Công an xã và huyện bị tố trắng trợn “cướp” tiền của dân?
Nguyễn Duy - Nguyễn Tình (Dân Trí) - Sau khi vay được tiền, trên đường đi về nhà chị Miền bị một tổ công an xã và một cán bộ công an huyện yêu cầu dừng xe kiểm tra. Khi kiểm tra, một số cán bộ công an thấy số tiền quá nhiều nên “tổ công tác” yêu cầu đưa về trụ sở làm việc sau đó “xin” lại 90 triệu để bồi dưỡng và biếu cấp trên.
Nhiều tiền quá phải đưa về trụ sở làm việc
Những ngày cuối tháng 12/2015, PV báo Dân trí tại Nghệ An nhận được đơn tố cáo của anh Vi Hải Đức (SN 1972, trú tại xã Châu Hoàn, huyện vùng sâu vùng xa Qùy Châu, Nghệ An) “tố” một số cán bộ công an xã Châu Hoàn và Công an huyện Quỳ Châu trắng trợn cướp tiền của vợ anh.
Trong đơn tố cáo nêu rõ: Vào chiều ngày 16/12/2015, vợ anh là chị Lữ Thị Miền (SN 1970), điều khiển xe máy từ nhà lên huyện Quế Phong vay tiền của một người dì tên là Lữ Thị Hoa theo thỏa thuận trước đó. Mục đích vừa cả dì Hoa cùng gia đình anh Đức để mua trâu bò làm trang trại, phát kinh tế.
Đơn tố cáo của anh Vi Hải Đức gửi tới cơ quan chức năng và báo Dân trí.
Sau khi thống nhất, chị Hoa có cho chị Miền vay tổng số tiền là 493.000.000 đồng. Sau khi vay được tiền chị Miền điều khiển xe máy trở về nhà mình ở xã Châu Hoàn. Đến khoảng 17h cùng ngày (16/12/2015), chị Miền về đến địa bàn bản Na Cống, xã Châu Hoàn thì gặp một tổ công tác công an xã Châu Hoàn đang đi tuần.
Chị Lữ Thị Miền kể lại mình bị công an bắt cởi áo giữa trời giá rét.
Trong tổ công tác bao gồm các ông: Lữ Đức Năm - Trưởng công an xã, Lô Văn Thanh - Phó công an xã, Hà Văn Tuyên - Phó công an xã, Lữ Văn Dũng và Lữ Tự Nhiên - đều là công an viên xã Châu Hoàn. Cũng trong tổ công tác này còn có một đồng chí Công an huyện Qùy Châu tên là Giáp (người dân địa phương cho biết, đồng chí Giáp là công an nằm vùng).
Khi thấy chị Miền, tổ công tác gồm những người trên yêu cầu chị dừng xe để kiểm tra. Sau khi rà soát trên xe thấy một túi bóng đen chứa trong đó số tiền lớn, tổ công tác đã “ép” chị Miền phải cởi bỏ áo, cởi quần ngay tại đường để kiểm tra trên người chị. Mặc dù trước đó chị Miền đã cố giải thích lí do mình có được số tiền trên là đi vay mượn về để lập trang trại phát triển kinh tế.
Anh Vi Hải Đức - chồng chị Miền trình bày sự việc với PV Dân trí.
“Lúc đó họ bắt tôi cởi quần áo ngay ở đường để kiểm tra. Nhưng vì lạnh quá nên tôi chỉ cởi áo thôi. Khám trên người không thấy gì nhưng họ vẫn bắt tôi về trụ sở để làm việc vì nói là tiền nhiều quá”, chị Miền bức xúc.
Sau khi kiểm tra, khám xét trên người chị Miền không có gì đáng nghi, tuy nhiên tổ công tác này vẫn một mực bắt chị Miền phải về trụ sở để giải quyết. Khi về đến trụ sở UBND xã, mặc dù chị Miền đã nhiều lần thanh minh về nguồn gốc và mục đích sử dụng số tiền nhưng tổ công tác này vẫn không chấp nhận.
Căn nhà của gia đình chị Miền ở miền núi cũng khá khang trang nhờ làm ăn kinh tế.
