GNsP (30.06.2016) – Vào chiều ngày 30.06.2016, Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh chính thức thừa nhận công ty này đã xả độc tố gồm phenol và xyanua, làm ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng vào những ngày tháng 4.2016, cá biển tại các tỉnh Miền Trung chết trắng xóa.
Công ty Formosa này đã cam kết sẽ xử lý ô nhiễm, bồi thường kinh tế và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân 500 triệu USD sau vụ thảm họa cá chết trắng.
Vào năm 2008, nhà cầm quyền đã ký cho phép Formosa – chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương – thuê 2.025 hécta đất liền và 1.293 hécta mặt nước thuộc cảng Sơn Dương với thời gian thuê là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Tổng số vốn đầu tư là gần 10 tỷ USD.
Khởi tố thành một vụ án
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không đồng tình lời xin lỗi của Formosa Hà Tĩnh và yêu cầu nhà cầm quyền cs VN phải tiến hành điều tra thành một vụ án. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội bình luận trên facebook:
“Vài nhận xét về công bố nguyên nhân cá chết: Thứ nhất, xác định thủ phạm là FORMOSA, thủ phậm nhận lỗi. Thứ hai, Formosa hứa 5 điểm (người ta có lẽ chỉ chú ý đến 500 triệu USD đền bù và khắc phục hậu quả). Chắc phải cần nhiều tỷ USD chứ không thể 0,5 tỷ USD. Thứ ba, họp báo nói công lao chính là của Đảng và các cơ quan chính phủ; điều tra khách quan… Thứ tư, bức xúc trong dân là thỏa đáng, song có thế lực kích động, lợi dụng… Thứ năm, rất đúng bài bản đã định sẵn theo kịch bản.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận thêm: “Theo tôi phải tiến hành một vụ án, đánh giá đầy đủ thiệt hại (có thể mất vài năm mới xong) và buộc Formosa phải bồi thường (chứ không thể coi việc 500 triệu [họ bảo đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng; cứ cho là 500 triệu USD chỉ cho 1 triệu người này, thì mỗi người được 500 USD chắc bằng thiệt hại của họ trong 1 -2 tháng trong khi biển chết hàng chục năm chưa chắc đã phục hồi] và vài lời hứa như thế này là xong và để chìm xuồng vụ này. Xử lý các cán bộ liên quan (nhất là những kẻ đã cho phép Formosa đầu tư) chỉ được nói rất mờ nhạt mà chắc chắn phải làm mạnh mẽ hơn rất nhiều.”
Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Quang A, Luật sư Lê Luân, sống ở Hà Nội, nhấn mạnh rằng cần “truy tố những kẻ trực tiếp và cả gián tiếp gây ra thảm hoạ kinh hoàng” này. LS Lê Luân bình phẩm:
“Đến nước này, số tiền 500 triệu đô la bồi thường, chưa tính đến khắc phục hậu quả, nhưng do thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, gây cá chết hàng loạt, người (thợ lặn) đã chết và một số phải điều trị bệnh, nhiều người dân khác ngộ độc do ăn hải sản trong thời gian thảm hoạ, biển bị đầu độc về lâu dài,…thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự và truy tố những kẻ trực tiếp và cả gián tiếp gây ra thảm hoạ kinh hoàng chưa từng có tiền lệ này đối với nền kinh tế, an ninh quốc gia ra trước vành móng ngựa để xét xử nghiêm minh. Sự ngông cuồng được dung dưỡng là bởi sự vô pháp, coi thường luật lý và chính quyền sở tại mà ra. Và chính Formosa đã không còn coi dân chúng cũng như Việt Nam ra gì ngay trên chính mảnh đất này. Tuy họ cúi đầu nhưng tâm họ không cúi.”
Tội ác của Formosa được nhà cầm quyền “bao che”
Suốt gần ba tháng trôi qua, sau vụ thảm họa cá chết hàng loạt, nhà cầm quyền đã chậm trễ tuyên bố kết quả điều tra nguyên nhân cá chết. Nhưng dưới áp lực và những lời chỉ trích của công luận thì buộc nhà cầm quyền tuyên bố công khai nguyên nhân sau tuyên bố của Bộ Công An một ngày.
Tuy nhiên, trước ngày giới chức VN công bố kết quả, trên báo lề đảng xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến Công ty Formosa Việt Nam thừa nhận lỗi gây ra thảm họa môi trường.
Liên kết các sự kiện này, Luật sư Lê Công Định nhận định rằng đó là một sự “phối hợp nhịp nhàng” giữa nhà chức trách VN với Formosa. LS Định phân tích trên facebook của ông:
“Vấn đề cần đặt ra là tại sao có sự trùng hợp về thời điểm như vậy trong hành động của Chính phủ và Formosa? Điều tra nguyên nhân thảm hoạ môi trường là vấn đề kỹ thuật và pháp lý, lẽ ra kết quả phải công bố trước khi Formosa thừa nhận lỗi về mình. Vậy tại sao phải trì hoãn công bố?”.
