1 ngày trước
VRNs (20.02.2013) – Sài Gòn – Ephata – Báo Tuổi Trẻ số ra đầu tiên ngày thứ sáu 15 tháng 2 năm 2013 (mồng 6 Tết) đưa tin “25.000 vụ tai nạn giao thông trong 6 ngày Tết”, cũng số báo này cho biết 4.700 ca nhập viện do đánh nhau… các số liệu này là của thứ trưởng Bộ Y Tế gởi Văn Phòng Chính Phủ. Không thấy nói gì về con số thương vong, nhưng cứ sự thường mà suy, một vụ tai nạn giao thông kéo theo hệ lụy về nhân mạng và thương tật không bao giờ dưới một người, thiệt hại tài sản tại chỗ, hậu quả lâu dài về thể xác cũng như tinh thần cho nhiều người, có thể tiếp tục gây gánh nặng cho xã hội (Ảnh chụp một tai nạn giao thông tại Hà Nội).
Cũng trong số báo này có hẳn một phóng sự về việc trẻ em phải rất khó khăn khi bắt nhịp trở lại trường sau nghỉ Tết. “Học sinh ngáp ngắn ngáp dài, uể oải mở cặp ra mới phát hiện thiếu tập vở, bút, thước kẻ, khi giáo viên hỏi bài thì ấp úng… vì quên trước quên sau.” Đó là học đường, còn các môi trường khác, chắc chắn không khác bao nhiêu, có khi còn tệ hại hơn.
Xin phép được trích một đoạn trong bài viết của tiến sĩ Nguyên Xuân Diện, “Đầu năm bàn về văn hóa tâm linh hiện đại của người Việt” http://danluan.org/tin-tuc/20130215/nguyen-xuan-dien-dau-nam-ban-ve-van-hoa-tam-linh-hien-dai-cua-nguoi-viet:
“Người trảy hội thời nay không còn đem đến lễ hội sự chính tâm như ngày xưa nữa! Có người nói: quan sát lễ hội và người tham gia lễ hội là biết xã hội đang vận động ra sao. Người ta kéo đến lễ hội bằng những lời cầu khẩn quyết liệt nhưng đầy mê lầm, bằng những mâm lễ vật phàm tục để mặc cả với thần thánh, bằng những đồng tiền lẻ gài lên khắp thánh tượng, phật tượng, bằng những cuộc nhậu nhẹt say khướt nơi đất Phật Hương Sơn, Yên Tử, bên những mâm đặc sản thú rừng được chặt chém bởi những tay đồ tể (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Lễ hội là dịp để gặp gỡ và đánh chén. Sau đó là chuyện xả rác không tiếc tay, khiến cho những khu di tích thành ra một bãi rác khổng lồ.” (Ảnh chụp của VNExpress: Người Hà Nội ngồi giữa đường để xin giải hạn trước Tổ Đình Phúc Khánh).
Vấn đề lễ hội ngày nay đã từ lâu rồi là một vấn đề nhức nhối của cả xã hội.
Trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo. Một vị Giáo Dân than phiền với chúng tôi: “Trong khi Nhà Chùa người ta mở cửa cả ngày để đón khách đến viếng Chùa, dâng hương cầu khẩn cho năm mới, hái lộc để tìm sự may mắn, xin săm để biết hướng tương lai, người vào ra tấp nập, khói nhang nghi ngút không gian. Vậy mà Nhà Thờ Giáo xứ của con lại đóng cửa im ỉm, ngày thường hai lễ sáng chiều, ngày Tết gom lại còn một Lễ sáng, cha Xứ sau Lễ sáng rồi thì đi đâu mất, tối mịt mới về, ngày nào cũng vậy, ngài nói phải đi mừng tuổi các ân nhân. Cha Phó thì được cho về nghỉ Tết, lý do: còn mẹ già !”
Một vị Linh Mục Dòng khác chia sẻ: “Con rất buồn vì cộng đoàn anh em con cùng với Giáo Dân đề nghị đóng cửa Nhà Chầu Thánh Thể, tạm nghỉ những ngày Tết để anh em ăn Tết, miễn trực nhà chầu!” Tranh luận căng thẳng trong cộng đoàn, đến khi quyết định đóng cửa được Nhà Chầu những ngày Tết xem ra anh em vui thích lắm.
Một bạn trẻ gởi cho tôi Email thắc mắc: “Con xem trên mạng thầy nhiều Nhà Thờ có Thánh Lễ Giao Thừa, sao ở Giáo xứ con không có? Tại sao Xứ có, Xứ không? Con không đi Lễ đêm Giao Thừa thì có tội không?” (Ảnh chụp rước kiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp hành hương Minh Niên 2013 tại DCCT Kỳ Đồng, Sàigòn).
