Lời người dịch:
Đức Giáo hoàng Phanxicô và Giáo triều Rôma vừa kết thúc kỳ tĩnh tâm hằng năm
tại tại
Trung
Tâm “Thầy Chí Thánh”
của dòng thánh Phaolô ở Aricchia, cách Rôma khoảng 30 cây số về phía Đông Nam từ Chúa Nhật 9/3 đến thứ sáu 14/3. Đây là sáng kiến của Đức Phanxicô vì trước đây Giáo triều vẫn
thường tĩnh tâm tại Vatican.
Nhân dịp này, hãng
tin Zenit đã có cuộc trao đổi với cha Mark
Rotsaert, SJ, bề trên của Trung tâm Linh đạo Inhaxiô kiêm giáo sư Đại
học Gregoriana Rôma về ý nghĩa của Linh thao Inhã và về
vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên.
* * *
Thưa
cha, tĩnh tâm là gì? Các cuộc tĩnh tâm là do thánh Inhaxiô nghĩ ra hay chúng đã
có trước đó rồi?
Cách tĩnh tâm mà chúng ta gọi là Các cuộc thao luyện thiêng
liêng (ở Việt Nam quen gọi là Linh thao-ND) do thánh Inhaxiô khai
sinh còn các cuộc tĩnh tâm đã có trước đó nhưng chúng không có cấu trúc giống
như Linh thao.
Thánh Inhaxiô viết sách
Linh thao khởi từ 2 kinh nghiệm nền tảng:
thứ nhất là kinh nghiệm cá vị
về Thiên Chúa sau cuộc hoán cải của ngài ở Loyola khi ngài đọc sách
cuộc đời Chúa Giêsu và hạnh các Thánh, v.v.;
và thứ hai là kinh nghiệm giúp đỡ
các linh hồn khi ngài ở Manresa khoảng 11 tháng.
Lúc đó thánh Inhaxiô
vẫn là một giáo
dân và không còn là một chàng hiệp sĩ phục vụ vua Tây Ban Nha nữa
nhưng là một người khách hành hương tìm kiếm Đức Giêsu. Vì thế, ngài đã đến
Barcelona để từ đây đi hành hương Thánh địa. Ngài viết sách Linh thao là để cho
những người hướng
dẫn Linh thao chứ không phải cho những người làm Linh thao vì ai làm
Linh thao cũng phải có người hướng dẫn. Linh thao được viết ra không phải để cá
nhân tự áp dụng.
Chính vì thế mà cách tĩnh tâm
này được gọi là các cuộc thao luyện?
Linh thao là một cách tĩnh tâm khá mới mẻ khi xuất hiện vào
thế kỷ 16.
Tôi đã tìm hiểu và không thấy có bất cứ cách tĩnh tâm nào tương tự trước đó.
Linh thao được làm trong vòng 1 tháng, gồm 4 giờ cầu nguyện mỗi ngày, đôi khi
thêm 1 giờ nữa vào nửa đêm. Nét độc đáo nằm ở khoa sư phạm của Linh thao vì qua
bốn tuần cầu
nguyện, người làm Linh thao được giúp đỡ để quyết định về đời sống của mình
theo cách tốt nhất.
Một trong những điểm mới mẻ của Linh thao là việc xét nguyện,
tức là việc nhìn lại giờ cầu nguyện của mình. Sau 1 giờ cầu nguyện, thao viên
phải nhìn lại điều
gì đã xảy ra trong suốt giờ cầu nguyện vừa qua. Điều gì đã đánh động
tâm hồn tôi? Điều đó có làm cho tôi cảm thấy hoan hỷ không? Cảm xúc nào đang khuấy động
tâm hồn tôi? Những động lực nội tâm này là cách mà Thiên Chúa dùng
để ngỏ lời
với chúng ta và cũng là cách để chúng ta lắng nghe Ngài. Đó là lý do tại sao phải có người
hướng dẫn để giúp thao viên làm Linh thao, giải thích cho họ những khoảng khắc
an ủi và vui mừng tích cực, vốn sẽ gợi mở ra hướng đi sắp tới sau khi kết thúc Linh
thao.
