Dự thảo bộ luật Hình sự có một số điểm mới đáng chú ý như: Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của người dân.
Chưa bỏ án tử hình với tội tham nhũng
Giải trình về dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi trước UB Tư pháp QH chiều nay (31/3), Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết sẽ hạn chế hình phạt tử hình.
"Giảm tử hình là chủ trương lớn của Đảng, thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn luật pháp hình sự. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013, và xu hướng hội nhập của nước ta. Vì vậy, việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình nhận được sự ủng hộ tuyệt đối trong quá trình xây dựng bộ luật Hình sự sửa đổi".
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: Bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ dễ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng.Ảnh: PLXH
Ông Tụng cho biết các ý kiến đều thống nhất quan điểm về tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi bổ sung các quy định của bộ luật về hình phạt tử hình theo hướng: quy định rõ, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này; mở rộng diện không áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.
"Nhưng với các phương án đề xuất bỏ hình phạt tử hình với các tội danh cụ thể thì vẫn còn ý kiến khác nhau", Thứ trưởng cho biết.
Trong ban soạn thảo có những ý kiến đồng ý bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh có hình phạt tử hình hiện hành: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; và tội phạm chiến tranh.
Có những ý kiến muốn bỏ hình phạt tử hình với thêm 3 tội danh nữa là sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; tham ô tài sản; và nhận hối lộ, vì "suy cho cùng các tội phạm này mang tính chất kinh tế, vụ lợi".
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết ý kiến của Chính phủ: "Hiện ta đang đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ là chưa phù hợp, dễ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nước ta nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ".
Còn tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh hiện đang phổ biến, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người, nên vẫn cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình.
Bước đầu cho ý kiến, nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp có thêm một loại ý kiến là không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Lý do đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng, nước ta lại nằm trong khu vực có sự phức tạp về an ninh, nguy cơ chiến tranh xung đột vẫn hiện hữu, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Công Hồng cho biết.
Xâm phạm quyền biểu tình có thể bị 7 năm tù
Dự thảo bộ luật Hình sự còn có một số điểm mới đáng chú ý như: Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của người dân.
Cụ thể, người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Một số hành vi khác cũng có thể bị phạt tù là lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
Phạm tội trả thù người khiếu nại, tố cáo; gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù 2-5 năm. Trong các trường hợp có tổ chức; gây mất trật tự, an toàn xã hội; làm nạn nhân tự sát; gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng khác, thì phạt tù 3-7 năm.
UB Tư pháp QH sẽ dành cả ngày mai 1/4 để thẩm tra dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi.
Chung Hoàng
31/03/2015 19:31 GMT+7_____________________
Cản trở biểu tình, bị phạt tù!
31/03/2015 23:42
Nhiều ý kiến đồng tình với quy định tại dự thảo Bộ Luật Hình sự về việc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đối với người nào cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác
Ngày 31-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi và dự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi.
Không bỏ án tử tội tham nhũng
Trình bày dự thảo BLHS sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết dự luật này có rất nhiều điểm mới. Theo đó, các ý kiến đều thống nhất giảm 7 tội danh tử hình (hiện là 22) so với bộ luật hiện hành, gồm: cướp tài sản, phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, chống mệnh lệnh, đầu hàng địch, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Dự thảo Bộ Luật Hình sự giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội tham ô, hối lộ. Trong ảnh: Xét xử vụ án “siêu lừa” Huyền Như Ảnh: TẤN THẠNH
Trước nhiều ý kiến muốn bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: sản xuất và buôn bán hàng giả (lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh), tham ô tài sản, nhận hối lộ, ông Tụng nhấn mạnh Việt Nam đang đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, 2 tội phạm tham nhũng đặc trưng, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, dễ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nước ta nương tay với các quan chức tham nhũng.
Về đề xuất bổ sung quy định về việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án chủ động khắc phục hậu quả, tự nguyện giao nộp cho nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Nhóm nghiên cứu dự thảo cho rằng việc quy định không thi hành án tử hình trường hợp này cần cân nhắc kỹ. Theo đó, cần phân loại, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh trường hợp người phạm tội ma túy, giết người, xâm phạm an ninh quốc gia có thể dùng tiền để thoát án tử hình.
Bảo vệ quyền công dân
Đáng chú ý, dự thảo BLHS sửa đổi bổ sung nhiều điểm mới so với bộ luật hiện hành, nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Điển hình là điều 164 của dự thảo với quy định: Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Điều 164 cũng quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.
Dự thảo BLHS sửa đổi còn bổ sung tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo. Theo đó, người nào có một trong các hành vi sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo; cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo. Bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm khi phạm các tội: trả thù người khiếu nại, tố cáo; gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạt tù từ 3 năm đến 7 năm trong các trường hợp: có tổ chức; gây mất trật tự, an toàn xã hội; làm nạn nhân tự sát; gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng khác. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Thế Dũng