Năm 1989, trước tình trạng Khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô khủng hỏang tòan diện, đảng Cộng sản giao nhiệm vụ tìm hiểu về “Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?” cho Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách.
Qua nghiên cứu thực tế ông Bách đã kết luận Việt Nam cần phải tìm một hướng đi riêng và cần nhịp nhàng đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị: “Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Đáng tiếc, đảng Cộng sản đã không chấp nhận còn trù dập ông, rồi quay sang Trung Quốc vay mượn Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc nước này.
Thiếu tư tưởng hướng dẫn đảng Cộng sản càng ngày càng đưa đất nước vào ngõ cụt…
… đi mà không rõ đi đâu
Ngày 22-12-2014 vừa qua tại cuộc hội thảo do Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thú nhận: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được…”
Chắc bạn đọc vẫn nhớ ngày 23-10-2013 trước Quốc Hội, Nguyễn Phú Trọng đã cho biết: ”… xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”
Và vào cuối năm 2013, tại Học viện Chính trị quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Mô hình mà ông Vinh nhắc đến là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là bản sao của mô hình Trung Quốc.
… Việt – Trung đi đúng hướng
Là mô hình đảng trị với 4 trụ cột căn bản là: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xã hội xã hội chủ nghĩa và văn hóa theo bản sắc Trung Quốc.
Tạp Chí Cộng Sản Online, ngày 28-11-2014, vừa qua đã đăng bài “Góp phần tìm hiểu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc”, bài viết đã giải thích lý do đảng Cộng sản đeo đuổi mô hình như sau:
“…do cả Việt Nam và Trung Quốc đều chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đều lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng lý luận.
Ngoài ra, thời gian qua do quan hệ hợp tác và giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi nên, lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được các học giả Việt Nam rất quan tâm và về cơ bản những nội dung quan trọng nhất của hệ thống lý luận này được các học giả Việt Nam nắm bắt kịp thời.
Mặt khác, công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc và đổi mới, mở cửa của Việt Nam gần 30 năm qua có nhiều điểm giống nhau nên nghiên cứu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để rút ra những bài học kinh nghiệm, tham khảo cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một việc làm cần thiết…”.
Điều lý thú là bài viết lại nhìn ra thực tế:
“… xã hội Trung Quốc hiện nay cũng đang đứng trước vô vàn vấn đề gay gắt với nhiều thách thức và nguy cơ. Đó là sự phân hóa xã hội, sự phân hóa vùng miền, sự ô nhiễm môi trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, bạo lực xã hội, các hành động cực đoan, chia rẽ, ly khai, sự tham nhũng, cửa quyền, sự bất ổn xã hội, vi phạm dân chủ,… Sự ổn định của kinh tế – xã hội của Trung Quốc hiện nay đang chất chứa trong nó nhiều mâu thuẫn xã hội gay gắt…”
Từ thực trạng xã hội tại Trung Quốc (và Việt Nam) như trên, bài viết đã biểu lộ nghi ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi như: “Lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có thực sự đưa Trung Quốc lên chủ nghĩa xã hội hay không, hay sẽ dẫn dắt Trung Quốc tới đâu?”
Bài viết đã được phổ biến trên Cơ Quan Lý Luận và Chính Trị của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, lại phổ biến trước Hội Nghị 10 để sửa sọan cho Đại hội XII cho thấy quan điểm xét lại Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc đã xuất hiện từ phía bên trên đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến ngày 25-12, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh sang Việt Nam gặp hầu hết giới cầm quyền bao gồm: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Nguyễn Thiện Nhân.
Tại Đại học Hà Nội, Du Chính Thanh đã chính thức khai trương Viện Khổng tử với một mục đích truyền bá Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc, để củng cố và phát triển quan hệ Việt – Trung.
Được Tân Hoa xã phỏng vấn Du Chính Thanh cho biết: “Chuyến thăm của tôi, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Tổng bí thư Tập Cận Bình yêu cầu, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết song phương, xây dựng đồng thuận và thúc đẩy tiến bộ trong các quan hệ Trung – Việt theo đúng hướng.“
… đi Chệch Hướng?
Việt Nam đang muốn ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các hiệp định này đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi để thính hợp với các quốc gia cùng ký kết.
Cụ thể Việt Nam phải xây dựng Nhà nước thượng tôn pháp luật với 4 cột trụ chính là: kinh tế thị trường, chính trị tự do, xã hội dân sự và văn hóa nhân bản tôn trọng con người.
Gần đây giới chức và truyền thông Việt Nam có nói đến các điều kiện để Việt Nam hội nhập với các quốc gia dân chủ, nhưng rất mập mờ khi nói đến mô hình dân chủ tự do. Trong một bài khác người viết sẽ trình bày một cách cụ thể và rõ ràng mô hình này.
Nếu năm 1989, ý kiến ông Trần Xuân Bách được đảng Cộng sản lắng nghe và tôn trọng thì ít nhất Việt Nam cũng đi được một phần của con đường hội nhập. Nhưng vì đi theo Trung Quốc, Việt Nam vẫn chỉ là một bản sao tồi của Chủ Nghĩa (và Mô Hình) Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc.
Vì thế hiện nay trong nội bộ đảng Cộng sản không phải chỉ xảy ra những tranh giành nhân sự. Mà còn xẩy ra những tranh chấp về tư tưởng và đường lối như vấn đề Biển Đông, đảng hay nhà nước nắm quân đội, tiếp tục theo hay từ bỏ Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc…
Kết
Trong guồng máy nhà nước đến Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mà phải còn buộc miệng than rằng: “… đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến…”.
Còn dân vẫn tiếp tục bị bịt miệng. Ba bloggers Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập và Nguyễn ngọc Già vừa bị bắt. Bài cuối cùng ông Nguyễn Quang Lập đăng trên blog Quê Choa là bài: “Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng Tử”.
Không màng đến nguy cơ mất nước, đến thực trạng khủng hỏang tòan diện, đến nguyện vọng của người dân, tương lai Việt Nam vẫn chỉ do một nhóm người hay ngọai bang Trung Quốc quyết định.
Để thóat khỏi Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc chỉ còn con đường duy nhất là cả nước phải vùng lên giành lại quyền tự quyết dân tộc.
Nguyễn Quang Duy