Con đường chính trị của Nguyễn Xuân Anh khép lại sau những cuôc đấu đá nội bộ của CSVN. Photo Credit: Zing
– Đúng như dự đoán của nhiều người, vào ngày 6/10, tại Hội nghị Trung ương 6, ông Trần Quốc Vượng (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên Thường trực Ban Bí thư) đọc tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng.
Trên cương vị người đứng đầu cấp ủy thành phố, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm về những vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của đảng CSVN, nhà nước về công tác cán bộ; Chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt, trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên CSVN không được làm. Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe hơi do doanh nghiệp biếu, tặng; Sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, Sau khi thảo luận và cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Nguyễn Xuân Anh (sinh năm 1976) là con của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi. Khi mới 35 tuổi, cùng với Nguyễn Thanh Nghị (con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã trở thành dự khuyết Ủy viên Trung ương đảng CSVN. Con đường quan lộ của Xuân Anh trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chỉ sau một cuộc đấu đá ở thượng tầng giữa Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Anh trở thành nạn nhân, do những mới quan hệ thân thiết với vị Chủ tịch nước.
Con đường chính trị của Nguyễn Xuân Anh khép lại sau những cuôc đấu đá nội bộ của CSVN. Photo Credit: Zing
Kể từ sau Đại hội đảng lần thứ XII, khi Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng Bí thư, việc đầu tiên của ông là trở thành Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương. Điều này chưa có tiền lệ trong lịch sử hình thành đảng CSVN, khi Tổng Bí thư lại vừa Bí thư Quân ủy Trung ương lại là Ủy viên Đảng ủy Công an. Song, đó đã cho thấy tham vọng muốn nắm hết mọi quyền lực từ hai lực lượng vũ trang, là quân đội và công an. Vì rằng, khi có ông Nguyễn Phú Trọng trong Đảng ủy công an Trung ương thì vai trò của thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an trở nên mờ nhạt. Người quyền lực nhất ở của Công an lúc này không phải là Tô Lâm, mà là Nguyễn Phú Trọng. Và quả thật, điều này đã được thể hiện trong thời gian vừa qua, dư luận chưa bao giờ chứng kiến một Bộ trưởng Công an lại kém quyền lực, ít tiếng nói đến như vậy. Cùng với đó, cũng chưa bao giờ những người bất đồng chính kiến lại bị bắt nhiều như thế, so với thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng còn là Thủ tướng. Kể từ khi Nguyễn Phú Trọng đặt chân vào Đảng ủy Công an Trung ương đã có khoảng 30 người bất đồng chính kiến bị bỏ tù hoặc phải trốn ra nước ngoài vì bị truy nã.
Ngay sau khi củng cố được quyền lực, Nguyễn Phú Trọng đã ra sức thanh trừng băng đảng, vụ thanh trừng này được khởi động bằng “chiếc Lexus đi biển số xanh” do Trịnh Xuân Thanh làm chủ từ tháng 6/2016. Cho đến nay, một loạt lãnh đạo đã “ngã ngựa”. Trong số đó có thể tính đến, như: Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương; Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Công thương; Nguyễn Minh Quang, cựu Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường cùng hai cựu thứ trưởng của bộ này là Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai; Cựu Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự; cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng; Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ; Nguyễn Phong Quang, cựu Ủy viên Trung ương đảng; Dương Anh Điền, cựu Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Hải Phòng…Chỉ riêng vụ Trịnh Xuân Thanh đã có đến 18 người đang phải ngồi tù hoặc đối diện với tòa án.
Trước Hội nghị Trung ương 6 diễn ra, rất nhiều người ngờ nghệch tin rằng, ông Nguyễn Phú Trọng và bè đảng đang muốn cải cách chính trị và chống tham nhũng. Điều này đã được chứng minh qua việc kỷ luật, bỏ tù một loạt đảng viên, lãnh đạo cao cấp. Song, sự thật của những việc làm trên chỉ là nhằm thanh trừng băng đảng để thâu tóm, chia quyền lực cho những người cùng phe cánh của mình. Những quyền lực mà đi theo đó là quyền lợi đã bị tước đi kể từ thời Nguyễn Tấn Dũng còn là Thủ tướng.
TH
Nguồn: Vietnam – Cali Today News