AI LÊN TIẾNG VÀ AI IM TIẾNG
Hôm 30 tháng 4, trong khi cha Đào Xuân Thành, Chánh xứ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Seattle và tôi đang mặc áo chuẩn bị bước vào thánh lễ cầu nguyện cho tổ quốc và cho các nạn nhân chết trên rừng dưới biển vì chiến tranh, vì tù đầy, vì vượt biên vượt biển, etc, thì một anh giáo dân hối hả vào phòng thánh cấp báo như cháy nhà rằng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu sẽ bị dỡ bỏ vào ngày 13 tháng 5 tới đây.
Anh đau đớn! Tôi cũng lặng người. Đau đớn. Theo dõi câu chuyện đau thương gây chấn động này, tôi thấy nhiều người và nhiều cơ quan truyền thông lên tiếng. Họ cũng đau đớn như tôi và có khi đau đớn hơn tôi. Tôi chưa từng thấy có việc đập phá hay xây dựng một công trình đạo đời nào lại được dư luận quan tâm rộng rãi như vậy, từ người Công Giáo đến người không Công Giáo, từ người Việt đến người ngoại quốc, từ trong nước đến nước ngoài, cả truyền thông chính thống lẫn truyền thông không chính thống.
Hầu như tất cả các báo đài, các website quen thuộc đều đưa tin về việc tháo dỡ và trùng tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Trong nước có Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Người Lao Động, VTC, Vietnamnet, Vnexpress, Đất Việt, Dân Trí, Tạp chí Kiến Trúc, Người Đô Thị, Kinh Tế Đô Thị, etc. Ngoài nước có Báo Người Việt, Việt Báo, Báo Viễn Đông là các báo lớn của người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản ở California. Quốc tế có Đài BBC của Anh, Đài RFI của Pháp, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự Do của Hoa Kỳ. Hầu hết các
Các trang mạng chuyên viết về lãnh vực đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền như Dân Luận, Báo Tiếng Dân, Tin Mừng Cho Người Nghèo cũng lên tiếng. Đấy là chưa kể vô số các blog, các FB và các trang mạng của các nhóm hội trong đạo ngoài đời. Lúc này là sang 9 tháng 5, tôi vừa gõ lên google một cái, lập tức thấy có 420 nghìn kết quả.
Một điều lạ là ngay cả các trang mạng trước giờ chuyên chống Công Giáo, chống dân chủ và nhân quyền như trang nguyenphutrong.org, nguyentandung.org, hoicodo.org cũng đưa tin về vụ Nhà thờ Bùi Chu. Điều lạ lùng không biết là nên khóc hay nên cười là những trang này trước giờ có chuyện gì liên quan đến Công Giáo thì nhảy bổ vào chửi bới và kết án, nhưng riêng trong vụ Nhà thờ Bùi Chu này lại có lập trường đối nghịch với các cơ quan truyền thông còn lại, hoàn toàn tán đồng và tích cực bênh vực lập trường và quan điểm phá cũ xây mới của Tòa Giám Mục Bùi Chu, kết án các cư dân mạng “khóc mướn” khi lên tiếng bảo vệ nhà thờ.
Xưa nay, liên quan đến Công Giáo Việt Nam hiếm có vấn đề nào được các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, không phân biệt lập trường và quan điểm, quan tâm rộng rãi và liên tục như vậy. Ở một phương diện nào đó đấy là điều khiến tôi vui mừng và hy vọng, vì nó chứng tỏ sự hiểu biết hơn của người dân đối với lãnh vực văn hóa-nghệ thuật và nhất là nó chứng tỏ sự trưởng thành hơn về trách nhiệm công dân đối với cộng đồng và xã hội; hơn nữa, trong chừng mực nào đó, nó chứng tỏ thiện cảm của hầu hết mọi người đối với Công Giáo nói chung và đối với một công trình kiến trúc của Công Giáo nói riêng.
Trong khi truyền thông thế tục sôi sục đưa tin, thể hiện một mối quan tâm rất tích cực và rất có tính xây dựng đối với một di sản văn hóa-lịch sử của Công Giáo thì truyền thông Công Giáo chỉ có lẻ tẻ vài bản tin ngắn. Trang mạng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) không một dòng nào đề cập đến việc việc dỡ bỏ và tái thiết Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Các website của các
Ủy Ban chuyên môn trực thuộc HĐGM cũng không có dòng nào. Trang của Ủy ban Nghệ Thuật Thánh thì bị chết, không vào được .