Việc xét nguyện có thể được thực hiện ở 2 mức độ: thứ nhất
– biết được lý
do tại sao giờ cầu nguyện không tốt; thứ hai, quan trọng nhất – biết
được cách Lời
Chúa tác động đến mình. Đó là lý do tại sao thánh Inhaxiô khuyên
người hướng dẫn Linh thao không nên giải thích Tin mừng quá nhiều và để cho thao viên tự khám
phá trong giờ cầu nguyện của mình, vì điều chính yếu không phải là
hiểu biết nhưng là cảm nếm cách trọn vẹn.
Người ta
thấy nơi Đức Phanxicô một mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu đúng không, thưa
cha?
Vâng, quả là thế! Và một điều khác nữa có thể thấy đó là
điều mà thánh Inhaxiô nhắn nhủ rằng cần phải tâm sự với Chúa Giêsu như hai người
bạn vào cuối giờ cầu nguyện.
Linh thao trải dài trong 4 tuần.
Tuần thứ nhất là để bước vào tương quan với Thiên Chúa,
cầu nguyện với Ngài, phản tỉnh về tội lỗi của mình và lòng thương xót của Thiên
Chúa. Ai càng cảm nghiệm sâu xa tội lỗi của mình nhiều người đó càng cảm kích
lòng thương xót của Thiên Chúa nhiều. Thao viên kết thúc tuần I với lời tự vấn:
tôi đang làm
gì
cho Đức Kitô và sau đó kết thúc Linh thao với thao thức tôi phải làm gì
cho Đức Kitô?
Tuần thứ hai là
để chiêm niệm,
nhìn ngắm các nhân
vật trong Kinh Thánh, lắng nghe những điều họ nói với nhau và nhìn xem
điều họ làm. Khi làm như thế, thao viên đi vào chính kinh nghiệm thiêng liêng
của thánh Inhaxiô nghĩa là thao viên bước vào một mối tương
quan cá vị với Chúa Kitô không phải là Chúa Kitô của cách đây 2000
năm nhưng của hôm nay. Đây là tuần dài
nhất, được dành để chiêm ngắm đời sống công khai của Chúa Giêsu.
Tuần ba là về cuộc Thương khó và tuần bốn là về Phục sinh.
Các tu
sĩ Dòng Tên làm Linh thao mấy lần trong đời?
Trong năm thứ nhất nhà tập, và lần thứ hai trong năm tập
thứ ba sau khi đã kết thúc việc học triết học và thần học v.v. Thánh Inhaxiô
gọi năm tập thứ ba này là “trường huấn luyện con tim”
Các cuộc Linh thao đều được tổ
chức bên ngoài nơi làm việc của mình, như cuộc tĩnh tâm ở Ariccia phải không,
thưa cha?
Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng khuyến khích làm thế bởi
vì khi người ta tĩnh tâm trong chính nơi làm việc của mình người ta dễ bị cuốn
vào những công việc mình đang làm. Nhưng cũng có một phương pháp khác vốn cho
phép một người làm Linh thao suốt cả năm, theo đó mỗi ngày người đó cầu nguyện
tại nhà và phản tỉnh bằng việc xét nguyện và bằng hướng dẫn được đưa ra mỗi
tuần một lần. Thánh Inhaxiô đã cho phép điều này. Đã có lúc cách thức này đã
biến mất và đã được cha bề trên tỉnh Dòng Bỉ của tôi khôi phục lại vào đầu thập
niên 60 và đã được cha Cusson cũng như trường Đại học này nghiên cứu sâu xa hơn
khá thành công. Tuy nhiên, khi ai đó nhất nhất làm theo tất cả những gì ghi
trong sách Linh thao thì người đó đã không tuân theo hướng dẫn của thánh
Inhaxiô vì đối với ngài Linh thao phải luôn được thích nghi tùy theo từng cá
nhân.
