Dome of the Rock, một di tích lịch sử thiêng liêng ở Thành Cổ.
Hôm Thứ Tư, 6 Tháng Mười Hai, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Đứng cùng Phó Tổng Thống Mike Pence trong Tòa Bạch Ốc, ông Trump tuyên bố: “Hôm nay, cuối cùng chúng ta thừa nhận một sự hiển nhiên: Jerusalem là thủ đô của Israel. Điều này không hơn mà cũng không kém sự thừa nhận một thực tế. Đó cũng là một hành động đúng.”
“Sau hơn hai thập niên miễn áp dụng việc chuyển tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem, hôm nay chúng ta không thể thực hiện thỏa ước hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Sẽ là giả tạo nếu cứ tiếp tục nghĩ rằng áp dụng phương thức cũ sẽ đưa đến một kết quả khác, hoặc tốt hơn.”
Ông nói thêm: “Các tổng thống khác trước tôi lâu nay chỉ hứa hẹn, còn tôi, hôm nay tôi đưa ra kết quả.”
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng khẳng định: “Chúng ta không có ý kiến gì về các vấn đề liên quan đến tình trạng của Jerusalem, bao gồm đâu là biên giới của người Israel ở Jerusalem. Những vấn đề này tùy thuộc vào các bên liên quan. Hoa Kỳ tiếp tục làm việc để giúp đưa ra một hiệp ước hòa bình được cả hai phía chấp nhận.”
Trước khi ông Trump đưa ra tuyên bố, nhiều lãnh đạo quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Ả Rập, đưa ra cảnh báo là việc thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ tạo bất ổn ở Trung Đông, chứ không đem lại hòa bình cho khu vực.
Ông Mahmoud Abbas, chủ tịch nhà nước Palestine, nói rằng: “Thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có nghĩa rằng Hoa Kỳ sẽ không còn đóng vai trò trung gian trong việc thương thuyết hòa bình giữa Palestine và Israel.”
Hiện nay, thủ đô hành chánh của Israel là Tel Aviv, và các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Israel đều đặt tòa đại sứ ở đây.
Tuy nhiên, dù không phải là thủ đô, Jerusalem lại là nơi có các cơ quan đầu não của Israel như Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện, Dinh Thủ Tướng, và nhiều lãnh đạo Hoa Kỳ từng gặp lãnh đạo Israel tại thành phố cổ này.
Tại sao Jerusalem lại là vấn đề nhức đầu cho nhiều nhà lãnh đạo thế giới vậy?
Một chút lịch sử
Năm 1947, Liên Hiệp Quốc đưa ra một quyết định, coi Jeruralem là một “thành phố quốc tế,” có ranh giới, khi Israel tuyên bố độc lập.
Nhưng cuộc chiến tranh một năm sau đó làm cho thành phố này mới thực sự có ranh giới.
Khi cuộc chiến chấm dứt năm 1949, và có một cuộc đình chiến, Jerusalem được chia làm hai, có đường màu xanh lá cây trên bản đồ, gọi là “Green Line,” cho thấy Israel kiểm soát một nửa phía Tây, còn Jordan kiểm soát nửa phía Đông, bao gồm Thành Cổ (Old City) nổi tiếng.
Thế nhưng, trong Cuộc Chiến Sáu Ngày vào năm 1967, Israel chiếm phía Đông Jerusalem. Kể từ đó, tất cả thành phố này nằm dưới quyền kiểm soát của Israel.
Tuy nhiên, người Palestine và nhiều quốc gia trong cộng đồng quốc tế vẫn coi phần đất phía Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của nhà nước Palestine.
Ai cư ngụ ở Jerusalem?
Thành phố này có khoảng 850,000 cư dân, trong đó, 37% là người Ả Rập, 61% là người Do Thái, theo viện Jerusalem Institue.
Người Do Thái có khoảng 200,000 theo Do Thái Giáo Chính Thống, số còn lại theo giáo phái Zionist và Do Thái thế tục.
Về phía người Ả Rập, 96% theo Hồi Giáo, 4% còn lại theo Thiên Chúa Giáo.
Phần lớn người Palestine sống ở phía Đông Jerusalem. Mặc dù có một số khu vực người Ả Rập và người Do Thái sống chung, phần lớn các khu dân cư đều riêng rẽ theo sắc dân.