Hầu hết website của các giáo phận và các dòng tu cũng im lặng. Duy chỉ có trang của Giáo phận Lạng Sơn đưa lại một tin của BBC. Trang Vatican.news của Tòa Thánh bản tiếng Đức có một tin ngắn. Bản tiếng Việt không nói gì. Trang Vietcatholic.net có hai bài phản ánh hai quan điểm khác nhau. Ngay chính website của Giáo phận Bùi Chu, địa chỉ đầu tiên và đáng tin cậy nhất để tìm hiểu về vấn đề liên quan thì cũng không có bài nào trực tiếp và chính thức đề cập gì đến vấn đề liên quan. Người ta chỉ biết thoáng qua, cách gián tiếp rằng Nhà thờ Chính Toà Bùi Chu sẽ được hạ giải vào ngày 13.05.2019 qua bản tin về Lễ Truyền Dầu và qua một video giới thiệu về Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.
Thật là lạ!
Thật là không bình thường!
Trong khi truyền thông thế tục lên tiếng về vấn đề của chính Công Giáo thì Truyền thông Công Giáo dường như im lặng về vấn đề của chính mình! Trong khi các trang mạng Công Giáo đưa đủ thứ tin tức xa gần, thì chính nó lại im lặng trước chuyện động trời liên quan đến một trong những di sản văn hóa đức tin-văn hóa quý nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại vùng đất đấu tiên đón nhận Tin Mừng ở Việt Nam.
Trong khi có nhiều những trí thức ngoài Công Giáo và ngoại quốc lên tiếng, thì cho đến nay, chưa thấy Hội đồng Giám mục Việt Nam, chưa thấy Ủy Ban Nghệ thuật Thánh, chưa thấy một Đức Giám Mục nào có ý kiến thuận nghịch gì về vụ “đại tu” Nhà thờ Bùi Chu. Người ta thấy có một sự bất cân xứng tuyệt đối trong việc truyền thông, thể hiện sự bất cân xứng tuyệt đối trong việc quan tâm đến di sản văn hóa đức tin là Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.
Có một sự im lặng đáng sợ.
Đấy là một sự im lặng khó hiểu.
Một sự im lặng gần như tuyệt đối trong giới Công Giáo trước vấn đề liên quan đến một di sản quan trọng trong lịch sử đức tin của Công Giáo Việt Nam cũng là một di sản quan trọng của dân tộc và đất nước Việt Nam.
Thư Chung của HĐGMVN năm 1980 chủ trương Giáo Hội đồng hành cùng Dân Tộc. Lúc này, trong vụ việc Nhà thờ Bùi Chu này, tôi thấy HĐGMVN không đồng hành cùng dân tộc. Không đồng hành cùng dân tộc vì không đồng hành với chính mình. Không đồng hành với Giáo Hội.
Tôi cảm thấy xấu hổ và thất vọng vì trong khi người ngoại quốc và ngoại đạo lại chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để bảo tồn một gia sản đức tin-văn hóa của Công Giáo nói riêng và của Đất Nước Việt Nam cũng như của thế giới nói chung, thì phía Công Giáo, đại diện là Hội đồng Giám mục Việt Nam, cho đến giờ này, lại vẫn im lặng. Một sự im lặng điển hình thể hiện sự thờ ơ và vô cảm trước những vấn đề nóng bỏng đang tồn tại trong xã hội và Giáo Hội Việt Nam ngày nay.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hơn một lần có nói đến “sự vô cảm và phổ quát tập thể”, “sự im lặng đồng lõa” kiểu này. Trong một bài giảng ngài đã trích dẫn câu Cain trả lời Đức Chúa rằng: “Điều đó liên quan gì tới tôi? Tôi đâu có phải là người bảo vệ em tôi” ( St 4,9)”. Tương tự như vậy, tôi thấy cái im lặng của các đấng bậc hữu trách trong HĐGM trước vụ việc “đại tu” Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu dường như muốn nói rằng: “Việc ấy liên quan gì đến tôi! Tôi đâu có phải là Đức Giám Mục Bùi Chu!”
Có thể vì những lý do tế nhị nên các Đức Giám Mục trong HĐGM với tư cách tập thể cũng như với tư các cá nhân, các ngài đã không dám lên tiếng. Nhưng tôi không tin rằng đó là bác ái! Nếu một mai Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu bị dỡ bỏ và làm lại mới, thì một lần nữa tôi tin rằng Hoàng đế Napoléon nói đúng: “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt.”
Tôi nghĩ rằng trong lúc mọi người trong đạo ngoài đời đang lo sốt vó về số phận của một di sản văn hóa đức tin thì HĐGMVN cần phải có trách nhiệm và bổn phận phải lên tiếng.
Nếu việc tháo dỡ và trùng tu kia là không nên và là việc làm hủy hoại di sản đức tin và văn hóa, thì HĐGM cũng giảm được phần nào trách nhiệm trước lịch sử và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng bớt mang tiếng trước Dân Tộc và thế giới.
