Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg vừa được trùng tu
Trên trang web chính thức của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, ông đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết, đây là một dự án do Đại sứ quán đề xuất: “Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đề nghị Chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai dự án tôn tạo khu tưởng niệm do Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Đức đề xuất để nơi đây trở thành một di tích văn hóa – lịch sử chung của hai nước Việt Nam và Đức.”
Thật ra khu tưởng niệm này đã được dựng lên từ thời cộng sản Đông Đức, đó là một khoảnh đất nhỏ trong một khu vườn và vỏn vẹn chỉ dăm ba cột trụ vuông bằng đá hoa cương
Trên một cột trụ đá hoa cương có gắn tấm biển đồng khắc hàng chữ: “Tại đây tháng 7/1957, những thiếu nhi Việt Nam sinh sống, học tập tại trường Käthe-Kollwitz-Heim đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh“.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất thì khu tưởng niệm này bị bỏ hoang phế. Cách đây 2 năm, từ tháng 9 năm 2014 đã có những nỗ lực vận động khôi phục lại khu tưởng niệm này.
Điểm cần nhấn mạnh, trong khu tưởng niệm này nói riêng và kể cả khắp nơi trên nước CHDC Đức khi xưa cũng không có một pho tượng Hồ Chí Minh nào cả. Ngay trong dự án khôi phục lại "khu tưởng niệm Bác Hồ ở Moritzburg" cũng không có chương trình xây tượng hoặc dựng tượng Hồ Chí Minh, mà chỉ có dự định „xây dựng một ngôi nhà sàn thu nhỏ của Bác Hồ ở khu tưởng niệm để trưng bày, lưu giữ những kỷ vật của Bác khi người tới thăm nơi đây“.
Thế nhưng, khi nghe đến dự án "xây dựng khu tưởng niệm bác Hồ ở Moritzburg“, người Việt ở nước Đức, ở khắp nơi trên thế giới và kể cả ở trong nước, ai cũng tưởng rằng sẽ xây tượng hoặc dựng tượng Hồ Chí Minh ở Moritzburg, có lẽ ai cũng bị ám ảnh những tượng đài nghìn tỷ ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
Trong thời gian 2 tuần vừa qua trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở nước Đức đã có hàng loạt những hành động, những sáng kiến phản đối và ngăn chặn dự án xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg.
Nào là thu chữ ký cho thư phản đối gửi đến ông Andreas Lämmel, nghị sĩ quốc hội liên bang Đức đã và đang vận động tích cực cho dự án này. Nào là Thư của Diễn đàn Việt Nam 21 gửi đến ông thị trưởng Moritzburg. Nào là Thư của Liên hội người Việt tỵ nạn gửi đến ông nghị sĩ Lämmel. Nào là thư của Dr. Thanh Nguyen-Brem gửi đến bà Bộ trưởng Bộ quốc phòng Usula von den Leyen, v.v.
Các hội đoàn và đoàn thể người Việt cũng vận động người Đức và các tổ chức Đức hỗ trợ việc phản đối và ngăn chặn dự án này. Điển hình là bà cựu nghị sĩ quốc hội Vera Lengsfeld đã có một bài viết đăng báo với tựa đề „ Hồ Chí Minh ở Moritzburg: Trùng tu nơi tưởng niệm cho một kẻ giết người hàng loạt“.
>>> Bản gốc tiếng Đức xem ở đây.
>>> Bản dịch tiếng Việt xem ở đây.
Đặc biệt nhất 2 người ở trong nước là cựu học sinh Moritzburg đã viết thư phản đối dự án gửi đến chính quyền Moritzburg và nhất là gửi đến đảng CDU ở Moritzburg nhờ họ hỗ trợ.
>>> Bản dịch lá thư xem ở đây.
