Một loạt thông tin về thực phẩm giả làm từ nhựa và cao su thời gian qua khiến người tiêu dùng không khỏi bàng hoàng vì mức độ tinh vi cũng như sự vô lương tâm của những kẻ đầu trò.
Thịt bò khô làm bằng cao su tại Hồ Chí Minh
Khi mua bò khô ở một quán nằm trên đường số 39, gần khúc giao với đường Lâm Văn Bền, Q.7 về ăn, chị Hàn Thu Hiền, ngụ tại đường Pasteur (Q.3, TP.HCM) thấy có dấu hiệu bất thường. Chị cùng chồng kiểm tra thì phát hiện thịt bò giống cao su.
Miếng “thịt bò” với những thớ thịt đều, thẳng tắp.
Nhìn bề ngoài, những miếng thịt bò không có gì bất thường, chỉ đến khi đưa vào miệng nhai mới phát hiện thịt dai, những sợi thịt có thể kéo dài như dây thun.
Muội than nhỏ xuống từ miếng thịt giống hệt như khi đốt cao su hay nhựa ni lông.
Miếng thịt dễ dàng bắt lửa mặc dù đang ướt sũng.
Chồng chị Hiền dùng lửa kiểm tra, miếng thịt bắt lửa nhanh chóng và có mùi khét, cùng với muội than rơi xuống giống hệt như khi đốt cao su hay nhựa ni lông. “Nếu là lát bò mỏng có lẽ tôi đã nhai và nuốt mà không phát hiện, đằng này miếng bò khô lớn hơn hẳn, nên hai vợ chồng không dám ăn”, chị Hiền kể lại.
Mực khô làm từ nhựa
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện loại mực khô giả làm từ nhựa.
Vào cuối năm 2012, tại chợ Đông Ba (TP Huế) có hàng chục sạp hàng bị phát hiện bày bán loại thực phẩm giả này. Mực giả trông giống như mực khô thật đã được xé và tẩm gia vị, có màu trắng hồng, với giá chỉ từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với giá mực khô thật, nên rất nhiều người mua.
Mực giả xuất xứ từ Trung Quốc được bán tràn lan tại chợ Đông Ba, TP Huế.
Mặc dù hình thức giống như mực khô thật xé sẵn, nhưng mùi vị của loại mực này khác hẳn với mực khô thông thường. Khi đốt, mực này bị cháy đen và có mùi khét như mùi polymer cháy, chứ không có mùi của mực nướng thật, khi nhai cũng không dai như mực thông thường.
Không chỉ chợ Đông Ba, tại nhiều chợ khác trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là các chợ vùng huyện, thị xã, loại mực xé này cũng được bán tràn lan. Khách mua chủ yếu là các chủ nhà hàng, quán ăn, họ mua để làm gỏi hoặc làm mồi nhậu bán cho khách.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, loại mực khô giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế sau đó đã tiến hành thu giữ và tiêu hủy loại thực phẩm giả nguy hiểm này.
Tuy nhiên, đến ngày 29/1 vừa qua, tại chợ TP Hà Tĩnh, Đội QLTT số 1 thuộc Chi cục QLTT Hà Tĩnh tiếp tục phát hiện và thu giữ 32kg mực khô đã xé tơi nghi làm giả bằng nhựa trong lúc kiểm tra quầy hàng của 3 hộ kinh doanh gồm Hồ Thị Hương, Nguyễn Thị Lục, Trần Thị Vân.
Theo khai nhận, mỗi kg mực khô này giá 200.000 đồng. Lô hàng trên có xuất xứ từ TP. Vinh, Nghệ An.
Đốt một ít trong số 32kg mực khô thu giữ được thì thấy ngọn lửa khi cháy nổ lẹt bẹt, mùi khét lẹt. Theo nhận định của cơ quan chức năng, rất có thể lô hàng mực khô này là giả, được làm từ nhựa.
Trứng gà dẻo như cao su Vào tháng 3/2012, một người dân ở Hà Nội đi ăn bún ngan tại quán ăn ở đầu phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy và có gọi thêm món trứng non. Tuy nhiên, nghi ngờ chất lượng quả trứng, trao đổi với chủ quán thì không được giải thích rõ ràng, người này sợ quá không ăn nữa mà gói mang về.
Các vết dao cắt trên bề mặt trứng giống hệt khi cắt thạch hay cắt cao su... bề mặt rất mịn, không xốp hay bột như trứng thường
.