Nếu việc tháo dỡ và trùng tu kia là đúng và là nên thì sự lên tiếng của các ngài giúp khai thông mọi hiểu lầm và kết án, giảm áp lực và điều tiếng Tòa Giám Mục Bùi Chu, mọi người trong đạo ngoài đời quan tâm đến di sản mới thực sự yên tâm.
Nếu việc tháo dỡ kia không xảy ra và Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu hiện nay sẽ vẫn tồn tại, phần hư hại được phục chế hoặc tu sửa tùy mức độ nặng nhẹ, phần chưa hư hỏng được gia cố và tôn tạo cho vững chắc và xinh đẹp hơn thì HĐGM cũng được mọi người trong đạo ngoài đời tôn trọng và vinh danh.
“Đừng im tiếng mà phải lên tiếng!” vì Nhà thờ Bùi Chu là một phần máu thịt của đức tin Công Giáo và một phần quá khứ của lịch sử dân tộc và đất nước Việt Nam, nếu không muốn nói là một phần của thế giới.
AI NÓI VÀ NÓI GÌ?
Vấn đề đại tu nhà thờ Chính tòa Bùi Chu phát xuất từ thực trạng của nó hiện nay. Nó được xây dựng năm 1885 và đã được tu sửa một số lần. Hiện nay, thực trạng của nó thế nào? Nó còn có thể đứng vững không? Nó có đáng giữ lại không? Nó có đáng bị phá bỏ không?
Theo Đức cha Đức cha Thomas Vũ Đình Hiệu, Giám mục Bùi Chu, trong thư xin trợ giúp ngày 19 tháng 3 năm 2019 gửi cha Chánh xứ Dốc Mơ cho biết “…Nhà thờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thờ đã bị nứt nẻ nhiều chỗ. Vôi vữa và gạch mái nhà thờ cũng bị rớt xuống, ảnh hưởng không những tới việc thờ phượng mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của bà con giáo dân tham dự phụng vụ” [3].
Theo Cha Nguyễn Đức Giang, Chính xứ Bùi Chu-Tổng Đại diện, cho biết: “nhà thờ chính tòa Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885. Tồn tại 134 năm, do tác động của thời tiết mưa, nắng, bão gió, các nguyên vật liệu của nhà thờ đã bị hư hại, nhiều vết rạn nứt, dột nát” [4]. “Nhà thờ đã xuống cấp nhiều năm, được sửa chữa nhiều lần và đến nay không thể sửa chữa được nữa.” [5] “Nhà thờ đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn đứng trước nguy cơ sụp đổ, nếu không đại tu sẽ gây mất an toàn cho các sinh hoạt tôn giáo của giáo dân tại đây” [6].
Theo đoàn khảo sát của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch do ông Thứ trưởng Lê Quang Tùng làm trưởng đoàn trong ngày 7/5 đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và đoàn cũng trực tiếp khảo sát thực tế, kiểm tra sơ bộ về thực trạng của nhà thờ Bùi Chu. Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, qua kiểm tra thực tế nhà thờ Bùi Chu, “về sơ bộ cho thấy hiện trạng công trình đã bị nứt, hỏng nhiều chỗ. Cụ thể, cửa vào bị nứt, tòa tháp trái bị nghiêng, nhiều cửa vòm ở hai bên đều bị nứt. Nội thất bên trong bị xuống cấp, mục, mọt, nhiều vật liệu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào” [7].
Một nhóm gồm hơn 20 kiến trúc sư dưới sự “giám sát online” của Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Hạnh Nguyên tại Đại học Kiến trúc Sài Gòn và Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp đã bỏ ra hai ngày để khảo sát nhà thờ và đọc bản vẽ. Nhóm này đưa ra một báo cáo về hiện trạng nhà thờ khá kỹ lưỡng và khoa học. Theo họ “không có dấy hiệu cho thấy công trình xuống cấp nghiêm trọng và không có khả năng chịu lực như thông tin mà Tòa Giám Mục đưa ra” [8]. “Có thể nhận thấy công trình nhà thờ Bùi Chu chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc. Kết cấu khung chịu lực còn tốt, bảo đảm khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm. Tường ngoài nhà rêu mốc vì lâu năm không được tu sửa, việc này khắc phục đơn giản” [9].
Tôi đã đến Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu nhiều lần. Đã làm lễ, đã chiêm ngưỡng bên trong bên ngoài ngôi thánh đường cổ kính và xinh đẹp này. Mấy ngày nay tôi cũng xem đi xem lại cái video giới thiệu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu do Tòa Giám Mục mới làm và mới phổ biến hơn 1 tuần nay trên website của Giáo phận Bùi Chu, từ những điều mắt thấy tai nghe, tôi tin kết luận của nhóm kiến trúc sư trên đây là khách quan và đúng đắn.