Cũng có người chỉ trích Linh
thao của thánh Inhaxiô như một kiểu “tẩy não”
Tôi thấy buồn cười về điều này. Tôi đã viết một cuốn sách
nhỏ bằng tiếng Pháp về Linh thao và trong phần dẫn nhập tôi đã nhấn mạnh đến sự
đối nghịch rõ ràng giữa vấn đề thể dục thể chất và thao luyện tâm linh và
cũng về cái gọi là “một nỗ lực tẩy não.” - Cởi bỏ quan niệm của con ngươi cũ , mặc
lấy quan niệm của con người mới.
Ở đây có 2 nhân tố: đối
với một nhà thuyết giảng và với một người bình thường làm linh thao thì sẽ khác
nhau. Tuy nhiên không thể nghi ngờ rằng thánh Inhaxiô đã tìm thấy cách mà theo
đó đức tin của một người có thể đóng vai trò khá quyết định để người đó có thể
chọn lựa theo tự do của mình.
Đức Phanxicô thường nói về vấn
đề lương tâm như là cách mà một người lắng nghe tiếng Chúa. Điều này có nghĩa
là gì đối với một tu sĩ Dòng Tên?
Giáo hội luôn nói rằng lương tâm là một tiêu chuẩn tối hậu
trong việc đưa ra quyết định. Trong nhiều vấn đề khác cũng thế, vì dụ như trong
hôn nhân chẳng hạn, chúng ta phải tìm hiểu Giáo hội dạy như thế nào mặc dù
quyết định cuối cùng phải xét đến lương tâm. Điều này khiến ngôn từ của Đức
Giáo hoàng mang chiều kích mục vụ nhiều hơn. Nó không có nghĩa là Ủy ban Giáo lý Đức
tin của Tòa Thánh không cần phải đưa ra những chỉ dạy cần thiết, nhưng Đức Giáo
hoàng chỉ nêu lên sự thật hiển nhiên này, được xác định rất thần học, điều vốn
dĩ mỗi cá nhân
phải đối diện.
Giáo lý và luật Tự nhiên không
hề mâu thuẫn. Liệu một lương tâm ngay thẳng có đưa đến việc hiểu giáo lý không?
Quả thực, trong lịch sử Dòng Tên, các tu sĩ của Dòng đã hơn
một lần có một cái nhìn mở về thần học liên quan đến Pascal và những trường
phái cứng rắn. Thánh Inhaxiô cũng đưa ra tiêu chuẩn về điều này và Dòng Tên
phải biết cách làm thế nào để áp dụng chúng cho từng cá nhân, từng
nơi, từng thời điểm thích hợp. Ngài cũng đưa ra những quy định đối với
ứng viên muốn gia nhập Dòng nhưng cũng để ngỏ cho những khả thể ngoại lệ nếu có
lý do thật sự quan trọng hơn.
Khi Đức Giáo hoàng ngỏ lời với
mọi người, người ta có ấn tượng rằng ngài đang nhìn vào khía cạnh tốt lành nơi
lương tâm của họ ngay cả những người sẽ nói rằng chẳng có gì cả…
Đúng thế, ở
một mức độ thiêng liêng.
Nói về chuyện lương tâm, các tu sĩ Dòng Tên vốn có một
lời khấn là vâng phục Đức Giáo hoàng, sẽ không thể làm như thế. Phải
chăng vấn đề tự do lương tâm đã thấm nhập trong người Đức Giáo hoàng?
Trong Dòng Tên, chúng tôi khấn 3 lời khấn cộng thêm lời
khấn thứ tư là vâng phục Đức Giáo hoàng, cũng như một số lời hứa về nghèo khó
và tham vọng chức tước. Vì thánh Inhaxiô đã nhìn thấy rằng đây là 2 cám dỗ
thường thấy ở Rôma và rất nguy hiểm cho Giáo hội. Chúng tôi cam kết không thay
đổi luật về nghèo khó như thánh Inhaxiô muốn, trừ khi làm cho chúng thêm ngặt
hơn. Rõ ràng là việc thay đổi chưa từng xảy ra. Về chuyện tham vọng, chúng tôi từ chối
việc làm giám mục và các chức vụ khác. Dĩ nhiên trong lịch sử, Dòng có một số
giám mục vì trong một số sứ vụ do một tu sĩ Dòng Tên khởi xướng, không thể tìm
thấy ai khác đảm đương chức vụ này. Và rõ ràng thánh Inhaxiô chưa bao giờ nghĩ
đến việc một tu sĩ Dòng Tên làm giáo hoàng khi họ không thể làm giám mục…
Nhưng ĐHY Bergoglio đã chấp
nhận làm Giáo hoàng. Ngài đã xin được miễn trừ chăng?