“Tôi đi vay tiền về chứ có làm gì vi phạm pháp luật đâu mà họ lại bắt tôi và còn dọa sẽ bỏ tù. Sau một hồi họ lại xin tôi cho 5 triệu để bồi dưỡng, rồi xin thêm 10 triệu để biếu sếp. Tiền đi vay về nên tôi không cho. Rồi họ nói sẽ bắt tôi đưa ra huyện, rồi cho tôi vào tù, lúc đó họ dọa vậy tôi sợ lắm”, chị Miền nhớ lại cuộc “mặc cả” với tổ công tác vào thời điểm trên.
“Cướp” tiền của dân bất thành?
Cuộc mặc cả không thành công, tổ công tác này tiếp tục vu khống chị Miền và gia đình đã làm việc phi pháp để có được số tiền trên. Sau đó, những vị cán bộ công an lại lập một biên bản trong đó nội dung ghi rõ chị Miền đã nhận đủ số tiền trên rồi ép chị này ký vào biên bản. Mặc dù trên thực tế, trong tổng số tiền đã bị “lấy bớt” đi hai cọc tiền với giá trị 90 triệu đồng.
Chị Lữ Thị Miền trình bày sự việc mình bị Công an bắt giữ lấy tiền hơn 400 triệu.
“Khi đó cục tiền nguyên vẹn của tôi là 493 triệu đồng, họ chỉ trả 400 triệu, còn lại thiếu của gia đình tôi hơn 90 triệu đồng nhưng họ vẫn ép vợ tôi ký vào biên bản đã nhận đủ số tiền trên. Người cán bộ công an huyện tên Giáp còn dặn là không được nói chuyện này với ai, nếu không sẽ bắt lên công an huyện bỏ tù. Khi đó sợ quá nên vợ tôi đã ký vào biên bản”, anh Vi Hải Đức - chồng chị Miền cho biết thêm.
Vợ chồng anh Đức chị Miền bức xúc trước việc làm của nhóm công an xã Châu Hoàn và một vị cán bộ CA huyện vừa qua.
Sau đó ít ngày, đêm ngày 18/12/2015, một số cán bộ công an xã và huyện tiếp tục điện thoại yêu cầu chị Miền lên trụ sở UBND xã Châu Hoàn để làm việc.
Tại đây, chị Miền tiếp tục bị “ép” viết một bản tường trình và một bản cam kết không được kiện cáo vụ việc. Đồng thời số tiền hơn 90 triệu đồng của gia đình chị Miền vẫn bị giữ lại với lý do bồi dưỡng cho tổ công tác và biếu sếp trên?.
Anh Vi Hải Đức chỉ tay về phía cọc tiền được vợ mình treo trên xe bị công an lấy về lập biên bản.
Sự việc tưởng chừng như một câu chuyện đùa nhưng lại đã diễn ra tại xã Châu Hoàn, huyện Qùy Châu, Nghệ An khiến dư luận bức xúc. Tổ công tác công an xã Châu Hoàn và vị cán bộ công an huyện Qùy Châu đã ngang nhiên coi thường pháp luật, để “chiếm đoạt” số tiền hơn 90 triệu đồng nhưng bất thành khi hay tin có nhà báo về điều tra và buộc phải trả lại cho gia chủ.
Đầu tuần, cán bộ xã “làm việc”… trong quán nhậu
Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã vào cuộc xác minh sự việc thực hư thế nào. Dù mới hơn 9h sáng (ngày 21/12/2015), khi PV Dân trí có mặt tại trụ sở UBND xã Châu Hoàn để liên hệ làm việc, thì được số cán bộ cho biết, chủ tịch UBND xã ông Lữ Văn Đức đang “đi vắng”, còn một số cán bộ khác thì bảo rằng, chủ tịch xã cùng thuộc cấp của mình đang ở dưới quán nhậu gần trụ sở UBND xã này.
Ngay lập tức, PV Dân trí đã xuống quán ăn này, thời điểm đó vào khoảng 9h15’, thứ 2, ngày 21/12/2015, tuy nhiên vị chủ tịch UBND xã là ông Lữ Văn Đức đang cùng với cán bộ địa chính tên Tuấn, ông Lữ Đức Năm - Trưởng công an xã Châu Hoàn và một số thuộc cấp đang say sưa chúc tụng trên bàn nhậu, khuôn mặt ai nấy đều phừng phừng hơi men.
