Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn
tự đặt ra “khoản thu khác” trái quy định
Xuân Hùng
6:26 AM, 02/12/2015
.
Đơn thư bạn đọc gửi báo Lao Động phản ánh, trong các năm 2014 - 2015, ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đặt ra “khoản thu khác” và bắt buộc các chủ kiốt bãi biển phải nộp là trái nguyên tắc. Số tiền mỗi năm trên 2 tỉ đồng. Điều tra độc lập của PV Báo Lao Động cũng như kết luận thanh tra đã chỉ rõ, nội dung tố cáo, phản ánh của bạn đọc là đúng.
Tự đặt ra các khoản thu
Tháng 4.2012, ông Trịnh Huy Triều được bầu làm Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn. Ngày 24.4.2014, ông Triều đã ra thông báo số 600/TB-UBND thay đổi danh mục các khoản thu của các chủ kiốt kinh doanh trên bãi biển. Theo đó, các khoản thu bao gồm: Thuế, phí vệ sinh và khoản “đóng góp khác”. Các chủ kiốt đều băn khoăn là tại sao số tiền họ phải nộp thay vì chỉ có khoản thuế và phí vệ sinh như các năm trước thì nay lại sinh ra “khoản thu khác”. Khoản thu khác này năm 2014 đối với 42 kiốt là 2,187 tỉ đồng. Phần thu khác này được chia làm hai khoản thu: Thu đóng phúc lợi ngân sách thị xã là 1,505 tỉ đồng; thu đóng phúc lợi ngân sách phường, xã là 682 triệu đồng.
Tương tự, ngày 25.5.2015, ông Trịnh Huy Triều với tư cách là Chủ tịch thị xã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hà - Chánh Văn phòng UBND ký ban hành thông báo số 855/TB-UBND yêu cầu gần 50 chủ kiốt phải đóng số tiền trên 12,5 tỉ đồng; trong đó khoản thu “đóng góp khác” là 2,35 tỉ đồng bao gồm đóng cho ngân sách thị xã 1,41 tỉ đồng, cho ngân sách phường, xã 940 triệu đồng. Mỗi hộ kinh doanh kiốt phải đóng cho “khoản thu khác” được lý giải là khoản thu phúc lợi này từ 30 đến gần 100 triệu đồng.
Đây là phiếu thu của UBND phường Trường Sơn đối với một hộ kinh doanh kiốt.
Tự đặt ra luật, tiếp tay cho “chặt chém”?
Trả lời báo chí về nội dung trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho biết, theo quy định tại Luật Tổ chức HĐND, UBND thì UBND cấp huyện không có thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân. Luật chỉ giao quyền quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân cho HĐND cấp tỉnh. Như vậy, việc UBND thị xã Sầm Sơn tự đặt ra các khoản thu để phục vụ cho việc chi ngân sách địa phương là không đúng với thẩm quyền.
Trong thông báo của mình, UBND thị xã Sầm Sơn đã viện dẫn căn cứ là Quyết định 4549/2010/QĐ-UBND ngày 17.12.2010 của UBND tỉnh Thanh Hoá về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015. Làm việc với Lao Động, trên cơ sở quyết định này, ông Trịnh Huy Triều khẳng định, đã thu theo đúng Luật Ngân sách và quy định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, quyết định này không có phần thu nào ngân sách cấp huyện được giữ lại 100% có tên là “thu khác”!
Lý giải cho việc đặt ra cái gọi là “khoản thu khác” này, ông Trịnh Huy Triều khẳng định, “cứ phải thu như thế mới có tiền chi cho hàng loạt công việc quản lý khác như chi khai mạc hè, chi cho đội an ninh trật tự, chi cho đội cấp cứu biển, chi làm trang web, in ấn tài liệu… Theo ông Triều, mỗi năm các khoản chi này lên đến 3,5 tỉ đồng. “Nếu không thu như thế lấy gì mà chi!” - ông Triều nói. Thực tế mỗi năm, ngoài thu - chi, cân đối ngân sách theo quy định, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chi thêm cho thị xã Sầm Sơn 1 tỉ đồng hỗ trợ các hoạt động ông Triều kể trên.
Thanh tra tỉnh Thanh Hoá đã kết luận rõ: UBND thị xã Sầm Sơn chỉ có thể quản lý các nguồn thu từ thuế như thuế GTGT, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, phí vệ sinh môi trường để góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương. Còn “đối với “khoản thu đóng góp khác” thực chất đây là khoản thu của các chủ hộ kinh doanh phải nộp để được thuê kiốt, nhưng dưới hình thức “các khoản thu đóng góp khác” là “không đúng với nội dung thu”.
