Mỗi 5 giây, các siêu thị tại Mỹ vứt đi hơn 4 tấn thực phẩm có thể ăn được. Nhưng tại quốc gia này, con số thực phẩm bị lãng phí là 0.
Đi siêu thị, nhiều người hẳn không thể rời mắt khỏi quầy thực phẩm. Đó là nơi trưng bày những bó rau, thớ thịt tươi ngon mà chất lượng thì đảm bảo. Rồi thì ai có thể cưỡng lại không qua khu ẩm thực nữa chứ - đây là nơi các nhân viên đang nướng những ổ bánh mì thơm điếc mũi, chiên xào những hộp đồ ăn cực kỳ ngon mắt để phục vụ khách hàng.
Đây thực chất là một chiêu trò của các siêu thị, vì mùi thức ăn sẽ tác động đến khướu giác, gây cảm giác đói bụng, đồng thời kích thích chúng ta mua nhiều đồ hơn.
Nhưng chiêu trò hay không cứ tạm gác lại đã. Câu chuyện của hôm nay là: Theo bạn, các siêu thị sẽ xử lý chỗ thực phẩm dư thừa như thế nào?
Câu trả lời là: Vứt hết!
Trừ một số siêu thị quyên góp từ thiện, còn hầu hết thực phẩm thừa sẽ được "giải tán" ra thùng rác vào cuối ngày. Và sự lãng phí này thực sự là một vấn đề rất nghiêm trọng với nhiều quốc gia trên thế giới.
Ước tính, mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn đồ ăn. Trong đó, cứ mỗi 5 giây các siêu thị tại Mỹ vứt đi 4,5 tấn thực phẩm, và riêng trong năm 2012 họ đã lãng phí tới 35 triệu tấn. Tại Anh, dù ít hơn nhưng mỗi năm các siêu thị cũng lãng phí tới 6 triệu tấn đồ ăn. Đáng chú ý hơn, đó đều là thực phẩm CÒN ĂN ĐƯỢC, vì mới chỉ đến hạn "best before date" (hạn này cho biết thời điểm thức ăn đạt chất lượng tốt nhất, chứ không phải thời điểm bị hỏng).
Tuy nhiên, duy có một quốc gia, sự lãng phí của các siêu thị tại đây chỉ là con số 0. Đó chính là nước Pháp.
Pháp - nơi lãng phí thực phẩm bị nghiêm cấm
Thực ra, Pháp cũng đã từng là một trong những quốc gia có đóng góp không nhỏ vào kho thức ăn bị lãng phí 1,3 tỉ tấn kia. Mỗi năm, Pháp vứt đi 7 triệu tấn thực phẩm, trong đó 11% đến từ các siêu thị.
Tại sao họ lại vứt? Đơn giản là vì quá trình xử ý đồ ăn thừa khá tốn thời gian, hoặc có thể tốn chi phí. Trong khi đó, chỉ cần vứt ra thùng rác là coi như nhẹ nợ, không tốn thêm chi phí phát sinh nào khác (trừ phí vệ sinh môi trường phải đóng mỗi năm).
Mỗi năm, thế giới lãng phí tới 1,3 tỉ tấn thực phẩm
Và thậm chí, số thực phẩm đó còn bị lãng phí một cách rất vô lý. Một số siêu thị khóa chặt thùng rác họ. Số khác vứt thẳng vào kho chứa, đợi xe chở rác đi qua mới mở. Đặc biệt vài siêu thị còn đổ cả thuốc tẩy vào, việc làm mà theo lời họ là để "tẩy trùng". Nhưng trên thực tế, đó là cách các siêu thị ngăn không cho người vô gia cư lục lọi vào buổi đêm.
Mọi chuyện chỉ đổi khác vào đầu năm 2016, khi đạo luật mới của Pháp chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả các siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên buộc phải ký hợp đồng quyên góp thực phẩm thừa cho các tổ chức từ thiện.
Thực phẩm dư thừa sẽ phải quyên góp từ thiện
Ngoài ra, điều luật cũng nghiêm cấm các siêu thị phá hỏng thực phẩm trước khi quyên góp. Nếu vi phạm, họ sẽ phải chịu mức phạt lên tới 82.000 USD (gần 2 tỉ VNĐ).
Đổi lại, các tổ chức từ thiện sẽ có nghĩa vụ đến thu thập, đảm bảo thực phẩm được lưu trữ trong điều kiện hợp tốt nhất, đồng thời phân phát thực phẩm với thái độ cực kỳ tôn trọng.
Điều luật có ý nghĩa rất lớn
Với việc đạo luật được thông qua, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có điều luật cấm lãng phí thức ăn, và nó có ý nghĩa rất to lớn.
Đầu tiên, phải kể đến tiêu chuẩn thực phẩm có phần nghiêm ngặt đến... nực cười của nhiều nước hiện nay, đặc biệt là những quốc gia đã phát triển. Họ yêu cầu thực phẩm phải thật hoàn hảo, đến nỗi chỉ cần có bề ngoài hơi xấu một chút là buộc phải vứt đi.
Các siêu thị vứt đi phần lớn rau củ quả có vẻ ngoài không đẹp
Điều này đã dẫn đến một nghịch lý, khi số lượng thực phẩm họ vứt đi mỗi năm thậm chí còn nhiều hơn con số cần thiết để giúp tất cả mọi người trên thế giới được ăn no.
Bên cạnh việc lãng phí, số thực phẩm không được dùng tới này còn gây ra tác động không nhỏ đến môi trường. Theo thống kê tại Anh, số đồ ăn bị lãng phí giải phóng ra môi trường tới 17 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Hàng triệu người còn đang phải nhịn đói mỗi ngày, trong khi nhiều nơi hàng tấn thực phẩm đi vào thùng rác
Vậy nếu như đạo luật này được nhiều quốc gia áp dụng, nó không những đưa đồ ăn đến cho những người thực sự cần chúng, mà còn góp một viên gạch tương đối lớn trên con đường ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.