Tại đây, khi PV xin được gặp anh Đức - Chủ tịch UBND xã. Thì cả nhóm đang tưng bừng bỗng dừng lại một lúc khá lâu rồi quan sát kỹ PV và trả lời: Ở đây không có anh Đức. Chú điện thoại cho anh ấy xem.
Căn nhà sàn khá khang trang của vợ chồng anh Vi Hải Đức.
Biết PV đang truy vấn, nên một số cán bộ đang ngồi tại đây đứng lên, có người đã bỏ ra ngoài, một số khác quan sát và nói: Ở đây không có anh Đức.
Tuy nhiên, sau đó PV Dân trí đã hỏi nhỏ chủ quán, thì được bà chủ quán này quả quyết rằng anh Đức đang ngồi trong bàn nhậu. Lúc này PV tiếp tục tiếp cận bàn nhậu hỏi thêm lần nữa.
Dù mới hơn 9h sáng ngày 21/12/2015, nhưng cán bộ xã Châu Hoàn đã ngồi uống rượu, trong đó có cả công an và lãnh đạo xã này.
Cùng lúc đó một cán bộ bước ra từ bàn nhậu yêu cầu phóng viên phải xuất trình giấy tờ, đồng thời “cấm” phóng viên không được quay phim chụp ảnh. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, PV đã kịp quay lại cảnh số cán bộ xã đang ăn nhậu trong giờ hành chính.
Sau đó, đích thân PV đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại nhưng vị Chủ tịch UBND xã vẫn không nghe máy. Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại không được, chỉ đến khi PV nhắn tin xin được gặp thì vị Chủ tịch UBND xã bất ngờ nhắn tin trả lời rằng mình đang đi cơ sở?.
Tuy nhiên, khi PV đưa video clip quay lại cảnh cán bộ xã này đang ăn nhậu tại quán này thì người dân đều khẳng định người trong video clip mà phóng viên quay được chính là Chủ tịch xã Châu Hoàn cùng thuộc cấp của mình.
Một cán bộ công an xã mặc sắc phục bước ra khỏi bàn khi thấy PV đưa máy quay phim ghi lại hình ảnh.
Chiều 26/12, PV Dân trí đem sự việc trên trao đổi một cán bộ xã Châu Hoàn, cán bộ này cho biết: “Sự việc vừa qua tôi cũng có biết. Hiện số tiền trên đã được phía công an xã, huyện (1 cán bộ công an huyện) đã trả lại cho gia đình anh anh Vi Hải Đức rồi. Tuy nhiên, việc làm nói trên của cán bộ công an xã và huyện là sai với quy định của pháp luật”.
Cũng theo lời cán bộ xã Châu Hoàn này, thì nhóm công an nói trên (gồm CA xã 5 người và 1 cán bộ công an huyện tăng cường-PV) bắt xe chị Miền là nghi buôn bán ma túy. Tuy nhiên, khi kiểm tra không đúng thực tế (không có hàng-PV), không có căn cứ nhưng số cán bộ này vẫn ngang nhiên lấy tiền đưa về trụ sở UBND xã lập biên bản và thu hơn 90 triệu đồng là sai quy định.
Trong số những người ngồi tại bàn nhậu, qua cho xem video clip nhiều người dân xã Châu Hoàn có vị Chủ tịch xã này.
“Kiểm tra nhưng không có hàng phi pháp, đáng lẽ không có thì trả cho người dân, tiền đó là tiền lương thiện của người ta thì cần trả lại cho người ta ngay. Sau đó họ (nhóm công an xã và huyện) cũng đã mang trả hết số tiền cho gia đình chị Miền nhưng trả lèo nhèo. Còn trong biên bản lập thì nói đã trả hết cho chị Miền. Đồng thời cũng yêu cầu gia đình chị Miền thỏa thuận bằng một biên bản không được khiếu kiện. Nhưng trên thực tế vẫn còn hơn 90 triệu nữa thì nhóm cán bộ này dự tính không trả. Nhưng sau khi biết gia đình chị Miền làm đơn thư tố cáo gửi cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, thì nhóm công an xã và một cán bộ công an huyện đã trả hết số tiền trên cho gia đình chị Miền”, vị cán bộ này cho biết thêm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên.
Nguyễn Duy - Nguyễn Tình