“Anh chị em thân mến, tôi đang lo lắng theo dõi các biến cố của những ngày vừa qua bên Iraq. Tôi mời gọi tất cả mọi người hiệp ý với tôi cầu nguyện cho dân nước Iraq thân yêu, nhất là cho các nạn nhân và cho những ai phải đau khổ nhiều vì các hậu qủa của bạo lực gia tăng. Cách riêng cho nhiều người, trong đó có biết bao kitô hữu, đã phải bỏ nhà cửa. Tôi cầu chúc cho toàn dân Iraq được an ninh, hòa bình và một tương lai hòa giải, công bằng, trong đó tất cả mọi người dân Iraq, thuộc bất cứ tôn giáo nào có thể cùng nhau xây dựng quê hương của họ, làm cho Iraq trở thành một mô thức của sự sống chung.”
Những gì đang diễn ra tại Iraq
Đêm thứ Hai 9 tháng 6 rạng ngày thứ ba, các chiến binh Hồi Giáo cực đoan lần lượt chiếm được sân bay Mosul, đài truyền hình và văn phòng thống đốc, phá các nhà tù và giải thoát hơn 1,000 tù nhân.
Cảnh sát và binh lính bỏ chạy chứ không chống cự. Các chiến binh Hồi Giáo tiếp thu thành phố dễ dàng như vào chốn không người.
Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Công Giáo Fides rằng:
"Những gì tôi có thể nói, là một bí ẩn gì đã xảy ra. Đó là không biết như thế nào mà binh sĩ và cảnh sát rút chạy khỏi thành phố trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, để lại hầu hết vũ khí và phương tiện vận tải. Tất cả điều này đặt ra nhiều câu hỏi."
Các đồn bót cảnh sát và quân đội bốc cháy, xe cộ bị đốt, bị bắn bằng hỏa tiễn nằm ngổn ngang trên đường. Nhà thờ bị cướp phá và đốt cháy.
Đức Cha Nona là Tổng Giám Mục của Mosul, nơi được coi là thánh địa của Công Giáo vì đây là vùng đất tập trung hầu hết người Công Giáo tại Iraq, cũng đã phải bỏ chạy khỏi Mosul.
Ngài nói thêm với Fides: “Tôi biết có một nhà thờ bị tấn công bởi những nhóm trộm cướp khi thành phố bị chiếm. Nhưng nhà thờ đó hiện được một số gia đình Hồi Giáo trông nom giùm.”
Nửa triệu dân chúng, phần lớn trong đó là các tín hữu Kitô bỏ chạy. Nhiều người thực sự không còn biết phải chạy đi đâu về bốn phương tám hướng đều bị thánh chiến Hồi Giáo chiếm đóng.
Đài phát thanh của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria” hô hào các lực lượng thánh chiến tiến công vào nhiều thành phố của Iraq, bao gồm cả thủ đô Baghdad.
Với việc thất thủ Mosul, Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Iraq bày tỏ âu lo là người Công Giáo đang bị bứng tận gốc khỏi quốc gia này.
Chiến binh Hồi Giáo cực đoan này là những ai?
Chúng là một phần của tổ chức khủng bố gọi là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria”, hoặc ISIS, là một nhóm tách ra từ al Qaeda, chủ trương dùng vũ lực để thành lập các nhà nước Hồi Giáo Sunni theo luật Sharia tại Iraq và Syria.
Saddam Hussein là nhà độc tài đã cai trị Iraq từ tháng 7 năm 1979 đến ngày 9 tháng Tư năm 2003. Chính sách độc tài của ông triệt tiêu các mầm móng của các loại chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan tại nước này vì chúng đe doạ trực tiếp đến quyền lực của ông.
Sau khi Hoa Kỳ tấn công vào Iraq năm 2003, một khoảng trống quyền lực được hình thành và là mảnh đất phì nhiêu cho các loại Hồi Giáo cực đoan phát triển. ISIS đã được Al-Qaeda hình thành tại miền Tây Iraq gây ra nhiều thương vong cho quân đội Hoa Kỳ. Trong năm 2006, viên chỉ huy khát máu Abu Musab al-Zarqawi đã bị giết chết trong một cuộc tấn công của Mỹ.
Khi Hoa Kỳ rút dần khỏi Iraq, ISIS được tái tổ chức dưới quyền của Abu Bakr al-Baghdadi, một người được coi là hậu duệ xứng đáng của Osama Bin Laden trong viễn tượng của một Trung Đông dưới sự cai trị của các nhà nước Hồi Giáo cực đoan.
ISIS tăng trưởng mạnh trong cuộc chiến tại Syria và thu hút nhiều thành viên từ các quốc gia khác bao gồm cả châu Âu cũng như Chechnya, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều chiến binh từ các quốc gia Ả Rập khác, bị thu hút bởi cuộc xung đột ở Syria.
Từ khi Hoa Kỳ rút hết khỏi Iraq vào năm 2011, ISIS đã chiếm được nhiều thành phố của Iraq. Nhưng đặc biệt là trong nhiều tháng qua, lực lượng an ninh Iraq, do Hoa Kỳ đào tạo với chi phí hàng tỷ đô la, đã chứng minh không thể cầm cự nổi với ISIS. Quân đội và cảnh sát của thủ tướng Nuri al-Maliki lần lượt bỏ chạy khỏi Fallujah và Ramadi và nay đến lượt Kirkuk và Mosul. Cả thị trấn dầu hỏa Baiji ở tỉnh Salaheddin cũng rơi vào tay quân thánh chiến Hồi Giáo.
ISIS đã bắt đầu áp đặt luật Sharia ở các thị trấn của Syria do nó chiếm được như Raqqa, buộc phụ nữ đeo khăn trùm mặt trong bộ đồ niqab, cấm tất cả các loại âm nhạc công cộng và triệt hạ các nhà thờ Kitô Giáo.
Tình hình Iraq đang đen tối dần đối với các Kitô hữu
Trong khi Iraq đang gặp khó khăn rất nhiều do những vụ đánh bom bằng xe hơi hàng ngày và các cuộc tấn công tự sát, quy mô của cuộc tấn công vào Mosul - và cuộc khủng hoảng nhân đạo gắn liền với nó - là tín hiệu rất trầm trọng cho sự ổn định của đất nước.
Theo Liên Hiệp Quốc, năm ngoái là năm bạo lực nhất trong 5 năm qua tại Iraq, với hơn 8.800 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường.
Trong năm nay, gần nửa triệu người đã phải tản cư khỏi tỉnh Anbar là trung tâm các trận đánh giữa ISIS và lực lượng chính phủ.
Ngoài ra, còn có những lo ngại rằng các chiến binh Hồi Giáo nước ngoài đang hoạt động với ISIS có thể quay trở lại quê hương của họ, ở châu Âu và các nơi khác, và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở đó. Lo lắng này tỏ ra có cơ sở vì trong tháng qua bốn người Do Thái đã bị giết tại Bảo tàng Do Thái ở Bỉ.