_____________
.
Tễu: - Vì sao các nhà hàng và giá dịch vụ ở Sầm Sơn rất đắt, chặt chém rất kinh? Mùa hè vừa rồi Tễu cũng đã thâm nhập các nhà hàng, thực hiện các cuộc phỏng vấn và được biết chính họ cũng không muốn chém khách đến vậy. Nhưng họ bị vặt nhiều quá!
Họ bị chính quyền chặt chém thông qua rất rất nhiều khoản thu (thuế má, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...), rồi lại bị chính quyền và công an "xin đểu" nữa. Vậy là để bù đắp được, họ buộc phải chém khách không tiếc tay.
Hoan nghênh báo Lao Động đã tìm ra kẻ điều khiển máy chém tại khu du lịch Sầm Sơn.
Rất mong các PV tiếp tục tìm hiểu và điều tra thêm lý do vì sao Sầm Sơn đắt đỏ như thế!
Nguồn Tiễu Blog
10 nhận xét :
Bà con doanh thương ơi! Sao lại "giận cá chém thớt"? Bị nhà cầm quyền "chặt" thì "chém" lại chúng nó, làm không được thì nhờ anh chị em giang hồ giúp cho, chớ sao lại đi chặt chém dân nghèo!
Trả lời
Cổ nhân nói : Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Không biết tại sao cán bộ với nhiều tuổi đảng lại sa đoạ đến thế. Mất niềm tin vào chủ nghĩa, vào cơ chế, người lãnh đạo, hay cả ba. Phải chăng là lúc quí vị trong bộ chính trị phải tìm ra nguyên nhân để cứu Đảng, không thì nguy to.
Trả lời
Lại đúng quy trình rồi.Trả lời
Trịnh Huy Triều : Quê quán Vĩnh Hoà, vĩnh Lộc Thanh Hoá. Trú quán Phường Trường Thi - TP Thanh Hoá: Là con trai Trịnh Huy Luân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Kiêm Giám đốc sở Giao thông vận tải Thanh Hoá đã nghỉ hưu. Khi ông Trịnh Huy Luân là Giám đốc sở GTVT thì Trịnh Huy Triều được làm trưởng phòng đăng kiểm cơ giới đường bộ trực thuộc sở GTVT Thanh Hoá. ở cương vị này Trinh Huy Luân cũng đã nổi tiếng về chặt chém lái xe, chủ xe..
Sẵn tiền ông ta chạy lên chức Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn. Vẫn sở trường "chặt chém" ông đã áp dụng thành công trong quan lý điều hành Chính sự tại Sầm Sơn. Ông được cấp dưới đánh giá là 1 Chủ tịch chịu chơi, chơi đẹp, ông đã có công đem lại cho Sầm Sơn 1 bộ mặt mới về vệ sinh môi trường...Nhưng cũng có nhiều tai tiếng về sưu cao thuế nặng với các khoản "đóng góp" ngoài sức dân.
.Hậu quả thì ai cũng thấy như báo đã nêu.Trả lời
Minh oan cho bà con Sầm Sơn.Trả lời
-ông chủ tịt Sầm sơn có phạm tội cố ý làm trái... trong luật hình sự không nhỉ ? hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế cả về xã hội.
-thực chất đây là khoản thu của các chủ hộ kinh doanh phải nộp để được thuê kiốt ? nghĩa là thế nào ? nộp khoản này có phải nộp tiền thuê ki ốt nữa không ?.Trả lời
Hoa thanh quế là vậy đó !Trả lời
Trời bố đến trời con , Dân chỉ có đưa cổ ra mà chịu chém . Dân làm từ sáng sớm đến hoàng hôn chưa được nghỉ còn phải tranh thủ làm đêm , còn QC mới hoàng hôn là đi du hí , hết trong nước đến ngoài nước . Do đâu mà QC có tiền đi du hí ? Tiền chặt chém lấy của Dân chứ củ ai ?Trả lời
Năm 2008 tôi có đến nghỉ ở Sầm Sơn vài ngày và đã thề không bao giờ đặt chân đến đấy nữa.Trả lời
Thối nát, lộng quyền, tán tận lương tâm từ trên xuống dưới! Trời ơi là trời!Trả lời