Năm mươi năm trước vào ngày 17/12/1963 ông Phát Chánh Huy - Park Chung Hee - tuyên bố là tổng thống của Hàn Quốc, với ngân khố trống rổng, sau cuộc nội chiến Nam Bắc Hàn, vừa mới kết thúc - 1953 - và phân chia ranh giới 2 miền ở vĩ tuyến 38. Khi ấy con gái của ông mới 11 tuổi.
Năm mươi năm sau, cô con gái 11 tuổi của ông khi ấy, bà Phát Cận Huệ - Park Geun Hye - cách đây 2 hôm, 25/02/2013 ngồi vào chiếc ghế nóng của ông ngày ấy, nhưng Hàn Quốc đã là một cường quốc châu Á, có nền kinh tế đứng thứ 12 của thế giới.
Năm mươi năm là một quãng thời gian hơn nửa đời người, nó đủ làm cho một đứa trẻ trở nên người bản lĩnh và chín chắn. Năm mươi năm nó cũng đủ làm một con người tham sống, sợ chết lúc trẻ trở thành một con người xem cái chết nhẹ tự lông hồng. Nhưng với lịch sử, nhiều khi chỉ là một dòng ngắn ngủi, để giáo khoa thư lưu lại sử sách cho thế hệ mai sau.
Năm mươi năm, quá ngắn khi nhìn một con người, hay một đất nước biết rũ bùn vươn thành một thế lực của toàn cầu. Nhưng năm mươi năm cũng lại là quá dài cho một dân tộc vẫn còn ngụp lặn trong hố đen của cùng khổ, vì các chính khách lầm đường lạc lối triền miên.
Năm mươi năm, hiến pháp Hàn Quốc chỉ thay đổi 1 lần vào năm 1987 của thời tổng thống Roh Tae Woo từ khi nó ra đời vào ngày 17/7/1948. Sau 39 năm là một nhà nước quân phiệt, nền kinh tế hùng cường bật dậy buộc hiến pháp Hàn Quốc phải thay đổi để phù hợp với tình hình, và biến nó trở thành một quốc gia tự do, dân chủ như hôm nay. Điều thay đổi quan trọng nhất của hiến pháp Hàn Quốc là, "Tất cả công dân đều được đảm bảo giá trị, nhân phẩm con người và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhà nước có nhiệm vụ xác định, đảm bảo quyền cơ bản và không thể xâm phạm của cá nhân" trong điều 10. Từ đó, nhân dân Hàn Quốc được quyền trực tiếp bầu ra tổng thống của mình.
Năm mươi năm đủ để một Hàn Quốc có nền văn hóa trọng nam khinh nữ đến cực đoan - do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa - có được vị nữ lãnh tụ đầu tiên cho một Hàn Quốc dân chủ và tự do đến mọi nhà.
Cũng Nam Bắc phân tranh, cũng nồi da nấu thịt tương tàn. Đất nước Đại Hàn cùng thảm kịch như Việt Nam, nhưng không "độc lập và thống nhất" như Việt Nam.
Cũng năm mươi năm ấy - mà còn hơn thế nữa, đến 67 năm - nước Việt có đến 5 hiến pháp khác nhau với 4 lần thay đổi, 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
Thay đổi nhiều, nhưng tập đoàn cầm quyền chưa bao giờ sử dụng nó để điều hành và tuần thủ nó.
Thay đổi nhiều, nhưng người dân ngày càng teo tóp dần quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc như tuyên ngôn độc lập đã được sao chép từ Hoa Kỳ và Pháp.
Thay đổi nhiều, nhưng thay đổi vì tập đoàn cầm quyền cần nó để hợp thức hóa quyền lực của mình.
Thay đổi nhiều, nhưng đất nước cứ thụt lùi, trong khi thế giới đang tiến về phía trước, đến nay, ngay cả Cambodia nước ta cũng không thể sánh bằng.
Và tất cả những điều trên đã được ông đảng trưởng tổng kết rất ngắn gọn, đơn giản và xúc tích theo kiểu mà Mao Trạch Đông đã dùng trong đại cách mạng văn hóa ở Trung Hoa: Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng, để tiêu diệt đồng đảng và bảo vệ ngai vàng.
Năm mươi năm là khoảng thời gian đủ để khoảng 5% những đứa trẻ sinh ra về với đất, nhưng sáu mươi bảy năm thì đủ thời gian để hơn 50% những đứa trẻ ấy từ giã cõi đời. Không lẽ, để cho một quốc gia mà ở đó dân giàu, nước mạnh, người dân được hưởng quyền tối thiểu làm người khó đến mức đó sao?