MỒNG MỘT TẾT QUÝ TỴ
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”
(Mat.6,31-34)
Theo quan niệm của người Á Đông chúng ta, và riêng với văn hóa Việt Nam, tết là một thời gian hết sức đặc biệt và quan trọng nhất trong năm.Người ta cật lực làm việc suốt cả năm, thu tích của cải, dành dụm chi tiêu để mong có những ngày tết đòan tụ thật vui vẻ và sung túc. Thậm chí đây là dịp để người người mạnh tay vung tiền chi tiêu cho thỏa chí tang bồng sau những ngày cày ải nơi mọi xó xỉnh hay ở những công ty lớn bé.
Tết đã trở thành một cái gì đó thiêng liêng và linh thánh, khiến người ta, bằng đủ mọi cách phải quay trở về sum họp với gia đình, ăn một bữa cơm,uống một chén rượu, nghe một câu chúc xuân , nói lên tình bằng hữu,máu mủ hay tình làng nghĩa xóm.
Tất cà thật đặc biệt và gần gũi khi những ước mơ đó luôn hướng con người vươn tới một lý tưởng thật cao đẹp,với những mục đích hướng thiện qua ba chữ : Phúc,lộc , thọ.
PHÚC LỘC THỌ
Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, ba ông Phúc-Lộc-Thọ hay con gọi là Tam Đa
· Ông Lộc là một quan tham chuyên ăn của đút lót.
· Ông Thọ lại là vị quan thực dụng, ưa xu nịnh vua để được ban thưởng, trong dinh của ông cung nữ nhiều chẳng kém ở cung vua.
· Chỉ có ông Phúc là quan thanh liêm, ngay thẳng, con cháu đề huề.
Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp các cụ Phúc, Lộc, Thọ. Các cụ thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè, có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to, rõ đẹp. Người tầm tầm thì bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng…
Theo truyền thuyết, cả ba cụ đều là người Hán và dĩ nhiên đều sinh ra ở Trung Nguyên. Và ba cụ đều làm quan to ở ba triều đại.
1.Cụ Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ Phúc Thần chủ về của cải và hạnh phúc.Cụ xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.
Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Còn theo người Hoa Hạ ở Trung Nguyên thì vợ chồng cùng tuổi là rất tốt. Họ có thể điều hòa sinh khí âm, khí dương cho nhau. Vì vậy, có thể bớt đi những bệnh tật hiểm nguy. Lại cùng tuổi nên dễ hiểu nhau, dễ thông cảm cho nhau, nên hai cụ rất tâm đầu, ý hợp. Hai cụ 83 tuổi đã có cháu ngũ đại. Lẽ dĩ nhiên phải là nam tử rồi. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là như vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu ngũ đại giữ ấm chân nhang của tổ tiên là sung sướng lắm lắm! Phúc to, phúc dày lắm lắm! Bởi thế cụ mới bế thằng bé, cháu ngũ đại, đứng giữa đời, giữa trời, nói:
- Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa.
Rồi cụ cười một hơi mà thác. Được thác như cụ mới thực sự được về cõi tiên cảnh nhàn du.
Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông và chít nội than rằng:
- Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ đầy, dày sâu, sao giời chẳng cho đi cùng…
Ai có thể ngờ, nói dứt lời cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau. Hỏi còn phúc nào bằng. Và cụ được người đời đặt tên là Phúc.
2.Cụ thứ hai là cụ Lộc.
Cụ Lộc tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Cụ Lộc Thần chủ về quan lộc và tài lộc, cầm quyền trượng.Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm lắm,cái gì của thiên hạ có cụ cũng muốn có, có bằng mọi cách,bất chấp mọi phương thế,thủ đọan . Cụ hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc.Xương sống cụ mềm như “con chi chi” để luồn,để lách miễn sao đạt được mục đích là thu vén của cải và quyền lực !
Trong nhà cụ, của chất cao như núi. Tưởng cụ Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. Cụ chỉ hiềm một nỗi, năm cụ tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy cụ lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Cụ ốm lâu lắm. Lâu như kiểu bị tai biến mạch máu não bây giờ. Cụ nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng:
- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?