Nhà thờ Bùi Chu được “đại tu” hay bị phá bỏ rồi xây mới theo mẫu cũ?
Đức Giám Mục Bùi Chu, Thomas Vũ Đình Hiệu, trong thư xin trợ giúp ngày 19 tháng 3 năm 2019 gửi cha Chánh xứ Dốc Mơ dùng tư “đại tu”. Sau đó, ngày 5 tháng 4, trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, ngài cũng nói đến “kế hoạch đại tu nhà thờ Bùi Chu” đã được “hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận” [10]. Như vậy theo Đức Giám Mục, thì Nhà thờ Bùi Chu được “đại tu”, nhưng ngài không cho biết đại tu cách cụ thể thế nào.
Linh mục Nguyễn Đức Giang, Tổng Đại diện Giáo phận Bùi Chu cho biết: “Nhà thờ đã xuống cấp nhiều năm, được sửa chữa nhiều lần và đến nay không thể sửa chữa được nữa. Vì sự an toàn của giáo dân và việc thờ phượng, chúng tôi phải đại tu lại chính tòa.” “Việc đại tu nhà thờ hoàn toàn dựa trên khuôn mẫu kiến trúc nhà thờ cũ. Phần tường bằng gạch chắc chắn sẽ phải đập đi. Các phần bằng gỗ, đá sẽ được tận dụng nếu phù hợp với công trình mới hoặc giữ lại trưng bày” [11]. Ai hiểu cấu trúc Nhà thờ Bùi Chu mà nghe lời Cha Tổng Đại nói thì mình phải hiểu cái mà ngài gọi là “đại tu” ấy thực chất là phá dỡ nhà thờ hiện nay và làm lại một nhà thờ mới theo khuôn mẫu cũ.
Cha Trần Hưng Đạo giám đốc Caritas Bùi Chu trả lời BBC vào hôm 1 tháng 5 rằng: “Việc trùng tu nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó, sửa mà đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được. Nhà thờ đã hơn 100 năm tuổi, xuống cấp thì phải sửa chữa đại tu thôi nhưng việc này chúng tôi không trả lời nhiều, việc của nhà thờ và giáo dân không cần thiết trả lời báo chí” [12]. Như vậy theo cha Trần Hưng Đạo thì việc đại tu cũng bao gồm việc tháo dỡ nhà thờ cổ kính hiện nay.
Một giáo dân cũng là một đại diện của UBND xã Xuân Ngọc, nơi tọa lạc Nhà thờ Bùi Chu, cho biết: “Các giáo dân đều rất ủng hộ việc xây nhà thờ mới, bản thiết kế nhà thờ mới đã được các đức cha gửi tới các hộ dân từ gần năm nay […] Nhà thờ mới sẽ to đẹp hơn nhà thờ cũ. Nhà thờ cũ là di sản với các vị kiến trúc sư thôi, còn với chúng tôi nó đã cũ nát, không an toàn" [13]. Theo ông giáo dân-cán bộ này thì việc xây nhà thờ mới và phá nhà thờ cũ là hiển nhiên. Đáng thương cho ông và đáng buồn cho chúng ta vì cái cung giọng rẻ rúng ngôi Nhà thờ Chính tòa cổ kính, và hồ hởi với ngôi nhà thờ to đẹp sắp xây dựng.
Trong video giới thiệu Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu trên website của Tòa Giám Mục Bùi Chu phần cuối phút 13:00 nói rằng: “Giáo phận đang dự định tái thiết lại nhà thờ và mở rộng khuôn viên sao cho khang trang hơn và đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của giáo phận”. Như vậy theo Video của Tòa Giám mục Bùi Chu phổ biến thì việc đại tu mà giáo phận đang theo đuổi chính là việc tái thiết lại nhà thờ và mở rộng khuôn viên sao cho khang trang hơn.
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: "Với tài liệu là thiết kế sơ bộ tôi có trong tay thì quy mô cũng như hình dáng của công trình vẫn giữ nguyên như cũ. Tuy nhiên đó chỉ là hồ sơ sơ bộ, về chi tiết chúng tôi chưa nghiên cứu cụ thể". Theo ông: “báo cáo của địa phương cho biết nhiều thành phần kiến trúc của công trình cũ sẽ được giữ lại.” [14] Như vậy theo lời ông này thì độc giả có thể suy ra rằng nhà thờ cũ sẽ bị phá bỏ và một nhà thờ mới sẽ được xây dựng lại theo hình dáng cũ.
