Có thể trong nhiều năm nữa, “hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng” sụp đổ tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào tháng Giêng năm 2016 vẫn sẽ là một bí ẩn cung đình.
Thủ tướng Dũng và tướng Tỵ tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tại Hà Nội tháng 7/2015
Ngay trước đại hội 12, nghe nói những người ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn rất tự tin và đã lộ liễu chuẩn bị “tiệc mừng” một khi ông Dũng đăng quang chức vụ tổng bí thư.
6/4/2016 đã trở thành ngày đóng dấu chấm dứt “triều đại X”. Sau việc ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại khỏi Bộ chính trị tại đại hội 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã đóng dấu chấm hết cho tham vọng “lật ngược thế cờ” của ông.
Gần 88% đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành việc mãn nhiệm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng là tỷ lệ rất cao, so với tin tức cho biết về con số 41% đại biểu đại hội 12 bỏ phiếu ủng hộ ông Dũng “ở lại”.
Hiện tượng sa sút kỳ lạ của Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12 và từ sau đại hội này đến khi bị mãn nhiệm xứng đáng là một câu hỏi rất lớn về tính thực chất tương quan quyền lực và xung đột quyền lực. Không phải ngẫu nhiên mà ông Dũng tỏ ra “nhũn như chi chi” và còn cảm thán “ráng làm người tử tế”.
Nhưng liệu ông có được làm “người tử tế” như nguyện ước?
Chỉ vài ngày trước khi Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu miễn nhiệm thủ tướng cũ, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – đã “được” Bộ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng điều chuyển sang chức vụ Phó chủ tịch quốc hội. Báo chí thốt lên “Lần đầu tiên Quốc hội có một phó chủ tịch là tướng quân đội !”. Nghe đâu có hơi hám mỉa mai trong đó…
Khó ai quên được một sự kiện đình đám vào năm ngoái: đầu tháng 7 năm 2015, ngay sau tin đồn chấn động “bị ám sát” về Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tại Hà Nội đã không có sự hiện diện của tướng Thanh. Thay vào đó là gương mặt của tướng Đỗ Bá Tỵ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại thời điểm đó, không thể tránh được sự khuấy đảo của bàn tán dư luận về việc Thủ tướng Dũng đang “thượng phong”, còn tướng Tỵ sẽ nghiễm nhiên thay chức bộ trưởng quốc phòng của tướng Thanh. Đó cũng là thời điểm mà người ta biết về tướng Tỵ như một “cánh hẩu” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Song thời thế đảo điên, con tạo xoay vần không thể đoán định. Sau tháng Bảy hoành tráng đó là hai hội nghị trung ương 13 và 14 – nơi mà “dấu ấn Nguyễn Tấn Dũng” bắt đầu mờ nhạt rồi một chiều đi xuống.
Tướng Tỵ có lẽ là một trong số ít nhân vật cao cấp được coi là “cùng cánh” với ông Nguyễn Tấn Dũng. Việc tướng Tỵ bất ngờ bị Tổng bí thư Trọng điều chuyển sang quốc hội làm nhiệm vụ “dân nguyện” là hiện tượng không bình thường, thậm chí có thể xem là rất bất bình thường. Hiện tượng này có thể là một dấu hiệu đủ lớn và đủ rõ cho thấy sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực, thân phận và số phận của nhiều người thuộc phe ông sẽ trở nên “khó thở”.
Từ tết nguyên đán 2016, dư luận Hà Nội đã lan truyền “Văn phòng chính phủ tết này vắng như chùa Bà Đanh”. Càng gần đến kỳ họp quốc hội bỏ phiếu mãn nhiệm Thủ tướng Dũng, nghe nói càng có một làn sóng “chạy loạn”. Những quan chức và đại gia vốn trước đây ủng hộ, a dua với Thủ tướng Dũng, nay đang tìm đường tháo thân hoặc tìm chủ mới.
Cũng bởi thế, mong ước “ráng làm người tử tế” của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và số phận của gia đình ông vẫn khó đoán định và tiếp tục là một ẩn số.
Lê Dung (SBTN)