“Chẳng lẽ Chính phủ chờ thuyết phục Formosa thừa nhận trước mới dám công bố nguyên nhân sau? Nói cách khác, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và Formosa trong sự kiện nghiêm trọng này chỉ để đối phó dư luận? Vậy yêu cầu chính đáng của người dân cả nước, nạn nhân của thảm hoạ môi trường này, không đáng để Chính phủ ưu tiên quan tâm hơn thủ phạm?”.
Đến đây cần đặt vấn đề trách nhiệm công vụ của Chính phủ. Khi khủng hoảng xảy ra, không cần biết nguyên nhân thảm hoạ đến từ đâu và do ai, với trách nhiệm công vụ mẫn cán, việc điều tra phải tiến hành ngay lập tức và kết quả phải công bố ngay lúc quy trình xác minh kết thúc, bất kể thủ phạm thừa nhận hay không lỗi của mình (cần lưu ý, thủ phạm không có quyền biết kết quả trước khi công bố, trừ phi được cơ quan điều tra tiết lộ riêng). Tất cả trình tự đó phải diễn ra như một cơ chế tự động của bộ máy công vụ trên cơ sở luật pháp.
Xét lẽ trên, Chính phủ hoàn toàn không thực hiện đúng trách nhiệm công vụ của mình theo luật định. Sự thiếu trách nhiệm nghiêm trọng này cần phải được xử lý và chế tài thông qua trình tự chất vấn và, nếu cần, miễn nhiệm trước và bởi Quốc hội. Một Quốc hội bao gồm các đại biểu thực sự của dân chắc chắn cũng sẽ hành động theo cơ chế tự động của bộ máy dân cử như quy định của Hiến pháp.”
Xin lỗi công khai người dân xuống đường biểu tình ôn hòa vì “môi trường sạch”
Sau vụ thảm họa, cả nước nhiều cuộc biểu tình nổ ra vào những ngày cuối tuần trong tháng 5 tại Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Bình và Nghệ An. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã huy động lực lượng áo xanh, đô thị, thường phục – được xem là “lực lượng không có chức năng” – trấn áp người dân xuống đường biểu tình, tọa kháng ôn hòa. Do đó nhiều người dân đã đòi buộc nhà cầm quyền công khai xin lỗi và bồi thường cho những nạn nhân bị đàn áp.
Bạn trẻ Nguyễn Nữ Phương Dung đề nghị: “Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam làm ngay 2 việc sau: thứ nhất, xin lỗi, đền bù thiệt hại cho những người biểu tình lên tiếng vì môi trường bị đánh đập, bắt bớ trái phép. Thứ hai, điều tra, kỉ luật những cá nhận, tổ chức chỉ đạo, bắt bớ người biểu tình trong những cuộc biểu tình vừa qua! Công ty còn cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam được, chẳng lẽ chính phủ to như thế lại không làm được?.”
Mạnh mẽ hơn nhiều người dân lên tiếng công khai yêu cầu nhà cầm quyền cs “đóng cửa Formosa” vì người dân cần sống trong môi trường sạch, cần cá không cần thép. Liệu “đầy tớ” nhân dân có nghe lời “ông chủ” quyết liệt “đóng cửa Formosa”? Nếu làm được, dân tộc VN mới có hy vọng cơ may thoát “Trung”!
Nhà cầm quyền có “vì dân”?
Nhà cầm quyền thường tự nhận là “đầy tớ của nhân dân, vì nhân dân phục vụ”, nhưng qua hành động cụ thể trước thảm họa môi trường do Fomosa gây ra mới thấy đầy tớ này vừa xảo trá, gian manh và ác độc với người dân. Họ cho rằng sự thật phải mất đến 3 tháng để tìm nguyên nhân, thế sao đã vội vã “cứu” Fomosa khi công bố nguyên nhân cá chết là do “thủy triều đỏ”? Họ còn trơ trẽn cho rằng việc cấp phép và thực hiện xả thải của Fomosa là “đúng qui trình”! Không những vậy, các cán bộ còn rủ nhau xuống tắm biển, ăn cá để chứng minh nước biển sạch không độc tố, cá không chết vì nguyên nhân nhiễm độc! Nhà chức trách còn dùng bạo lực – trên cả mức đối xử với kẻ thù để đàn áp những người dân đòi minh bạch nguyên nhân cá chết, “Fomosa cút khỏi Việt Nam” một cách ôn hòa?
Đến nay lại tráo trở, nói lời nhân nghĩa với thủ phạm rằng truyền thống, nhân đạo để chấp nhận lời xin lỗi của kẻ gây ra thảm họa cho người dân. Đã có bao giờ nhà cầm quyền thống kê thiệt hại người dân phải gánh chịu, và có “do dân” quyết định thông qua lấy ý kiến người dân chưa mà sao dám tùy tiện ngửa tay chấp nhận 500 triệu mỹ kim để đền bù thiệt hại cho người dân? Số tiền đền bù này có tới tay người dân? Và liệu có còn bao nhiêu lời xin lỗi khác sẽ xẩy ra trong tương lai?
Huyền Trang, GNsP