Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Tâm thư gửi Chủ tịch nước vì chuyện cái hộ khẩu

Lê Chân Nhân
Em Đỗ Hồng Sơn, lớp 11 A5 trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân, Hà Nội, gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cầu cứu vì bị trường đình chỉ học hai tháng do chưa có hộ khẩu.


Thư có đoạn: “Cháu chỉ mong được đi học nhưng bố mẹ cháu bảo nếu phải chuyển ra trường dân lập thì cháu phải nghỉ học vì gia đình cháu không có tiền đóng học phí cho cháu. Cháu viết thư này cho Bác, mong Bác nói với cô hiệu trưởng cho cháu tiếp tục được đi học. Cháu chỉ mong muốn như vậy thôi”.


Câu chuyện của học sinh Đỗ Hồng Sơn cho thấy đến thế kỷ này dân mình còn bị cái hộ khẩu hành hạ. Cái tấm bìa “đặc sản” thời bao cấp vẫn chưa dứt ra được, nó đeo đẳng, làm tội làm tình dân mình như một nỗi ám ảnh suốt mấy chục năm qua.
(Bức tâm thư gửi Chủ tịch nước của em Sơn)




Có một thời, tấm bìa hộ khẩu gắn liền với thực phẩm, tem phiếu. Khi có cái ăn rồi thì nó lại hành cách khác. Câu đố cho người nhập cư vào các đô thị khi mua nhà là, có hộ khẩu mới được mua nhà, và có nhà mới được nhập hộ khẩu. Xin việc làm cũng vậy, có hộ khẩu mới nhận làm việc, có việc làm mới nhập hộ khẩu. Rồi một giai đoạn xin các dịch vụ như điện, nước, điện thoại, bất cứ thứ gì cũng đòi hộ khẩu.

Dứt ra được một số ràng buộc, thì chuyện con cái học hành lại rơi vào bi kịch hộ khẩu và trường hợp nam sinh trên là một ví dụ. Tất nhiên, do có quy định về hộ khẩu là một trong những điều kiện để học trường công của Sở Giáo dục Đào tại thành phố Hà Nội cho nên hiệu trường Trường THPT Trần Hưng Đạo mới có quyết định không cho em Đỗ Hồng Sơn tiếp tục học.

Nhà trường không có lỗi, bởi vì thực hiện quy định của Sở Giáo dục Đào tạo, Sở cũng không có lỗi vì đó là một trong những cách để hạn chế nhập cư và tổ chức việc học tập cho người dân có hộ khẩu địa phương. Không ai có lỗi cả, nhưng cái quy định tưởng chừng như rất hợp lý đó lại vô lý, xa rời với thực tế cuộc sống. Đối với nhiều gia đình sinh sống nhiều năm ở thành phố, nhưng là người dân lao động nghèo, họ không có nhà và không có nghề nghiệp ổn định, không nhập được hộ khẩu và cũng không đủ tiền cho con học trường dân lập, vậy thì con cái họ phải chịu thất học hay sao?

Một đất nước còn lạc hậu, phải quản lý xã hội bằng hộ khẩu, phải hạn chế tăng dân số cơ học ở các đô thị cũng bằng hộ khẩu, cho nên mới nảy sinh những hậu quả khác nhau lên đời sống người dân, trong đó có chuyện học hành.

Mong muốn của em Đỗ Hồng Sơn trong thư gửi Chủ tịch nước có thể giải quyết được ngay, nhưng còn hàng vạn trường hợp như em, Chủ tịch nước không thể đi xin chuyện học cho từng công dân.

Vấn đề là chính quyền tạo ra được các điều kiện thuận lợi nhất để mọi công dân đều được đi học. Đặc biệt, phải loại bỏ cái hộ khẩu như cái “vòng kim cô” trên đầu dân chúng càng sớm càng tốt.