Sau một thời gian tưởng chừng như va vào „bức tường câm“, điển hình là Thư phản đối, mặc dù thu được gần 2 nghìn chữ ký, nhưng ông nghị sĩ quốc hội liên bang Lämmel không trả lời thư và cũng không trả lời email xin ông cho lịch hẹn nói chuyện. Ông Rößler, Chủ tịch quốc hội tiểu bang Sachen, cũng im lặng không trả lời thư. Đó là những nỗ lực nhắm vào cấp cao trên bình diện tiểu bang và liên bang.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực vận động khác nhắm trực tiếp vào địa phương, do đó tình hình ở địa phương Moritzburg không còn có thể „im ắng“ được nữa. Mới đây nhất, đảng CDU (Liên minh Dân chủ Kitô giáo) ở Moritzburg đã ra một thông báo yêu cầu dẹp bỏ dự án xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg:
Được biết, hiện nay đảng CDU ở Moritzburg là đảng chiếm nhiều ghế nhất (8 nghế) trong tổng số 19 ghế trong Hội đồng làng Moritzburg (Gemeinderat). Như vậy, dự án xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ gặp khó khăn cản trở rất lớn trong thời gian tới ngay tại địa phương Moritzburg và có nhiều hy vọng cuối cùng dự án này sẽ bị chính quyền địa phương dẹp bỏ.
Sau đây là bản dịch Thông báo của đảng CDU ở Moritzburg:
Tái lập một khu tưởng niệm?
Từ tháng 9/2015 thị trưởng Jörg Hänisch đã phấn khởi trước việc „khu tưởng niệm chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Hồ Chí Minh“ được lôi ra từ sự quên lãng. Ông kêu gọi củng cố „sự kiện lịch sử đáng chú ý và hấp dẫn“ này của tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Trong số mới nhất của tờ thông tin địa phương, ông hứa sẽ ủng hộ dự án này.
Chúng ta nên cùng nhau bỏ công điểm lại sự thật của lịch sử ! Năm 1955 nước XHCN Bắc Việt Nam gửi 350 thiếu nhi sang nước Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức anh em. Những con em của tầng lớp cán bộ có công trạng này được giảng dạy và theo học tiếng Đức 4 năm trong một ký túc xá mà ngày nay nằm trong khuôn viên của một cơ sở đạo Tin Lành ở Moritzburg.
Năm 1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Moritzburg và đúng theo thông lệ của xã hội chủ nghĩa, một khu tưởng niệm sùng bái cá nhân đã được dựng lên. Không những việc gửi con cái tầng lớp cán bộ sang đây, mà cả chuyến viếng thăm (của Hồ Chí Minh) cũng không phải là tình hữu nghị giữa 2 dân tộc.
„Khu tưởng niệm“ này có làm chúng ta nhớ đến tình hữu nghị giữa 2 dân tộc, hay là nhắc chúng ta nhớ đến những điều gì khác? Nhớ đến những đứa trẻ bị buộc phải rời xa gia đình, nhớ đến trại cải huấn thiếu niên thời Đông Đức? Hay là nhớ đến một nhà độc tài đã giam giữ 200.000 đối thủ chính trị trong các trại cải tạo? Có phải là chúng ta muốn tưởng nhớ đến một con người mà quân lính của ông ta (Việt cộng) đã tàn sát khoảng 3.000 thường dân chỉ trong vòng 3 tuần ở Hoàng thành Huế năm 1968? Hồ Chí Minh, „bác Hồ kính yêu“, đã thực hiện cuộc Cải cách ruộng đất, khi đó những địa chủ không chỉ bị đuổi đi, mà còn bị tra tấn và giết chết. „Bác Hồ kính yêu“ này cũng đã trấn áp văn hóa và nghệ thuật.
