Thưa các luật sư
Hậu quả đáng buồn đã xảy ra rồi không sao thay đổi được, nhưng chúng ta đừng để em Dư chết vô ích, bằng cách nào?
Nền tư pháp hình sự của ta còn nhiều khiếm khuyết mà vụ em Dư chỉ là hệ quả, qua vụ việc được đông đảo dư luận quan tâm, đây cần được xem là môi trường cơ hội thuận lợi để chúng ta truyền tải và thúc đẩy nhận thức của người dân về các vấn đề pháp luật.
Qua vụ án gây bức xúc phẫn nộ, chúng ta một lần nữa nói lại về những vấn đề của nền tư pháp, từ đó thúc giục trách nhiệm sửa đổi cải cách từ phía chính quyền mà lâu nay vốn ì trệ không chịu chấp nhận.
Giờ là lúc mọi người đã thấy sự nguy hiểm của những phòng giam giữ, vậy thì phải yêu cầu lắp camera giám sát chứ? Hay giờ là lúc thấy sự nguy hiểm của việc bị bắt tạm giam, vậy thì phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động này.
Theo đó bắt tạm giam thực chất không phải là biện pháp ngăn chặn để bị can khỏi tiếp tục phạm tội hay là bỏ trốn mà đó lâu nay được xem là cách làm án điều tra.
Môi trường giam giữ nghiệt ngã chính là một biện pháp khủng bố tinh thần, một hình thức truy bức nhục hình buộc bị can phải khai báo, điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần pháp luật, đi ngược lại quy định pháp luật rằng nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình.
Việc xử lý trách nhiệm hay xử lý hình sự cán bộ điều tra là việc làm cần thiết để răn đe cảnh báo giới chức nhằm ngăn ngừa những vụ về sau. Điều này có làm được hay không là ở mọi người, nhờ các luật sư, nhờ công luận
———————-
Chúng tôi gồm những người ký tên dưới đây là luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Căn cứ Bộ luật hình sự tại Điều 4 quy định về trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm như sau: Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự, tại Điều 25 quy định về trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm như sau:
- Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
- Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự; phải trả lời kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết.
Nay chúng tôi làm đơn này trình báo tới các Quý ông sự việc như sau:
Vụ việc em Đỗ Đăng Dư (17 tuổi) bị Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Chương Mỹ khởi tố và bắt tạm giam về hành vi trộm cắp tài sản, trong quá trình giam giữ tại trại tạm giam số 3 đã bị đánh dẫn đến tử vong. Sự việc đau lòng này đã lan tỏa khiến công luận phẫn nộ xót xa trước cái chết của em Dư.
Trong vụ việc thương tâm này chúng tôi nhận thấy nổi bật lên ba vấn đề đó là: Thứ nhất em Dư mới 17 tuổi chưa thành niên. Thứ hai hành vi của em chỉ là trộm cắp vặt. Thứ ba là việc em bị chết khi đang bị tạm giam. Từ hệ quả đau xót của vụ việc chúng tôi đặt câu hỏi rằng liệu việc tạm giữ hay tạm giam em Dư có đủ cơ sở pháp lý không hay là cơ quan tố tụng đã có quyết định trái pháp luật?
1. Về việc tạm giữ
Em Dư đã lấy trộm và bị bắt quả tang với số tiền hiện chưa rõ là 1,5 triệu hay 2 triệu đồng. Nếu là 1,5 triệu thì hành vi của em Dư chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì theo Điều 138 Bộ luật hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Do vậy nếu chỉ lấy trộm số tiền 1,5 triệu thì việc tạm giữ hình sự để khởi đầu cho việc xử lý hình sự em Dư là trái pháp luật.
2. Về việc tạm giam
Trường hợp em Dư trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng đủ mức để bị xử lý hình sự, thì chúng tôi vẫn nghi ngờ rằng liệu việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam em Dư có đủ cơ sở pháp lý hay không?
Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thủ tục xử lý người chưa thành niên, thì trẻ vị thành niên như em Dư chỉ bị bắt tạm giam nếu phạm vào tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Điều 138 Bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản thì em Dư phải trộm cắp tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên mới thuộc khoản 2 thuộc khung phạm tội nghiêm trọng và có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam.
