Video: Đức Thánh Cha đến phi trường Bandaranaike của thủ đô Colombo, Sri Lanka
Lúc 18h45’ theo giờ Rôma ngày thứ Hai 12 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Colombo, thủ đô của Sri Lanka.
Sau gần 9 tiếng đồng hồ trên máy bay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến phi trường Bandaranaike của thủ đô Colombo lúc 9 giờ sáng giờ điạ phương.
Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Colombo có tân tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức chỉ 4 ngày trước đó là ông Maithripala Sirisena và phu nhân là bà Jayanthi Pushpa Kumari, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt là sứ thần Tòa Thánh tại đảo quốc này và Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của tổng giáo phận thủ đô Colombo và đông đảo các Giám Mục của 11 giáo phận và 1 tổng giáo phận tại Sri Lanka.
Đức Thánh Cha đã được chào đón trong một buổi lễ đầy màu sắc, có cả một đàn voi bước theo những tiếng trống dập dồn, bên cạnh các vũ công truyền thống của Tích Lan và Tamil, và dàn hợp xướng của trẻ em hát một bài ca chào đón ngài bằng tiếng Tích Lan, tiếng Tamil, tiếng Anh - và cả tiếng Ý nữa.
Kết quả bầu cử hôm thứ Sáu đã chấm dứt một thập niên cai trị của ông Mahinda Rajapaksa và đưa Sri Lanka đến ngã ba đường với hai lựa chọn, hoặc là tiến tới hòa giải thực sự, hoặc là rơi trở lại hỗn loạn. Trong bối cảnh đó nhiều người Sri Lanka mong mỏi chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha sẽ là một chất xúc tác đẩy đất nước trên con đường hoà gỉai và hội nhập với thế giới.
Tình trạng cô lập của Sri Lanka một phần là do cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2011 cho biết có tới 40,000 thường dân Tamil vô tội đã bị giết chủ yếu là trong năm 2009.
Trong bài diễn văn ngắn tại phi trường, Đức Thánh Cha đã đề cập ngay một cách khéo léo đến vấn đề nhức nhối này.
Ngài nói:
Thưa Tổng thống,
Các vị hữu trách trong chính phủ,
Thưa Đức Hồng Y và chư huynh Giám Mục
Anh chị em thân mến,
Tôi cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của các bạn. Tôi đã trông đợi chuyến viếng thăm Sri Lanka này và những ngày chúng ta sẽ dành cho nhau. Sri Lanka được gọi là Hòn ngọc của Ấn Độ Dương với vẻ đẹp tự nhiên của nó. Quan trọng hơn nữa, hòn đảo này được biết đến với tình cảm nồng nàn của người dân và sự đa dạng phong phú của các truyền thống văn hóa và tôn giáo.
Thưa tổng thống,
Tôi xin gửi đến tổng thống lời chúc tốt đẹp cho trách nhiệm mới của ngài. Tôi chào mừng các thành viên đáng kính của chính phủ và các nhà chức trách dân sự vì sự hiện diện của quý vị và anh chị em nơi đây. Đặc biệt tôi rất vui mừng với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tôn giáo khả kính là những người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống đất nước này. Và tất nhiên, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn tới các tín hữu, các thành viên của dàn hợp xướng, và nhiều người đã giúp tôi thực hiện được chuyến thăm này. Từ con tim, tôi cảm ơn tất cả các bạn về lòng nhân ái và lòng hiếu khách của các bạn.
Chuyến thăm của tôi đến Sri Lanka chủ yếu là về mục vụ. Trong tư cách mục tử toàn thể Giáo Hội Công Giáo, tôi đã gặp gỡ, khích lệ và cầu nguyện với anh chị em giáo dân của hòn đảo này. Nét nổi bật của chuyến thăm này sẽ là việc phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz, một mẫu gương của lòng bác ái Kitô giáo và sự tôn trọng mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, là vị đang điều tiếp tục truyền cảm hứng và dạy dỗ chúng ta hôm nay. Nhưng chuyến đi của tôi cũng còn có một ý nghĩa là để thể hiện tình yêu và sự quan tâm của Giáo Hội đối với tất cả người dân Sri Lanka, và khẳng định mong muốn của cộng đồng Công Giáo muốn được là một thành viên tích cực trong đời sống của xã hội này.
Một bi kịch vẫn đang tiếp diễn trong thế giới của chúng ta đó là rất nhiều cộng đồng đang có chiến tranh với nhau. Việc không có khả năng hoà giải những khác biệt và bất đồng, dù cũ hay mới, đã làm gia tăng các căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, thường xuyên đi kèm với những đợt bùng phát bạo lực. Sri Lanka trong nhiều năm đã kinh qua nỗi kinh hoàng của cuộc nội chiến, và bây giờ đang tìm cách củng cố hòa bình và chữa lành những vết sẹo của những tháng năm đó. Vượt qua những di sản cay đắng của bất công, thù địch và nghi ngờ mà cuộc xung đột để lại là một nhiệm vụ không dễ dàng gì. Nó chỉ có thể được thực hiện bằng cách vượt qua sự ác với điều thiện (Rm 12:21) và bằng cách đề cao những đức tính nào nuôi dưỡng hòa giải, đoàn kết và hòa bình. Quá trình chữa lành cần bao gồm việc theo đuổi chân lý, không phải vì muốn mở lại các vết thương cũ, nhưng đúng hơn đó là một phương thế cần thiết để đề cao công lý, chữa lành và đoàn kết.
