Bà chánh án chủ tọa phiên tòa
Hôm nay thứ Ba ngày 24/04/2018 phiên toà xét xử nghi can mật vụ Việt Nam Nguyễn Hải Long đã được khai mạc tại Phòng 700 của tòa án bang Berlin. Vụ xét xử này không những đã được đông đảo đài báo trong nước Đức quan tâm, mà còn được nhiều phóng viên, truyền thông quốc tế chú ý, cho nên vào giờ chót thay vì Phòng 701, phiên tòa đã được dời sang Phòng 700 có sức chứa lớn hơn.
Video Clip (bản chi tiết dài hơn 3 phút) của đài truyền hình RBB của 2 bang Berlin và Brandenburg:
Video Clip của đài truyền hình toàn Liên bang Đức ZDF:
Trong phiên tòa khai mạc hôm nay, ông Lienhardt Weiß, đại diện của Viện Công tố Liên bang Đức đã đọc bản cáo trạng. Được biết bản cáo trạng dầy 70 trang, nhưng ông Lienhardt Weiß chỉ đọc những phần liên quan đến bị cáo Nguyễn Hải Long.
Điểm đáng chú ý là các nhân chứng không những đã chứng kiến, trông thấy mà còn lấy máy điện thoại Handy ra chụp cảnh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cùng với cô nhân tình Đỗ Thị Minh Phương lúc buổi sáng đi dạo trong công viên Tiergarten và chụp ảnh chiếc xe bắt cóc, kể cả biển số xe.
Sau khi nghe Công tố viên Liên bang đọc Bản cáo trạng trước toà, bị cáo Nguyễn Hải Long đã im lặng, không phát biểu gì. Luật sư Stephan Bonell nói, thân chủ của ông sau này sẽ có ý kiến.
Sau khi Bản cáo trạng được đọc, bà chánh án đã đọc một danh sách dài các bằng chứng mà những nhà điều tra Đức đã thu thập một cách tỉ mỉ. Bao gồm hành trình thời gian và lộ trình di chuyển của xe qua hệ thống định vị GPS, dữ liệu đặt vé và danh sách hành khách của các hãng hàng không khác nhau từ Air Berlin đến hãng hàng không Trung Quốc Hanan Airways, nội dung nói chuyện qua máy điện thoại Handy, video giám sát từ nhiều nguồn khác nhau như Hotel Sylter Hof và quán ăn Kentucky Fried Chicken v.v.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí: “Tại sao mật vụ Việt Nam để lộ quá nhiều dấu vết như thế”, bà luật sư Schlagenhauf của Trịnh Xuân Thanh nói: "Mật vụ Việt Nam tin chắc rằng, không ai chú ý đến vụ bắt cóc này và sau đó cũng chẳng ai quan tâm đến nó làm gì. Nhưng phía Việt Nam đã nhầm lẫn lớn".
Về cô Đỗ Thị Minh Phương, người tình của Trịnh Xuân Thanh, mà mật vụ Việt Nam đã sử dụng làm “chim mồi” bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì bà luật sư Schlagenhauf nói với các ký giả rằng, cô ta cũng là một nạn nhân bị bắt cóc, chứ không nằm trong nhóm thủ phạm. "Cô ấy đến bệnh viện ngay sau khi bay về tới Việt Nam, chúng tôi biết rằng vào 1 giờ khuya thứ Ba (25.07.2017) cô ấy đã đến bệnh viện Việt-Đức ở Hà Nội vì một xương cánh tay bị gãy. Cô bị công an canh phòng cẩn mật tại đây, vì vậy không thể tiếp cận với cô ấy mặc dù đã cố gắng tìm cách tiếp cận. Sau đó cô bị chuyển đến một bệnh viện quân đội và tiếp tục như thế nào thì chúng tôi không biết", luật sư Schlagenhauf nói.
Ông Lienhardt Weiß, đại diện của Viện Công tố Liên bang Đức trả lời phóng viên báo chí
Ông Lienhardt Weiß, đại diện của Viện Công tố Liên bang Đức nói rằng, bị cáo Nguyễn Hải Long biết nét chính của kế hoạch bắt cóc. Tuy nhiên, ông Long không trực tiếp tham gia khi bắt cóc.
Trả lời phóng viên báo chí, luật sư Stephan Bonell của bị cáo đã phản bác cáo buộc trên, thân chủ của tôi là "một con tốt thí". Ông Long có tham gia nhưng không biết đây là một vụ bắt cóc. Họ nói với ông Long là thuê xe giúp họ để dùng cho mục đích du lịch. Thân chủ của tôi không biết gì cả về kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, trong bản cáo trạng nêu rõ, bị cáo Nguyễn Hải Long đã nói chuyện với Trung tướng tình báo Đường Minh Hưng bằng điện thoại di động Handy và các nhà điều tra Đức đã có trong tay bản thu âm những cuộc nói chuyện điện thoại này.
Ngoài ra nghi phạm mật vụ Nguyễn Hải Long chính là người đến khác sạn Sylter Hof để trả phòng và lấy hành lý cho Trung tướng Đường Minh Hưng.
Còn ông Đào Quốc Oai, cậu của Nguyễn Hải Long, chính là người chở Trung tướng Đường Minh Hưng từ Berlin về Praha ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Luật sư Stephan Bonell của bị cáo Nguyễn Hải Long đã từng biện hộ cho Đào Quốc Oai (cậu của bị cáo Long) khi xưa ở Leipzig, miền Đông nước Đức
Trong phiên tòa khai mạc, luật sư Stephan Bonell của bị cáo đã lên tiếng chỉ trích rằng Bản cáo trạng thiếu phần đề cập đến yếu tố chính trị. Ông đọc một tờ giấy dài đã soạn trước, nào phía Việt Nam đã đưa cho phía Đức Lệnh truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh, nào phía Việt Nam đã nộp cho phía Đức đơn đề nghị dẫn độ ông Thanh, nào Thủ tướng Việt Nam đã trao đổi với Thủ tướng Đức Merkel về vấn đề này trong dịp Hội nghị G20 tại Hamburg - Đức, nhưng tất cả không được chính phủ Đức lưu ý tới và lệnh truy nã quốc tế không được chính phủ Đức tôn trọng.
Tiết lộ với báo chí truyền thông, luật sư Stephan Bonell của bị cáo Nguyễn Hải Long cho biết, ông có ý định, trong trường hợp cần thiết, sẽ đệ đơn yêu cầu tòa án mời bà Thủ tướng Đức Merkel ra trước tòa như là một nhân chứng để cung khai lý do tại sao những đề nghị dẫn độ của phía Việt Nam không được cứu xét giải quyết.
Liệu yếu tố chính trị có giữ một vai trò gì trong vụ xét xử này hay không, thì phải chờ xem diễn biến của vụ xét xử này trong những ngày tháng tới. Phiên tòa xét xử này dự kiến kéo dài đến cuối tháng 8 năm này.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)