Chuyện Võ Văn Thưởng không hoặc không dám yêu cầu báo chí dù chỉ đăng một mẩu tin nhỏ chia buồn đám tang bà Nguyễn Thị Hường đã lột tả hơn bao giờ hết sự cô độc của nhân vật “về làm người tử tế” nhưng “hết tiền hết bạc hết ông tôi”.
Bà Nguyễn Thị Hường – mẹ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – vừa qua đời vào ngày 1/12/2017, thọ 92 tuổi. Nhưng như một facebooker bình luận, thân mẫu của nguyên Thủ tướng một thời đi đâu đồng đảng cũng bu đầy đó đã không một tờ báo lề đảng nào nói tới, dầu trước đó báo chí nhà nước ra rả đăng tin mẹ của một hoa hậu qua đời.
Có người cho rằng khi soi kỹ cái hình chính diện nơi ông Nguyễn Tấn Dũng phát biểu thì vòng hoa chính để cao nhất chỉ có là NGUYÊN Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân. Mà kỳ lạ là các vòng hoa rất sơ sài bằng hoa nhựa giả như vừa qua một đám côn đồ giật vậy. Càng không có dấu hiệu nào cho thấy giới quan chức đương nhiệm đến “chia buồn cùng gia quyến”.
Té ra, Lê Hoàng Quân là cựu quan chức cao cấp có vẻ là hiếm hoi gửi vòng hoa chia buồn, ít nhiều cũng còn một chút “tình làng nghĩa xóm”, nếu không phải là “tình đồng chí”.
Lê Hoàng Quân nguyên là bí thư Đồng Nai, người Nam Bộ, một thời được đưa về làm phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân ở Sài Gòn, bị dư luận chung đánh giá là người ba phải và bất tài, nhưng được cái luôn sẵn lòng dĩ hòa vi quý với mọi quan chức và đặc biệt chẳng bao giờ thấy đấu tranh chống tham nhũng.
Trong khi đó, không nghe nói về sự hiện diện tại đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng của nhiều quan chức Nam Bộ khác, về hưu hay đương nhiệm.
Hiện tượng báo đảng nói riêng và và báo chí nhà nước nói chung im bặt trước đám tang của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể được xem là một chỉ dấu đặc biệt, không chỉ về thói vô cảm chính trị trong chính trường Việt thời nay, mà còn như một biểu trưng cho thói “ăn cháo đá bát” hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết “phù thịnh không phù suy”.
Báo chí lại thuộc quyền chỉ đạo và điều hành của Võ Văn Thưởng – Trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Thưởng là người Nam Bộ, xuất thân từ cánh tay mặt của đảng là đoàn thanh niên cộng sản, được xem là có chịu ảnh hưởng phần nào của Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng không kể đến việc giới quan chức “người Bắc có lý luận” đã hoàn toàn quay lưng với cựu thủ tướng Dũng như một bản chất, chuyện Võ Văn Thưởng không hoặc không dám yêu cầu báo chí dù chỉ đăng một mẩu tin nhỏ chia buồn đám tang bà Nguyễn Thị Hường đã lột tả hơn bao giờ hết sự cô độc của nhân vật “về làm người tử tế” nhưng “hết tiền hết bạc hết ông tôi”.
Vào năm 2016 khi Nguyễn Tấn Dũng đã bị hất khỏi Bộ Chính trị sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, người ta vẫn nhìn thấy có đến vài ba trăm quan chức cùng lẵng hoa chúc mừng cho buổi sinh nhật của ông Dũng.
Nhưng kể từ quý 4 năm 2016 khi chiến dịch “đánh” Đinh La Thăng – người được xem là một thủ hạ tin cẩn của Nguyễn Tấn Dũng – khởi động, dường như Nguyễn Tấn Dũng cô độc hẳn.
Cho đến năm 2017 và đặc biệt cùng với các vụ việc Đinh La thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị và đang bị đe dọa truy tố, vụ đại gia ngân hàng là Trầm Bê – người được dư luận cho là “tay hòm chìa khóa” của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt và bị đưa ra truy tố, rồi đến vụ Nguyễn Thanh Nghị – con trai Nguyễn Tấn Dũng, đang là bí thư tỉnh Kiên Giang – có thể bị phe đảng của Tổng bí thư Trọng cho “lên thớt” với lý cớ đầu tiên là vụ khách sạn Hương Biển sai quy hoạch ở ngọc đảo Phú Quốc, nghe nói cả một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là Lê Thanh Hải – cựu bí thư thành ủy TP.HCM – còn không còn dám đi chơi golf với ông Dũng nữa.
Sau hàng loạt vụ việc trên, ngày càng nhiều dư luận cho rằng đường đi của Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.
Đường đi của Nguyễn Tấn Dũng lại bị cho là đầy tì vết tham nhũng. Nguyễn Tấn Dũng là đời thủ tướng bị cho là “phá chưa từng có” trong lịch sử đảng CSVN, một thủ tướng mà nếu cánh đảng muốn và dám làm, gần như bất cứ lĩnh vực hay công trình cộm cán về tiền bạc nào cũng đều ít nhiều mang bóng dáng của cựu thủ tướng Dũng.
Một facebooker bình luận: “Là người có khí chất Nam Bộ giao lưu rộng rãi, ông cũng ít nhiều cũng có bộ hạ hay đồng liêu thân tín trong đảng. Thế mà giờ này không một ai tới hay gởi lẵng hoa viếng làm tôi thật sự bất ngờ.
Đúng là trước có người so sánh đảng của ông với đảng bọn cướp tôi không tin. Nhưng giờ nhìn lại thấy đảng cướp nó vẫn nghĩa tình với nhau hơn.
Mong ông thấy đó để khuyên bảo con cháu phải làm cái gì bù đắp lại cho dân tộc này bởi những ngày ông đã tham gia trong đảng đó”.
Không thể nói khác hơn, tình cảnh “đèn nhà ai nấy rãng, thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ” đang phổ biến đến mức ghê gớm trong nội bộ đảng CSVN. Không chỉ với trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, mà có lẽ tuyệt đại đa số giới quan chức từ trung cấp đến cao cấp của đảng sẽ phải chịu thân phận “hết tiền hết bạc hết ông tôi” ngay sau khi họ “nghỉ” – cho thấy không chỉ hiện tượng phân hóa sâu sắc mà đang diễn ra giai đoạn phân rã ngày càng nhanh trong đảng.
Nhưng Nguyễn Tấn Dũng không phải là người “hết tiền hết bạc”. Chỉ là ông hết quyền mà thôi…
Thậm chí vào thời buổi này, “nghỉ” vẫn còn là “hạ cánh an toàn”. Cuộc chiến giữa các nhóm quyền lực và lợi ích mới đối với những nhóm quyền lực và lợi ích cũ ngày càng mang tính tàn sát để chẳng còn một quan chức nào an toàn, kể cả người đứng đầu đảng.
Thiền Lâm