Sau cuộc chiến có người trở về với đôi nạn gỗ, với xe lăn, hoặc vì đôi mắt mù lòa với chiếc gậy mò mẫm đường đi. Khi nhìn những cảnh như vậy chúng có một sự xúc động, thương cảm như nhau. Vì sao mà chúng ta lại có sự đồng cảm?. Xin thưa rằng vì họ là những người có liên hệ mật thiết với những đồng hương từng sống trên mảnh đất miền Nam Việt Nam (NVN), họ là những người hy sinh xương máu để bảo vệ NVN trong suốt hơn 20 năm cho chúng ta được an bình sống, cho con cháu yên tâm học hành .... Có rất nhiều người đã nằm xuống, nhiều người khác trở về nhưng thân tàn ma dại, đã hy sinh một phần thân thể và máu của họ để cho chúng ta được tồn tại. Chúng ta trân quý Quân-Cán-Chính VNCH bao nhiêu thì "kẻ thù" lại thù ghét và hành hạ họ bấy nhiêu, chúng ta ghi ơn họ - những người một thời đối đầu với cộng sản - bao nhiêu thì kẻ thù lại đẩy họ vào đường cùng không lối thoát. Họ đã gánh chịu sự đày đọa trên thân thể trong những năm tù từ Nam ra Bắc dưới chế độ cộng sản phi nhân sau ngày 30.04.1975.
Riêng đối với các Thương Phế Binh. Mang thân Phế Binh đã khổ rồi, mà mang thân phế binh của kẻ chiến bại thì mức độ khổ sở còn gấp hơn vạn lần, từ tinh thần đến vật chất. Hơn 41 năm từ khi làn sóng tỵ nạn ào ạt được định cư trên các quốc gia tự do, người Việt tỵ nạn chúng ta đã thành lập nhiều Tổ chức, Hội Đoàn, Đảng Phái. Chúng ta đã tổ chức gây quỹ nhiều lần để giúp đỡ bạn bè, thân hữu bất hạnh đang còn sống trên quê hương VN. Từ Mỹ, Úc đến Âu Châu đâu đó vẫn không thiếu những tấm lòng luôn biết ơn cho cuộc đời bất hạnh đối với những người đã từng cầm súng gìn giữ quê hương, để chúng ta ngày nay mới có dịp đặt chân trên đất nước tự do. Khoảng bốn triệu người tha phương chỉ có một số ít gióng lên tiếng chuông kêu gọi lòng nhân đạo của mọi người, hãy nghĩ về những anh em thương phế binh bên quê nhà. Điều đáng buồn là đôi khi tiếng kêu chân thành của họ chỉ có một số người hưởng ứng chưa nói đến chuyện có kẻ lại dèm pha này nọ (?), làm cho lòng hy sinh của họ vì vậy cũng mỏi mòn theo thời gian và tuổi già.
Không lẽ người Việt tỵ nạn chúng ta vong ân bội nghĩa như vậy sao?
KHÔNG. Tôi tin và đã thấy rõ ràng là KHÔNG dù rằng những sinh hoạt như vậy ở Đức ít có, một phần vì hoàn cảnh điạ lý và oái oăm thay là những người có lòng lại ở xa nhau. Tôi /chúng tôi tin rằng trong chúng ta vẫn còn có những người trọng tình trọng nghĩa, không dễ gì một sớm một chiều mà quên đi những người hay thân nhân của họ bị sa cơ thất thế, những người hùng một thời đã vùng vẫy trên chiến trường, trên khắp bốn vùng chiến thuật để bảo vệ cuộc sống thanh bình cho dân chúng miền Nam Việt Nam. Không phải ai cũng có cái nhìn hay tấm lòng giống nhau nhưng may mắn thay trong chúng ta bao giờ cũng còn có những người luôn biết ơn và tri ân họ. Nhiều người trong chúng ta nhìn về họ với đôi mắt dịu dàng, thán phục, kính nể qua sự hy sinh cao cả của họ trong thời chiến. Đi từ căn bản và quan điểm này, chúng tôi tham dự viên đã đồng tình với ban tổ chức buổi sinh hoạt Văn Nghệ ghi ơn Người Lính và Thương Phế Binh VNCH cũng như những người vợ của họ được tổ chức tại Bad Homburg hôm 23.01.2016.
.
