Từ trái: Vua Henry VIII (1491-1547) và con gái lớn, công chúa Mary (1516-1558) và chú hề William Somers
Gần 500 năm trước vua Anh quyết định ly hôn khiến nước này tách khỏi châu Âu, mở đường cho Cải cách Tôn giáo và kỷ nguyên Elizabeth.
Vào thập niên 1530, vua Henry VIII của Anh muốn ly hôn Hoàng hậu Catherine, người Aragon, để cưới Anne Boleyn, nữ quý tộc Anh.
Lý do trực tiếp là vua Henry, một người đầy tham vọng, tàn bạo nhưng rất tài năng, muốn có con trai để nối ngôi.
Catherine sinh sáu lần nhưng hai con trai đều chết non.
Lý do khác là Henry vốn hiếu sắc và đã có quan hệ với những phụ nữ khác, gồm cả Anne Boleyn.
Khi đó Anh Quốc vẫn theo Công giáo La Mã và vua Anh yêu cầu Giáo hoàng Clement VII xóa hôn nhân của ông ta.
Hoàng hậu Catherine phản đối và đề nghị Giáo hoàng không chấp nhận 'đơn ly dị' từ chồng.
Lá thư không phải lời kêu xin từ một người vợ yếu đuối mà là tiếng nói của một dòng họ đầy thế lực.
Vua Henry VIII đem vợ, Hoàng hậu Catherine ra xử trước toà. Bà kiên quyết bảo vệ tính hợp pháp của cuộc hôn nhân, còn Henry nói vì bà có một lần cưới chồng (nhưng chưa chung sống) nên hôn nhân với ông ta không có giá trị
Là công chúa, con vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella ở Tây Ban Nha, Catherine of Aragon còn có cháu họ là Hoàng đế La Mã, Charles V, lên ngôi ở Đức, làm vua Hà Lan, đại công tước Áo và Ý.
Lá đơn ly dị của vua Anh đã gây khủng hoảng lớn cho châu Âu.
Năm 1527 Charles V đem quân vào thành Rome bắt giam giáo hoàng nửa năm để ông ta không thể cho vua Anh bỏ vợ.
Nhưng Henry VIII không chịu thua mà yêu cầu Giáo hội Anh Quốc, về nguyên tắc vẫn thần phục Vatican, xóa hôn nhân với Catherine để ông ta có thể cưới vợ mới.
Đây là hành động 'phạm thượng' lớn kinh khủng: Henry không chỉ tự ý làm trái Giáo hội mà còn cố ý xâm phạm vào thần quyền.
Năm 1533, vua Anh làm lễ cho Anne Boleyn lên ngôi hoàng hậu thay Catherine và yêu cầu Nghị viện thông qua nhiều luật tách luôn Anh khỏi Rome.
Trong các đạo luật đó nổi tiếng nhất có Luật Chủ quyền Tối thượng (Act of Supremacy 1534), tự phong cho Henry làm chủ chiên của Giáo hội Anh.
Từ đó, dân Anh phải tuyên thệ trung thành với nhà vua như đại diện duy nhất của Chúa Trời chứ không còn hướng về giáo hoàng La Mã.
Triều đình Anh bắt đầu cho truy sát các tu sĩ Công giáo và tịch thu tài sản nhiều dòng tu.
Sang năm 1536, sau khi yêu một người khác (Jane Seymour), Henry ra lệnh giết Hoàng hậu Anne Boleyn.
Trước các hành động 'trái đạo' liên tiếp như thế của Henry, năm 1538, Giáo hoàng Paul II đã rút phép thông công, loại vua Anh ra khỏi cộng đồng Công giáo.
Thế giới Ki Tô Giáo rạn vỡ và Anh vĩnh viễn tách khỏi quỹ đạo của Rome.
Nhưng uy tín của Vatican cũng đã suy giảm trước khi xảy ra vụ ly hôn của Henry VIII.
Từ những năm 1520-30, phong trào cải cách tôn giáo, chống Vatican ở châu Âu đã bùng lên.
Một trong những người khởi xướng là Martin Luther (1483-1546) đã nêu 95 điều phản bác Vatican 'tham nhũng'.
Nhưng vụ ly hôn của vua Anh là bước ngoặt và giúp phe cải cách lên tinh thần, tiếp tục bác bỏ vai trò 'trung gian giữa Con người và Chúa Trời' của Vatican.
Giống và khác nhau
Ngày nay nhiều người cho tằng vụ ly hôn của Henry VIII có điểm giống Brexit là cảm xúc muốn 'giành lại chủ quyền' của Anh.
Sâu rộng hơn là cảm giác "người Anh khác người châu Âu lục địa" về cách sống, sự lựa chọn tự do (gồm cả tự do bỏ vợ, cải đạo), và ly khai với láng giềng...
Nước Anh thời Brexit có người đóng các cảnh mặc trang phục thời xưa
Điều giống nhau giữa hai thời đại còn ở chỗ vụ ly hôn của Henry VIII và cuộc chia tay EU ngày nay đều như chia cắt trong một gia đình đa dân tộc.
Ngày nay, các vấn đề xung quanh Brexit cũng kéo ra đúng các cặp vấn đề:
· Anh - Tây Ban Nha mâu thuẫn về Gibraltar.
· Anh - Pháp cãi cọ về quyền đánh cá, kiểm soát eo biển.
· Anh - Brussels phải đàm phán về quy chế công dân EU sau Brexit.
