Trong cuộc họp báo trưa ngày thứ Hai 18 tháng Ba, cha Federico Lombardi đã lưu ý các ký giả nên tránh dùng cụm từ “Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng”. Thuật ngữ chính thức của buổi lễ hôm nay là Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Phêrô hay Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh vì khi kế vị Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng là Đức Giám Mục Roma, ngài cai quản trong tình yêu chứ không phải trong quyền bính thống trị người khác. Hơn thế nữa, buổi lễ này rất phong phú với các biểu tượng cho thấy mối liên kết giữa Đức Giáo Hoàng và Thánh Phêrô. Thật vậy, buổi lễ được bắt đầu tại chính địa điểm, mà theo truyền thống, Thánh Phêrô đã chịu tử đạo.
Trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô, ở phía bên trái là 250 Giám Mục và Tổng Giám Mục và 33 đoàn đại biểu từ các Giáo Hội Kitô anh em gồm có Đức Thượng Phụ Đại kết Bartholomew Đệ Nhất, Thượng Phụ tối cao Giáo Hội Armênia Tông Truyền Karekin Đệ Nhị; Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, Tổng giám mục Anh giáo Sentamu; thư ký của Hội đồng các Giáo Hội thế giới Fykse Tveit, và đông đảo các thượng phụ của các Giáo Hội Chính Thống tại Trung Đông.
Về phía bên tay phải là đại diện của 132 quốc gia trong đó có 6 vị Hoàng Đế, 31 vị Tổng Thống, 11 vị Thủ Tướng và các vị Phó Tổng Thống, Chủ tịch Quốc Hội.. .
Xa hơn một chút, bên phía bức tượng thánh Phêrô có 16 thành viên của các tổ chức Do Thái Giáo như cộng đoàn Do Thái ở Rôma, Liên Hiệp Do Thái Giáo Thế Giới, Rabbi trưởng của Do Thái tại Thánh Địa Giêrusalem, Công Nghị Do Thái Thế Giới, Liên Đoàn Chống Phỉ Báng Do Thái... và đại diện của Hồi Giáo, Phật Giáo, Đạo Sikhs. Các vị này ngồi chung với 1200 linh mục và chủng sinh là những người sẽ phụ giúp trong việc trao Mình Thánh Chúa.
Phía bên dưới tượng Thánh Phaolô là các vị đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh và chính quyền dân sự Italia.
Bên cạnh đó còn có hàng trăm ngàn anh chị em tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, lấn sang Đại Lộ Hòa Giải.
Lúc 8h45, Đức Giáo Hoàng đã rời Domus Sanctae Marthae, nơi ngài đang dùng làm văn phòng tạm thời. Ngài di chuyển qua đám đông trong các khu vực khác nhau của quảng trường để chào đón anh chị em. Trong lúc di chuyển trên chiếc popemobile để chào thăm anh chị em tín hữu, Đức Thánh Cha đã thấy một người khuyết tật.
Ngài yêu cầu tài xế dừng lại. Ngài tiến đến người khuyết tật, ngỏ lời cảm ơn ông đã đến dự lễ và ban phép lành cho ông giữa tiếng hoan hô vang dậy của các tín hữu chung quanh.
Bây giờ chúng tôi thấy Đức Thánh Cha tiến vào Đền thờ Thánh Phêrô và tiến lên bàn thờ chính được xây trên mộ Thánh Phêrô trong khi một dàn kèn đồng 14 chiếc thổi bài “Tu es Petrus”. Bên cạnh Đức Thánh Cha là 10 vị trong đó có 4 vị Thượng Phụ và 6 vị khác là các Tổng Giám Mục Trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Nghi Lễ Đông Phương.
Tại ngôi mộ Thánh Phêrô, các nghi thức rất cảm động đã diễn ra và những người tham dự đứng bên ngoài Đền thờ Thánh Phêrô có thể theo dõi qua các màn ảnh truyền hình rất lớn.
Giờ đây, Đức Thánh Cha đang tiến ra trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô để bắt đầu thánh lễ. Ca đoàn hát vang bài "Laudes Regiae" (Chúa Kitô là Vua) với một số lời nhạc trích từ Hiến Chế "Lumen Gentium", tức là “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công Đồng Vatican II về Giáo Hội.