Ngài đã được miễn trù khi được phong làm
giám mục rồi, phần sau này chỉ là hệ quả mà thôi.
Đôi khi trong đời tu có một thái độ “tốt” nào đó vốn khiến
cho tu sĩ gặp khó khăn để trả lời “không.” Đức Giáo hoàng Phanxicô thì không
như thế. Trong quyết định cư ngụ tại Nhà khách Thánh Mácta có liên hệ gì với
“agere contra” (làm điều ngược lại ước muốn-ND) không?
Rất quan trọng để có thể nói không. Trong khi nguyên tắc “làm ngược lại” là một cụm từ cần
được hiểu trong bối cảnh
của nó. Trong Linh thao, đây là cách để bước theo Chúa Giêsu và rõ ràng nếu
một người có quyền chọn lựa, người đó sẽ chọn giàu hơn nghèo. Nhưng sau khi cầu
nguyện và trò chuyện với Chúa Giêsu, người đó ao ước làm ngược lại, thế nhưng
nếu là điều cá nhân đã xin thì không nói đến chuyện chủ tâm nữa.
Đức Giáo hoàng và Giáo triều
đang tĩnh tâm theo phương pháp Linh thao do một linh mục hướng dẫn?
Hoàn toàn thì không, nhưng có lẽ có chút gì đó mang dấu ấn
của phương pháp Inhaxiô.
Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J.
Nguồn: Zenit
Chìa khóa để hiểu Đức Giáo hoàng
Phanxicô
James Martin là một
linh mục Dòng Tên, chủ bút của tạp chí America và tác giả của cuốn sách mới
được xuất bản “Chúa Giêsu: một người hành hương”
Cách đây 1 năm, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio trở thành
Giáo hoàng Phanxicô. Kể từ lúc đó, các tu sĩ Dòng Tên khắp thế giới cùng có chung
một thắc mắc: “Liệu ngài có con là một tu sĩ Dòng Tên nữa không?” Nếu có ai đó
trở thành Giáo hoàng cũng có nghĩa là trở thành người đứng đầu của tất cả các
dòng tu Công Giáo như: Phanxicô, Đaminh, Biển Đức, Dòng Tên v.v. vậy thì người
ấy có còn là thành viên của hội dòng mình nữa không?
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời câu hỏi này nhiều lần.
Trong những lần gặp gỡ với các anh em cùng dòng của ngài, ngài đã nói rằng
“Chúng ta là những tu sĩ Dòng Tên.”
Căn tính Dòng Tên của Đức Giáo Hoàng là một phương thế quan
trọng giúp hiểu vị giáo hoàng được xem là hiện tượng của thế giới này. Quả
thực, nhiều lời nói và cử chỉ vốn gây nhiều ngỡ ngàng cho thế giới của ngài bắt
nguồn một cách tự nhiên từ nền tảng Dòng Tên của ngài. Chúng ta hãy nhìn vào 5
đặc điểm của ngài:
Khiêm
nhường
Có ai không để ý đến lòng khiêm nhường của Đức Phanxicô
chăng? Cử chỉ đầu tiên trước công chúng của ngài trong tư cách Giáo hoàng không
phải là ban phép lành cho đám đông khổng lồ tại quảng trường thánh Phêrô nhưng
là xin sự sự chúc
lành của đám đông. Vài ngày sau, ngài từ chối căn hộ giáo
hoàng tại Dinh Tông tòa đồ sộ và chọn căn phòng đơn sơ tại một nhà khách của
Vatican.