· Các dân biểu Scotland luôn phản đối chính phủ London về Brexit.
Hệ quả của vụ ly hôn Henry - Catherine
Thời gian xảy ra vụ Giáo hội Anh ly khai cũng là lúc nhiều nước châu Âu lần lượt lập ra giáo hội riêng, tác khỏi thần quyền La Mã.
Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan theo đều chọn vua theo Công giáo cải cách hoặc Tin Lành để đứng đầu giáo hội.
Tính dân tộc được đề cao và Kinh Thánh được dịch sang các tiếng bản địa, khiến uy tín của Vatican càng giảm.
Nhưng châu Âu cũng rơi vào cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc và kéo dài cả trăm năm.
Đây là 'nội chiến' ngay trong các gia đình vua chúa.
Khi lên ngôi báu ở Anh, con gái vua Henry VIII là Nữ hoàng Mary Tudor (1516-58) đã quay ngược chính sách của vua cha và ủng hộ người Công giáo.
Đám cưới của Mary Tudor với vua Philip người Tây Ban Nha, theo Công giáo, đã làm bùng nổ bạo loạn của người Tin Lành tại Anh.
Một cuộc chiến với Pháp đã khiến Mary mất Calais, lãnh thổ Anh cuối cùng bên kia eo biển.
Năm 1558, Nữ hoàng Mary Tudor chết, và người em cùng cha khác mẹ là Elizabeth lên làm nữ vương, và chọn cách hòa giải Tin Lành - Công giáo.
Tuy thế, Elizabeth I (1558-1603) vì bị Công giáo chống đối nên càng nặng tay trấn áp họ.
Bà cũng vô hiệu hóa chị họ là Nữ hoàng Mary (1542-87), người Công giáo Scotland, vợ vua Pháp Francis II, bằng án tù hơn 8 năm ở Tower of London.
Cuối cùng, để trừ hậu họa, triều đình đem Mary ra chặt đầu.
Chuyện gia đình và sát phạt nội bộ tàn khốc là thế, nhưng về các mặt còn lại thì đây là Kỷ nguyên Vàng (Golden Era) của Anh.
Năm 1581: Nữ hoàng Elizabeth I lên chiếc tàu Golden Hind ở Deptford đón chào Sir Francis Drake trở về chuyến đi biển vòng quanh địa cầu. Kỷ nguyên Elizabeth là lúc Anh Quốc vươn ra khai thác các đại dương
Tranh vẽ Sir Walter Raleigh (1552-1618) đặt chân vào bờ biển Bắc Mỹ năm 1584
Thời Elizabeth I đánh dấu một số chuyển biến mạnh:
· Văn hóa, nghệ thuật và ngôn ngữ Anh phát triển mạnh (English Renaissance) qua Kinh Thánh bản tiếng Anh và ca kịch của William Shakespeare.
· Hải quân gây dựng từ thời Henry VIII ngày càng hùng mạnh, đánh thắng cường quốc biển là Tây Ban Nha, chấm dứt đe dọa bị xâm lăng từ châu Âu. Sir Francis Drake trở thành thuyền trưởng Anh đầu tiên đi vòng quanh địa cầu.
· Thương mại quốc tế đưa người Anh lần đầu tới Bắc Phi, sang Bắc Mỹ. Thuộc địa Virginia được đặt tên theo cách gọi Nữ hoàng Trinh tiết - The Virgin Queen - vì Elizabeth sống độc thân suốt đời.
· Anh Quốc cũng lập ra Công ty Đông Ấn để sang vùng nay là Ấn Độ, Bangladesh kinh doanh và xâm chiếm ở châu Á.
Bên trong, cái chết của Mary, Queen of Scots là dấu chấm cuối cùng cho tham vọng độc lập 'làm vua một xứ' của Scotland.
Con bà, James I làm vua của cả Anh, Scotland, Ireland và đại diện cho xu hướng thống nhất ba xứ làm một.
Ông vận động lập nghị viện chung cho Anh và Scotland và suốt thời kỳ trị vị toàn ở London và về Scotland có một lần.
Gần 60 năm cầm quyền của James I đã đoàn kết con người của Anh, Scotland và Ireland tập trung vào hướng đi mới: Tân Thế Giới.
Tiếp thu hạm đội xây dựng từ thời Elizabeth II, và truyền thống hải quân của ông nội Henry VIII, James I đẩy mạnh hơn công cuộc khai thác thuộc địa.
Thành phố đầu tiên của Anh trên bờ biển Bắc Mỹ lập năm 1607 được mang tên ông, Jamestown ở Virginia.
Ngày nay nhìn lại, có người tin rằng Brexit là bước đi tách Anh khỏi cơ chế EU để hướng tới các phương trời mới, mở ra một kỷ nguyên vàng thứ nhì.
Nhưng có người không tin vào chuyện đó vì thế giới nay không còn là nơi lạc hậu dễ chinh phục như thời thế kỷ 17.
Mặt khác, nếu Brexit tiếp tục gây chia rẽ nội bộ thì Anh khó tạo được sức mạnh qua bao dung tôn giáo, đoàn kết quốc gia, để có bước đi toàn cầu.
Chiều sâu lịch sử cũng cho ta thấy có Brexit hay không thì chuyện các nước châu Âu yêu nhau, lấy nhau, ghét nhau, thậm chí giết nhau đã xảy ra và sẽ còn xảy ra.
Nguồn: BM