BA PHỤ NỮ ĐỨC TRONG BUỔI LỄ TRAO GIẢI NHÂN QUYỀN CỦA LIÊN ĐOÀN THẨM PHÁN ĐỨC CHO LS NGUYỄN VĂN ĐÀI TẠI BERLIN
Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018
Sáng hôm nay ngày 13.06.2018 luật sư Nguyễn Văn Đài được trao Giải Nhân quyền của của Liên đoàn Thẩm phán Đức dưới sự chứng kiến của bà dân biểu Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức. Buổi lễ trao giải được tổ chức tại Tòa nhà Luật ở Berlin, trụ sở chính của Liên đoàn Thẩm phán Đức. Bà Vũ Minh Khánh (vợ luật sư Đài) và bà Lê Thu Hà (người cộng sự của luật sư Đài) cũng có mặt trong buổi lễ.
„Với sự vận động của Chính phủ Đức, Liên đoàn Thẩm phán Đức, Tổ chức Veto! Và Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức thì tôi được trả tự do và được đến lánh nạn ở nước Đức“, luật sư Nguyễn Văn Đài phát biểu khi nhận giải. Sau khi ngỏ lời cảm ơn, luật sư Đài nói lên nguyện vọng: „Tôi ước mong rằng tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ từ Liên đoàn Thẩm phán Đức, Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức và Tổ chức Veto! (*) cùng tất cả Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Đức trong cuộc đấu tranh của tôi và của những người Việt Nam đang ở trong nước“.
Đặc biệt trong buổi lễ trao giải thưởng có mặt một phụ nữ Đức, đó là bà Rabea Brauer – trước đây bà là Trưởng văn phòng đại diện của Viện Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (một Viện chính trị của đảng CDU ) trong nhiều năm – và hiện nay bà giữ chức vụ Trưởng nhóm châu Á – Thái Bình Dương của Viện này. Trong phát biểu khi nhận giải thưởng và trong cuộc họp báo ngay sau đó, luật sư Nguyễn Văn Đài đều trân trọng giới thiệu bà Rabea Brauer.
„Chị Rabea đã chứng kiến việc tôi chỉ đến gặp chị và người bạn của chị tại một quán cà phê ngay trung tâm Hà Nội mà vì thế tôi đã bị an ninh theo đuổi và họ định chụp bắt tôi ngay trên đường phố và chị phải lấy thân thể che chở cho tôi. Lúc đó tôi không thể tự bảo vệ cho mình, tôi phải nhờ đến sự bảo vệ của chị giúp cho tôi tránh khỏi sự bắt giữ của công an. Chị là một nhân chứng sống về sự sách nhiễu của công an và về cái bầu không khí chính trị ở Việt Nam“, luật sư Nguyễn Văn Đài kể lại.
Người phụ nữ Đức thứ hai đáng đươc nhắc đến là nhà báo Marina Mai, bà thường viết cho nhật báo TAZ và bà là ký giả đầu tiên đưa vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ra dư luận báo chí truyền thông Đức, chỉ vài ngày ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra. Trong cuộc họp báo hôm nay, thay vì đặt những câu hỏi mang tính cách nghiệp vụ „tò mò“ thông thường của báo chí, bà Maria Mai chỉ hỏi: „Sức khỏe ông hiện nay ra sao?“. Có lẽ luật sư Nguyễn Văn Đài cảm nhận được sự chân tình „lo lắng đến sức khỏe của ông“, nên luật sư Đài với nét mặt cảm động vừa nói vừa cúi đầu: „Cảm ơn! Sức khỏe của tôi bình thường ạ“.
Trong những ngày qua, rất nhiều đồng bào đã chúc mừng và gửi gấm biết bao tình cảm đến luật sư Đài với những lời mộc mạc: „Nhìn Đài gầy quá“ – “Xin chúc mừng anh và gia đình. Thấy anh gầy và mất sắc rất nhiều” – “Nhà tù cộng sản đúng là kinh khủng khiếp. Ở có hơn 2 năm mà về nhìn không ra luôn” – “Nhìn anh Đài ốm quá” – “Chúc Anh sớm lấy lại Sức khỏe, phong độ” – “Tụi nó làm anh Đài già đi nhiều quá. Cố lên nghe anh chị”. – „Thương anh quá“.
Trong phát biểu khi nhận giải thưởng, luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh:
„Tôi đến đây không phải để mưu cầu cuộc sống của mình, mà tôi đến đây để tìm kiếm cơ hội tiếp tục đấu tranh cho tự do của những người bạn của tôi cùng bị kết án với tôi và rất nhiều những người khác còn đang bị cầm tù cũng như một số người khác đang chạy trốn trên đất nước của tôi“.
Một trong những người bạn của luật sư Đài trong Hội Anh Em Dân Chủ mà đang bị cầm tù là ông Nguyễn Bắc Truyển. Một phụ nữ Đức thứ ba hiện diện trong buổi lễ hôm nay đã nhắc đến ông Truyển, đó là bà dân biểu Gyde Jensen (thuộc đảng FDP), Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức: „Và ngoài ra, nhân buổi hôm nay tôi cũng muốn lưu ý quý vị về một trường hợp tương tự tại Việt Nam mà cách đây một vài tháng tôi đã đứng ra nhận bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyển. Một vài tuần trước đây, ông Truyển bị kết án nhiều năm tù với lý do chỉ vì ông dấn thân đấu tranh đem lại nhân quyền và đa nguyên cho đất nước ông“.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng cho biết, cách đây 29 năm ông đã đến nước Đức, ông sinh sống và làm việc gần 1 năm ở Đông Đức dưới dạng công nhân lao động hợp đồng. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất, ông đã học hỏi rất nhiều về tự do dân chủ và nhân quyền. Mặc dù có quyền định cư ở nước Đức nhưng ông quyết định trở về Việt Nam để thực hiện chí hướng hoài bão của mình:
„Tôi mong muốn rằng những giá trị nhân quyền không những chỉ được thực hiện ở đất nước Đức này mà còn được thực hiện ở đất nước, quê hương yêu dấu của tôi“.