2 giờ trước
VRNs (25.02.2013) – Sài Gòn – Muốn thay đổi thế giới, hãy biến đổi chính mình. Bài giảng lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình ngày 24.02.2013 – Lời Chúa CN II MC Năm C: St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28-36.
Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại biến cố CG biến hình đổi dạng trên núi Tabor. Biến cố này xảy ra tám ngày sau khi CG tiên báo lần đầu tiên về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Ngài sẽ trải qua ở Giê-ru-sa-lem. Lời tiên báo đó làm cho các môn đệ rúng động, hoang mang. Chính vì thế, theo các nhà chú giải, việc CG biến hình trên núi Tabor là để củng cố lòng tin của các môn đệ và cho họ thấy trước vinh quang phục sinh mà Ngài sẽ bước vào sau cuộc thương khó. Vậy, với biến cố này, Chúa muốn nói gì với chúng ta hôm nay?
Việc CG biến hình trên đỉnh núi Tabor trước tiên là một kinh nghiệm siêu nhiên. Ba môn đệ – Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê – được đặc ân chứng kiến CG biến đổi trong vinh quang Thiên Chúa. Kinh nghiệm đó tuyệt vời đến nỗi ông Phê-rô không muốn xuống núi nữa!
Biến hình còn là một hiện tượng rất bình thường trong thế giới tự nhiên. Ai trong chúng ta có lẽ cũng biết hay từng chứng kiến hiện tượng sâu hóa bướm. Nếu chỉ nhìn bướm không ai có thể tưởng tượng được nó đã từng là một con sâu. Đó là một sự biến đổi tự nhiên kỳ diệu và đáng ao ước biết bao!
Thế nên, không chỉ có Phê-rô muốn cắm lều ở lại trên đỉnh Tabor. Mỗi người, trong hoàn cảnh cụ thể của mình, đều ao ước giá như mình cũng sẽ được biến hình như Chúa, hay như nàng bướm xinh đẹp kia, mình cũng có thể hóa thân, đổi đời, để nên tốt hơn, xinh đẹp hơn.
Đó cũng là ước mơ, là khát vọng của cả một tập thể, một dân tộc. Tết Nhâm Thìn năm ngoái nhiều người cầu mong nước Việt sẽ “hóa rồng”, nhưng tiếc thay, rồng đâu chẳng thấy chỉ thấy rắn. Năm nay, nhiều người lại quay sang ôm ấp hy vọng rằng nhờ ơn trên, trong năm Quý Tỵ này, Việt Nam có khả năng “lột xác” như rắn để thoát cảnh nhiễu nhương, bất công… và cái “vòng kim cô” của chủ nghĩa độc tài độc đảng.
Nhưng xét cho cùng, biến hình không dừng lại là một hiện tượng tự nhiên hay kinh nghiệm siêu nhiên, biến hình là một tiến trình tất yếu của sự sống và của ơn cứu độ.
Là một tiến trình tất yếu hay tự nhiên của sự sống, vì theo Darwin sự sống là một tiến trình phát triển, biến đổi liên tục và có chọn lọc. Điều này có nghĩa những gì không có khả năng biến hóa và thích nghi, tự nó sẽ bị đào thải. Thực tế, ngày nay nhiều loài bị tuyệt chủng vì chúng không còn khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường. Như lá rụng mùa thu, bao nhiêu triều đại và thể chế chính trị lần lượt sụp đổ khi chúng trở nên lỗi thời và chống lại con người. Thế nên người đời mới có câu: “Quan một thời, dân vạn đại”!
Chính vì thế, như một quy luật tự nhiên của sự sống, để tồn tại và phát triển, mọi người và mọi thể chế xã hội, đạo cũng như đời, cũng cần phải thay đổi, thích nghi và phát triển luôn theo hướng làm thế nào để tạo ra một xã hội ngày càng tốt hơn, công bằng và nhân đạo hơn, trong đó phẩm giá và các quyền căn bản của con người được tôn trọng. Theo lối chơi chữ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đó là một xã hội loài người mà phần “con” không được phép lấn lướt phần “người”.
Lo phát triển kinh tế mà không lo phát triển con người thì chẳng khác nào kiếm tiền bỏ vào túi rỗng, như gió vào nhà trống! Trong hoàn cảnh này, mức tăng trưởng kinh tế dù cao đến mấy cũng không thể hóa giải các vấn đề xã hội và tệ nạn xã hội. Ngay trong gia đình, có biết bao người vì lo làm giàu mà bỏ bê việc giáo dục, uốn nắn con cái, thì dù có kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ để cải thiện tình hình của gia đình, sửa dạy những đứa con hư hỏng, nghiện ngập.
Biến hình còn là một quy luật tất yếu của ơn cứu độ, vì để cứu độ nhân loại, chính CG đã trải qua một tiến trình biến đổi liên tục và toàn diện trong suốt cuộc đời. Trên trần của nguyện đường trong lòng Nhà thờ Chúa biến hình trên đỉnh Tabor, có bốn bức tranh mosaic mô tả việc biến hình của CG trong các mầu nhiệm: giáng sinh, thánh thể, chết và sống lại. Như thế, CG biến hình không chỉ một lần, mà suốt đời, và có thể nói Ngài còn tiếp tục biến hình trước mắt chúng ta trong nhiệm tích Thánh Thể, cũng như hóa thân hiện diện nơi những con người hèn mọn, thấp cổ bé miệng cho tới ngày tận thế.
