Vị Mục sư cai quản Hội thánh Chuồng bò đồng thời là Dân oan từ những năm 2004 đã bị nhà cầm quyền quận Bình Thạnh cưỡng chiếm đất, mất nhà mất cửa, khiến gia đình ông sống lang thang nay đây mai đó. Chính vì thế, phường 26 quận Bình Thạnh không chấp nhận ông khi cán bộ trại giam Xuân Lộc bàn giao, để Mục sư Khải chịu án 5 năm quản chế. Mục sư Khải kể lại:
“Công an trại giam đưa tôi về quận Bình Thạnh, rồi họ chuyển tôi về phường 26, nhưng cán bộ trại giam và công an phường 26 không thống nhất với nhau về thủ tục nhận tôi, vì họ nói là tôi không có nơi ăn chốn ở nên họ không tiếp nhận tôi. Chỉ có thế mà họ tranh cãi nhau. Cuối cùng công an phường 26 lập biên bản không chấp nhận tôi. Nói chung là đến giờ này chưa có một địa phương nào chấp nhận tôi cả, nên tôi tạm thời nghỉ dưỡng một hai ngày ở Hội thánh Chuồng bò của Mục sư Hùng.”
Vào năm 2010, nhà cầm quyền quy kết Ms Khải vào tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 BLHS; và kết án Mục sư 5 năm tù giam và 5 năm quản chế. Nhưng, ông đã phản đối bản án này và kêu oan cho đến khi ra khỏi trại giam. Ms Khải cho biết:
“Tôi không chấp nhận khi họ quy kết tôi phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, bởi vì chính quyền nhân dân làm những việc lành cho dân nên tôi chỉ muốn lật đổ chế độ cộng sản thôi. Nếu có đánh tôi, xử tôi rơi đầu, tôi vẫn muốn lật đổ chế độ cs. Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, tôi kháng án. Tại phiên tòa phúc thẩm tôi cũng không nhận tội, nhưng họ vẫn kết án tôi. Tôi yêu cầu họ cho tôi kháng nghị lên giám đốc thẩm nhưng cho đến giờ này [cho đến ngày chấp hành hết án 5 năm tù] vẫn chưa được chấp thuận.”
Trước đó vào tháng 8.2004, nhà cầm quyền đã bắt giam ông 2 năm tù giam vì ông có những hoạt động bảo vệ các quyền lợi của Dân oan, cụ thể cho chính gia đình ông. Ms Khải nhớ lại: “Vào năm 2004, tôi tham gia đấu tranh cho dân oan, thì họ quy kết tôi ‘vu khống chủ tịch quận Bình Thạnh’. Nhân cớ đó, vào năm 2004, họ bắt tôi vào tù, đuổi vợ con tôi ra khỏi nhà trong khi vợ tôi đang bị bệnh. Họ tuyên án tôi 2 năm tù giam từ tháng 8.2004 – 8.2006.
Sau khi tôi ra khỏi nhà tù, tôi tiếp tục đi kêu oan và đồng hành với bà con Dân oan, lúc này vợ tôi bệnh nặng vì bị bệnh tim và nằm liệt giường. Vào năm 2010, họ kết tội tôi vào Điều 79 BLHS và tuyên án 5 năm tù giam với 5 năm quản chế. Vào năm 2012, tôi nghe tin vợ tôi đã về với Chúa.”
Nhìn lại các biến cố cuộc đời của Ms Khải, ông đã kinh qua nhiều thử thách gian truân mà sức con người tưởng chừng khó có thể kiên vững, nhưng ông vẫn xác quyết và tin vào những gì ông đã chọn, đã đi và tiếp tục bước đi trên con đường chông gai trong niềm tin tâm linh. Mục sư Khải chia sẻ:
“Chính Thánh linh của Thiên Chúa đã soi sáng cho tôi thấy những việc chính nghĩa mà tôi phải làm, thấy được những sự khốn khổ của người dân, sự oan ức của người dân, đó chính là động lực thúc đẩy cho tôi làm việc của Đức Chúa Trời, nhờ sức mạnh của Chúa mà tôi chiến đấu thôi. Đức Chúa Trời đã có chương trình dành riêng cho tôi, cuộc đời tôi đã phó thác cho Ngài nên tôi lang thang ở đâu cũng được hết vì Ngài gìn giữ tôi mà.”
Chính nhà tù là ‘ngôi trường’ đã tôi luyện ý chí Ms Khải thêm mạnh mẽ hơn. Ms Khải chia sẻ thêm: “Trong tù tôi chứng kiến được sự tranh đấu mạnh mẽ của các anh em TNLT trong vòng lao lý vì nền công lý, dân chủ cho đất nước. Tôi học được từ họ rất nhiều. Những anh em mà tôi gặp bị giam những bản án rất nặng, có người án chung thân nhưng vẫn không nhận tội, có người mười mấy năm tù giam nhưng họ cũng không nhận tội… Họ kiên quyết đấu tranh cho đến cùng, vì họ biết rằng, con đường họ đi là con đường có chính nghĩa. Tôi học được ý chí và sự kiên cường nơi họ.”
“Tôi luôn tâm niệm một câu rằng: ‘Con người có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa giấc, nhưng con đường chân lý thì hãy bước đi cho trọn’.” Mục sư Khải bày tỏ.
Huyền Trang, GNsP