Có lẽ độc giả sẽ hỏi rằng tôi là ai mà có những lời “bênh vực” cho những người thay vì cuối tuần đi du ngoạn hay hưởng thụ dám bỏ công sức ra tổ chức các sinh hoạt cụ thể, hữu ích cho người Lính VNCH, cho những Thương Phế Binh và kêu gọi mọi người thương tình giúp đỡ họ đang lây lất sống tại quê nhà hay ngay cả cho những người vợ của họ. Xin thưa, tôi là một nhân chứng khi còn sống trên quê hương trong những năm dài chinh chiến khốc liệt nhất, và dã man nhất của Việt cộng là Tết Mậu Thân 1968, cách đây 48 năm. Bởi vậy tôi hiểu tâm trạng của các nạn nhân vì tôi đã từng đau với cái đau của họ, của thân nhân mình. Có một điều tôi may mắn hơn là đã được sống tại thành phố ở VN và bây giờ đang định cư ở một nước Tự Do. Thành thật mà nói, nếu tôi ở quê nhà thì chẳng biết thân phận mình bây giờ ra sao ?. Vì vậy riêng tôi rất trân trọng những việc làm có tính cách tri ân những ai đã hy sinh cho tôi/chúng tôi được sống. Xứ Tự Do ủng hộ hay không là quyền mỗi người nhưng theo thiển ý nếu KHÔNG ủng hộ được, tốt hơn hết tôi đề nghị đừng tìm cách nói này nói kia chống đối hay a dua rồi thờ ơ chạy theo những điều mà một người bình thường có chút nhận xét phải hiểu rằng rất ư phi lý !. Cũng đề nghị thêm là những ai chắc hẵn phải có điạ vị cao trong xã hội Đức nói riêng, khả năng phải giỏi ghê lắm, vượt bực nên chẳng hiểu lấy tư cách gì (?) khi đồng hương nào khác có lòng làm cái chi tốt đều bị chửi, bị chê bai hãy chứng tỏ qua việc làm cụ thể để chúng tôi có dịp nhìn thấy hầu học hỏi thêm kinh nghiệm tổ chức, kiến thức về văn học nghệ thuật và văn hóa Việt Nam. Chỉ là một đề nghị nhỏ thôi.
.
Khi một buổi sinh hoạt nói chung mang ý nghĩa rõ ràng- mặc dầu hết rồi "Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương như dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa - mà bây giờ là
“ Hải ngoại không quên tình chiến sĩ "
mục đích tiếp tục truyền thống giúp đỡ hay Tri Ân “Người Lính, người Thương Binh hoặc những người vợ của Thương Phế binh VNCH” như Ban Tổ Chức đã quảng cáo thì dù xa xôi cách mấy tôi/chúng tôi cũng cố gắng tham dự nếu hoàn cảnh cho phép. Trong tinh thần này, cho dù mùa Đông rất lạnh, băng tuyết nhưng tôi từ Nam Đức đã hân hạnh gặp gỡ quen biết những thân hữu cùng tâm trạng lặn lội đến từ Bá Linh, Hamburg (Bắc Đức), từ vùng Nordrhein-Westfalen, Stuttgart, đặc biệt một số anh chị em và nghệ sĩ đến từ Pháp cùng tìm về Bad Homburg. Nhìn lui, nhìn tới dĩ nhiên thiếu đi nhiều cựu quân nhân VNCH ngày xưa từng xông pha lửa đạn định cư gần nơi tổ chức (?) nhưng cũng vui vì ít ra đã có dịp nhìn thấy những khuôn mặt khá quen thuộc của vùng Hessen mà người viết, vốn là một người tỵ nạn chính trị (xin đừng hiểu theo nghĩa lạm phát) vì không chấp nhận cộng sản từng gặp trong những sinh hoạt của người Việt tỵ nạn tại Đức từ vài thập niên qua .
Kết quả tuy khiêm nhường nhưng cụ thể bằng hành động trong các sinh hoạt từ vài năm vừa qua ở Bad Homburg đã cho chúng ta thấy được biết bao tấm lòng cùng nhau tri ân : “Hải ngoại không quên tình chiến sĩ, đồng hương nhớ mãi nghĩa thương binh”.
.
Có thể nói đêm văn nghệ ở Bad Homburg hôm 23.01.2016 là một Đêm Nhạc Thính Phòng để tỏ lòng biết ơn người Lính, Thương phế binh và đặc biệt những người vợ của thương binh Việt Nam Cộng Hòa với sự đóng góp của một số nghệ sĩ từ Pháp, từ vài nơi của nước Đức cùng về tham dự. Cũng như nhiều thiện nguyện viên tại địa phương, ca nhạc sĩ đã làm việc trong nhiều ngày để có một buổi văn nghệ nội dung rất phong phú. Hầu hết các tham dự viên đều nói với tôi là đi nghe/xem không tốn tiền vào cửa mà đã có dịp thưởng thức một Đêm Nhạc Thính Phòng rất hay, nội dung súc tích. Món quà mà ban tổ chức, anh chị em nghệ sĩ và chúng tôi những người tham dự ủng hộ gởi về / đến anh chị em thương binh và quả phụ tử sĩ VNCH - đang còn ở Việt Nam hoặc đang định cư ở hải ngoại - có thể không lớn, nhưng hy vọng rằng niềm vui đem lại cho những người bất hạnh ở quê nhà hay tại các lục điạ Âu-Á-Mỹ sẽ là sự an ủi quý báu mà đồng hương hải ngoại nói chung, tại Đức nói riêng luôn luôn muốn cùng nhau bày tỏ, không rỗng tuếch hay đao to búa lớn mà rất thật lòng với những việc làm nhỏ nhoi, cụ thể nhất là tham dự ủng hộ. Và như thông lệ, ngoài Café, nước uống để phục vụ tham dự viên nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ nhiều món ăn đượm tình quê hương như món nhậu giò thủ với đồ chua, bánh ướt chả lụa, bánh mì thịt, chả, gỏi tôm thịt, bánh bao chỉ, phở tái nạm gầu bò viên, chè ...