Phá nhà thờ cũ, xây nhà thờ mới theo kiểu cũ. Đó là ý muốn của Tòa Giám Mục Bùi Chu, thể hiện quan lời nói của các vị hữu trách và của giáo dân trong giáo xứ. Có lẽ hầu hết các nhà báo đều hiểu đúng ý của Tòa Giám Mục Bùi Chu, cho nên hầu như tất cả các bài báo liên quan đều có tựa đề dùng các từ ngữ như “phá dỡ”, “tháo dỡ”, “hạ giải” thậm chí là “bị đập bỏ”, “được bảo vệ bằng búa”.
Video giới thiệu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu của Tòa Giám Mục đã mặc nhiên xác nhận điều trên đây, vì phần cuối video đã giới thiệu bản vẽ phối cảnh bên ngoài nhà thờ và bản vẽ kiến trúc bên trong thánh đường mới sẽ được xây dựng. Đối chiếu các bản vẽ này với nhà thờ cũ thì thấy rằng nhà thờ mới sẽ gần giống nhà thờ hiện nay về hình dáng và quy mô, nhưng rất khác về chi tiết kiến trúc và các hoa văn trang trí. Đại tu kiểu này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bảo tồn di sản. Làm như thế mà gọi là đại tu là lạm dụng từ ngữ. Cần phải gọi cho chính danh là phá bỏ nhà thờ cũ, xây dựng nhà thờ mới theo kiểu cũ.
Điều này cũng đúng với xác nhận của hơn 20 kiến trúc sư trong nhóm bảo vệ di sản. Sau 2 ngày khảo sát và đọc bản vẽ, các kiến trúc sư này cho rằng thực chất “đây là việc đập đi xây mới với hình thức và quy mô khác di sản hiện có.” [15]
Tóm lại theo lời của một số đấng bậc ở TGM Bùi Chu thì Nhà thờ Bùi Chu tựa như một Lão Bà tuổi cao, bệnh tật, vô phương chữa trị, tồn tại chỉ làm gánh nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng những người xung quanh, vì vậy Lão Bà đáng phải chết. Do đó, trong tinh thần trách nhiệm và với tấm lòng nhân đạo, Giáo phận sẽ thi hành quyền trợ tử, nghĩa là giúp cho Lão Bà được chết êm dịu. Cái chết của Lão Bà sẽ sinh ích cho người sống, vì chẳng những loại trừ được mối nguy hiểm chết người, mà còn mở đường cho sự ra đời một cô gái giống Lão Bà nhưng trẻ đẹp hơn Lão Bà hơn trăm lần.
Ngược lại, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, của nhóm hơn 20 kiến trúc sư, những người yêu mến di sản, thì Nhà thờ Bùi Chu mới chỉ vẫn là một phụ nữ xinh đẹp, một người vợ đoan trang, đức hạnh, một người mẹ đảm đang. Tuy đã phục vụ chồng con hơn trăm năm, đến nay da đã mồi, tóc đã có những sợi bạc, son phấn đã có phần phai lạt, nhưng nhờ khéo tu thân tích đức, cho nên gân cốt vất còn tốt, sức vóc vẫn còn mạnh, vẫn đủ sức gánh vác giang sơn nhà chồng, chu toàn bổn phận làm vợ làm mẹ. Chị chưa có gì đáng phải bị bức tử. Chị chỉ cần nhà cHồng Yêu mến, chăm chút tý ty thì Chị vẫn là một Cô Tiên, vẫn có thể phục vụ đắc lực, chu toàn bổn phận làm vợ làm mẹ trong gia đình.
Tôi có dịp đi thăm nhiều nhà thờ ở Âu-Mỹ, tôi thấy nhà thờ Bùi Chu còn tốt đẹp và chắc chắn hơn nhiều nhà thờ cũ ở Ý, Pháp và Tây Ban Nha. Ngay tại Ý, nhiều nhà thờ ở trong tình trạng hư hỏng thảm hại hơn rất nhiều, nhưng họ vẫn không phá bỏ và xây mới cho rẻ, nhưng vẫn bảo tồn và tìm cách phục chế, dù giá trị mỹ thuật và lịch sửu nhiều khi kém xa Nhà thờ Bùi Chu.
Tôi theo luân lý Công Giáo. Tôi không muốn trợ tử bệnh nhân. Tôi cũng không muốn ai bức tử nhà thờ mà tổ tiên tôi đã góp phần xây dựng, dù ngôi nhà thờ ấy có bị hư hỏng ít nhiều theo thời gian. Còn nước còn tát. Tôi muốn Nhà thờ Bùi Chu được bảo tồn, được đại tu. Tôi muốn nó được cứu trước hết bằng tấm lòng yêu mến nó và tấm lòng hiếu kính tổ tiên, biết tôn trọng các giá trị tổ tiên đã dày công hy sinh vun đắp mà Nhà thờ Bùi Chu là một điển hình.
