- ...Câu chuyện của bà đại úy công an tại sân bay trong mùa hè 2019 này, không hề là một hiện tượng “mất dạy” đơn độc, cô lẻ, mà nó xẩy ra thường xuyên như “cơm bữa” trong một xã hội lạc luân thường dưới bạo quyền độc đảng, độc tài nhưng bất tài trong giáo dục quần chúng, độc trị nhưng không hề biết quản trị đạo lý xã hội...
*
Khi tổ tiên Việt giáo dục con cháu phải cẩn trọng với nhân diện (trông mặt bắt hình dong), mà không quên nhân dạng (cái tai cái tóc là vóc con người), nên ông bà ta luôn giáo dưỡng con cháu là khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài phải chăm sóc nhân cách (kẻ ngu cởi truồng, người khôn mất mặt). Nếu nhân diện và nhân dạng biết làm nền cho nhân cách, thì nhân diện không chỉ là bề ngoài, và nhân dạng không chỉ là hình thức, mà chính là nội dung của cả một quá trình giáo dục; vì không có nhân cách thì đừng mong có tư cách (chính là nhân phẩm của mỗi cá nhân), cũng đừng mong có phong cách (biểu hiện nội công, bản lĩnh, tầm vóc của cá nhân đó). Ngay trên thượng nguồn của giáo dục, cổ nhân căn dặn hậu thế muốn lập thân để tiến thân, thì trong giao tiếp phải biết lập ngôn (lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau).
Mùa hạ năm 2019, cộng đồng mạng được-và-bị xem cảnh một nữ đại úy công an tại một sân bay đã có những hành vi và ngôn ngữ vô cùng phản nhân cách, nơi mà giáo dục tối thiểu trong giao tế hoàn toàn vắng mặt, nơi mà căn bản văn hóa ứng xử tuyệt đối vắng bóng, những người xem phóng sự về bà đại úy công an dường như có cùng một nhận xét: đây là loại người “mất dạy”! Mà hậu quả của cái “mất dạy” chính là sự thất bại trong luân lý giáo dục, một trong những thất bại lớn nhất của một đời người, vì nó kéo theo ý nhất ba thảm bại của cá nhân đó: thảm bại giáo dục gia đình, thảm bại giáo dục học đường, thảm bại giáo dục xã hội. Cái “mất dạy” là sự tục tĩu chống lại đạo đức xã hội, nó tìm cách lọt vào sinh hoạt xã hội, luồn vào quan hệ xã hội, để bẩn thỉu hóa đời sống xã hội, đây không hề là câu chuyện lý thuyết, mà nó rất cụ thể qua hành vi, hành động, hành tác của cá nhân “mất dạy” chính là tác nhân tục tĩu trong các sự kiện xã hội. Nó cụ thể tới nổi là khi ta nghe câu chữ của nữ đại úy công an này, ta thấy tóc ta như muốn dựng lên; khi ta thấy hành vi gào thét của bà ta, ta thấy da người ta đang nổi da gà; khi ta thấy hành động vu khống thấp hèn, vu cáo bẩn thỉu, vu họa nhơ nhớp của bà đại úy công an này, ta thấy lợm giọng ngay trong hơi thở của ta. Vì cái “mất dạy” mang bản chất xấu, tồi, tục, dở của nó tác động thẳng lên thể lực, tâm lực, trí lực của chúng ta, vì thế tổ tiên Việt thật nghiêm túc trong giáo dục khi khuyên răn con cháu: trước cái tục, con người phải chọn cái thanh (đố tục giảng thanh mà), để bảo vệ không những nhân cách mà cả nhân phẩm của mình.
Khi triết học đạo đức liên kết với xã hội học giáo dục để song hành cùng nhân học văn hóa, thì cả ba chuyên ngành này khi cùng nghiên cứu về hiện tượng “mất dạy” trong sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội, đời sống xã hội, cả ba thường có những kết luận chung về sự mất mát, thiệt thòi, thất bại của cá nhân “mất dạy”. Cá nhân này mất rất nhiều giá trị của cuộc sống, mà bản thân cá nhân đó không hề có ý thức về các mất mát, thiệt thòi, thất bại của mình:
- Mất văn hóa trong ứng xử, tức là mất nhân vị của một cá nhân có nhân cách trong quan hệ xã hội;
- Mất văn minh trong giao tế, tức là mất nhân lý của một cá nhân có nhân tính trong sinh hoạt tập thể;
- Mất văn hiến trong giao thiệp, tức là mất nhân bản của một cá nhân có nhân văn trong đời sống cộng đồng.
Mất văn hóa trong ứng xử, mất văn minh trong giao tế, mất văn hiến trong giao thiệp, cùng lúc mất các giá trị đáng quý nhất trong cuộc đời là: nhân vị, nhân cách, nhân lý, nhân tính, nhân bản, nhân văn, tức là đã mất trọn nhân phẩm, mất trắng nhân tâm. Chưa xong! Cá nhân “mất dạy” bị xếp hạng vào loại mất nhân tri lẩn nhân trí, vì cái “mất dạy” luôn mang cái bản năng cùng phản xạ của nó là trần truồng hóa các trật tự xã hội, nên có vài chuyên gia xếp các cá nhân “mất dạy” thấp hơn thú vật, thua loài mục súc. Bổn phận và trách nhiệm làm nên luân lý của mỗi công dân là ngăn chặn các bản năng, các phản xạ của cái “mất dạy”, vì nó luôn tìm cách xã hội hóa các hành vi thấp, tồi, tục, dở để truy diệt các giáo lý hay, đẹp, tốt, lành, để thô bạo hóa quan hệ xã hội, để bẩn thỉu hóa sinh hoạt xã hội, để bạo hành hóa đời sống xã hội.
