VRNs (17.03.2015) – Sài Gòn – Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin, ông Heiner Bielefeldt -Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tôn giáo và Tín ngưỡng- ‘đánh giá cao sự hợp tác và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng VN trong suốt thời gian chuyến thăm’ của ông đến Việt Nam vào cuối tháng 7.2014 vừa qua.
Cũng trích nguồn từ Thông Tấn Xã VN, trong kỳ họp 28 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Thụy Sỹ diễn ra vào ngày 10.03, vị Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tôn giáo và Tín ngưỡng phát biểu:
“Báo cáo cũng ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là sự phát triển số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo cũng như các cơ sở thờ tự tại khắp các tỉnh trong những năm vừa qua; đồng thời khuyến nghị Việt Nam tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về tôn giáo và tín ngưỡng, điều tra làm rõ các cáo buộc liên quan đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bày tỏ ý muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong quá trình thực hiện vai trò Báo cáo viên đặc biệt của mình.”
Đó là nội dung mà báo cộng sản đã lược dịch, còn nội dung nguyên văn của vị Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tôn giáo và Tín ngưỡng được Nhà báo Đoan Trang lược dịch như sau:
“Tôi đã nhìn thấy những bằng chứng của vi phạm nhân quyền, trong đó có việc công an bố ráp, phá hoại nhà thờ, phá đám các nghi lễ tôn giáo, bắt bỏ tù, tấn công tín đồ, thậm chí tra tấn hoặc giết người và các hành vi bức hại khác. Thật không may là một số người đồng ý gặp tôi đã bị ngăn cản, không cho gặp, bị đặt trong tình trạng thực chất là giam lỏng ở nhà. Những người khác tôi gặp thì sau đó bị trả thù, trong một số trường hợp họ bị đánh đập tàn tệ trong thời gian tôi thăm Việt Nam hoặc ngay sau đó. Hơn nữa, tính chất riêng tư của nhiều cuộc đối thoại bị vi phạm. Tình hình tệ đến mức một số cuộc gặp gỡ và thảo luận đã không thể diễn ra như kế hoạch. Đây là sự vi phạm trắng trợn các điều khoản quy định về hoạt động thăm viếng quốc gia của các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ”.
Trích nguồn từ vietnamupr cho biết thêm, “phản hồi trước những đánh giá của Báo cáo viên, vị đại diện Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Phạm Quốc Trụ cho biết “không hề xảy ra những gì như ông nói”. Ông Trụ nói: “Chúng tôi vô cùng thất vọng vì quan điểm phiến diện và thiên vị của Báo cáo viên dựa trên những thông tin thiếu xác thực, quan sát định kiến và lựa chọn.”
Qua đó vị đại diện Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ không chấp nhận các khuyến nghị trong báo cáo mà Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, ông Bielefeldt đã đệ trình.”
Đặc biệt, vào hồi tháng 07.2014 vừa qua, sau khi ông Heiner Bielefeldt kết thúc chuyến tông du đến VN, để đánh giá việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, thì ông đã nhấn mạnh trong báo cáo rằng:
“Dự định đi thăm An Giang, Gia Lai và Kon Tum của đoàn không may đã bị gián đoạn từ ngày 28 đến 30 tháng 7. Tôi nhận được những thông tin đáng tin cậy là một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấn ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, việc di chuyển của tôi cũng bị giám sát chặt bởi “những cán bộ an ninh hoặc công an” mà chúng tôi không được thông báo rõ, đồng thời sự riêng tư và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ cũng bị ảnh hưởng. Những việc này là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản tham chiếu của bất kỳ chuyến thăm quốc gia nào”.
Cách đưa tin của Thông Tấn Xã VN được Nhà báo Đoan Trang cho là “một kiểu làm báo đê tiện”, Nhà báo Đoan Trang bình luận: “Bình thường, dối trá đã là điều khó chấp nhận. Sự dối trá ở nhà báo và/hoặc cơ quan báo chí thì nó chỉ có thể là sự khốn nạn. Và sự dối trá ở môt cơ quan báo chí có tính “chính thống” cao ngất như Thông tấn xã Việt Nam, đại diện cho các quan điểm chính thống nhà nước, thì mức độ đê tiện của nó tăng lên gấp đôi.”
“Chúng tôi không phải là Ban Tuyên giáo hay Bộ Bốn Tê, nên chúng tôi không phạt tiền Thông tấn xã Việt Nam được. Nhưng sau đây chúng tôi sẽ rất buồn lòng phải gửi bản dịch nguyên văn bản tin này của Thông tấn xã đến Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo Heiner Bielefeldt”, Nhà báo Đoan Trang bình luận tiếp.
Đồng tình với Nhà báo Đoan Trang, Blogger Nguyễn Anh Tuấn cho nhận xét: “Nhiều tờ báo nhà nước, vốn quen với vai trò công cụ nên tự nhìn nhận sứ mệnh của họ không phải là truyền thông trung thực mà thuần túy chỉ là tuyên truyền phổ biến quan điểm của nhà nước. Do đó, trong những lãnh vực nhạy cảm như nhân quyền, họ sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc sự thật hòng nhằm lấy lòng nhà nước. Nhưng họ sai ở chỗ bây giờ đâu còn là thời mà truyền thông thuộc về loa phường và báo Nhân dân nữa mà là thời đại Internet nơi thông tin có thể được kiểm chứng bằng nhiều kênh khác nhau và sự giả dối rất dễ dàng bị bóc mẽ.”
Việc làm của Thông Tấn Xã Việt Nam có thể gây ngạc nhiên với nhiều người. Nhưng thực chất, nó được luật hóa ngay tại nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí theo Điều 6 Luật Báo chí là: “thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới”; Tuy nhiên các cơ quan báo chí của đảng phải thực hiện “tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội”.
Như vậy, nếu thông tin trung thực rằng: “ông Heiner Beilefeldt -Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tôn giáo và Tín ngưỡng- ‘đánh giá thấp sự hợp tác và không tạo điều kiện của các cơ quan chức năng VN trong suốt thời gian chuyến thăm’ của ông đến Việt Nam vào cuối tháng 7.2014 vừa qua” với những dẫn chứng cụ thể như Báo cáo, thì đi ngược lại nhiệm vụ tuyên truyền của các cơ quan báo chí của đảng và làm sao mà hướng dẫn được dư luận.
Vì thế, báo chí Việt Nam ngày nay chỉ còn chú ý ‘thông tin trung thực’ việc cô Hoa hậu này hở ngực; chị diễn viên nọ bỏ chồng… để ‘hướng dẫn dư luận xã hội’ dẫn đến hành vi của đám người xưng là ‘tuổi trẻ thủ đô’ đã ca hát, nhún nhẩy nhố nhăng ngay trước tượng đài Lý Thái Tổ trong ngày 14.03.2015 vừa qua, để ngăn cản người dân dâng hương tưởng niệm các Tử sỹ đã hy sinh do bị quân Trung Cộng sát hại khi xâm lược đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988.
Huyền Trang, VRNs