LÀN SÓNG THỰC DÂN SAU NGÀY BIỂN BỊ KHAI TỬ Ở VN: Nhạc chế Biển Chết rồi
Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016
1. Biển Việt Nam chính thức bị khai tử ngày 30/6/2016
Trước những biến động thời cuộc xảy ra trên quê hương, khi người lính thì chết trong cuộc chiến không tuyên chiến, người dân thì chết dần mòn vì bị đầu độc, còn biển cả, sông hồ, núi non thì bị bọn bất lương cai trị bán rẻ cho ngoại bang, tôi tự thuyết phục tôi đêm ngày, không, không, đó chỉ là một nhóm nhỏ tham quan vô lại, không, không, dù giới cầm quyền hiện nay không có chính danh, nhưng thôi đành vậy để ổn định, lâu rồi đời mình cũng qua. Nhưng vụ Formosa Hà Tĩnh như một cát tát vào mặt một kẻ mơ ngủ, bàng hoàng, tỉnh ra thì quá muộn màng, đất nước này giờ đâu còn của mày nữa, ngay cả quyền hít thở không khí trong lành, bơi lội trong vùng biển cha ông cũng không còn nữa. Qua những cú áp phe mà ta thấy giữa bọn cầm quyền và ngoại bang, thì rõ ràng biển Việt Nam đã chính thức bị khai tử ngày 30/6/2016.
Vùng biển miền Trung đã bị giết với cái giá đền bù là 500 triệu USD, không bằng giá một cái bắt tay ăn chia của công ty tàu biển Vinasụp, tiếp sau đó là cái chết được báo trước của những vùng biển khác với cái giá ít hơn hoặc bằng Formosa Hà tĩnh.
2- Thực dân – xuất khẩu lao động
Chữ thực dân , tiếng Hán 殖民, có nghĩa gốc hiền hoà, theo từ điển Thiều Chửu, là đem dân đi đến khai thác làm ăn ở nước khác mà vẫn phục tòng pháp luật của nước mình. Nó không có nghĩa chết chóc máu lửa như sách vở Mác Lê. Lịch sử đã chứng kiến cả một làn sóng thực dân trong thời kỳ cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, từ các quốc gia đã phát triển ở châu Âu sang các quốc gia chưa phát triển Á Phi, nước Pháp thực dân sang Việt Nam, nước Đức thực dân sang các nước Bắc Phi, Hà Lan thực dân sang Nam Dương. Do có trình độ cao hơn nên những người được thực dân có cuộc sống cao hơn người bản xứ, nhưng điều này đã bị các chuyên gia sách động cho là bất công, là bóc lột, là đàn áp… và thế là chém giết, cách cái mạng. Oái ăm là cho đến nay, người ta lại thản nhiên trả công cho chuyên viên nước ngoài, phần lớn từ các nước Châu Âu cao hơn chuyên viên người Việt, cho dù cả hai cùng xuất thân từ một lò đào tạo.
Sang thế kỷ hai mươi hai mốt, cũng có thực dân, nhưng theo chiều ngược lại, từ các quốc gia chưa phát triển sang các quốc gia đã phát triển, và người bị thực dân cũng không phải là những chủ nhân ông như thời kỳ trước, do trình độ thấp nên những người bị thực dân chỉ làm công việc tay chân, và dĩ nhiên nhận lương thấp. Việt Nam “vinh dự” là nước đi đầu trong làn sóng thực dân này: từ những năm 90 của thế kỷ hai mươi là làn sóng xuất khẩu lao động. Sắp tới đây, sau ngày biển b5 khai tử, là một làn sóng các ngư dân khăn gói đi xuất khẩu lao động, theo như những gì giới cầm quyền đang tính toán.
Xuất khẩu lao động, một mỹ từ, để chỉ một hình thức buôn nô lệ được hợp thức hóa. Người ta không thể xuất khẩu, tức chuyên chở những thứ trừu tượng, không cân đo đong đếm được như lao động, người ta xuất khẩu một cô gái mười chín đôi mươi, có một chàng trai cùng quê trong mộng, một nông dân gần nửa đời người, nặng gánh vợ con; nhưng chưa hết để được thực dân, những người này phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn, để có tiền đi qua cánh cửa của bọn buôn nô lệ hiện đại có môn bài.
Không ai hình dung được những ngư dân sắp bị thực dân sẽ sống như thế nào trong xã hội Âu Mỹ hiện đại. Họ sẽ làm việc trên các con tàu đánh cá lênh đênh trên đại dương hàng tháng trời, hay làm lao công trong một tiệm ăn? Ai có dịp gặp gỡ những đồng bào bị thực dân, hãy cho tôi biết họ sống như thế nào so với dân bản xứ.
Chữ thực dân trong làn sóng thực dân này, viết theo chữ Hán là食民 ‘ăn dân’.
3- Tại sao?
Nếu không có Formosa Hà Tĩnh, thì có biển chết không? Dứt khoát không. Nhưng vì sao có một quái vật như Formosa Hà Tĩnh trên đất nước Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, thì, đúng như nhà văn Nguyên Ngọc, ta phải trở về với Đại hội Tours năm 1920. Đó là ngày khởi đầu của những bất hạnh và thảm kịch mà thế hệ trước đã và thế hệ hiện tại đang chứng kiến và trải nghiệm.