Lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49, Bộ Công an) đang tiến hành điều tra, làm rõ về việc Formosa chôn chất thải ở trang trại của Giám đốc môi trường
Liên quan đến vụ việc Formosa chôn chất thải ở trang trại của GĐ môi trường đang gây chấn động dư luận cả nước, sáng 12/7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49, Bộ Công an) cho biết, hiện đơn vị đã nắm được sự việc và đang vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề báo nêu. Đơn vị sẽ căn cứ vào kết quả điều tra nếu có sai phạm sẽ xử lý triệt để.
Trước đó, liên quan đến việc xả thải của Formosa phía Cục đã thành lập một đoàn công tác cùng với các đơn vị liên quan tiến hành vào cuộc điều tra, xử lý ở khu công nghiệp Formosa.
Bí mật kinh hoàng dưới phần đất rừng.
Theo đó, trong khi các cơ quan chức năng chặn đường biển để kiểm tra, lâu nay Formosa đã đưa rác thải về đâu để tiếp tục sục rửa hệ thống, thì bất ngờ nhận được tin báo “rùng mình” từ người dân địa phương.
Nhóm PV báo Người Đưa Tin đã cải trang thành những người dân bản địa, xâm nhập một trang trại “ma” ở đầu nguồn sông Trí, nơi được cho là đang chôn lấp hàng nghìn m3 cặn cô đặc, lấy từ hệ thống xả thải của Formosa.
Nhóm PV có mặt tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và một ngày đầu tháng 7/2016. Theo tin báo từ một người dân địa phương cho biết: Tại trung tâm xử lý rác thải của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, người ta đang phân loại và đóng gói rất nhiều chất thải màu đen như bùn, bốc mùi khó chịu. Sau khi tập kết đủ số lượng, một số xe tải được điều động đến và vận chuyển theo hướng đường tránh thị xã Kỳ Anh rồi mất hút…
Những con đường đất ngoằn ngèo, đầy vết bánh xe tải nối trung tâm thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với vùng thượng Kỳ Trinh, đã đưa nhóm PV tiếp cận trang trại bí ẩn nằm giữa rừng tràm bao phủ. Nhóm PV đã hết sức bất ngờ và ngỡ ngàng, khi nhìn thấy hàng nghìn m3 rác thải công nghiệp đen kịt đang bốc mùi nồng nặc, được người ta vận chuyển đến, rồi chôn lấp ngay ở đây.
PV xuyên vào rừng tràm, mật phục ghi lại những hình ảnh khó tin: Khu đất hàng trăm m2 tạo thành vùng lõm giữa những thân tràm bao bọc. Và những chiếc xe tải phủ kín bạt, oằn mình từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh chở theo những bao tải chất thải mang đổ xuống bãi này. Xe đổ đến đâu, hệ thống máy múc tiến hành san lấp đến đó.
Từng đống chất thải được lật lên
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, đây là một khu rừng hoang vu, ít người qua lại và thường xuyên có nhiều thanh niên mặt mũi bặm trợn lai vãng, giám sát sự vào ra của những người lạ mặt. Thậm chí, người dân địa phương quanh vùng không ai được bén mảng đến nơi đây.
Nơi đây, người dân gọi là trang trại Hoàng Trinh. Giữa trang trại bí ẩn này, chỉ một ngôi nhà nhỏ với một đôi vợ chồng già trông nom, chăm sóc vườn tược và gia cầm cho ông chủ. Họ được thuê vào đây làm việc rồi dần dần chuyển đến sinh sống ở đây luôn.
Cả một vùng đất trống phát ra mùi hôi thối nồng nặc – đấy là mùi của hóa chất. Phần lớn rác thải đã được người ta lấp đất lên nhưng nhóm PV vẫn có thể đánh giá được trữ lượng thông qua những bao tải lộ thiên.
Điều đáng chú ý là toàn bộ diện tích của trang trại này đều nằm bên cạnh thượng nguồn sông Trí và cách đó không xa chính là đập tràn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng ngàn hộ dân quanh vùng.
Trong quá trình xâm nhập, đám xe tải đã phát hiện ra PV. Họ dừng vận chuyển để dò la tung tích. Nhóm PV báo Người Đưa Tin quyết định rút về TP Hà Tĩnh, liên hệ làm việc và trình báo về việc làm nguy hại này.
Bằng sự tiếp thu thiện chí, chiều ngày 11/7, đoàn liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường, Thanh tra Sở TN – MT, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh, Công an thị xã Kỳ Anh… đã theo chân PV đến hiện trường để tiếp cận sự việc. Điều bất ngờ đầu tiên với các cơ quan chức năng, trang trại “ma” này thuộc quyền sử dụng của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường – Đô thị thị xã Kỳ Anh.
Lực lượng chức năng kiểm tra khu vực đổ chất thải của Formosa
Một cán bộ đang công tác tại Formosa Hà Tĩnh thừa nhận: “Đây chính là chất thải kim loại nặng, được lắng lại sau quá trình xử lý nước thải. Nó như một lớp bùn đen đọng lại dưới đáy hồ và được múc lên rồi đóng gói đi chôn lấp. Việc làm này là hết sức nguy hiểm vì có thể trong lớp bùn đó còn chứa rất nhiều kim loại nặng, có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường”.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cập nhật tới bạn đọc.
Nhóm Phóng viên