Trước hết, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, là Hồng Y trưởng đẳng Phó Tế, là người đã công bố Habemus Papam tối thứ Tư tuần trước đã khoác lên vai Đức Giáo Hoàng một dây Pallium làm bằng lông chiên giống như dây Pallium của các Tổng Giám Mục. Tuy nhiên, trên dây Pallium của Đức Giáo Hoàng có 5 dấu Thánh Giá màu đỏ; trong khi các dấu thánh giá này màu đen trên dây của các Tổng Giám Mục.
Đức Hồng Y Daneels, Hồng Y trưởng đẳng Linh Mục đã đọc một lời nguyện trước khi Đức Hồng Y niên trưởng Angelo Sodano, là Hồng Y trưởng đẳng Giám Mục trao nhẫn Ngư Phủ cho Đức Giáo Hoàng. Trên chiếc nhẫn có khắc hình Thánh Phêrô với chiếc chìa khóa tiêu biểu cho chìa khóa nước Trời. Chiếc nhẫn này làm bằng vàng và bạc và được thiết kế bởi Enrico Manfrini cho Đức Tổng Giám Mục Macchi là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Đức Tổng Giám Mục Macchi, qua trung gian của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re đã tặng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thay vì làm một chiếc nhẫn Ngư Phủ mới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng chiếc nhẫn này làm nhẫn Ngư Phủ của ngài.
Bây giờ chúng tôi thấy 6 vị Hồng Y, 2 vị đại diện cho các Hồng Y đẳng Phó Tế, 2 vị đại diện cho các Hồng Y đẳng Linh Mục, và 2 vị đại diện cho các Hồng Y đẳng Giám Mục tiến đến trước Đức Giáo Hoàng để tỏ lòng tuân phục. Tưởng cũng nên nói thêm là sau khi Cơ Mật Viện đã bầu được Đức Giáo Hoàng thì tất cả các Hồng Y cũng đã bày tỏ sự tuân phục với ngài. Đồng thời, trong thánh lễ tới đây tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rôma, các Giám Mục, linh mục và anh chị em tín hữu Rôma sẽ bày tỏ sự tuân phục như trong buổi lễ này.
Đồng tế với ngài có 180 vị gồm có các vị Hồng Y đang có mặt tại Rôma, các vị Tổng Giám Mục các Giáo Hội Công Giáo Nghi Lễ Đông Phương và đặc biệt là hai linh mục là cha Adolfo Nicolas Pachon, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên; và cha José Rodriguez Carballo, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh En Hèn Mọn hay còn gọi là Dòng Thánh Phanxicô.
Trong Kinh Cầu Thánh, sau khi cộng đoàn kêu cầu các Thánh Tông Đồ, có thêm những lời cầu hướng đến các Thánh Giáo Hoàng, kể cả các Thánh mới được phong Thánh gần đây như Thánh Giáo Hoàng Piô X, là vị Giáo Hoàng đã được phong Thánh ngày 29 tháng 5 năm 1954.
Thánh lễ diễn ra trong bối cảnh Lễ Trọng Kính Thánh Giuse, do đó các bài đọc và bài Tin Mừng là những bài chúng ta nghe trong Lễ Trọng Kính Thánh Giuse; không có các bài đọc riêng trực tiếp liên quan đến các nghi thức Khai Mạc Sứ Vụ Thánh Phêrô.
Tin Mừng đã được công bố bằng tiếng Hy Lạp, như trong trường hợp những lễ trọng cao nhất, để cho thấy rằng Giáo Hội phổ quát được tạo thành từ những truyền thống của cả Tây phương lẫn Đông phương.
Trong bài giảng bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
"Tôi cảm tạ Chúa là tôi có thể cử hành Thánh Lễ Khởi Đầu Sứ Vụ Phêrô của tôi trong ngày lễ trọng kính Thánh Giuse, người phối ngẫu của Đức Trinh Nữ Maria và là Quan Thầy của Giáo Hội Hoàn Vũ. Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy ý nghĩa, và đó cũng là ngày lễ bổn mạng của người tiền nhiệm đáng kính của tôi: chúng ta gần gũi với ngài trong lời cầu nguyện, với đầy lòng thương mến và biết ơn.
Tôi gởi lời chào nồng nhiệt đến các Hồng Y và Giám Mục anh em của tôi, các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ, và tất cả anh chị em tín hữu. Tôi cám ơn các vị đại diện cho các Giáo Hội và các cộng đồng giáo hội khác, cũng như đại diện của cộng đồng Do Thái và các cộng đồng tôn giáo khác về sự hiện diện của họ trong buổi lễ này. Lời chào thân ái của tôi xin được gởi đến những vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, các thành viên của các đoàn đại biểu chính thức từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới, và quý vị trong ngoại giao đoàn.
