Hà Nội – Có một cặp vợ chồng 60 tuổi kia đang tổ chức kỷ niệm đám cưới bạc, bỗng một bà tiên xuất hiện và hứa ban cho mỗi người một điều ước. Người vợ muốn đi du lịch vòng quanh thế giới, lập tức đã có trong tay hai vé. Ông chồng liếc nhanh bà vợ rồi nói: “Tôi muốn bà ấy trẻ hơn tôi 30 tuổi.” Bà tiên vung đũa thần. Lập tức, ông chồng thành một cụ già 90 tuổi. Rồi bà tiên biến mất.
Lời bình: “Đàn ông thường ích kỷ khi nguyện ước; cầu xin gì thì sau cùng cũng chỉ là có lợi cho bản thân mình.” Dĩ nhiên đây chỉ là một câu truyên vui. Nhưng có một sự thật là ai ai cũng đều có những mơ ước và khẩn nguyện, nhất là khi Năm Mới sắp đến: mơ ước cho thế giới và quê hương, xã hội và gia đình cũng như bản thân được bình an, thịnh vượng, tiền tài, phúc lộc, sức khỏe, công danh, mọi sự được tươi sáng phát đạt hơn năm cũ.
Là một linh mục trẻ, con muốn dâng lên Thiên Chúa một nguyện ước cho chúng con gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân. Vì từ lúc khai mạc Năm Đức Tin, vâng theo lời dạy của ĐGH Bênêđictô XVI, bản thân con, các chú Đệ tử, các Soeur và học viên giáo lý đã và đang:
“Làm quen” với bản văn Kinh Thánh
Hoặc “đi tìm Ngọc Quý” bằng cách mỗi ngày đọc một đoạn Kinh Thánh, từ quyển đầu tiên đến quyển cuối cùng, theo một thời khóa biểu. Mỗi ngày chỉ với 10-12 phút gặp gỡ Chúa qua bản văn Kinh Thánh, nơi “Cha trên trời âu yếm đến gặp con cái và trò chuyện với họ” (Dei Verbum, 21), nhưng khi kết thúc Năm Đức Tin, chúng con cũng sẽ đọc xong trọn bộ Kinh Thánh! Tại thời điểm này, chúng con đã đọc được hơn 1/3 bộ Kinh Thánh rồi! Đọc trọn bộ Kinh Thánh dường như không quá khó như nhiều người nghĩ! Chỉ cần có người khởi xướng và nên làm theo nhóm để cả nhóm cùng khích lệ nhau trên tiến trình mầu nhiệm “đối thoại và hợp nhất” với Chúa.
“Làm quen” với quyển Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo
ĐGH Gioan Phaolô II nói quyển giáo lý này là “quy luật vững chắc để truyền dạy đức Tin, và do đó là một dụng cụ chính đáng cho sự hiệp thông trong Hội Thánh.” Trong thời gian học hỏi vừa qua, chúng con đã tìm được những viên “ngọc quý” quan trọng cho đức Tin, và hình thành thói quen tìm trong quyển này câu trả lời cho các vấn nạn. Các học viên chỉ cần có quyển ngắn gọn đơn giản như quyển Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo biên soạn cho giáo dân Việt Nam (1996) hoặc Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Còn bản thân con thì phải đọc quyển giáo lý đầy đủ. Nhưng cũng chưa đủ. Con thấy cần phải đọc thêm quyển Commentary on the Catechism of the Catholic Church do Michael J. Walsh biên soạn cũng như các sách khác.
“Làm quen” với tiến trình thiêng liêng
Đây là ý tưởng của Cha Bề trên Matthêu Vũ Khởi Phụng CSsR trong ngày tĩnh tâm cuối năm. Theo Cha Matthêu, truyền thống linh đạo tu đức của Hội Thánh nói đến ba giai đoạn, không hẳn tách biệt mà thường hòa lẫn, dù mỗi giai đoạn có một nét nào đó nổi bật hơn, đó là: Thanh luyện, Soi sáng và Kết hợp với Chúa. Thanh luyện là giai đoạn sơ khởi, lúc đấu tranh với tham sân si của mình. Soi sáng là giai đoạn thứ hai, lúc học thần học, suy gẫm Lời Chúa, nhờ đó tâm sáng dần dần. Ở giai đoạn này, có người có thể nói năng lợi khẩu, trình bày hấp dẫn, nhưng thật ra vẫn chỉ như em bé bập bẹ tập đọc. Giai đoạn cao nhất đó là Chiêm niệm, kếp hợp với Chúa, lúc ta như cá trong nước, như một vũ công hoặc nghệ sĩ tài ba, diễn xuất bằng tâm. Đặc biệt, giai đoạn cao nhất này không phải là kết quả nỗ lực của ta, nhưng là một Hồng Ân. Sau một thời gian ta đi theo Chúa, nay Ơn Chúa đã đến và nâng ta bay bổng lên cao.
Qua những “bài tập làm quen” trên, chúng con nhận thấy tiến trình “theo Chúa” (chính là tư cách môn đệ hoặc Tin) vừa thật gian nan vì là “con đường hẹp,” nhưng cũng là một Hồng Ân! Có vài cá nhân “tụt” lại phía sau vì không đọc Kinh Thánh kịp thời khóa biểu. Nhưng với sự động viên khích lệ và quyết tâm, anh em ấy sau cùng cũng bắt kịp mọi người. Vì vậy, nguyện ước Đầu Năm Mới của con là xin Chúa ban Ân Sủng giúp chúng con đi trọn tiến trình “làm quen” trên, có thể ví như hai giai đoạn đầu của tiến trình thiêng liêng, và cho chúng con cảm nếm đôi chút giai đoạn kếp hợp với Chúa. Chúa ơi, xin thương đoái nghe và nhậm lời! Amen.
LM. JM. Mười Một, CSsR