Các chuyên gia hiện chưa thể xác định thời gian cần thiết để phục hồi Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn diễn ra đêm 15/4. Nhiều người cho rằng có thể phải mất hàng thập kỷ.
Theo AFP, một số chuyên gia trong lĩnh vực trùng tu di tích ở Pháp cảnh báo thời gian cần thiết để khôi phục sự nguyên vẹn của Nhà thờ Đức Bà Paris có thể mất đến hàng chục năm. Trong khi đó, linh mục nhà thờ bày tỏ hy vọng ông có thể cử hành thánh lễ trở lại tại công trình lịch sử này trong vòng vài năm tới.
Cư dân Paris và người dân trên khắp thế giới bàng hoàng chứng kiến ngọn lửa dữ dội phá hủy một phần công trình kiến trúc 850 năm tuổi, khiến phần mái và chóp của nhà thờ đổ sập. Một chiến dịch khẩn cấp nhằm cứu lấy các di tích và tác phẩm nghệ thuật quý giá bên trong tòa nhà đã diễn ra.
Sau khi cho biết đã tránh được kịch bản tệ nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lập tức tuyên bố: "Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà".
Vụ hỏa hoạn hôm 15/4 đã thiêu rụi một phần mái vòm và tòa tháp cao nhất của Nhà thờ Đức Bà Paris, với các cấu trúc bằng gỗ bị phá hủy. Ảnh: AFP.
Hàng trăm triệu euro cũng đã được hứa quyên góp bởi các nhân vật nổi tiếng, trong đó có tỷ phú Francois-Henri Pinault, để cam kết xây dựng lại công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của nước Pháp.
"Có thể mất hàng chục năm"
Nhưng mất bao lâu để hoàn thành công việc vẫn đang là câu hỏi chưa có lời đáp, chuyên gia Eric Fischer, người đứng đầu dự án trùng tu thánh đường Strasbourg 1.000 năm tuổi trong 3 năm qua, cho rằng "có thể mất hàng chục năm" để khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris về nguyên trạng.
"Thiệt hại là rất đáng kể. Nhưng thật may mắn vì Pháp có một mạng lưới các công ty hàng đầu chuyên trùng tu di sản, bao gồm cả các nghệ nhân độc lập và các tổ chức lớn hơn", ông Fischer chia sẻ với AFP.
Chuyên gia này cho rằng khả năng khôi phục thánh đường lịch sử này, sao cho giống với tình trạng và phong cách kiến trúc ban đầu của nó, sẽ phụ thuộc vào kế hoạch, các bản vẽ và những nguyên liệu mà các kiến trúc sư hiện có.
Theo ông Fischer, các chuyên gia sẽ cần "tối đa dữ liệu lịch sử hoặc những dữ liệu gần đây hơn, thu thập bằng công nghệ hiện đại như quét 3 chiều", cùng loại với phương pháp đang được sử dụng để trùng tu thánh đường Strasbourg.
Ông Stephane Bern, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng với loạt phim tài liệu về nước Pháp thời trung cổ, và cũng mới được chính phủ bổ nhiệm vào vị trí người đại diện di sản, dự kiến quá trình khôi phục nhà thờ sẽ mất "tối thiểu từ 10 đến 20 năm".
Nhiều người cho rằng có thể mất tới hàng chục năm để khôi phục lại công trình mang tính biểu tượng của thủ đô Paris. Ảnh: Getty.
Nhắc tới dự án khôi phục thánh đường Reims, vốn bị phá hủy bởi máy bay Đức trong Thế chiến 1, đã kéo dài hàng chục năm, người dẫn chương trình 55 tuổi không kìm được cảm xúc khi chia sẻ trên radio: "Bạn biết điều gì đau đớn nhất không? Đó là suy nghĩ về việc tôi sẽ không thể nhìn thấy nó một lần nữa trong suốt phần đời còn lại".
"Nó sẽ được xây dựng lại cho các thế hệ tương lai", ông Bern cho biết.
Liệu có thể nhanh hơn?
Tuy nhiên, ông Jack Lang, bộ trưởng văn hóa nổi tiếng dưới thời tổng thống Francois Mitterrand, cho rằng quá trình khôi phục di tích lịch sử sẽ không kéo dài đến vậy.
"Từ hôm qua tôi đã nghe rằng việc trùng tu có thể kéo dài một thập kỷ. Chắc là nói đùa", ông Lang trả lời khi được AFP phỏng vấn.
Nhắc tới trường hợp của thánh đường Strasbourg, khi công việc trùng tu chỉ kéo dài 3 năm, ông Lang tuyên bố: "Chúng ta cần phải làm điều tương tự như vậy, không phải 10-15 năm mà là 3 năm".
Linh mục quản đốc Nhà thờ Đức Bà Paris, cha Patrick Chauvet, cũng bày tỏ mong muốn sớm thấy nhà thờ hoạt động trở lại.
"Tôi hy vọng sẽ thấy thánh đường một lần nữa trong đời, và được tổ chức một buổi thánh lễ ở đó. Tôi đã 67 tuổi và nếu mọi thứ tốt đẹp, dù phải mất 10 năm, khi đó tôi 77 tuổi và vẫn có thể làm điều đó", cha Chauvet chia sẻ với kênh radio France Inter.
Các khoản đóng góp tiền bạc được chuyển tới Paris từ khắp nơi trên thế giới. Italy, Nga và Đức cũng đề nghị gửi các chuyên gia của họ tới trợ giúp Pháp trong quá trình khôi phục nhà thờ.
Các chuyên gia đang đánh giá mức độ thiệt hại của công trình sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: AP.
Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ nguyện vọng gửi tới "những chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm của Nga trong lĩnh vực trùng tu di tích, di sản quốc gia", trong khi Phó thủ tướng Italy Matteo Salvini hứa sẽ "giúp đỡ hết sức có thể".
Thiếu hụt gỗ sồi
Thách thức đầu tiên là tìm kiếm nguồn cung cấp số lượng gỗ sồi để phục chế lại các thanh dằng cho mái nhà thờ, vốn đã bị phá hủy hoàn toàn sau vụ hỏa hoạn. Nhà cung cấp gỗ sồi hàng đầu nước Pháp cho rằng sẽ có sự thiếu hụt nguyên liệu này.
"Từng có giai đoạn việc phá rừng ở Pháp trở nên nghiêm trọng vì những công trình kiểu này ngốn số lượng gỗ khổng lồ", ông Stephen Murray, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Columbia cho biết.
Ông Sylvain Charlois, người đứng đầu tập đoàn Charlois ước tính khoảng 1.300 cây sồi đã được sử dụng trong quá trình xây dựng mái vòm Nhà thờ Đức Bà Paris.
"Để chuẩn bị kho gỗ sồi đủ lớn với chất lượng đạt yêu cầu sẽ cần phải mất đến vài năm", ông Charlois cho biết và cam kết sẽ ủng hộ gỗ cho dự án.
Nguồn> Zing.vn