.
Điều khách quan đáng nói và trân trọng là ngoài nữ ca sĩ Thanh Xuân, tay trống Minh Trí ở vùng Frankfurt, Guitarist Nga (Stuttgart) còn có một số anh chị em nghệ sĩ từ Pháp, điển hình là trưởng ban tổ chức Thu Sương (Paris), ca nhạc sĩ Đình Đại, vợ chồng ca nhạc sĩ Lê Hoàng và Ánh Thi (Pháp), Đặng Lộc (chơi Bass, Strasbourg) đã không quản ngại đường sá xa xôi bỏ công sức thực hiện một chương trình văn nghệ thật hay, nội dung phản ảnh rõ nét sự tri ân, tình cảm đối với các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng như tỏ lòng biết ơn đối với những người vợ của Thương Phế Binh VNCH mà nghệ sĩ Thu Sương đã nói là phải hy sinh rất nhiều trong suốt 20 năm chinh chiến do chính cộng sản chủ trương cũng như trong những tháng năm những người chồng vốn thuộc thành phần Quân-Cán-Chính của VNCH bị giam cầm trong các nhà tù từ Nam ra Bắc mà cộng sản gọi là "trại cải tạo", sau khi Miền Nam Việt Nam bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm.
.
Người viết nói riêng mệt mỏi nhiều sau hai ngày cuối tuần lặn lội lên tham dự, ngủ ít thức lâu đồng thời cũng là "nhân chứng sống" cám ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi / chúng tôi tham dự viên có dịp thưởng thức một Đêm Văn Nghệ gồm nhiều nhạc phẩn rất Lính, chất chứa đầy Tình Lính "Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương", điển hình như Chiều Trên Phá Tam Giang, Tình Thư Của Lính, Anh Không Chết Đâu Anh, Chiến Sĩ Vô Danh, Gửi Về Anh, Có Những Người Anh, Một Chuyến Bay Đêm, Người Thương Binh Việt Nam...
.
Thay vì chấm dứt lúc 23h cùng ngày nhưng vì chương trình ca nhạc quá hay nên nhiều tham dự viên yên lặng ngồi nghe các nghệ sĩ thay phiên nhau hát cho chúng tôi nghe đến gần hai (02) giờ sáng hôm sau mới chấp dứt. Sau đó là màn thu dọn chiến trường, kéo dài hơn 1h!.
Tôi cũng đã thu một số bài hát với máy Digitalcamera loại nhỏ cầm tay nên về phẩm chắc có nhiều sơ sót. Mong quý vị hoan hỷ cho. Dù vậy, cũng xin được giới thiệu Video Clip rút gọn dài gần 01 giờ và mời quý độc giả ghé xem / nghe những bản nhạc kể trên do các anh chị em nghệ sĩ từ Pháp và Đức đóng góp thiện nguyện theo đường Link :
.
Việc làm thật sự thay cho vạn lời nói - nhất là những việc làm rất thiết thực đáng trân trọng thể hiện rõ lòng biết ơn, không vọng ngữ như Đêm Văn Nghệ Thính Phòng Vinh Danh Những Người Vợ Thương Phế Binh VNCH hôm 23 tháng Một năm 2016 tại Bad Homburg / tiểu bang Hessen vừa qua. Tôi tin rằng mọi người đều có thể phẩm định rõ chân giá trị của những sinh hoạt đầy ý nghĩa như các buổi văn nghệ ủng hộ người Lính VNCH hay mục đích góp lửa đấu tranh cho Tự Do, Nhân Quyền Việt Nam, nhưng người viết nói riêng - vốn biết rằng nói đâu có bị đóng thuế - không dám nằm nhà nói hươu nói vượn mà bằng mọi cách cố gắng tìm đến với buổi sinh hoạt có chủ đề rõ ràng để chính tai mình được nghe trực tiếp dòng nhạc và mắt mình phải nhìn thật rõ sự việc - xin trân trọng được bày tỏ lòng cảm phục đến tất cả tham dự viên hiện diện, đặc biệt đến với thân hữu mạnh thường quân, anh chị em nghệ sĩ không những bỏ công sức, thời gian đóng góp thiện nguyện mà còn hát rất hay, đã chuyên chỡ những bản nhạc Lính rất trữ tình cho chúng tôi có dịp thưởng thức.
.
Chính vì vậy xin hãy tiếp tay với Ban Tổ Chức, cùng người viết mặc dù chỉ là "người em hậu phương" lúc còn ở Việt Nam - khác với những ai mà chính họ là người trong cuộc - gởi đi lời kêu gọi thương yêu và biết ơn những người Lính VNCH một thời đã xả thân cho lý tưởng Tự Do, cũng như tỏ lòng biết ơn đối với những người vợ của các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa.
* © Tham dự viên Lê-Ngọc Châu _ Bad Homburg 23.01.2016 & Nam Đức 27.01.2016
Nguồn: Viêt Báo