Trong khi Tòa án Liên bang Đức đang xem xét kháng nghị phúc tra của bị cáo Nguyễn Hải Long, bị Tòa thượng thẩm Berlin kết án tù 3 năm 10 tháng vì hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Đức, thì An ninh nước này tiếp tục phát hiện các hoạt động bất hợp pháp của mật vụ nước ngoài ngay trên nước Đức.
Thông tin mới nhất được đưa ra, Viện Công tố liên bang Đức đã điều tra nhiều trường hợp tình nghi là hoạt động gián điệp cho cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ (MIT). MIT xem chừng đã tăng cường mạnh mẽ các hoạt động bất hợp pháp tại Đức.
Báo „Tagesspiegel“ và „Welt“ dẫn các nguồn tin từ Chính phủ liên bang Đức cho biết, cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng mạnh mẽ các hoạt động gián điệp tại Đức, tập trung vào do thám những người đối lập Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan chức năng Đức.
Theo báo „Welt“, Chính phủ Đức đã trả lời câu hỏi của Đảng Tự do Dân chủ (FDP), trong đó cho biết, Viện Công tố liên bang đang điều tra bốn trường hợp tình nghi là hoạt động gián điệp cho MIT. Trong những năm qua, Tổng công tố viên liên bang đã tiến hành thủ tục tố tụng hình sự đối với tổng cộng 23 trường hợp được cho là nhân viên mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó riêng năm ngoái và năm nay là 17 trường hợp.
Mục tiêu của các điệp viên là các nhóm và tổ chức như Đảng Công nhân Kurd (PKK) bị cấm hoạt động, Mặt trận Cách mạng của Đảng giải phóng nhân dân và từ sau cuộc đảo chính bất thành mùa hè 2016 cả Phong trào của Nhà truyền giáo đạo Hồi Fethulla Gülen.
Báo „Tagesspiegel“ cho biết, trả lời câu hỏi của Đảng Cánh tả, Chính phủ Liên bang Đức cho biết cũng lo ngại về khả năng MIT đưa người vào hoặc tuyển mộ nhân viên trong các cơ quan chức năng của Đức. Theo đó, Bộ Nội vụ đã cảnh báo nhân viên của Cơ quan hình sự liên bang (BKA), Cảnh sát liên bang, Cơ quan tình báo liên bang (BND), Cơ quan bảo vệ Hiến pháp, Cơ quan bảo vệ an ninh công nghệ thông tin, Cơ quan Di trú và Tị nạn liên bang, Cơ quan hình sự hải quan và Viện Công tố liên bang cũng như Cơ quan phản gián quân sự trước khả năng điệp viên Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mua chuộc, tuyển mộ nhân viên. Dẫn nguồn tin từ giới an ninh, báo này cho biết, MIT đã tiến hành hơn 100 trường hợp tìm cách mua chuộc hoặc tuyển mộ nhân viên, cộng tác viên trên toàn liên bang.
Trong một diễn biến khác, đại án mật vụ Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức cùng các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23.7.2017 tại Berlin, cho đến nay nhiều người Việt Nam định cư tại Đức và châu Âu có liên quan đến vụ án vẫn đang nằm trong vòng điều tra của cảnh sát và cơ quan an ninh Đức.Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm và trung tướng Đường Minh Hưng bị nêu tên trên truyền hình Slovakia hôm 1.10.2018 trong đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin
Quelle: Quốc Phong – Thoibao.de