Ước tính 300.000 người Hoa đã di cư sang Lào
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư ồ ạt sang nước láng giềng Lào. Riêng năm 2014, Trung Quốc đã đầu tư hơn năm tỉ USD vào các đồn điền chuối, khai thác mỏ, xây dựng đập chứa nước thủy điện, các dự án cơ sở hạ tầng và du lịch cũng như các sòng bạc và từ đó trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Lào.
Xuất khẩu từ Lào sang Trung Quốc, chủ yếu là các nông sản do các công ty Trung Quốc trồng ở Lào ví dụ như chuối, riêng từ năm 2005 tới 2013 đã tăng khoảng 300%. Ước tính đã có hơn 300.000 người Hoa di cư sang sinh sống ở nước Lào chỉ có gần 7 triệu dân. Ông Paul Chambers, Giám đốc nghiên cứu ở Viện Đông Nam Á của Thái Lan nhận xét: „Lào đang trên đường trở thành một chư hầu thuộc địa mới của Trung Quốc“.
Ông Chambers cho rằng sự phối hợp giữa nhập cư, đầu tư, buôn bán qua biên giới và hợp tác phát triển sẽ trở thành một „cú sốc kinh tế, xã hội“ đối với Lào. Những nơi mới đây người Lào còn sinh sống với tư cách là nông dân thì ngày nay họ chủ yếu làm việc cho các công ty Trung Quốc với đồng lương rất rẻ mạt. Các đồn điền chuối đã nổi tiếng về việc các công nhân Lào phải làm việc vất vả trong các điều kiện khủng khiếp và thậm chí còn bị đe dọa bằng vũ khí.
Đặc biệt tại nơi được gọi là Tam giác Vàng sát biên giới với Thái Lan và Mianma, ngày nay người ta đã có cảm giác như ở một tỉnh của Trung Quốc. Tại đây, từ năm 2007, tập đoàn Kings Roman đã thuê một khu vực rộng 100 km2 với thời hạn 99 năm và thiết lập một đặc khu kinh tế.
Trong những năm qua, bên dòng sông Mekong, các nhà đầu tư đã chủ yếu sử dụng công nhân Trung Quốc để dựng lên ở đây một khu vui chơi dành cho người lớn với một sòng bạc, nhiều khách sạn, một sở thú, một sân golf và một khu phố Tàu (Chinatown) với nhà hàng, quán Karaoke, các cửa hàng, tiệm massage… đầy tai tiếng. Tại thành phố nhân tạo này, người ta nói tiếng Quan thoại, chỉnh đồng hồ theo giờ Bắc Kinh, mua bán, thanh toán chủ yếu bằng Nhân dân tệ. Dự kiến tới năm 2020, hơn 2,25 tỉ USD sẽ được đầu tư vào đây để xây dựng một khu công nghiệp, nhà ở cho 200.000 người và một sân bay quốc tế.
Sân bay này nhằm đưa nhiều hơn nữa các con bạc Trung Quốc tới sòng bạc được xây dựng theo phong cách La Mã. Bởi vì việc đánh bạc ở Trung Quốc bị cấm nên giờ đây cũng chủ yếu là người Hoa chơi trò đỏ đen với số tiền lớn. Thỉnh thoảng cũng có người Lào ngồi đánh bạc là những người cho thuê đất có tiền hoặc những người kiếm được ít tiền thì đánh bạc ở những máy tự động.
Cả anh Seng, người cùng với vợ là Boikham hàng ngày phải phun thuốc trừ sâu và khuân vác chuối cũng đã tới đây sau khi làm việc. Sau khi anh đánh bạc thua hết mấy ngày lương, vợ anh cấm không được lai vãng tới sòng bạc nữa. Chị Boikham cằn nhằn: „Chẳng lẽ tôi cứ làm việc ở một đồn điền Trung Quốc cho tới khi phát ốm, để chồng tôi lại mang tiền đi vứt vào họng những người Trung Quốc khác hay sao“.
Thu Phương – Thoibao.de
(Lược dịch từ báo Welt, Đức)