Có nên hay chăng, khi chính trên khu đất của một cơ sở đạo Tin lành lại để cho một kẻ độc tài được ca tụng và chế độ cộng hòa XHCN Việt Nam được nghĩ tới một cách thân thiện, nơi mà ngày nay những Thánh Lễ (ở Việt Nam có khoảng 6,5 triệu tín đồ Kitô giáo) cũng cần phải có giấy phép của nhà cầm quyền? Chúng ta ở Moritzburg có muốn rao bán việc „di tản trẻ em“ theo sắc lệnh nhà nước như là tình hữu nghị giữa hai dân tộc hay không?
Chúng ta ở Moritzburg không được phép thực hiện tệ sùng bái cá nhân cho một kẻ độc tài cộng sản, chỉ vì ngày nay có một vài cán bộ cộng sản thành đạt ở Việt Nam thích hồi tưởng về thời gian của chúng ở CHDC Đức. Vì vậy, đây là lời yêu cầu gửi đến ông Thị trưởng Jörg Hänisch: Ông chớ nên ủng hộ việc tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, tôn vinh một kẻ độc tài cộng sản và ông hãy thẳng thừng tuyên bố bác bỏ bất cứ dự án nào nhằm thành lập một khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg.
Chi bộ CDU Moritzburg
- Ban Chấp hành -
.........................................................
Thị trưởng Moritzburg cải chính: "Đó không phải là đài tưởng niệm HCM!"
Bản chuyển ngữ bài báo „Denkmal für einen Diktator?“ (Đài tưởng niệm cho một nhà độc tài? ) của tờ báo Sächsische Zeitung (Đức), số ra ngày 10.06.2016.
Lưu ý: Tựa đề là do người dịch đặt lại. Tất cả những chú thích dưới ảnh chụp và chú thích trong bài được để trong ngoặc là của người dịch. Ngoài ra còn có một vài ảnh chụp do người dịch bổ sung.
—————————————
Gần 60 năm trước đây ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam (Dân Chủ Cộng Hòa), đã đến thăm thiếu nhi Việt Nam đang lưu trú ở Moritzburg. Khu tưởng niệm sự kiện này giờ đây được dự trù trùng tu và gây ra một làn sóng chống đối.
Nơi tưởng niệm ở Moritzburg gây nhiều ý kiến ngược nhau (Ảnh và chú thích của báo SZ)
Moritzburg. Từ năm ngoái hai doanh nhân người Việt đã nỗ lực phục hồi khu tưởng niệm nằm trong khuôn viên của Diakonenhaus (một cơ sở đạo Tin lành) ở Moritzburg (một làng nhỏ gần thành phố Dresden thuộc miền Đông nước Đức). Họ đã tính toán mọi chuyện. Khi ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam, đến thăm Moritzburg 3 tuần trước đây, ông không chỉ được nhìn thấy khu tưởng niệm mới tu sửa lại, mà ông còn đặt bó hoa đúng chỗ, ngay bên cạnh tấm ảnh to dựa vào một cột trụ đá hoa cương. Đó là tấm ảnh chụp Hồ Chí Minh thăm những thiếu nhi Việt Nam sinh sống và học tập 4 năm ở Moritzburg hồi cuối những năm 1950.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng (đeo cà vạt đỏ) và đại gia Võ Văn Long (tức Long Đào gốc người Quảng Bình) chủ nhân chuỗi (hơn 30) quán ăn Thăng Long khắp nơi trên nước Đức và khách sạn Thăng Long ở Berlin. Ông là một trong 2 doanh nhân bỏ tiền ra thuê mảnh đất nhỏ này và sửa sang khu tưởng niệm. (Ảnh báo SZ)
Trong cuộc nói chuyện với ông Thị trưởng và ông Trưởng phòng Hành chính của Diakonenhaus, Võ Văn Long, một doanh nhân sinh sống tại Berlin, đã bày tỏ nguyện vọng, không chỉ thuê lâu dài khoanh đất tưởng niệm này, mà còn mong muốn phát triển thêm. Thí dụ xây dựng một ngôi nhà sàn thu nhỏ của Bác Hồ để trưng bày những chứng tích về sự lưu trú của những thiếu nhi Việt Nam ở Moritzburg. Và ông đại sứ hứa hẹn rằng, một khi khu tưởng niệm này được tôn tạo, thì không chỉ có những „cựu Moritzburger“ – những học sinh Việt Nam hồi xưa học ở Moritzburg mà cho đến giờ họ vẫn tự xưng như vậy – mà còn nhiều người Việt khác sẽ đến làng này viếng thăm.