Trứng có độ đàn hồi, uốn cong như cao su.
Về nhà, khách hàng của quán bún ngan đã chụp lại một số hình ảnh trứng non mà người này nghi là giả, cắt lát uốn cong rồi thả ra nó lại trở về hình dạng ban đầu, hoặc bóp bẹp vào rồi thả ra nó lại như cũ, không vỡ, ăn thử thấy vị nhạt nhạt... Nhìn bên ngoài, những quả trứng giả này rất khó phân biệt với trứng thường.
Mứt nghi làm từ nhựa
Đầu tháng 2 năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) phát hiện tại Công ty TNHH Đại Phát DTT, do ông Nguyễn Thành Tâm (ngụ Vũng Liêm, Vĩnh Long) làm giám đốc, có các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu làm giả nên
kiểm tra.
Qua đó, đoàn kiểm tra đã thu giữ 100 bao đường không nhãn mác, 10 bao bột ngọt (mỗi bao 25 kg) có xuất xứ Trung Quốc, 127 thùng bò cụng, 13 thùng mứt táo, nho khô, mủ gòn, táo khô không rõ nguồn gốc…
Khi mở niêm phong, trưởng đoàn kiểm tra là Thiếu tá Mai Phương Trang đã lấy thử những trái mứt táo cắt nhỏ và đập vỡ hột thì phát hiện hột táo có khả năng được làm bằng nhựa. Còn những miếng mủ gòn khi ngâm vào nước thì ra màu đỏ nhạt, nhưng không nở mà vẫn cứng như vỏ cây.
Đoàn kiểm tra sau đó đã lấy mẫu các thực phẩm giả trên gửi xét nghiệm để điều tra, làm rõ.
*
Nhốn nháo vì mực khô làm từ...cao su
Thông tin có mực khô được làm bằng cao su, giống y như thật, được bày bán công khai tại nhiều nơi, từ các khu danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát đến các chợ có bán đồ hải sản khiến người tiêu dùng cảm thấy sợ hãi.
Loại mực này khi đốt lên chỉ thoang thoảng có mùi đặc trưng của mực, cho vào miệng nhai thì dai như cao su. Ngoài việc móc túi khách hàng, ẩn sau những con mực "cao su" ấy còn tiềm tàng những nguy hiểm gì đối với sức khoẻ người tiêu dùng?
Sái quai hàm vì... ăn "mực cao su"!
Một ngày đẹp trời giữa tháng hai (âm lịch), tôi cùng nhóm bạn trảy hội Đền Cửa ông (Cẩm Phả - Quảng Ninh), nơi thờ danh tướng Trần Quốc Tảng- con thứ ba của tướng quân Trần Hưng Đạo, một trong những di tích đời nhà Trần nổi tiếng ở vùng Đông Bắc. Sau khi hoà mình cùng du khách thập phương chiêm bái ba khu đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, ngắm nhìn quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ, đoàn chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi nơi chân núi. Được thư giãn đôi chân, ăn chút điểm tâm, ngắm cảnh trời nước quả là một cái thú thưởng ngoạn giữa nơi sơn thuỷ hữu tình. Chúng tôi gọi mấy cốc bia, vài con mực khô nhâm nhi, trò chuyện.
Vốn là người cẩn thận, để có mực ngon uống bia, tôi đã ra mẹt mực của người bán hàng chọn từng con một. Với loại mực khô, phải con dày mình, to vừa phải, sờ tay còn chút ẩm, đượm vị mặn mòi của biển mới là loại thượng hạng. Biết vậy, nên khi chọn được con mực ưng ý tôi mới yêu cầu chị bán hàng nướng chín. Chúng tôi mải chuyện rông dài nên cũng chẳng để ý đến con mực nướng. Một lát sau đã có đĩa mực xé đều tay khá chuyên nghiệp được mang tới.
Mực khô "cao su" tiềm tàng những nguy hiểm vô cùng đối với sức khoẻ người tiêu dùng.
Cánh mày râu thấy có mực nướng là chén tới luôn. Mấy chị em thì nhẹ nhàng nhón mực chấm tương ớt rồi từ từ thưởng thức. Trời ạ, ai cũng kêu sao loại mực này lại dai thế, mà lại không thấy vị ngọt thường thấy. Ban đầu chỉ ngỡ mình không mua được mực ngon nên chúng tôi chặc lưỡi: Thôi ăn tạm. Nhưng chị bạn bỗng thảng thốt kêu: Hình như cao su! Tất cả ngừng ăn, tất cả những cặp mắt đổ dồn vào đĩa mực. Tôi đưa lên mũi ngửi kỹ, có mùi mực nhưng ít, kéo tay mạnh nghe thấy bựt như sợi dây đứt. Lên tiếng với người bán hàng, chị này tỉnh queo: Mực ngon phải dai chứ! Tôi kéo miếng mực ra để khẳng định đó là cao su, lúc này chị ta đành chịu.
