Việt Nam chỉ đứng thứ 124/125 trong bảng xếp hạng các quốc gia đóng góp cho hành tinh và nhân loại được tính toán từ chỉ số Good Country Index.
Nhìn từ không gian, hành tinh xanh của chúng ta là một khối hình cầu không biên giới nằm giữa các ngôi sao. Nhưng con người trên trái đất đều biết rõ ràng rằng: những vùng đất trên thế giới đã được chia nhỏ thành nhiều quốc gia khác nhau.
Những đường biên giới chia cắt chúng ta và các quốc gia thường được khuyến khích tìm kiếm lợi ích cho riêng mình hơn là hướng tới một giá trị chung, mang tính đoàn kết toàn cầu.
Tuy nhiên, nhằm mục đích khắc phục hạn chế này, chỉ số Good Country Index (tạm dịch: Chỉ số quốc gia tốt) đã được phát hành vào ngày hôm qua 24/6 bởi Simon Anholt - một cố vấn chính sách độc lập.
Kết quả mới công bố cho thấy, Ailen và Phần Lan là hai quốc gia dẫn đầu trong đóng góp cho toàn thế giới, trong khi đó Libya được xếp hạng kém nhất trong tổng số 125 quốc gia được tính toán lần này.
Cường quốc số một thế giới - Mỹ chỉ đứng thứ 21 trong xếp hạng này, do điểm số thấp về Hòa bình và An ninh Quốc tế.
Kenya là quốc gia châu Phi có đóng góp lớn nhất cho hành tinh, với vị trí 26 và là quốc gia châu Phi duy nhất lọt vào Top 30.
Theo các nhà nghiên cứu, hai trường hợp của Mỹ và Kenya là "ví dụ đầy cảm hứng" để chứng minh rằng, không chỉ các quốc gia giàu có mới có thể có những đóng góp lớn cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có xếp hạng gần kém nhất trong khảo sát lần này. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 124/125, thuộc nhóm 3 quốc gia có đóng góp kém nhất cho hành tinh và nhân loại, cùng với Iraq và Libya.
Hai lĩnh vực Việt Nam bị xếp hạng thấp nhất là những đóng góp cho Trật tự thế giới và Hành tinh & khí hậu (đều xếp thứ 123/125). Ngoài ra, Việt Nam cũng chỉ đứng thứ 111 về Sức khỏe & Hạnh phúc, thứ 103 về Hòa bình & An ninh Quốc tế và thứ 89 trong lĩnh vực Khoa học & Công nghệ.
Chỉ số Good Country Index xếp hạng các quốc gia trên cơ sở những gì mà từng quốc gia đóng góp cho những quốc gia còn lại trên toàn cầu. Chỉ số được tính toán dựa trên 35 bộ dữ liệu (từ Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới), được chia thành 7 nhóm lĩnh vực bao gồm: Khoa học & Công nghệ, Văn hóa, Hòa bình & An ninh Quốc tế, Trật tự thế giới, Khí hậu, Thịnh vượng & Bình đẳng, Sức khỏe & Hạnh phúc).
Nguồn: Goodcountry.org
Sưu tầm (Theo Báo Đất Việt)