Đã có thể lường trước được, ý tưởng này rất có thể sẽ gây ra sự phản kháng. Dù sao trong số những người Việt Nam sinh sống ở Đức cũng có rất nhiều người tỵ nạn. Trong lá thư gửi đến Moritzburg (lá thư bản gốc tiếng Đức xem ở đây và bản dịch xem ở đây) mà tòa soạn hiện có, tiến sĩ Dương Hồng Ân, Điều hợp viên của Diễn đàn Việt Nam 21 viết: „Trong khi nhật báo Sächsische Zeitung trong bài „Đi tìm dấu vết bác Hồ„ ra ngày 19.05.2016 chỉ tường thuật về nguyện vọng của Đại Sứ Việt Nam và một doanh nhân từ Berlin, ông Võ Văn Long, muốn phục hồi và mở rộng một khu lưu niệm trong khuôn viên Diakonenhaus ở Moritzburg để tưởng nhớ các trẻ em Việt Nam đã từng sống ở đây, thì hai ngày sau báo nguoiviet.de và nhiều trang mạng Việt Nam khác lại đưa tin về dự án „Khu tưởng niệm bác Hồ sẽ được xây dựng tại Moritzburg.“ Như thế bài báo gây ấn tượng rằng, việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg là việc đã được quyết định xong rồi."
Lá thư được viết tiếp: „Bài báo của nguoiviet.de đã gây ra hoang mang, bực bội và giận dữ trong giới người Việt ở Đức. Đặc biệt những người Việt tỵ nạn ở Cộng Hòa Liên Bang Đức đã lên tiếng chống dự án này qua các thư phản đối và thỉnh nguyện thư gửi tới ông Dân biểu Quốc hội liên bang Andreas Lämmel.“ Sau khi gặp một nhóm „cựu Moritzburger“ trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng tư, ông Dân biểu ở Dresden này đã mời ông tân Đại sứ CHXHCN Việt Nam đến thăm Moritzburg.
Ông Dương Hồng Ân cũng viết trong lá thư gửi ông Thị trưởng và Hội đồng địa phương Moritzburg rằng, ông Hồ Chí Minh không được đa số dân chúng Việt Nam tôn kính như người ta thường nói. Nhiều người buộc ông ta phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu nạn nhân trong cuộc chiến. „Một trong số những cựu học sinh Việt Nam ở Moritzburg mà chúng tôi được quen biết đã bày tỏ thái độ phản đối việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh.“ (bản dịch lá thư của cựu học sinh Việt Nam ở Moritzburg xem ở đây)
Và lá thư được viết tiếp: „Chúng tôi nhận thấy không có lý do chính đáng cho việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg. Mặt khác chúng tôi chấp nhận hình thức tưởng nhớ đến những cựu học sinh Việt Nam khi xưa học ở Moritzburg.“
Bà Kirsten Muster ở Moritzburg, dân biểu đảng AfD trong Nghị viện bang Sachsen, cũng lên tiếng phê bình gay gắt: „Rõ ràng là ở đây đã được tính toán kỹ càng, để một khu tưởng niệm có từ thời Đông Đức được trùng tu với sự hỗ trợ của nhà nước Việt Nam và theo ý nghĩa chính trị lịch sử một chiều của họ. Dĩ nhiên trong ý nghĩa của tình hữu nghị giữa 2 dân tộc, thì một sự tưởng nhớ đến trẻ em Việt Nam sinh sống và học tập ở Moritzburg vào cuối thập niên 50 là một điều đáng được khen ngợi. Nhưng dự án lại cho thấy ý đồ thành lập khu sùng bái lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, mà qua đó hình ảnh một nhân vật chính trị được trình bày hoàn toàn thiếu phê phán trong khi thật ra vẫn còn rất nhiều tranh cãi về con người này “.