Loại mực này được bán với giá 140 ngàn đồng/kg, tôi định mua về làm quà, nên khi nướng ăn tại đây thấy nghi ngờ nên đem trả lại. Thấy khách phát hiện ra mực rởm, chị ta dịu giọng: "Thôi chị trả lại cho em 100 ngàn đồng. Mực này chị cũng phải mua, chẳng may phải con nó thế, mỗi người chịu thiệt một chút". Mấy thực khách cùng ngồi ăn mực, thấy vậy đều kiểm tra lại đĩa mực mình đang dùng, rồi mang trả lại. Có người còn la ó, giữa chốn linh thiêng vậy mà vẫn còn bày đặt lừa đảo du khách. Đúng là ăn phải "mực cao su”, nhai sái cả quai hàm.
Tôi gói phần mực cao su ấy mang về làm bằng chứng. Thấy một số người bạn kể lại, từ mùa hè khi đi nghỉ mát tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hải Thịnh (Nam Định)... đã ăn phải loại "mực cao su" này. Nói đến "mực cao su", chính những phóng viên còn có người bán tín, bán nghi, bởi nhìn cảm quan bằng mắt thì khó có thể phân biệt được. Anh bạn đồng nghiệp của tôi lấy tay kéo miếng mực vẫn khẳng định là mực thật. Nhưng khi anh lấy bật lửa đốt miếng mực thì nó cháy nổ lép bép, không thành tro mà chảy dài, kéo ra được như ta đốt sợi nilon, hay cao su vậy.
Đã xuất hiện ở các chợ Hà Nội
Từ thực tế phải ăn cá mực "cao su" ở Cửa ông, phóng viên đã tìm đến các chợ để tìm hiểu về loại mực khô này. Hầu hết tại các chợ trên địa bàn Hà Nội mặt hàng mực khô được bày bán nhiều và cũng khá đắt hàng. Đặc biệt tại chợ Đồng Xuân, mặt hàng mực khô được bán nhiều nhất. Theo như quảng cáo của một chủ sạp hàng: "Mực này thì miễn chê, được đóng hộp từ Thanh Hoá, Nghệ An ra đấy. Mực ngon giá từ 350 - 420 đồng/kg, còn loại 2, loại 3 thì rẻ hơn 220 - 300 đồng/kg. Thấy chúng tôi đi qua dãy hàng khô, chủ hàng nào cũng đon đả: "Mực khô lột da, mực khô còn da, mực dẻo, mực một nắng... đủ cả. Như để khẳng định chỉ có mực ở Đồng Xuân là chuẩn, chị chủ quán giơ túi mực lên: "con nào cũng đều tăm tắp em ạ". Chị này bẻ qua bẻ lại con mực rồi nói: "Dẻo thế này cơ mà! Đã bán thì phải bán hàng ngon, nếu không bán cho ai".
"Mực cao su" và mực thật rất khó để có thể phân biệt bằng mắt thường (Ảnh minh hoạ)
Theo quan sát của phóng viên, tại một số chợ (không phải là chợ đầu mối) đã xuất hiện những người bán hàng rong mặt hàng mực khô có bày bán "mực cao su" (giống với loại mực mà PV đã mua ở Cửa ông, Quảng Ninh). Mực được đựng trong túi nilông màu trắng không ghi rõ nguồn gốc, thậm chí có nhiều mẹt mực được bày bán có dấu hiệu mốc và bị nặng mùi. Giá "mực cao su" về đến mẹt rong tại chợ Thành Công được chị bán hàng hét giá 200 ngàn đồng/kg. Khi phóng viên hỏi: "Mực gì mà dẻo như cao su thế chị?", chị bán hàng xua tay "hỏi gì mà nhiều thế. Không mua thì thôi!". Ngay lập tức, chị này cất luôn mấy túi mực mà tôi vừa xem xuống phía dưới...