GIÁ TRỊ ĐỨC TIN-VĂN HÓA CỦA NHÀ THỜ BÙI CHU
Tôi đi thăm nhiều nước và thăm rất nhiều nhà thờ cũ mới tại châu Âu. Ngay tại lục địa Kitô giáo lâu đời này, cũng hiếm thấy có vùng nông thôn nào, có mật độ nhà thờ dày đặc như vùng Bùi Chu và cũng hiếm có vùng nào có nhiều nhà thờ đẹp như ở vùng Bùi Chu-Thái Bình, dọc theo sông Hồng và sông Ninh Cơ. Đấy là những ngôi nhà thờ cổ làm vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, theo kiến trúc nửa tây nửa ta, thường có mặt tiền theo kiểu Việt Nam hay Tây Ban Nha, kiến trúc bên trong nhà thờ theo kiểu baroque hoặc truyền thống Việt Nam, bàn thờ thường theo kiểu baroque, sơn son thiếp vàng, trông rất hòa hợp với phong cảnh làng quê châu thổ sông Hồng. Nhà thờ Bùi Chu là một trong những thánh đường to nhất, đẹp nhất và cổ kính nhất trong số ấy. Cái chuỗi nhà thờ kia có thêm giá trị khi nhà thờ Bùi Chu tồn tại. Cái chuỗi nhà thờ kia mất phần nào giá trị khi nhà thờ Bùi Chu bị không còn.
Ở tầm mức quốc gia, tôi đã đi thăm hết các nhà thờ chính tòa cũ mới ở Việt Nam, trừ nhà thờ Chính tòa Phú Cường, vì khi tôi đã sang Roma, nhà thờ này còn chưa xây dựng. Xếp hàng các nhà thờ kia lại với nhau để so sánh về phương diện mỹ thuật, theo cảm quan của tôi, ngay cho đến hôm nay, có lẽ Nhà thờ Bùi Chu vẫn đẹp hơn phần lớn các nhà thờ còn lại. Một vẻ đẹp sang trọng mà kín đáo, rất có bầu khí tâm linh toát lên từ sự logic và nhất quán của phong cách kiến trúc, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật đông tây trong toàn thể cũng như từng chi tiết của nó. Những nhà thờ chính tòa cũ mới được kể là đẹp như Thái Bình, Phủ Cam, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Mỹ Tho, theo tôi, đều không thể sánh được với Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Sánh được với nó có lẽ là Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Nhà thờ Chính tòa Kontum, Nhà thờ Phú Nhai và nhà thờ Kẻ Sặt ở Hài Dương. Đẹp hơn nó ít nhiều có lẽ là Nhà thờ Phát Diệm và Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Có thể nói rằng Nhà thờ Bùi Chu là một trong số mấy nhà thờ chính tòa đẹp nhất Việt Nam.
Ở tầm mức khu vực Đông Nam Á, tôi có đi thăm một số nhà thờ ở Thái Lan và Philippines. Tôi cũng thấy ít có các nhà thờ chính tòa to đẹp như Nhà thờ Bùi Chu. Thậm chí ngay tại các nước Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Canada cũng vậy. Ngoại trừ một số rất ít nhà thờ nổi tiếng, số còn lại, dù đôi khi có lưu trữ được những tác phẩm hội họa và điêu khắc có giá trị, nhưng cũng ít có nhà thờ có quy mô to lớn, có kiến trúc khoáng đạt và trang trí hài hòa, tinh tế, có đáp ứng các yêu cầu của phụng vụ tốt như Nhà thờ Bùi Chu. Khiêm nhường mà nói, nhìn lên thì thấy nhà thờ Bùi Chu cũng chưa có danh tiếng tầm mức ở tầm mức thế giới, nhưng nhìn xuống thì thấy số nhà thờ chính tòa to đẹp và có giá trị mỹ thuật như nó trong Giáo hội hoàn vũ cũng không phải là nhiều.
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng theo phong cách Baroque. Trong lịch sử nghệ thuật, người ta biết rằng nghệ thuật Baroque là một trường phái nghệ thuật cuối cùng được sinh ra giữa lòng Giáo Hội và chi phối toàn bộ nghệ thuật dân sự và tôn giáo ở châu Âu và một phần trong các vùng ngoại vi của nó từ đầu thế kỷ XVII đến đầu hạ bán thế kỷ XVIII. Từ Roma nghệ thuật Baroque dần dần nó được phổ biến khắp thế giới, rồi được truyền đến Việt Nam. Người ta nói tới kiến trúc Baroque Pháp, Baroque Anh, Baroque Trung Âu, Baroque Tây Ban Nha, Baroque Bồ Đào Nha, Baroque Nam Mỹ, Baroque Á Châu, etc. Nhà thờ Bùi Chu là một trong những công trình kiến trúc baroque điển hình nhất và đẹp nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nếu nhà thờ Bùi Chu bị dỡ bỏ thì Giáo Hội và thế giới và sẽ vĩnh viễn mất đi một di sản đức tin và nghệ thuật quý giá. Nếu nó được làm mới lại như cũ hay đẹp hơn cũ thì nó cũng chỉ như đồ giả cổ. Đồ giả cổ không phải là đồ cổ! Không quý giá.
