Chuyên người lính quì gối. Trong một chuyến kinh lý miền Trung, khi duyệt qua hàng rào dân chúng, có hàng lính đứng trước, Tổng Thống đang bước sải nhanh tay cầm nón vẫy chào dân chúng đang hoan nghênh Tổng Thống, bỗng dừng lại: một binh sĩ lớn tuổi qùi gối xuống để chào Tổng Thống khi bước ngang qua. Tổng Thống lùi lại một bước, đỡ anh lính dậy và nói lớn vào tai anh :”Làm lính không có qùi, chỉ đứng nghiêm chào kiểu lính”. Vỗ nhẹ đầu Anh lính rồi tiếp tục đi.
Chuyện đi thăm Thầy để cám ơn. Vào đầu năm 1962, sau cuộc bầu cử Tổng Thống nhiệm kỳ II thành công. Một hôm Tổng Thống dậy sớm chỉ thị Sĩ quan Tùy viên Lê Châu Lộc đưa Cụ xuống Chùa để cám ơn Quí vị cao tăng tu sĩ Phật giáo đã ủng hộ Cụ trong kỳ bầu cử vừa qua. Chỉ thị “cuộc đi thăm phải đơn sơ, thân tình và trước giờ thành phố thức dậy đễ tránh kẹt xe tội dân chúng.” “Mình đi một xe”. “Thưa ai lái”. “Thì mi lái, khỏi hộ tống rườm rà”. “Thưa Cụ Không nên, phải có an ninh tối thiểu, theo qui luật điều hành ấn định”. “Cha sao mà khó vậy-Thôi được đi lo ngay”. ”Thưa Cụ phải cho Quí Thầy hay để chuản bị, ít ra là nửa giờ trước”. “Ừ nhớ xin các Thầy hãy tự nhiên, đừng lo ngại, vui hơn”. Đoàn xe ngắn nhất, êm ái nhất: một xe cảnh sát Đô Thành dẫn đầu không đèn chớp, không còi hụ. Trung úy Nhan lái xe Tổng Thống có Sĩ quan Tùy viên ngồi bên. Và xe cận vệ đoạn hậu. Đến nơi thấy các Thầy còn đang lăng xăng sắp hàng hai bên ngoài vào, Tổng Thống hơi ái ngại, nhưng rồi dấn bước, vẫy nón chào hai hàng Tăng Ni. Bỗng có một tăng ni trẻ bước ra :”Kính Chào Tổng Thống”.”À thầy về rồi à”. “Dạ, mới mấy hôm nay, chưa kịp vào cám ơn Tổng Thống”. “Không sao, tôi biết học hành xong hết rồi mà,. Khi tiện nhờ Ông Sĩ quan đây đưa vào thăm tôi”. Sau đó mới biết tu sĩ này là Đại Đức Thích Quảng Liên, được Tổng Thống gởi đi học ở Michigan State University Hoa Kỳ, thành đạt, sau mở Trung Học Bồ Đề ở Cầu Ông Lãnh.
Sau khi Tổng Thống dùng xong trà với các Thầy và bầy tỏ lòng cảm ơn đối với các Thầy và Phật tử, một vị Thượng Tọa bỗng đứng lên thưa lớn ”Kính thưa Tổng Thống, anh em chúng tôi có một chuyện buồn Tổng Thống”. Sửng sốt, Tổng Thống nói :”Cám ơn Thầy nói thẳng, xin cho tôi biết chuyện chi”. “Kính thưa Tổng Thống, anh em chúng tôi vừa được tin bên Colombo cho hay Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa có gởi tặng Đức Đạt Lại Lạt Ma một số tiền lớn là 10000 mỹ kim. Sao Tổng Thống không cho anh em chúng tôi biết để chia vui?”. Hơi bối rối một chút, Tổng Thống ngẩng đầu lên nói :”Dạ, tôi nghĩ đó chỉ là bổn phận mình phải làm, không nên nói ra. Đức Đạt Lại Lạt Ma vừa rời Tây Tạng lưu vong, bôn ba cực khổ ở Nepal và miền Bắc Ấn Độ. Tôi được tin rất thương xót, nên sẵn có số tiền vừa nhận được của Viện Magsaysay thưởng cho một vị lãnh đạo xuất sắc trong năm của miền Á Châu Tụ Do, tôi vội vã gởi Ngài để chi dùng khi gặp nạn. Bổn phận thôi. Vả chăng Ngài là đấng lãnh đạo tinh thần sáng chói ớ Á Châu, chỉ có sức mạnh hữu thần chống lại độc tài vô thần, xứng đáng cho ta ngưỡng mộ noi gương và hỗ trợ”.
