyền được biết của chúng ta vì lý do “tình hữu nghị” với đảng cộng sản Trung Quốc.
Gửi yêu cầu lần 2 đến nay vẫn im lặng.
Thành công của cuộc cách mạng vô sản đến hôm nay, sau 69 năm xây dựng ở miền Bắc và 39 năm ở miền Nam có lẽ là càng ngày càng tạo ra nhiều người dân vô sản hơn, ví như tôi bây giờ, ngay cả cái quyền tự do đi lại mưu sinh cũng bị họ cướp mất. Tôi đã từng nghĩ, mình sẽ cố gắng nhẫn nhịn để bảo vệ cuộc sống gia đình, bảo vệ công việc, để duy trì hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình trước khi làm được điều gì đó cho xã hội. Nhưng quả thật, tôi nhận ra rằng, không thể sống với hai mặt cảm xúc, không thể sống với cái suy nghĩ rằng “việc của người khác không liên quan gì đến mình”. Và quan trọng hơn là tôi nhận ra rằng, liệu mình sẽ dạy dỗ con cái thế nào khi mình chọn cách ngấm ngầm im lặng để bảo vệ nó trước những bất công sai trái đầy dẫy ngoài xã hội.
Hơn ai hết lúc này tôi hiểu rằng: “Freedom is not free”, tự do không phải miễn phí. Tôi sẽ đi đến cùng để đòi bằng được quyền tự do của mình. Tôi sẵn sàng trả giá cho quyền tự do của tôi dù có bị đánh, bị bắt giam hay ám hại.
Tôi muốn là một công dân tự do, và tôi sẽ nỗ lực vì điều đó để con trai tôi nhất định sẽ được sống trong một đất nước tự do.
PAULO THÀNH NGUYỄN
Sài Gòn ngày 19/2/2014