Các bạn thân mến,
Tôi tin chắc rằng các tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau có vai trò thiết yếu trong tiến trình hòa giải tế nhị và tái xây dựng đang diễn ra ở đất nước này. Để tiến trình đó được thành công, tất cả các thành viên của xã hội phải cùng nhau làm việc; tất cả đều phải có tiếng nói. Tất cả phải được tự do bày tỏ những quan ngại của họ, những nhu cầu, nguyện vọng và những sợ hãi của họ. Quan trọng nhất, họ phải được chuẩn bị để chấp nhận nhau, tôn trọng sự đa dạng hợp pháp, và học cách sống như một gia đình. Bất cứ khi nào người ta lắng nghe nhau một cách cởi mở và khiêm tốn, những giá trị và khát vọng chung của họ tất cả sẽ trở thành rõ ràng. Sự đa dạng không còn được coi là một mối đe dọa, nhưng như một nguồn mạch của sự phong phú. Con đường dẫn đến công lý, hòa giải và hòa hợp xã hội trở thành rõ ràng cho tất cả mọi người.
Theo nghĩa này, các đề án lớn của việc tái thiết phải bao gồm việc cải thiện cơ cấu hạ tầng và đáp ứng nhu cầu vật chất, nhưng bên cạnh đó, và thậm chí còn quan trọng hơn, là đề cao nhân phẩm con người, tôn trọng nhân quyền, và hội nhập đầy đủ mọi thành viên trong xã hội. Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao"
Thưa Tổng thống, các bạn thân mến,
Tôi cảm ơn các bạn một lần nữa đã chào đón tôi. Những ngày tháng chúng ta dành cho nhau là những ngày của tình hữu nghị, đối thoại và tình đoàn kết. Tôi cầu khẩn Chúa ban phúc lành dư dật cho Sri Lanka, Hòn ngọc Ấn Độ Dương, và tôi cầu nguyện để vẻ đẹp đó có thể tỏa sáng trong sự thịnh vượng và hòa bình của tất cả người dân.
Phiến quân Hổ Tamil đã chiến đấu trong một cuộc nội chiến kéo dài 25 năm 9 tháng và 3 ngày để tách ra thành một quốc gia độc lập sau nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử. Liên Hiệp Quốc ước tính cuộc nội chiến đã làm từ 80,000 đến 100,000 người thiệt mạng. Các báo cáo khác cho thấy số người chết có thể còn cao hơn nhiều.
Trong những năm vừa qua, Sri Lanka còn vướng vào một cuộc xung đột tôn giáo trầm trọng gây ra bởi nhóm Bodu Bala Sena - Buddhist Power Force ("Lực lượng quyền lực Phật Giáo"), gọi tắt là BBS. Nhóm này được thành lập vào năm 2012 với tôn chỉ Sri Lanka phải là một quốc gia Phật Giáo và sẵn sàng bảo vệ “bản sắc Phật giáo Sri Lanka” bằng bạo lực.
Trong bài diễn văn chào đón Đức Giáo Hoàng, tân tổng thống Sirisena cho biết chính phủ của ông thúc đẩy "hòa bình và hữu nghị giữa các tầng lớp dân chúng hầu vượt qua những thương tích của một cuộc xung đột đẫm máu và tàn bạo”.
Ông nói thêm:
"Chúng tôi là những người tin vào sự khoan dung tôn giáo và chung sống hài hòa trên căn bản một di sản quốc gia đã có từ bao thế kỷ".
Sau một thời gian dài gánh chịu những xung đột về sắc tộc và tôn giáo, người dân Sri Lanka đã chú ý lắng nghe bài diễn văn của Đức Thánh Cha được trực tiếp truyền thanh và truyền hình.
Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài là “để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô hữu.
"Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao"
Sri Lanka là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo. Các Kitô hữu chỉ chiếm tám phần trăm của 20,4 triệu dân. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ ba đến thăm đất nước này. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có chuyến thăm vào năm 1970, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đúng 20 năm trước đây, tức là vào năm 1995.
Vị tổng thống mời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến đảo quốc này đã mất “ngôi” và vị tổng thống khác đã ra đón ngài. Lần này, lịch sử cũng lặp lại như thế. Cho nên, báo chí Sri Lanka nói đùa: “Nếu bạn là tổng thống Sri Lanka, đừng díu líu tới các vị Giáo Hoàng, nhất là khi gần tranh cử”