Trong vụ việc em Dư bị bắt quả tang chưa rõ số tiền là 1,5 triệu hay hơn 2 triệu đồng, trong quá trình khai báo em Dư đã khai ra thêm trộm cắp 4 vụ khác. Chúng tôi ngờ rằng các vụ kia cũng chỉ là trộm cắp vặt giá trị tài sản có khả năng chưa đến 50 triệu đồng. Từ đó chúng tôi cho rằng rất có khả năng cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam không đảm bảo cơ sở pháp lý.
Kính thưa các Quý ông!
Sự việc đau lòng là cái chết của em Dư không phải tự dưng mà có, đây là hệ quả mà quy trình thủ tục tố tụng hình sự không cho phép xảy ra, tức là thực tại đau buồn này ẩn chứa đằng sau đó sai phạm của những người liên quan. Nếu đúng em Dư bị các đối tượng giam giữ cùng phòng đánh dẫn đến tử vong thì cũng không loại trừ việc mượn tay chúng đánh em Dư là biện pháp buộc em phải khai ra các vụ vi phạm khác.
Sự việc đau lòng khiến công luận phẫn uất đòi hỏi phải khách quan điều tra sự việc xem có sai phạm hay không và xử lý trách nhiệm của những người liên quan. Theo đó chúng tôi cho rằng cần khách quan điều tra làm rõ xem số tiền em Dư trộm cắp khi bị bắt quả tang là 1,5 triệu hay 2 triệu đồng để có thể bị tạm giữ hình sự, và trong các lần trộm cắp khác giá trị tài sản có lên đến 50 triệu không để có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam? Rất có khả năng đã xảy ra vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự và là tội phạm diễn ra trong hoạt động tư pháp.
Cụ thể, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì thẩm quyền ra Quyết định tạm giữ, Quyết định tạm giạm thuộc Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ. Nếu các quyết định này không đảm bảo cơ sở pháp lý như nêu trên thì người ra quyết định đã phạm vào tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 Bộ luật hình sự.
Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật
- Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Từ những nội dung trên chúng tôi đề nghị:
- Theo Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự, việc điều tra sai phạm của cán bộ tư pháp thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chúng tôi đề nghị Ông Nguyễn Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6), tiếp nhận thông tin vụ việc và xác minh thông tin ban đầu. Từ đó nếu phát hiện sai phạm như chúng tôi nêu thì quyết định khởi tố điều tra về hành vi ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 bộ luật hình sự.
- Đề nghị Ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc công an thành phố Hà Nội bằng thẩm quyền khả năng của mình tiếp nhận xác minh thông tin ban đầu và tạm đình chỉ công tác đối với Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ (người đã ký quyết định tạm giữ và tạm giam em Dư) để phục vụ cho việc điều tra xác minh và xử lý sai phạm, nếu kết quả sau này cho thấy không có sai phạm thì khôi phục lại công tác cho đương sự.
- Đề nghị Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, nắm bắt thông tin sự việc và khơi dậy nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, ý thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng và hệ quả sâu xa của tình trạng bạo quyền nghiệt ngã trong nền tư pháp hình sự hiện tại.
Có phương hướng chỉ đạo tiến tới chấp nhận các đề xuất trong cải cách tư pháp là: Nhất trí với quy định về quyền im lặng, việc lấy lời khai bị can phải có luật sư tham gia và trong phòng giam giữ và phòng hỏi cung phải lắp camera ghi âm ghi hình. Chúng tôi cho rằng nếu không thực hiện những việc này thì tội ác do cán bộ công quyền gây ra cho người dân (dù vô tình hay cố ý) sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Chúng tôi, với ý thức nêu cao tinh thần tự chủ và ý thức trách nhiệm công dân trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, xin trình báo nội dung sự việc nêu trên. Rất mong được khẩn trương xem xét.
Những người trình báo:
1. Luật sư Ngô Ngọc Trai
2. Luật sư Nguyễn Thanh Bình
3. Luật sư Lê Văn Luân
4. Luật sư Trần Thu Nam
5. Luật sư Nguyễn Hà Luân
6. Luật sư Hoàng Văn Hướng
7. Luật sư Phan Hữu Thư
8. Luật sư Nguyễn Trí Tú
9. Luật sư Phạm Quốc Cường
Theo Facebook của Luật sư Ngô Ngọc Trai