Nhưng theo tôi đấy chưa phải là cái mất mát lớn nhất.
Người ta biết Bùi Chu là vùng đất đầu tiên của Việt Nam được đón nhận Tin Mừng. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cho biết vào năm 1533 có thừa sai Inekhu đến truyền giáo ở Trà Lũ, huyện Giao Thủy và Quần Anh, huyện Nam Chân. Trà Lũ giáp với Bùi Chu. Nếu có thừa sai giảng đạo ở Trà Lũ thì có phần chắc là trước và sau đó ít lâu đức tin cũng tới Bùi Chu. Vậy tại vùng đất đầu tiên được tiếp xúc với Tin Mừng này, từ năm 1533 đến giờ chứng tích vật chất liên quan đến đức tin Công Giáo nay còn lại gì? Có lẽ chỉ còn lại ngôi thánh đường Bùi Chu được xây dựng năm 1885. Có lẽ nó là một trong những công trình xây dựng theo kiến trúc Tây Phương sớm nhất ở châu thổ sông Hồng và là một trong những chứng tích vật chất cổ nhất và quý giá nhất của thế hệ tiền nhân còn sót lại. Nếu dỡ bỏ đi thì đấy là hành vi xóa bỏ ký ức về quá khứ của chính mình và của cộng đồng mình. Cộng đồng Công Giáo và dân tộc Việt Nam. Đó là một tội ác. Đó mới là cái mất mát lớn nhất và nguy hiểm nhất cho Giáo Hội và xã hội.
Tiếc thay những chuyện như vậy vẫn xảy ra. Dự định phá nhà thờ cũ và xây nhà thờ mới theo kiểu cũ của Tòa Giám Mục Bùi Chu chỉ là câu chuyện nối dài của một xu hướng đã và đang xảy ra trong mọi tôn giáo cũng như trong xã hội Việt Nam.
Hồi phục vụ tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, vào thứ hai hằng tuần tôi thường lang thang theo cha Nguyễn Hữu Triết ra phố Lê Công Kiều xem đồ cổ. Khi về Hà Nội tôi giữ thói quen đi xem đồ cổ trên Đê Nghi Tàm. Có lần một chủ tiệm đồ cổ khoe với tôi có nhà thờ cổ nọ thuộc địa phận Hải Phòng đang rao bán và anh mời tôi xếp thời gian anh đưa đi thăm. Xót quá tôi tức tốc điện thoại cho cha Triết, vì biết ngài quê Hải Phòng và có tương giao thâm tình với Đức cha Vũ Văn Thiên, cũng là người thích đồ cổ, nhằm tìm cách cứu vãn ngôi nhà thờ cổ kia. Ít bữa sau tôi gọi cho ngài xem tình hình thế nào. Ngay câu đầu tiên ngài đau đớn và tức tối thốt lên: “Nó bán mẹ nó mất rồi cha Khải ơi! Đau quá!” Thế là lại thêm một ngôi thánh đường bị xẻ thịt đưa ra tiệm đồ cổ.
Một trường hợp khác nữa. Thời gian tôi phục vụ ở Giáo phận Thái Bình, một bữa cha Tân, Chính xứ Phương Xá, huyện Đông Hưng, mời tôi đến ăn cơm chung. Tôi thấy ngài đang rửa đường kiệu chung quanh ngôi thánh đường hiện đại. Tôi khen nhà thờ khang trang, sạch sẽ, thoáng mát thì ngài đau đớn thốt lên: “Đau lắm cha Khải ơi! Ngôi nhà thờ cổ kính, nghệ thuật quý giá hơn nhiều mà người ta phá đi làm ngôi nhà thờ bê tông này! Có gia đình nào đó gốc xứ này ở bên Mỹ về thăm giáo xứ quê hương, thấy ngôi nhà thờ cũ có vẻ hơi thấp và hơi tối. Cha xứ cũ khi ấy thì lại thích có ngôi nhà thờ khang trang. Gia đình kia thì thích có danh. Thế là ngôi thánh đường cổ kính bị “xẻ thịt” và ngôi thánh đường bê tông này được xây dựng. Dấu tích xưa của khu vực nhà thờ chỉ còn sót lại tháp thuông trơ trọi”.
