Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm (đầu tiên từ trái qua) được CPJ chọn cho giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế vì "chất lượng báo chí cao trong những bài viết của cô ấy và sự dũng cảm tuyệt vời mà cô ấy đã cho thấy khi đối mặt với một chính phủ đàn áp."
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm, là một trong 5 người được trao giải Tự do Báo chí Quốc tế của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) có trụ sở ở New York.
CPJ hôm 14/6 công bố sẽ vinh danh các nhà báo đã và đang phải đối diện với các hành động pháp lý, bị tấn công thân thể, bị đe dọa và bị bắt bớ để trả thù vì những việc làm của họ, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của Việt Nam, cho giải thưởng thường niên năm nay.
Sự nổi tiếng của (Như Quỳnh) là một dấu hiệu của sự khao khát những nguồn thông tin độc lập.
Như Quỳnh là một trong những blogger độc lập nổi tiếng nhất của Việt Nam, theo CPJ. Người phụ nữ 39 tuổi này đang bị ngồi tù từ năm 2016 với các cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
“Chúng tôi chọn Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bởi vì chất lượng báo chí cao trong những bài viết của cô ấy và sự dũng cảm tuyệt vời mà cô ấy đã cho thấy khi đối mặt với một chính phủ đàn áp,” theo Steven Butler, điều phối viên chương trình châu Á của CPJ.
Ông Butler nói với VOA qua email rằng “sự nổi tiếng của cô ấy là một dấu hiệu của sự khao khát những nguồn thông tin độc lập.”
Người mẹ đơn thân có 2 con nhỏ nhận bản án 10 năm tù vì viết bài về những vấn đề nhạy cảm bị truyền thông nhà nước kiểm duyệt, bao gồm thu hồi đất đai, suy thoái môi trường và sự bạo hành của công an. Như Quỳnh thừa nhận đăng những bài viết này nhưng phủ nhận cáo trạng “tuyên truyền chống phá Nhà nước,” theo truyền thông trong nước.
Trước khi bị bắt, Như Quỳnh từng soạn thảo tập tài liệu “Stop police killing civillians” về 31 trường hợp người chết sau khi làm việc với công an và là người đồng sáng lập Mạng lưới Bloggers Việt Nam năm 2015 để kêu gọi mọi người tham gia Chiến dịch tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Vào năm 2014, nữ blogger này nói với tổ chức CPJ rằng cô sợ sẽ bị bắt và cầm tù. Cô cho biết cô thường phải cải trang để tránh sự chú ý của chính quyền mỗi khi ra ngoài đến các cuộc gặp và các phong trào tranh đấu.
Tháng trước, người được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh ‘Phụ nữ can đảm’ đã tuyệt thực một tuần trong trại giam ở Thanh Hóa để phản đối “một số hành động, cách đối xử của trại giam, và bị ép nhận tội,” theo thông tin từ mẹ của cô, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan.
“Việc xử và kết án (Như Quỳnh) là điều đáng hổ thẹn và việc đối xử với cô trong trại giam là vi phạm nhân quyền một cách khủng khiếp,” theo ông Butler.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đều phản đối bản án đối với blogger Mẹ Nấm khi cho rằng đó là “cáo buộc mơ hồ” vì cô chỉ thực hiện các quyền tự do cơ bản.
Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục nêu quan ngại về tình trạng nhân quyền Việt Nam tại Đối thoại Nhân quyền thường niên tổ chức vào tháng trước ở Washington và nêu một số trường hợp đặc biệt, yêu cầu phía Việt Nam trả tự do ngay lập tức, trong đó có trường hợp Blogger Mẹ Nấm.
Theo một khảo sát của CPJ đưa ra cuối năm 2017, Việt Nam đã giam cầm ít nhất 10 nhà báo, trong đó có Như Quỳnh. Tất cả những người này đều bị án tù giam vì cáo buộc “chống phá nhà nước.”
Như Quỳnh, cùng 4 nhà báo nữ khác của Philipines, Sudan, Ukarine và Venezuela, sẽ được vinh danh tại buổi tiệc lễ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế thường niên của CPJ dự kiến được tổ chức tại New York vào ngày 20/11.
Ông Butler nói, với giải thưởng này trao cho Mẹ Nấm, CPJ hy vọng “sẽ thu hút thêm được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và tạo thêm sức ép lên chính phủ Việt Nam, buộc họ sớm trả tự do [cho Như Quỳnh].”
Diễn đàn Facebook