Một Nữ Tu chiều mồng hai Tết sau Lễ chiều ở Nhà Thờ ghé vào thăm tôi, nói chuyện loanh quanh một lúc tôi được biết chị và một chị nữa “bị” phân công giữ nhà cho chị em về quê ăn Tết, nhà cộng đoàn vắng như chùa bà đanh, đi ra đi vào chẳng có ai, tôi hỏi thế chị kia đâu, câu trả lời là “cũng đi đâu mất không biết” – “Vậy ăn uống thế nào ?” – “Dạ, mạnh ai người nấy ăn!”
Ở “Góc Thương Xót” DCCT, chiều 29 Tết vừa rồi vẫn còn xác em bé được mang về. Trọn 3 ngày Tết thấy cái chum trống trải đã mừng, thế rồi chiều mùng 4 Tết đã lại ngập cao các túi nylon đen. Sang mùng 5, mùng 6 thì y như thể người ta phải nhịn mấy ngày đầu năm, bây giờ đổ xô nhau đi phá thai ào ạt, bù lại vậy! Chẳng kiêng kỵ gì Tết nhất cả!
Ấy lại chuyện giải quyết “hậu quả” năm cũ, còn chuyện quan hệ phóng túng, “mừng tuổi” nhau năm mới, theo kinh nghiệm của chúng tôi, cứ sau Tết khoảng ba tuần lễ cho đến hai tháng, đó là thời điểm các bệnh viện có phòng phá thai, các trung tâm “Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em” (nhưng thực chất là những ổ phá thai), các “phố phá và nạo thai” sẽ cực kỳ bận rộn, khách ra vào nhộn nhịp và những “phế phẩm y tế” chúng tôi gom về cũng sẽ… “được mùa bội thu”, những nhóm tình nguyện BVSS cũng hoạt động tăng tốc hẳn lên, các “Nhóm Tobia” lo hậu sự cho các bé phải chạy hết công suất!
Chắc chắn bức tranh toàn cảnh không chỉ có thế, có rất nhiều cá nhân, nhóm, tập thể sử dụng những ngày Tết vào rất nhiều công việc hữu ích. Họp mặt gia đình ôn lại truyền thống tổ tiên, củng cố mối dây liên kết, anh em họ hàng nhận biết nhau.
Có những nhóm sử dụng những ngày nghỉ để đến với người nghèo, đêm Ba Mươi đi thăm người vô gia cư, trẻ lang thang không nhà, dấn thân vào những vùng sâu vùng xa, mang cái Tết qua những hộp bánh, những cân mứt, những nụ cười đến cho những người dân tộc nghèo, người khuyết tật bị bỏ rơi. (Ảnh chụp các bạn Nhóm Fiat từ Sàigòn ra thăm và tặng quà mùng 4 Tết cho đồng bào nghèo dân tộc Chăm ở Giáo xứ Ma Lâm, Giáo phận Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Có những người, những nhóm tình nguyện đến các nhà nuôi trẻ bại não, nhà nuôi người già đau yếu, vào cả những nhà hưu dưỡng để làm việc thay cho các nhân viên về nghỉ Tết. Có một Đan Viện nọ quyết định ba ngày Tết liên tục Chầu Thánh Thể thay cho những người xao nhãng việc thờ phượng ở thời điểm nay. Và nhiều, thật nhiều những bàn tay “xây dựng hòa bình” khác nữa vì “họ là con Thiên Chúa”.
Nhưng những mảng tối to lớn như trên kia cũng phải làm cho chúng ta trăn trở không ít, nhất là trong Năm Đức Tin này. Chúa muốn mỗi người Kitô hữu sống Đức Tin của mình như ngọn đèn rạng soi vào chốn tối tăm, Chúa muốn mỗi người Kitô hữu là mỗi hạt muối ướp mặn cho cuộc đời, Chúa muốn mỗi người Kitô hữu là hạt men để Chúa gieo vào trong thúng bột làm cho bột dậy men. Đèn không sáng, muối ra nhạt, men biến chất… Chúa biết làm gì bây giờ? Chẳng lẽ vất ra đường cho người ta dày đạp lên sao?
Tôi không ủng hộ việc bỏ Tết Nguyên Đán như người Nhật đã làm, nhưng tôi ước ao chúng ta sẽ sống một cái Tết Nguyên Đán thấm đượm Tin Mừng Chúa Kitô.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Mùng 7 Tết, thứ bảy 16.2.2013
Nguồn: Ephata 549