Ngay trong tuần này, một bức hình chụp các thành viên của
Giáo triều tĩnh tâm năm đã cho thấy Đức Giáo Hoàng ngồi giữa họ, cùng với các Hồng Y
và giám mục, như những người tĩnh tâm khác.
Đức Giáo Hoàng ngồi giữa các giám mục và Hồng Y tại kỳ tĩnh
tâm hàng năm như tất cả mọi người.
Dĩ nhiên, khiêm nhường là một nhân đức Kitô giáo nhưng cũng
là điều mà thánh Inhaxiô Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên vào thế kỷ 16 đặc biệt
yêu cầu các linh mục và tu huynh Dòng Tên hằng ấp ủ trong lòng. Thánh Inhaxiô
đã nói đến 3 bậc khiêm nhường.
Bậc thứ nhất được minh
họa bằng hạng người không làm gì trái với luân lý.
Bậc thứ hai là người
khi đối diện với danh dự và ô danh vẫn giữ được sự “bình tâm.”
Bậc thứ ba là người
chọn con đường khiêm hạ để nên giống Chúa Giêsu hơn. Đức Giáo Hoàng
Phanxicô minh họa cho “Bậc khiêm nhường thứ ba” này.
Nghèo khó
Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và cũng là
Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một dòng tu kể từ năm 1831. Điều đó có nghĩa
ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên sống dưới “lời khấn nghèo khó” kể từ giữa thế kỷ
19. Tất cả các linh mục có nghĩa vụ phải sống giản dị nhưng thành viên của các
dòng tu tuyên khấn sống nghèo khó cụ thể. “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu…”
là lời mở đầu công thức khấn của Dòng Tên. Nói cách khác, phần tử của các hội
dòng thề hứa với Thiên Chúa sống đơn giản.
Vì thế, hầu hết thời niên thiếu – cho đến khi trở thành
giám mục và được miễn trừ khỏi lời khấn ấy, Jorge Mario Bergoglio chẳng sở hữu điều gì
cho riêng mình. Như mọi thành viên của các dòng tu, ngài sinh sống
bằng một ngân sách nghiêm ngặt. Ngài phải chuyển lại cho cộng đoàn của mình mọi
thứ ngài kiếm được và được tặng. Ngài phải xin tiền mặt khi mua sắm những
thứ nhiều tiền như một bộ áo vét chẳng hạn. Điều này làm cho Bergoglio quen với
một đời sống giản
dị
mà nhiều người ghi nhận như là một trong những phương diện lôi cuốn nhất của
ngài. Nó cũng làm gia tăng lòng thương xót của ngài không phải dành cho những
người sống nghèo khó tự nguyện như ngài, nhưng cho những người bị đẩy vào cảnh
nghèo như những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề.
Quản trị
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm cho một số nhà Vatican học
(Vaticanologists) gãi đầu bối rối khi ngài bổ nhiệm nhóm 8 Hồng Y tư vấn và trợ
giúp cho ngài trong việc cải cách Giáo triều hay bộ máy làm việc trung ương. Nhóm “G8” gồm những vị Hồng Y có tiếng đã thực hiện những thay
đổi trong những lãnh vực phức tạp như ngân hàng Vatican. Nhiều người đã tự hỏi
tại sao Đức Giáo Hoàng không dựa vào những vị lãnh đạo các văn phòng đặc trưng
của Vatican cho loại hình tham vấn chặt chẽ này. Tại sao “G8” không phải là những vị
tổng trưởng các bộ của Vatican?
Tuy nhiên, đối với các tu sĩ Dòng Tên, “cung cách hành xử”
của ngài, điều mà thánh Inhaxiô thích nói đến, quá quen thuộc. Trước khi trở
thành Tổng Giám mục Buenos Aires, cha Bergoglio đã là “giám tỉnh” hay bề trên
miền của Argentina. Như cách mà mọi giám tỉnh Dòng Tên làm, ngài đã chọn “các tư vấn” cho giám tỉnh, những
người sẽ tư vấn cho giám tỉnh về tất cả các cách thức quyết định. Vì họ thường
không làm việc trực tiếp trong việc quản trị của tỉnh, giám tỉnh có thể dựa vào
họ để nói chuyện một cách cởi mở và chân thành. Với nhóm “G8”, Đức Giáo Hoàng
đang dựa theo khuôn mẫu quản trị quen thuộc của Dòng Tên.
