Trẻ em vùng cao Mường Lát đang còn gặp nhiều khó khăn
“Ăn chặn” cả gói muối i-ốt phát
cho đồng bào vùng cao
(NLĐO)- Qua công tác kiểm tra, các ngành chức năng phát hiện hàng loạt các hạn chế, sai phạm lên đến hàng tỉ đồng trong việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó có việc “ăn chặn” cả gói muối i-ốt phát cho đồng bào vùng cao.
Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có báo cáo về việc thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh này và phát hiện ra nhiều sai phạm với số tiền phải thu hồi, giảm trừ quyết toán hàng tỉ đồng.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011-2017, ước tính tổng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa là gần 5.825 tỉ đồng. Trong đó, Ban dân tộc Thanh Hóa tham mưu, quản lý theo dõi kinh phí là 1.988 tỉ đồng, các ngành là 3.836,4 tỉ đồng.
Nhiều chính sách của nhà nước không đến được với người dân vùng cao Thanh Hóa
Tính từ năm 2011 đến nay, Thanh tra Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã xử lý, thu hồi về ngân sách nhà nước gần 1,5 tỉ đồng, giảm trừ quyết toán gần 600 triệu đồng, yêu cầu xử lý khác (hoàn thiện lại, trả lại cho dân...) số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Ngoài ra, trong quá trình thanh, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước đã thu hồi gần 400 triệu đồng, giảm trừ quyết toán gần 300 triệu đồng.
Nguyễn nhân dẫn đến các sai phạm trên được chỉ ra là do chương trình triển khai trên địa bàn rộng lớn, đi lại khó khăn, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến thực hiện các chính sách dân tộc, chưa bố trí, sắp xếp đủ số lượng và chưa bố trí cán bộ, công chức có năng lực để tham mưu cho chính quyền địa phương làm công tác dân tộc.
Cụ thể, về các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 và Chương trình theo Nghị quyết 30a còn dàn trải, chưa tích hợp, lồng ghép dự án với nhau. Trong khi đó, tính chất thời vụ của sản xuất nông nghiệp, thời gian giao vốn chậm, việc bình xét đối tượng thụ hưởng và xây dựng kế hoạch thực hiện dự án kéo dài nên nội dung hỗ trợ chưa thực hiện được trong năm, phải chuyển sang năm sau hoặc triển khai kém hiệu quả.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn theo quyết định 102/QĐ-TTg có định mức quá thấp, một số nội dung hỗ trợ bằng hiện vật trùng với chính sách của Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, việc cấp muối i-ốt và bột canh hiện nay đã không còn phù hợp với một số nơi… nên dẫn đến việc tại huyện Quan Sơn, Công ty cổ phần thương mại miền núi Thanh Hóa đã không phát muối i-ốt đến người nghèo và giao lại cho trưởng thôn khiến nhiều hộ dân trên bị "ăn chặn" số muối này.
Việc làm trên là trái với Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đến cấp sai đối tượng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần thương mại miền núi Thanh Hóa vẫn báo cáo "láo" để hưởng số tiền chi phí cấp phát trên 72 triệu đồng.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện việc mua bán không có hợp đồng, không có sổ ghi chép, chứng từ thanh toán, cá biệt có nơi còn sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước vào các khoản đóng góp ở địa phương hoặc không chi trả cho dân, làm mất tác dụng, ý nghĩa nhân văn của chính sách.
Trách nhiệm trên thuộc Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên đơn vị này cho rằng nguyên nhân của những tồn tại, bất cập là do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, đối tượng thụ hưởng chính sách nhiều, lực lượng mỏng…
Tin-ảnh: Tuấn Minh