Cậu học sinh lớp 10 viết lá đơn xin phép nghỉ học đáng suy ngẫm được cho là Trần Văn M. một học sinh lớp 10 của một trường THPT.
Lá đơn có đầy đủ Quốc hiệu, tiêu ngữ, tiêu đề, ngày tháng và nội dung đơn.
Nguyên văn nội dung đơn: “Hôm lay, em viết cái Đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lúc Học em quá đùa nghích và Học Hành còn yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên Được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhác nhở lên em ngĩ em không xứng Đáng làm học sinh của chường…”
Hãy khoan bàn về mặt hình thức, những lời bạn học sinh viết trong đơn đáng để chúng ta suy ngẫm. M đã dám nói thẳng, nói thật những khuyết điểm của mình. Đó là bạn còn đùa nghịch, học hành còn yếu làm ảnh hưởng đến bạn bè, thầy cô, đến lớp, đến trường. Để rồi, bạn xin được nghỉ học với một lời cảm ơn. Thiết nghĩ, những điều trên không phải là hiếm, nhưng để thẳng thắn thừa nhận và nói ra không phải ai cũng làm được. Lòng tự trọng đã không cho phép M tiếp tục “Ngồi nhầm chỗ”…hay M không thể chịu được những sức ép?
Nhưng, điều đáng nói hơn, qua lá đơn của T.V.M, cũng làm nóng lên những vấn đề về công tác giáo dục. Tại sao một học sinh lớp 10 lại viết sai lỗi chính tả khủng khiếp đến như thế? Đọc một câu mười chữ thì có đến năm sáu chữ là sai lỗi chính tả. Lời văn thì lủng củng, một câu có đến ba bốn chữ “và”… Những điều đó không được phép sai vì đúng ra, học hết lớp 1 là đã phải đọc thông, viết thạo. Đây là hiện tượng ngồi nhầm lớp. Và đáng ngại hơn là ngồi nhầm nhiều lớp.
Năm học 2006-2007, Bộ GD&ĐT phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Khi đó, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” đã trở thành một vấn nạn nhức nhối.
Theo Nhật Linh
VietNamNet