Trong Tin Mừng, chúng ta đã nghe rằng "Giuse đã làm như sứ thần Chúa truyền cho ông và nhận Maria làm vợ" (Mt 1:24). Những lời này cho chúng ta thấy nhiệm vụ mà Thiên Chúa trao cho Thánh Giuse: Ngài được đặt để như người giám hộ, người bảo vệ. Người bảo vệ của ai? Thưa, của Đức Maria và Chúa Giêsu; nhưng sự bảo vệ này tiếp đó được mở rộng ra cho Giáo Hội, như Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra: "Khi Thánh Giuse chăm sóc yêu thương Mẹ Maria và vui vẻ tận hiến đời ngài trong việc nuôi dạy Chúa Giêsu Kitô, ngài đã chăm sóc và bảo vệ Nhiệm Thể Chúa Kitô, là Giáo Hội, trong đó Đức Trinh Nữ Maria là mẫu mực và một điển hình"(Redemptoris Custos, 1).
Thánh Giuse thực hiện vai trò của mình là người bảo vệ như thế nào? Thưa, kín đáo, khiêm nhường và lặng lẽ, nhưng với một sự hiện diện và lòng trung thành tuyệt đối không bao giờ lay chuyển, ngay cả khi ngài cảm thấy khó có thể hiểu được. Từ thời điểm hứa hôn của mình với Đức Maria cho đến biến cố tìm được Chúa Giêsu mười hai tuổi trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, ngài hiện diện ở mọi thời điểm với sự chăm sóc từ ái. Là phu quân của Đức Maria, ngài bên cạnh Mẹ trong mọi thời điểm lúc thịnh vượng cũng như lúc gian truân, trên hành trình đến Bethlehem trong cuộc điều tra dân số và trong những giờ phút lo lắng và vui mừng khi Mẹ hạ sinh hài nhi Giêsu, giữa những gian nan của chuyến đi trốn sang Ai Cập và trong thời gian khắc khoải tìm kiếm con trong Đền Thờ, và sau này trong cuộc sống ngày qua ngày dưới mái nhà Nazareth, trong xưởng mộc, nơi ngài truyền nghề lại cho Chúa Giêsu.
Làm thế nào Thánh Giuse có thể đáp lại lời mời gọi bảo vệ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội? Thưa, nhờ liên tục chú tâm vào Thiên Chúa, mở lòng mình ra cho những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài và tiếp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ biết đến ý riêng của mình mà thôi. Đây là những gì Thiên Chúa đã đòi hỏi nơi David, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ Nhất. Thiên Chúa không thích đền đài con người xây nên, nhưng là lòng trung tín của họ với lời Người, với kế hoạch của Người. Chính Thiên Chúa xây dựng nên đền đài, nhưng từ những viên đá sống động được ghi dấu ấn bởi Thần Khí của Người. Thánh Giuse là một “người bảo vệ" vì ngài có thể nghe tiếng Chúa và được hướng dẫn bởi thánh ý chí của Người, và vì thế, ngài nhạy cảm hơn đối với những người được ủy thác cho sự bảo vệ an toàn của ngài. Ngài có thể nhìn vào sự vật một cách thiết thực, và nhạy cảm với thực tại môi trường xung quanh của mình, để có thể đưa ra những quyết định thực sự khôn ngoan. Nơi ngài, các bạn thân mến, chúng ta học được cách đáp lại tiếng Chúa một cách sẵn sàng và hoan hỉ, nhưng chúng ta cũng thấy cốt lõi của ơn gọi Kitô, là Chúa Kitô! Chúng ta hãy bảo vệ Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta, để chúng ta có thể bảo vệ những người khác, để chúng ta có thể bảo vệ thiên nhiên!