Cầu nguyện
Bạn sẽ thường nghe thấy Đức Giáo Hoàng nói điều gì đó tương
tự như những gì ngài đã nói trong một bài giảng lễ tại một giáo xứ ở Rôma khi ngài
đề nghị giáo dân nhắm mắt lại và tưởng tượng họ đang ở trong bối
cảnh của Tin mừng, trong trường hợp này là tại sông Jordan, nơi Chúa Giêsu chịu
phép rửa. “Bây giờ [các bạn] hãy trò chuyện với Chúa Giêsu,” Đức Giáo Hoàng nói.
Lễ Phục sinh năm ngoái, ngài đã yêu cầu người nghe tưởng
tượng mình như những người nữ môn đệ đang đến gần mộ của Chúa Giêsu trong ngày
Chúa Nhật Phục sinh. Đây là nét đặc trưng chính yếu của lối cầu nguyện của các
tu sĩ Dòng Tên: yêu cầu người ta sử dụng trí tưởng tượng của mình và thông qua
đó để Thiên Chúa
làm việc.
Trong những bài giảng, suy tư và diễn văn của mình, Đức
Phanxicô
thường không nói cho
người nghe điều họ phải suy nghĩ
cho bằng mời gọi họ
tưởng tượng và suy nghĩ về chính bản thân mình.
Không phải bạn được mời
đến gặp Chúa Giêsu của giáo hoàng
nhưng là được mời đến gặp Chúa Giêsu của chính bạn.
Sự cởi mở
Các tu sĩ Dòng Tên được yêu cầu “tìm thấy Chúa trong
mọi sự.” Một lần nữa, điều này không đơn thuần là phẩm hạnh của Dòng Tên
nhưng còn là của một Kitô hữu. Tuy nhiên, châm ngôn ngắn gọn này là cách trích
dẫn thường thấy để tóm tắt linh đạo Dòng Tên. Và “mọi sự” có nghĩa là mọi người.
Điều này bao gồm những người cảm thấy bị loại trừ, hoặc không được chào
đón trong Giáo Hội. Vì thế, dẫu cho sứ điệp của ngài dựa trên trên lòng thương
xót Kitô giáo nhưng thế giới đã chứng kiến Đức Giáo Hoàng liên tục mời gọi Giáo
Hội kinh nghiệm về Thiên Chúa ở những nơi mà một vài vị lãnh đạo Công Giáo có
thể bỏ qua hoặc lờ đi. Những người vô thần, những người ly dị và tái hôn, những người đồng tính
nam
cũng như nữ, tất cả đã nhìn thấy
Đức Giáo Hoàng đang tiếp cận với họ.
Đức Phanxicô không phải nhọc công để tìm thấy Thiên Chúa ở
đó bởi vì ngài biết rằng Thiên Chúa đã ở đó khi ngài nhắc nhở người khác tìm kiếm Thiên Chúa
trong cuộc sống của tất cả những người này.
Những đặc nét Dòng Tên khác có thể được thêm vào danh sách
như tính linh hoạt, tự
do
và ưu tư cho
công bình xã hội. Nhưng trên hết, khi các tu sĩ Dòng Tên nhìn ngắm Giáo
Hoàng, chúng tôi thường gật đầu với nhau và nói, “Đó đích thực là một tu
sĩ Dòng Tên.”
Suốt một năm qua, các tu sĩ Dòng Tên bị chỉ trích là quá tự
hào về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi là kẻ tội lỗi. Vì thế trước nguy cơ kiêu
ngạo, tôi sẽ nói rằng tôi nghĩ ngài là một Giáo hoàng, một linh mục và một tu
sĩ Dòng Tên tuyệt vời. Và tôi sẽ đánh cuộc thánh Inhaxiô hẳn cũng sẽ tự hào
hoặc ngài sẽ tự hào trong giới hạn cho phép.
Chỉnh Trần, S.J. chuyển ngữ