Hơn nữa, sự kiện CG biến hình trên núi Tabor không chỉ báo trước mầu nhiệm phục sinh của riêng Ngài, mà còn tiên báo về sự biến đổi kỳ diệu nơi tất cả những ai tin vào Ngài. Trong Bài đọc 2, thánh Phao-lô bảo rằng: CG “sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3,21).
Như thế, khát vọng đổi đời, “hóa bướm”, “hóa rồng” hay được biến hình đổi dạng như CG, không phải là điều không tưởng hay mơ ước hão huyền, mà là một quy luật, một đòi hỏi tất yếu của sự sống và của ơn cứu độ. Như sâu hóa bướm, người ta không chỉ có thể mà cần phải biến đổi để nên người trưởng thành và nên con Chúa. Vấn đề là để được như thế, chúng ta phải gì và bắt đầu từ đâu?
Kinh nghiệm trên núi Tabor cho chúng ta thấy, để biến đổi các môn đệ và để cứu độ thế gian, CG đã biến đổi chính mình trước tiên. Như thế, mọi việc cần phải bắt đầu từ chính mình và điều đầu tiên cần phải làm là biến đổi chính mình.
Cha Anthony De Mello kể rằng:
Bayazid, một đạo sĩ phái Sufi, nói về mình như sau:
“Lúc còn trẻ, tôi là một nhà cải cách và lời cầu nguyện của tôi với Thượng Đế là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế gian”.
“Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận ra rằng đời tôi chỉ còn một nửa mà tôi chưa biến đổi được ai cả, nên tôi cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, xin cho con được ân huệ này là biến đổi được những người xung quanh con, gia đình, bạn bè và những người con gặp gỡ’.”
“Nay đã về già, lời cầu nguyện của tôi chỉ vỏn vẹn: “Lạy Chúa, xin ban cho con biến đổi được chính con”.
Từ đó ông kết luận: “Nếu từ ban đầu tôi biết cầu nguyện như vậy thì tôi đã không phí phần lớn đời mình”.
Con người luôn mong biến đổi người khác và cả nhân loại, trừ chính mình.
Người xưa bảo “có tu thân, tề gia, trị nước, mới bình thiên hạ”; còn ngày nay, nhiều người lại thích “đi ngang về tắt”, thích thành công kiểu “mì ăn liền”, và như con thiêu thân họ sẵn sàng làm điều trái ngược, bất chấp luân thường đạo lý – “thượng đội hạ đạp”, “hèn với giặc, ác với dân”!
Đó là những người mà thánh Phao-lô phải khóc mà nói rằng: Họ “sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn” (Pl 3,18-19).
Trong thực tế, với tư cách cá nhân, người ta không thể thăng hoa hay “đổi đời” nếu không chấp nhận thay đổi bản thân, chấp nhận một cuộc lột xác thực sự như sâu hóa bướm. Ở tầm mức tập thể, không thể đổi mới, “tái cấu trúc” xã hội và giáo hội nếu trước tiên không đổi mới và “tái cấu trúc” con người. Không thể cải cách giáo dục nếu những người làm giáo dục lại thiếu mô phạm và đạo đức. Cũng không thể chống tham nhũng nếu chính những người hô hào chống tham nhũng lại… tham nhũng. “Thượng bất chính, hạ tác loạn”, có sửa đổi hiến pháp cũng sẽ chẳng đi đến đâu và chỉ là trò mị dân, nếu các nhà lãnh đạo lại ngồi xổm trên luật lệ, trên hiến pháp. Cho nên, muốn thay đổi một cơ chế nào đó trước hết phải thay đổi con người, thay đổi não trạng, thay đổi lối sống… và người đầu tiên cần thay đổi là chính chúng ta.
Chính vì thế, ước mơ đổi đời, “hóa bướm”, “hóa rồng”… là một khát vọng chính đáng của con người và việc cầu nguyện cho công lý hòa bình, cho một xã hội công bằng và nhân bản hơn, là điều vô cùng cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng thiết nghĩ, để ước mơ thành hiện thực và lời cầu nguyện của chúng ta đẹp lòng Chúa, điều trước tiên và quan trọng hơn cả, đó là mỗi người chúng ta cần phải trở về với sứ điệp căn bản của Tin Mừng đó là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); và như vị đạo sĩ trên mỗi người cần xin Chúa ban cho mình ơn này là biết chấp nhận lột xác, biến đổi chính mình, bằng cách thực lòng hoán cải và vâng nghe theo CG.
Đó cũng là sứ điệp của Chúa Cha trên núi Tabor: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! ” (Lc 9,35)
Lạy Cha, xin cho mỗi người chúng con biết vâng nghe lời CG, để công lý và hòa bình được hiển trị trên thế gian này. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi con và ban cho con một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương. Xin CG biến đổi con nên một con người mới và nên khí cụ bình an của Chúa, để con biết “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”. Sáng danh Đức Chúa Cha,… – Amen.
Lm. Gioan Baotixita LÊ ĐÌNH PHƯƠNG, CSsR