Tuy nhiên, ơn gọi trở nên một "người bảo vệ", không phải là một cái gì đó chỉ liên quan đến các Kitô hữu chúng ta mà thôi, ơn gọi ấy cũng có một chiều kích thuần túy nhân bản, liên quan đến tất cả mọi người. Nó có nghĩa là bảo vệ tất cả các sáng tạo, bảo vệ vẻ đẹp của thế giới đã được tạo ra, như sách Sáng Thế và Thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta thấy. Nó có nghĩa là tôn trọng mỗi tạo vật của Thiên Chúa và tôn trọng môi trường mà chúng ta đang sống. Nó có nghĩa là bảo vệ con người, thể hiện mối quan tâm yêu thương với mỗi người, đặc biệt là trẻ em, người cao niên, những người túng quẫn, là những người thường khi chúng ta nghĩ đến sau cùng. Nó có nghĩa là chăm sóc cho nhau trong gia đình của chúng ta: trước hết là vợ chồng phải bảo vệ lẫn nhau, và sau đó, trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc cho con cái, và chính trẻ em, đến lượt mình lại bảo vệ cha mẹ của họ. Nó có nghĩa là xây dựng tình bạn chân thành trong đó chúng ta bảo vệ nhau trong sự tin tưởng, tôn trọng và lòng nhân hậu. Như thế, tất cả mọi thứ đều được giao cho chúng ta bảo vệ, và tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều đó. Hãy trở nên những người bảo vệ những ân sủng của Thiên Chúa!
Bất cứ khi nào con người không gánh trách nhiệm này, bất cứ khi nào chúng ta không quan tâm chăm sóc thiên nhiên và anh chị em chúng ta, con đường dẫn đến sự hủy diệt được mở ra và những con tim chai cứng lại. Thật thảm thương, trong mỗi giai đoạn lịch sử đều có "những Herôđê" là những kẻ âm mưu gieo rắc cái chết, tàn phá, và huỷ hoại dung nhan của những người nam nữ.
Tôi cầu mong tất cả những người nắm giữ những vị trí trách nhiệm trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội, và tất cả những người nam nữ thiện chí hãy vui lòng trở thành những “người bảo vệ" thiên nhiên, bảo vệ kế hoạch của Thiên Chúa ghi khắc trong tự nhiên; hãy là những người bảo vệ của nhau và của môi trường. Xin đừng để những điềm báo của sự hủy diệt và cái chết có thể tháp tùng như hình với bóng với những tiến bộ của thế giới này! Tuy nhiên, để có thể là "người bảo vệ", chúng ta cũng phải cảnh giác về chính mình! Chúng ta đừng quên rằng hận thù, ghen tị và kiêu hãnh làm ô uế cuộc đời ta! Là người bảo vệ, do đó, cũng có nghĩa là canh giữ những cảm xúc của chúng ta, canh giữ con tim chúng ta, bởi vì chúng là chỗ ngự trị của cả những ý định tốt và xấu: cả những ý định xây dựng lẫn đập bỏ! Chúng ta đừng sợ lòng tốt hoặc thậm chí là sự dịu dàng!
Ở đây tôi muốn nói thêm một điều nữa: chăm sóc, bảo vệ, đòi hỏi lòng tốt, tức là đòi hỏi một sự dịu dàng nhất định. Trong Phúc Âm, Thánh Giuse xuất hiện như một người đàn ông mạnh mẽ và can đảm, một người thợ, nhưng nơi con tim của ngài, chúng ta thấy một sự dịu dàng lớn lao, không phải là tính cách của một kẻ hèn yếu nhưng là một dấu hiệu của một sức mạnh tinh thần và một khả năng hướng đến sự quan tâm, lòng nhân hậu, sự cởi mở chân thành đối với tha nhân, và hướng đến tình yêu. Chúng ta đừng sợ lòng tốt hoặc thậm chí là sự dịu dàng!
(còn tiếp)
Trong phần Dâng của Lễ, ca đoàn đã hát bài “Tu es pastor ovium” (Ngài là Mục Tử Đoàn Chiên) là một sáng tác của Pierluigi da Palestrina được viết riêng trong dịp này.
Vào cuối buổi lễ, và sau khi thay áo lễ, Đức Giáo Hoàng đã đi đến bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường, nơi ngài đã chào đón những người đứng đầu đoàn đại biểu chính thức từ các quốc gia khác nhau.
Sau khi tiếp kiến các nhà lãnh đạo các nước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không quên các linh mục, chủng sinh và anh chị em giáo dân về những đóng góp của họ trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ngài. Ngài tiến đến chỗ các chủng sinh và các linh mục phụ giúp trong thánh lễ để cám ơn và trò chuyện rất lâu với các giáo sĩ và anh chị em bên trong Đền thờ Thánh Phêrô trước khi trở về nhà trọ Thánh Mátta để dùng bữa trưa.
Sau đó, ngài trở về Marthae Domus Sanctae để ăn trưa.
Các đoàn đại biểu khác đã được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti ngoại trưởng Toà Thánh tiếp kiến.
See Also