Câu chuyện của bà đại úy công an tại sân bay trong mùa hè 2019 này, không hề là một hiện tượng “mất dạy” đơn độc, cô lẻ, mà nó xẩy ra thường xuyên như “cơm bữa” trong một xã hội lạc luân thường dưới bạo quyền độc đảng, độc tài nhưng bất tài trong giáo dục quần chúng, độc trị nhưng không hề biết quản trị đạo lý xã hội. Có lần trong một hội thảo về văn hóa, các giáo sư quốc gia và quốc tế nghiên cứu về chủ đề này được mời, vào giờ ăn tối có một nhân vật lãnh đạo tới bàn ăn của chúng tôi, chưa chào nhau ông đã “mày tao” với các cử chỉ “mất dạy”, mặc dù ông không biết một giáo sư nào quanh bàn ăn này. Ngạc nhiên trong thành thật, tôi hỏi ông: “Thưa ông, xin cho chúng tôi biết quý danh, chúng ta chưa quen nhau, sao ông lại mày tao với chúng tôi?”. Nhân vật này trừng mắt, há hốc mồm (có lẻ đang bị cứng họng?), rời bàn chúng tôi với cặp mắt, mà các đồng nghiệp của tôi gọi là “cặp mắt hình hai viên đạn”. Thấy tôi quá ngạc nhiên trước cái “mất dạy” của nhân vật lãnh đạo này, anh bạn đồng nghiệp thấy tội nghiệp về sự ngỡ ngàng của một việt kiều như tôi, mới giải thích nhỏ vào tai tôi: “Các lãnh đạo của ĐCSVN, họ ở rừng ra, họ xài luật rừng, họ ứng xử cách rừng, nên khi cướp chính quyền rồi cầm quyền thì họ vẩn giữ cung cách “mất dạy rừng” của họ. Ở Việt Nam, có châm ngôn mà cũng là “cấm ngôn”: mang khỉ ra khỏi rừng thì dể, chớ mang rừng ra khỏi khỉ mới là chuyện khó”. Tôi nhớ hôm đó tôi có trả lời anh bạn đồng nghiệp: “Nói như vậy thì tội nghiệp cho rừng quá! Cái “mất dạy” có gốc, rể, cội, nguồn từ cái trống giáo dục, cái vắng giáo lý, cái thiếu giáo dưỡng; nên cái “mất dạy” luôn mang bản năng của “ăn tươi nuốt sống” luân lý cộng đồng, đạo lý tập thể, đạo đức xã hội, cùng lúc nó “ăn ngang nuốt trọn” chính nhân cách “mất dạy” của nó."
Gần đây, khi khoa học giáo dục cùng khoa học truyền thông liên minh với chính trị học để cùng nghiên cứu về hiện tượng “mất dạy” trong sinh hoạt chính trị và xã hội, thì chúng ta có thêm ba phân tích mới, làm nên sự phân loại của ba hành vi “mất dạy”:
- “Mất dạy nổi”, kiểu bà đại úy đã tục tĩu với các nhân viên hàng không tại sân bay, nơi mà “khẩu xà, tâm phật” tạo ra hậu quả “cái miệng hại cái thân”, sinh ra hệ lụy “tục khẩu, tồi thân”, hậu quả của loại “mất dạy khờ” này thì hiện tượng học đặt tên là “mất dạy dại”.
- “Mất dạy chìm”, là thâm ý của bọn tuyên giáo với tà ý của lãnh đạo ĐCSVN là hướng dư luận xã hội về phía bà đại úy đã tục tĩu tại sân bay, để quần chúng quên đi là biển, đảo của Việt tộc đang bị Tàu tặc xâm lấn để xâm lược ngay tại bải Tư Chính. Loại “mất dạy” này dùng tà quyền để đánh lận con đen, để che giấu cái họa mất nước bằng cái “mất dạy nổi”, đây là loài “mất dạy tà”, vì nó “mất dạy chìm”.
- “Mất dạy đểu”, chính là bọn Tàu tặc, đang bị bại hoại trong phản xạ bạo quyền của nó trước sự nổi dậy đòi dân chủ của Hồng Kông; đang bị tê liệt trong phản xạ ức hiếp Đài Loan được khối yêu dân chủ, trọng nhân quyền, quý văn minh của phương Tây che chở, nên bọn Tàu phỉ lãnh đạo ĐCSTQ tự cho chúng có hành vi “giận cá chém thớt” đối với lãnh hải của Việt Nam. Chúng tới xâm chiếm bải Tư Chính vừa bằng cái “mất dạy thâm”, cái “mất dạy hiểm” là để thăm dò phản ứng của ĐCSVN là “hèn tới mức nào?”; vừa tự cho phép nó có cái “mất dạy độc”, cái “mất dạy ác” của Tàu hoạn là giận con cái Hồng Kông và Đài Loan trong nhà, thì ra sân nhà hàng xóm để đạp con chó một cái, để đá con mèo một phát. Đây là loại “mất dạy đểu”, vì nó đểu kiếp trong điếm lộ.
Ngăn chặn “mất dạy nổi”, tố cáo “mất dạy chìm”, lột mặt nạ “mất dạy đểu” hình như là bổn phận thường xuyên và trách nhiệm thường trực của mọi công dân Việt trong thảm trạng Việt hiện nay.
2/9/2019
Giáo sư Lê Hữu Khóa