Ban chấp hành đảng bộ CDU ở Moritzburg cũng đã bày tỏ quan điểm: „Có nên hay chăng, khi chính trên khu đất của một cơ sở đạo Tin lành lại để cho một kẻ độc tài được ca tụng và chế độ CHXHCN Việt Nam được nghĩ tới một cách thân thiện, nơi mà ngày nay những Thánh lễ -ở Việt Nam có khoảng 6,5 triệu tín đồ Kitô giáo- cần phải có giấy phép của nhà cầm quyền? Chúng ta ở Moritzburg có muốn rao bán việc “di tản trẻ em” theo sắc lệnh nhà nước như là tình hữu nghị giữa hai dân tộc hay không?“ (Thông báo của đảng bộ CDU Moritzburg xem ở đây)
Trong cuộc họp Ủy ban hành chánh của Hội đồng địa phương Moritzburg trong tuần này, Thị trưởng Jörg Hänisch (không đảng phái) đã trình bày quan điểm của ông: „Nơi này trong khu đất của ký túc xá thiếu nhi và thiếu niên ngày xưa nhắc nhở chúng ta rằng, làng chúng ta đã một thời bảo vệ cho các trẻ em cần được che chở. Đó không phải là đài tưởng niệm cho một ý thức hệ nào, đó cũng không phải là đài tưởng niệm một cá nhân nào, đối với tôi trong tư cách là Thị trưởng, đó là nơi để khơi gợi cho người ta suy ngẫm về những tội ác gây ra cho trẻ con hồi xưa và ngày nay“.
Ông Jörg Hänisch, Thị trưởng Moritzburg, trả lời phỏng vấn đài VTV4 tại khu tưởng niệm ngày 18.05.2016. (Ảnh chụp màn hình đài VTV4). Xem tường thuật của đài VTV4 tại đây.
Đòi hỏi tái lập khu tưởng niệm ở Moritzburg xuất phát từ nguyện vọng của những cựu học sinh Việt Nam ở Moritzburg, họ muốn có một nơi kỷ niệm và nguyện vọng này đã được đề đạt đến ông dân biểu Andreas Lämmel. Khu tưởng niệm này đã có sẵn từ xưa, tuy nhiên theo dòng thời gian ngày càng trở nên hoang phế. „Những nỗ lực của ông Lämmel và của tôi với tư cách là Thị trưởng nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam trong những lãnh vực: kinh tế, giáo dục và đặc biệt đối với làng chúng ta là lãnh vực du lịch, và qua đó góp phần vào tình hữu nghị giữa 2 dân tộc“, ông Jörg Hänisch giải thích.
„Sau kỳ nghỉ hè tôi sẽ mời những thành viên của Hội đồng địa phương đến tham dự một cuộc nói chuyện riêng biệt và tại chỗ khu tưởng niệm. Đó sẽ là dịp để trao đổi với những người hỗ trợ dự án này, bàn về hình thức nêu trong kế hoạch, nhưng sẽ thu nhận để cân nhắc những ý kiến phê bình về dự án.“, ông Thị trưởng hứa hẹn. „Chính là chúng ta ở Moritzburg, nơi đây trong thời gian cách mạng hòa bình (chú thích: cuộc cách mạng ở Đông Đức vào năm1989, dẫn đến bức tường Berlin sụp đổ và sau đó nước Đức thống nhất mà không đổ máu) đã học được rằng, lịch sử không phải chỉ là đen hay chỉ là trắng.“
Tác giả: Sven Görner
Chuyển ngữ: Đặng Hà