Tôn giáo, một vấn đề phức tạp của Jerusalem
Jerusalem là một thành phố đặc biệt với nhiều tôn giáo khác nhau, bao gồm người theo Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, và Hồi Giáo, mà tất cả đều coi đây là thánh địa của họ.
Ngoài ra, thành phố này còn có một số nơi được coi là thiêng liêng của mỗi tôn giáo tại đây.
Một trong những nơi gây tranh cãi và chia rẽ nhất giữa người Ả Rập và người Do Thái ở Jerusalem là khu vực Thành Cổ, trong đó có ngôi đền mà người Ả Rập gọi là “Haram al-Sharif” (Noble Sanctuary) và người Do Thái gọi là “Temple Mount.”
Đây cũng là nơi có đền al-Aqsa Mosque và Dome of the Rock, và có bức tường Western Wall mà người Do Thái coi là rất thiêng liêng.
Ngoài ra, gần khu vực này còn có mộ Vua David, Tháp David, Church of the Holy Sepulcher, Dung Gate, Zion Gate, Garden of Tomb,…tất cả đều được coi là thiêng liêng.
Đối với người Thiên Chúa Giáo, Jerusalem là nơi Chúa chịu nạn và sống lại. Còn khu Church of the Holy Sepulcher và Garden Tomb được coi là nơi Chúa sống lại, thu hút nhiều du khách khắp thế giới đến thăm viếng.
Đối với người Do Thái, Jerusalem là một thánh địa của thế giới. Đây là thủ đô của vương quốc Do Thái cổ xưa và là nơi tọa lạc của các đền thờ Do Thái Giáo cũ.
Đối với người Ả Rập, Jerusalem là một trong những nơi thiêng liêng nhất của họ, cùng với Mecca và Medina. Người Ả Rập tin rằng Tiên Tri Muhammad được Thiên Thần Gabriel soi sáng trong đêm tối để đi từ Mecca đến Jerusalem, trước khi về trời, trong truyền thuyết “Night Journey.”
Xung đột tôn giáo
Hiện nay, theo truyền thống, chỉ có người Ả Rập được vào cầu nguyện tại Temple Mount. Và điều này vẫn được Israel tôn trọng cho dù sau khi chiếm đóng kể tử năm 1967. Cư dân không phải người Ả Rập vẫn được vào thăm đền khi không có người Ả Rập cầu nguyện. Tuy nhiên, họ không được cầu nguyện ở đây. Thỉnh thoảng vẫn có người vi phạm, nhất là vào những ngày lễ của người Do Thái. Người Ả Rập coi những vi phạm này là khiêu khích.
Gần đây, thường có những xung đột xảy ra vì một số người Palestine tin rằng người Do Thái đang chuẩn bị để dân của họ vào đây cầu nguyện. Đây cũng là điều mà thành phần cực hữu Do Thái Giáo luôn vận động bấy lâu nay.
Mặc dù chính quyền Israel luôn nhấn mạnh là sẽ không để việc này xảy ra và sẽ giữ nguyên tình trạng như hiện nay, nhiều người Palestine không tin và cho rằng, theo những gì chính quyền làm bấy lâu nay, cuối cùng, người Do Thái Giáo cũng sẽ “xâm phạm” thánh địa của họ.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Qua những gì đề cập ở trên, rõ ràng, Jerusalem là một nơi có nhiều di tích lịch sử quan trọng của các tôn giáo lớn trên thế giới. Vì thế, xung đột, dù công khai hay ngấm ngầm, là chuyện đương nhiên, từ thời xa xưa cho đến ngày nay.
Trước khi Tổng Thống Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel, nhiều người lo ngại quyết định này có thể dẫn đến chiến tranh, hoặc ít nhất là xung đột và biểu tình thường xuyên.
Tuy nhiên, còn quá sớm để biết chuyện gì sẽ xảy ra, và nhiều người nói rằng, xung đột tôn giáo trên thế giới không bao giờ dứt, cho dù ở Jerusalem hay ở đâu.
Một số người khác thì cho rằng sẽ chẳng có gì quan trọng xảy ra, vì sự thừa nhận này chỉ mang tính biểu tượng, bởi vì, tòa Đại Sứ Mỹ vẫn còn ở Tel Aviv.
Đỗ Dzũng