Chuyện lá cờ. Hôm đó Tổng Thống đi kinh lý tỉnh Kiến Tường. Khi phi cơ đáp xuống phi trường thì đã có đông đảo dân chúng đứng nghênh đón, dọc dài hai bên khán đài, cạnh phi đạo. Phi cơ taxi chậm vào bãi đậu thì bỗng nhiên Tổng Thống hỏi Sĩ quan Tùy viên ngồi xéo phía sau “Anh có thấy gì không?”. Thưa dân chúng đông và có cờ”. “Cờ gì vậy?”. Thì ra nhìn lại mới nhận ra cờ vàng trắng của Vatican, không có mấy cờ Việt Nam. Tổng Thống nện gậy xuống sàn phi cơ và ra lệnh trở về :”Đây không phải là xứ Vatican, đây là xứ Việt Nam, vậy cờ Việt Nam đâu?”. Trung tá Sang vội bước xuống cản ngăn. Sĩ quan tùy viên :”Thưa Cụ có thể đồng bào già trẻ lớn bé đã đợi chờ Cụ từ hồi 3 giờ khuya, bây giờ Cụ bỏ về thì họ sẽ buồn biết mấy”. Hạ hỏa tức khắc, máy bay vào chổ đậu, cửa mở, Thiếu tá Tỉnh trưởng (tên Nhựt?) bước lên chịu lỗi và xin Cụ cho nửa giờ để thu vén lại. Nửa giờ sau, cờ xí Việt Nam Cộng Hòa phất phới bay theo gió lộng Đồng Tháp, Tổng Thống bước xuống đi dài theo tường dân chúng, hớn hở và vui vẻ. Cả ngày thăm viếng, không biết mệt, chiều về hầu như quên hẳn chuyện buổi sáng.
Ngày nọ đi qua đường Võ Tánh Phú Nhuận, Tổng Thống thấy trước một trụ sở nhỏ có treo một lá cờ quốc gia phai mầu và rách. Bèn ra dấu cho Thiếu tá Nguyễn Đức Xích tỉnh trưởng theo về dinh Gia Long. Tội nghiệp Thiếu tá Tỉnh Trưởng bị xát xà bông mấy phút dài, để luôn nhớ giá trị thiêng liêng của quốc kỳ và bổn phận dậy dân kính trọng.
Lần thứ ba, Tổng Thống đọc tuần san Pháp (nếu không lầm tờ “Le courrier du Việt Nam” do nhà báo Lefevre chủ biên), lật trang chót có hình Phật Đài lớn đẹp. “Anh có thấy lá cờ quốc gia nào ngoài cờ Phật Giáo không?”. Quả thật không thấy cờ quốc gia. Tổng Thống có vẻ chua chat “Mình khuyến khích xây Phật Đài to lớn để thế giới qua lại ngoài khơi nhận thức giá trị tâm linh của dân tộc Việt Nam, thế mà không thấy một lá cờ quốc gia biểu tượng Việt Nam, nước này là nước nào đây?”. Rồi lấy một miếng bristol trắng cở 10X15 Tổng Thống viết ngay bằng bút chì mỡ đỏ chị thị như sau “….bất câu tôn giáo nào, khi treo cờ tôn giáo phải treo cờ quốc gia, theo đúng nghị định Bộ Nội Vụ đã ban hành…………”. “Anh trao cho Ông Đổng Lý để gởi văn thơ nhắc nhở rộng rãi”. Sau đó không lâu xảy ra vụ cờ Phật Giáo Huế, vụ nổ ở Đài Phát Thanh và đưa đến cuộc phản loạn của một số tướng lãnh tham tiền ngày 1 tháng 11 năm 1963 mà hậu qủa vẫn còn dai dẳng đến nay. Anh Lê Châu Lộc nhớ mãi chỉ thị này nhờ cụm từ khá đặc biệt “bất câu là tôn giáo nào”, cách nói hơi lạ thuở xưa, khác với cách nói của Anh “bất kỳ là tôn giáo nào”.