3. Còn cụ thứ ba, cụ Thọ.
Cụ Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Cụ Thọ Thần chủ về trường thọ, có đầu trọc, một tay cầm trái đào và tay kia chống gậy. Một số tranh vẽ Thọ Thần còn có một con nai. Nai cũng là biểu tượng của trường thọ.Triết lý làm quan của cụ Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Cụ coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng cụ Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi cụ nhất định không nhận đút lót. Cụ chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Được bao nhiêu tiền thưởng, cụ lại đem mua gái đẹp, gái trinh về làm thê thiếp. Người đương thời đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua.
Cụ thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi cụ là ông Thọ. Trước khi về chốn vĩnh hằng, cụ Thọ còn cưới một cô thôn nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Cụ Đông Phương Sóc bảo, cụ được thọ như vậy là nhờ cụ biết lấy-âm-để-dưỡng-dương.
Do cụ Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời của cụ, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹp, thật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên cụ:
- Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua.
Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.
Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:
- Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan.
Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, tru di tam tộc thì sao?
Cụ Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi cụ chết thì con không còn, cháu cũng đã hết cơm hết gạo mà chắt đích phải làm ma, phải thay cha, thay ông, chở cụ nội. Vậy làm quan như cụ, thọ như cụ phỏng có ích gì?
Qua ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ người đời thấy, người Hoa Hạ thật là tài giỏi. Họ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.
Nhưng trong ba điều ước Phúc, Lộc, Thọ ấy chỉ có thể được một mà thôi.
Ở đời nếu chỉ hiểu giản đơn là Phúc là sự may mắn, Lộc là sự giàu sang nhiều tiền của, Thọ là sống lâu thì ai cũng mong mỏi ước muốn. Nhưng để có được ba cái chữ đó mà làm những điều trái với đạo lý luân thường thì chắc sẽ gặp quả báo. Ví như giàu có mà theo cách như ông Đậu Tử Quân, hoặc muốn sống lâu như cụ Đông Phương Sóc, thì mọi gía trị ở đời phải chăng đã đến hồi kết thúc !
Thật không phải ngẫu nhiên mà tiền nhân chúng ta đã đặt chữ phúc trên tất cả.Nó là tinh hoa và là mơ ước của cả đời người chúng ta. “Ai có phúc ,thì cứ múc mà ăn”.Phúc theo nghĩa tinh thần là tinh hoa của tất cả những gì là tốt đẹp,nhân hậu, là nghĩa, là ái.
Phúc theo tinh thần phúc âm lại là cửa ngõ để dẫn con người đến với Nước Trời qua bài gỉang Tám Mối Phúc của Chúa.Phúc chính là mơ ước và là mục tiêu mà đầu năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau,để giúp chúng ta hướng thượng và nghĩ đến những phúc lộc trên trời.
Năm mới đến, ai ai trong chúng ta cũng muốn mình được thừa hưởng những ân lộc bởi trời và cả trần thế, nhưng chúng ta phải nhớ “Nếu Chúa mà chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Điều quan trọng và trên tất cả “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
Lời cầu nguyện :
Lạy Chúa, Chúa muốn tất cả chúng con được hạnh phúc, nhưng đó là thứ hạnh phúc mà “mối mọt không xông đến được”, thứ hạnh phúc mà chỉ có những người dám đánh mất tất cả mọi gía trị trần thế để mua lấy, “ bán hết của cải cho người nghèo khó để được Nước Trời vĩnh cửu”
Chúa chính là mùa xuân vĩnh cửu, là ước mong và là đích điểm của cả cuộc đời chúng con. Xin ban thêm niềm tin và sự kiên cường, để trong mọi thử thách gian nan trong năm mới Qúy Tỵ này, chúng con vẫn một lòng trung thành với Chúa . Xin đừng để chúng con phí phạm những ân huệ Chúa ban mà làm những điều mất lòng Chúa trong năm mới này.Amen.
Lm Phan Kế Sự