Bao nhiêu nhà thờ bị bán và bị “xẻ thịt” kiểu như vậy? Không biết! Nhưng xảy ra khá thường xuyên trong những năm qua. Mà mới đây nhất là nhà thờ Trà Cổ. Hỏi vì sao? Vì hàng giáo sĩ và giáo dân tại chỗ thiếu hiểu biết. Vì thấm nhiễm quan niệm thẩm mỹ lệch lạc và thói quen phá cũ xây mới của chế độ cộng sản. Vì đạo đời thiếu ý thức tổ chức và quản lý di sản. Vì suy nghĩ sai lầm rằng cần xây nhà thờ to hơn,“đáp ứng nhu cầu mục vụ ngày một tăng”, để giáo dân có đủ chỗ ngồi. Vì cám dỗ và thói quen thích xây cất và lấy đó làm le với mọi người. Vì sự đóng góp dễ dãi và quảng đại của giáo dân trong ngoài nước. Cứ khi nào không thích cái gì là phá và xây. Cứ khi nào thích cái gì là xây cho người khác sẽ phá. Cứ vậy! Và nạn nhân là các nhà thờ xứ, nhà thờ giáo họ và các nhà giáo lý lần lượt bị “xẻ thịt” và bán trong các tiệm đồ cổ. Hiếm lắm mới có trường hợp sống sót, khi người mua là người yêu mến Giáo Hội và có ý thức bảo tồn di sản. Đấy là trường hợp một giáo dân ở Phú Lý Hà Nam. Ông bà đã mua được toàn bộ ngôi nhà thờ cổ của họ đạo nọ rao bán, rồi mang về dựng lại trên phần đất của gia đình nằm cạnh quốc lộ 1 A, gần lối vào nhà thờ Sở Kiện.
Tôi cầu mong cho Nhà thờ Bùi Chu tương lai không chịu chung số phận như những nhà thờ trên đây. Tôi xin Chúa đừng để Nhà thờ Bùi Chu bị “xẻ thịt”. Tôi đọc thấy báo nói Nhà thờ mới sẽ được dỡ ra, phần nào dùng được thì dùng, phần nào không thì đưa vào phòng triển lãm. Dù không bị đưa ra tiệm đồ cổ, nhưng tôi cũng muốn Nhà thờ Bùi Chu bị “xẻ thịt” kiểu ấy. Tôi cầu xin Chúa cho Nhà thờ Bùi Chu được bảo tồn và được đại tu, nghĩa là đợc trở lại với tình trạng tốt đẹp nguyên thủy trong toàn thể và trong từng chi tiết. Amen.
Chú thích:
[1] http://w2.vatican.va/content/francesco/it/homilies/2015. Bài giảng Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót 12/04/2015 tại VCTĐ Thánh Phêrô.
[2] Lời của NS Anh Bằng trong bài hát cùng tên.
[3] Copy thư của Đức Giám Mục Thomas Vũ Đình Hiệu gửi Cha Chính Xứ Dốc Mơ.
[4] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-giai-nha-tho-bui-chu-bat-ngo-ket-qua-khao-sat-3379659/
[5] https://thanhnien.vn/van-hoa/cuc-di-san-van-hoa-len-tieng-ve-viec-pha-do-nha-tho-bui-chu-1078388.html
[6] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-giai-nha-tho-bui-chu-bat-ngo-ket-qua-khao-sat-3379659/
[7] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-giai-nha-tho-bui-chu-bat-ngo-ket-qua-khao-sat-3379659/
[8] https://baotiengdan.com/2019/04/30/nha-tho-chanh-toa-bui-chu-nam-dinh-thuc-hien-cong-uoc-quoc-te-khong-duoc-pha-di-san/
[9] https://thanhnien.vn/van-hoa/cuc-di-san-van-hoa-len-tieng-ve-viec-pha-do-nha-tho-bui-chu-1078388.html
[10] https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-viet-nam-vao-cuoc-vu-ha-giai-nha-tho-bui-chu/4905955.html
[11] https://thanhnien.vn/van-hoa/cuc-di-san-van-hoa-len-tieng-ve-viec-pha-do-nha-tho-bui-chu-1078388.html
[12] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48176267
[13] https://tuoitre.vn/ngam-hinh-anh-nha-tho-bui-chu-dep-ngo-ngang-sap-ha-giai-20190502204339165.htm
[14] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-giai-nha-tho-bui-chu-bat-ngo-ket-qua-khao-sat-3379659/
[15] https://thanhnien.vn/van-hoa/cuc-di-san-van-hoa-len-tieng-ve-viec-pha-do-nha-tho-bui-chu-1078388.html