Một vòng quanh chợ Thành Công, khi phóng viên hỏi có bán mực Trung cộng không thì chủ một quầy hàng cho biết: "ở đây bán cho khách quen thì không giao mực đó. Còn là mực Tàu, nếu mua thì tôi lấy giúp. Loại này chủ yếu bán cho những người bán rong, quán quà đêm vỉa hè". Nghe vậy, thì chắc chắn loại mực này đã về đến các chợ đầu mối, có điều thương lái còn nghe ngóng, chưa bày bán công khai? Mấy người bạn tôi mua phải mực này đều cho biết, khi nướng mực, nó sun lên và "con mực" không hề có mùi tanh tự nhiên như thường thấy ở mực thật.
Mực giả bẳng cao su chưa biết sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.
CÁ KHÔ BẰNG NHỰA
Trong lần về thăm Việt Nam và nghỉ mát (2/2013), gia đình tôi có mua một vài cân cá khô tại một chợ ở TP. Vinh, gọi là quà quê sang dùng dần. Rất quý, thỉnh thoảng có dịp anh em bạn bè thân đến chơi, gia đình tôi mới đem ra ăn.
Gần đây (8/2013), khi có các thông tin về cá mực làm từ nhựa, mì nhựa, thịt bò kho làm từ nhựa v.v. thì nhà tôi mới bắt đầu nghi ngờ về gói quà quê này. Đem ra xem cẩn thận thì, cả nhà mới bất ngờ nhận ra loại cá ép miếng tưởng là tạo thành từ các miếng cá lát mỏng, phơi khô có thể là…nhựa 100%.
Các miếng cá ép nhựa mua từ chợ Vinh
Loại cá ép nhựa này được làm khá tinh vi, nếu không đốt thử thì không thể nhận ra, nó giống hệt như được tạo thành từ các lát cá nhỏ. Bề mặt miếng nhựa, được điểm các vệt màu trắng bạc như da cá biển, cùng các vệt màu vàng đậm như cá phơi “được nắng”.
Các đầu và bavia nhọn nổi lên trên bề mặt và viền miếng cá, khi cầm đâm nhẹ vào tay, tạo cảm giác giống như các xương dăm khô có trong các lát cá. Về mùi, miếng nhựa được tẩm mùi tanh đặc trưng của cá biển khá kỹ, không bị mất mùi khi để lâu ngoài không khí nên khó có thể nhận ra đây là cá giả.
Rất tiếc là trong quá trình chế biến trước đây, do rán bằng dầu ăn hay quay vi sóng ở nhiệt độ không đủ cháy để tạo nên tạo mùi khét nhựa đặc trưng nên gia đình chúng tôi đã ăn mấy lần mà không thể phát hiện ra. Chỉ đến khi được đốt trên ngọn lửa thì “miếng cá nhựa” cháy khét lẹt, mềm oặt chứ không đanh và có mùi đặc trưng protein cháy như của cá khô thật.
Sau khi đốt nhựa bắt đầu cháy vón cục, cứng, khét lẹt...
Phần chưa được đốt mềm oặt, lộ rõ các bọt khí tạo thành trong quá trình thổi, ép nhựa
Theo nhận định cả ở góc độ chuyên môn và kinh tế thì đây là loại “sản phẩm” được làm từ nguyên liệu là các hạt nhựa trong, cao cấp chứ không phải là từ nhựa tái chế rẻ tiền nên giá thành nguyên liệu đầu vào khá cao.
Nếu cộng thêm chi phi vận chuyển, tiếp thị v.v, thì chắc chắn là lợi nhuận cho “kẻ sản xuất” là không có vì giá “sản phẩm cuối cùng” ra đến chợ là rất rẻ.
Vậy lý giải cho động cơ của hành động này là gì nếu không phải là “kẻ sản xuất” sẵn sàng bỏ ra một chi phí để đầu độc người tiêu dùng Việt Nam.
Miếng cá ép nhựa sau khi nướng
Một câu hỏi nữa đặt ra là các lực lượng quản lý thị trường ở đâu mà để cho loại cá giả độc hại này lưu hành công khai tại các chợ vùng biển của Việt Nam, vùng mà đáng lẽ ra người tiêu dùng có thể yên tâm khi ăn các sản phẩm đặc sản từ biển.
Để thật giả lẫn lộn sẽ làm giảm tiêu thụ các sản phẩm cá thật, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương nói chung và đến sản xuất của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nói riêng tại các tỉnh ven biển cả nước. Các cơ quan chức năng liên quan cần ráo riết vào cuộc, sớm chấm dứt tình trạng này.
(Theo Trí thức trẻ)